Phú Yên (hay còn được gọi là xứ Nẫu) có nhiều nghề truyền thống, trong đó nổi tiếng là nghề làm bánh tráng - loại bánh vừa thân thuộc vừa dân dã gắn với cuộc sống của người dân địa phương từ nhiều đời nay.
Ngoài ra, bánh tráng còn được xem là món quà quê mang nhiều ý nghĩa để biếu, tặng người thân trong mỗi lần gặp mặt hay trong các dịp lễ, Tết.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất
Những ngày này, tranh thủ nắng ấm, người dân thôn Hòa Đa (xã An Mỹ, huyện Tuy An) đỏ lửa lò làm bánh tráng phục vụ thị tường Tết. Tại cơ sở sản xuất bánh tráng Hai Thơm, nhân công luôn tay xếp bánh tráng thành từng ràng, đóng gói, chuyển đến nơi tiêu thụ.
Ông Nguyễn Hai, chủ cơ sở bánh tráng Hai Thơm, một trong những cơ sở sản xuất lớn ở làng nghề bánh tráng Hòa Đa, cho hay: Vợ chồng tôi nối nghiệp làm bánh tráng từ cha mẹ. Trước đây, mọi công đoạn đều làm thủ công nên mất thời gian, năng suất không cao. Từ năm 2010, được Nhà nước hỗ trợ 25 triệu đồng, gia đình đầu tư chuyển đổi từ làm bánh tráng thủ công sang mô hình tráng bánh máy. Đây cũng là mô hình bánh tráng máy đầu tiên ở An Mỹ khi đó. Nhờ sản xuất hiệu quả, doanh thu tăng lên đáng kể, năm 2018, gia đình tiếp tục đầu tư gần 100 triệu đồng mua thêm 2 máy nướng bánh để đa dạng thêm sản phẩm, tăng lợi nhuận. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, tôi tự nghiên cứu và làm lò sấy hơi; đồng thời đầu tư đường dây điện 3 pha để tráng và sấy bánh, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường và các hộ xung quanh.
Theo ông Nguyễn Hai, từ ngày đưa máy móc vào sản xuất, các công đoạn nặng nhọc nhất như vào bột, tráng bánh, xếp lên vỉ… đều do các loại máy trong dây chuyền làm ra một cách nhịp nhàng, chính xác. Bình quân mỗi ngày, từ 5 giờ đến 14 giờ, máy tiêu thụ khoảng 350-400kg gạo, làm được 5.000-6.000 bánh và nướng 2.000-3.000 bánh tráng mè. Nhờ vậy, cơ sở tạo việc làm thường xuyên cho 10-15 lao động tại địa phương với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Trừ chi phí, gia đình thu lãi 550 - 650 triệu đồng/năm từ sản xuất bánh tráng.
Xay bột làm bánh tráng là từ gạo 100% nguyên chất.
Hiện nay, làng nghề bánh tráng Hòa Đa có 375 hộ với hơn 2.000 nhân khẩu, trong đó có 361 lò tráng thủ công và 14 lò tráng bánh máy, giải quyết việc làm cho hơn 950 lao động tại chỗ. Sản lượng bình quân khoảng 2-3 tấn bánh thành phẩm/ngày, trong đó 2/3 số bánh được chuyển ra ngoài huyện và các tỉnh lân cận, số còn lại tiêu thụ tại chỗ.
Nhân công luôn tay xếp bánh tráng thành từng ràng phơi nắng.
Không riêng tại làng nghề Hòa Đa, những ngày ngày, người dân ở làng nghề bánh tráng Đông Bình (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) cũng rất tất bật. Vừa luôn tay phơi bánh, bà Nguyễn Thị Yến, chủ một cơ sở sản xuất bánh tráng ở làng nghề này vừa cho biết: Chúng tôi làm nghề theo kiểu cha truyền con nối, đến nay đã gần 20 năm. Ngày trước, gia đình chủ yếu tráng bánh thủ công, mỗi ngày dùng 20 - 30kg gạo, ra thành phẩm 400 - 600 bánh. Những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng, chúng tôi đầu tư máy tráng bánh với công suất 2.500 - 3.000 bánh/ngày, tương đương với việc tráng hết 125 - 150kg gạo. Từ giữa tháng 10 âm lịch trở đi, vào mùa tráng bánh phục vụ Tết, cơ sở còn làm nhiều hơn. Bánh tráng đến đâu, có người đặt hàng tiêu thụ hết đến đó nên không lo ế.
Theo đại diện UBND xã Hòa An, làng nghề bánh tráng Đông Bình là làng nghề thủ công truyền thống hình thành cách nay hàng trăm năm, nổi tiếng khắp tỉnh. Hiện nay, làng nghề có 75 hộ làm bánh tráng với 300 lao động, trong đó có 4 cơ sở đầu tư công nghệ sản xuất dây chuyền, 71 lò tráng thủ công. Nguồn nước làm bánh tráng cũng được khơi từ chính mạch nước ngầm của làng Đông Bình. Với lợi thế gần trung tâm thành phố, có sẵn vùng nguyên liệu gạo dồi dào, nhiều nhà máy xay xát tại chỗ, địa bàn tiêu thụ lớn nên sản phẩm của làng nghề đạt chất lượng, tiêu thụ ổn định. Ngoài cung cấp bánh trong tỉnh, bánh tráng Đông Bình còn tiêu thụ mạnh ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Hiện tại, mỗi ngày bình quân một lò bánh tráng sản xuất khoảng 2.000 cái, mùa Tết thì 2.500-3.000 cái, thậm chí có thể nhiều hơn.
Di sản phi vật thể quốc gia
Nghề làm bánh tráng phân bố rộng khắp tỉnh Phú Yên. Trong đó tập trung ở vùng đồng bằng, tiêu biểu như: thôn Đông Bình (xã Hòa An, huyện Phú Hòa), thôn Hòa Đa (xã An Mỹ, huyện Tuy An), khu phố Mỹ Lệ Tây và Mỹ Lệ Đông (thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa), thôn Bình Thạnh (xã Xuân Bình, TX. Sông Cầu), khu phố Long Bình (thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân). Các làng nghề góp phần tăng thu nhập cho người dân, ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Người dân Phú Yên đỏ lửa lò làm bánh tráng phục vụ Tết.
Năm 2022, Nghề làm bánh tráng ở Phú Yên được công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia, thể hiện nỗ lực của tỉnh trong việc khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống. Ông Huỳnh Từ Nhân, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa (Sở VH-TT-DL Phú Yên), cho biết: “Nhiệm vụ trước tiên là cần điều tra, quy hoạch tổng thể làng nghề bánh tráng Phú Yên. Từ đó xác định các mục tiêu dài hạn và tạo điều kiện phát triển bền vững làng nghề. Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh các giải pháp cụ thể để bảo vệ và phát triển làng nghề”.
Trong điều kiện xã hội ngày càng phát triển, nghề làm bánh tráng truyền thống cũng chịu sự tác động mạnh mẽ, tạo ra những thay đổi đáng kể. Lao động làng nghề hiện nay đa số là người trung niên hoặc lớn tuổi, số lao động trẻ thường đi làm ăn xa, có việc làm và thu nhập ổn định, vì vậy, ít tham gia phát triển làng nghề. Không chỉ vậy, nghề tráng bánh thủ công với lò đất, bếp lửa và những chiếc bánh tráng tay đang đứng trước sự cạnh tranh lớn, đó là sự ra đời của những dây chuyền tráng bánh bằng máy hiện đại, năng suất gấp hàng chục lần so với tráng thủ công.
Hiện nay, một số làng nghề đã tổ chức hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm liên kết các hộ gia đình, đặt chung một số tiêu chuẩn sản xuất và định mức phù hợp để không có loại bánh thứ phẩm, nhà lò nào không đáp ứng được yêu cầu sẽ tự loại khỏi làng nghề, tạo ra sự cạnh tranh trong sản xuất để chất lượng bánh ngày càng tốt hơn.
Theo Sở Công Thương Phú Yên, hiện đơn vị đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm khôi phục và phát triển các cơ sở làng nghề bánh tráng truyền thống. Cụ thể, thông qua hoạt động khuyến công, Sở đã hỗ trợ các làng nghề xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất; tư vấn, thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm; đào tạo nghề; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm; bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, tổ chức hội chợ triển lãm… Nhờ vậy, một số làng nghề bánh tráng đã được khôi phục và ngày càng phát triển ổn định, các cơ sở được hỗ trợ mua máy móc phục vụ hoạt động sản xuất, sản phẩm của làng nghề bánh tráng được nâng cao về chất lượng và đa dạng về mẫu mã, ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Một số sản phẩm làng nghề còn đạt chứng nhận sản phẩm OCOP. Đây là tiền đề để bánh tráng Phú Yên xây dựng được thương hiệu và ngày càng vươn xa trên toàn quốc.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.