Theo dự báo, từ ngày 7 - 9/9, dự kiến trên địa bàn Hà Nội sẽ có mưa to, gió lớn, nguy cơ thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là tình trạng ngập úng đối với những diện tích lúa vụ mùa 2024, thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp là điều khó tránh khỏi.
Ngập lụt là không tránh khỏi
Mới đây trong đợt mưa lớn kéo dài hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8/2024, hàng ngàn hecta lúa của bà con nông dân các huyện ven sông Bùi, sông Tích, thuộc địa bàn các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Mỹ Đức, Thanh Oai… đã bị ngập sâu nước.
Diện tích lúa vụ mùa 2024 tại huyện Mỹ Đức đang đến thời điểm thu hoạch.
Mặc dù, chính quyền các cấp và ngành nông nghiệp đã khẩn trương hỗ trợ, hướng dẫn người dân khắc phục hậu quả ngập úng nhưng hàng trăm héc-ta lúa vụ Mùa 2024 đã bị “mất trắng”.
Theo dự báo Cơn bão số 3 là cơn bão mạnh, phạm vi gây ảnh hưởng lớn kéo theo lượng mưa cao, nguy cơ gây ra ngập úng đối với vùng trũng và các khu vực khác của Hà Nội là không tránh khỏi, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng của lúa và các loại sản phẩm nông nghiệp, dẫn đến mục tiêu đạt năng suất 59,6 tạ/ha lúa mà ngành nông nghiệp đặt ra là khó đạt.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm DBKTTVQG cho biết, đây là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh trên cấp 8 có bán kính 250 km, vùng có gió mạnh trên cấp 10 khoảng 150 km, vùng có gió mạnh trên cấp 12 khoảng 80 km xung quanh tâm bão.
Do đó, khi cơn bão di chuyển vào đất liền, nguy cơ xảy ra mưa lớn là rất nghiêm trọng, có thể gây ra lượng mưa từ 300 - 400 mm cho các địa phương. Với lượng mưa lớn như vậy, nguy cơ ngạp úng là rất cao.
Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội Đào Quang Khải cho biết, thực tế, những ảnh hưởng ngập úng gây thiệt hại đối với cây trồng nói chung, trong đó có cây lúa đã không chỉ dừng ở mức cảnh báo.
Do đó chủ động đối phó với cơn bão, sử dụng phương tiện “4 tại chỗ” để xử lý các sự cố xảy ra là rất cần thiết.
Chủ động ứng phó
Theo Chủ tịch Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Đáy Trần Đình Cường, để chủ động ứng phó nguy cơ ngập úng cây trồng, đơn vị liên tục đưa ra cảnh báo và đề nghị các xí nghiệp thuỷ lợi trực thuộc tổ chức ứng trực 24/24 giờ để ứng phó kịp thời với mưa lớn.
Công nhân ngành thuỷ lợi tập trung khơi thông dòng chảy.
“Công ty đã huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu, kiểm tra tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh tiêu đảm bảo tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng…”, ông Trần Đình Cường thông tin thêm.
Hiện nay, ngành thuỷ lợi cũng đã xây dựng phương án vận hành các trạm bơm tiêu thoát nước tương ứng với các kịch bản về cường độ mưa khác nhau. Trong đó, nếu mưa cao nhất từ 200 - 300m, sẽ vận hành 324 trạm bơm với tổng công suất hơn 4 triệu m3/giờ…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, hiện nay, đối với diện tích lúa đã đến thời kỳ thu hoạch, Sở đang chỉ đạo, khuyến cáo người dân các địa phương tập trung máy móc thiết bị và nhân lực nhanh chóng thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để hạn chế tối đa thiệt hại do mưa bão số 3 gây ra.
Chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường kiểm tra đồng ruộng, bám sát cơ sở, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3 để có biện pháp chủ động ứng phó. Trong đó, chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại ngay khi thời tiết thuận lợi
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, xây dựng phương án phòng, chống ngập úng; xác định những diện tích có nguy cơ ngập úng cao để theo dõi chặt chẽ và kịp thời khoanh vùng tiêu úng nhanh khi mưa lớn xảy ra.
Nếu không làm tốt được công tác phòng chống ngập úng, nguy cơ lúa bị ngập và mất trắng sẽ rất dễ xảy ra. Vì vậy để bảo đảm được mục tiêu đề ra, rất cần phải có biện pháp và phương án xử lý ngập úng kịp thời.