Hà Nội đang đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình sản xuất hữu cơ, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, đưa ra thị trường những những sản phẩm có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng.
Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Hiện nay, sản xuất hữu cơ đang là lựa chọn của nhiều địa phương trên cả nước, nhằm xây dựng nền nông nghiệp an toàn, bền vững, tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, ít gây tác động xấu cho môi trường.
Hà Nội đã và đang đẩy mạnh nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đưa ra thị trường những sản phẩm ngon, sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.
Chăm sóc rau an toàn tại Sóc Sơn
Giám đốc HTXNN Thụy Lâm Nguyễn Thị Cúc (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh) cho biết, Năm 2010, đánh dấu bước chuyển lớn trong canh tác lúa truyền thống ở xã Thụy Lâm, khi người dân nơi đây được hỗ trợ chuyển đổi sang Hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI). Thụy Lâm ngày đó cũng là một trong những địa phương đầu tiên của Hà Nội áp dụng phương thức canh tác tiến bộ này. Canh tác SRI giúp giảm chi phí thóc giống, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón, giảm sâu bệnh và đặc biệt là góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cho lúa. Với chất lượng vượt trội, cuối năm 2013, sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng của xã Thụy Lâm đã được các cơ quan quản lý Nhà nước cấp nhãn hiệu tập thể.
Huyện Sóc Sơn có 16 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ; chăn nuôi lợn sinh học; trồng nấm… Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Trung Giã (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Văn Thắng cho biết, với gần 2ha rau hữu cơ, hợp tác xã đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng nhà sơ chế, đóng gói, bảo quản rau hữu cơ, rau VietGAP. Hợp tác xã áp dụng tiêu chuẩn “5 không” (không phân bón hóa học, không sử dụng hóa chất, không thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ, không thuốc kích thích); đồng thời, hướng dẫn nông dân tự ủ những mẻ phân hữu cơ để phục vụ cho việc canh tác rau màu. Nhờ vào chất lượng sản phẩm, rau hữu cơ của hợp tác xã tiêu thụ ổn định, giá cao hơn 10-15% so với sản xuất rau truyền thống.
Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến nông sản Bảo Minh (quận Hoàng Mai) Bùi Thị Hạnh Hiếu, hiện công ty đang liên kết với nông dân trong sản xuất lúa gạo khoảng 20.000ha, trên địa bàn 20 tỉnh, thành phố để xây dựng các vùng nguyên liệu hữu cơ phục vụ chế biến sâu. Nhờ liên kết chuỗi trong sản xuất lúa hữu cơ, sản phẩm của công ty bảo đảm chất lượng, có mặt ở hầu hết các siêu thị trên địa bàn cả nước.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ liên kết chính là “chìa khóa” giúp phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia.
Để nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, trong thời gian tới, huyện lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của địa phương, hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và áp dụng quy trình sản xuất, chế biến hữu cơ tiên tiến, hiện đại. Cùng với đó là kiểm soát tốt các nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho người sử dụng, hướng đến phát triển nền nông nghiệp có giá trị cao, bền vững, thân thiện với môi trường. Huyện Sóc Sơn xác định hỗ trợ tối đa các đơn vị sản xuất công nghệ cao, hữu cơ từ khâu tổ chức sản xuất đến quảng bá thương hiệu cũng như tiêu thụ sản phẩm.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Vũ Thị Hương, toàn thành phố hiện có 2.000ha trồng trọt hữu cơ và 10,1ha nuôi trồng thủy sản hữu cơ. Nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với xu thế phát triển của nông nghiệp hiện đại. Thời gian qua, trung tâm tích cực hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình khuyến nông VietGAP và theo hướng hữu cơ làm tiền đề để sau 3-5 năm sẽ xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ đạt chuẩn, chất lượng cao. “Các hộ dân được cán bộ khuyến nông chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ để nhân rộng trong sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu nông sản hữu cơ trên địa bàn thành phố. Qua đó, góp phần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi liên kết, nâng cao năng lực canh tác cho nông dân, tăng hiệu quả đơn vị diện tích trên đồng ruộng”, bà Vũ Thị Hương cho hay.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, ngành Nông nghiệp hỗ trợ các địa phương xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, bảo đảm ưu thế cạnh tranh trên thị trường; gắn xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP - Chương trình mỗi xã một sản phẩm - để nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; tăng cường tổ chức hội chợ, ứng dụng internet quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp đưa sản phẩm hữu cơ vào các kênh phân phối hiện đại và hướng tới xuất khẩu.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp nông dân làm chủ sản xuất
Vừa qua Sở NN&PTNT Hà Nội vừa phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh tổ chức "Diễn đàn khuyến nông @ nhịp cầu nhà nông", nhằm giúp người dân cập nhật kiến thức khoa học, kỹ thuật, chính sách phát triển nông nghiệp. Những sự kiện như vậy hướng tới việc góp phần hình thành vùng nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nhân dân trên địa bàn huyện.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua cho biết, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận, đồng thời thay đổi nhận thức của người dân, chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp hiện đại; chú trọng đến yếu tố thị trường, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất. Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp giúp nông dân làm chủ được sản xuất.
Nông dân Hà Nội áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng lan
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Đoàn Đức Dân cho biết, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội còn triển khai có hiệu quả chương trình khuyến nông thông qua việc xây dựng trình diễn các mô hình, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho bà con nông dân. Nhờ đó, đã giúp tăng năng suất cây trồng, vật nuôi từ 20-25%, cho hiệu quả kinh tế tăng khoảng 30-35%, hạn chế dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường và bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm…
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Thị Thanh Tám, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, trong những năm qua, huyện Mê Linh đã triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của Trung ương, thành phố cũng như của huyện. Hiện tại, huyện đang duy trì và phát triển các vùng trồng trọt chuyên canh ổn định có quy mô từ 20ha/vùng trở lên, như sản xuất lúa chất lượng cao tại các xã Liên Mạc, Tam Đồng, Tự Lập, Thanh Lâm; cây ăn quả ở các xã Hoàng Kim, Chu Phan...
“Một số vùng sản xuất, nông dân đã dần chuyển dịch từ cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao, như: Ngô thu bắp non, cây rau, hoa hồng thế, hoa trồng chậu, hoa thảm, hoa ly... Việc sử dụng công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất, như hệ thống nhà màng, nhà lưới, tự động... đã từng bước đáp ứng nhu cầu sản phẩm ngày càng cao của thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân”, bà Nguyễn Thị Thanh Tám cho hay.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh Nguyễn Thị Chinh, trong thời gian tới, trung tâm tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân để áp dụng vào thực tiễn. Các lớp tập huấn sẽ được xây dựng nội dung kỹ lưỡng, thực hiện nghiêm túc nhằm bổ sung thêm kiến thức mới cho người dân về trồng trọt, chăn nuôi, ứng dụng hiệu quả vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân cho rằng, trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, nông dân muốn tiêu thụ được sản phẩm thì nông sản làm ra phải bảo đảm an toàn. Việc tiếp thu và vận dụng tốt những thông tin hữu ích từ các chuyên gia, giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, góp phần tăng thu nhập. Chính vì vậy, huyện Mê Linh cần nắm bắt nhu cầu của nông dân để có biện pháp hỗ trợ cụ thể theo hướng “cầm tay chỉ việc”, giúp nông dân tiếp cận khoa học, kỹ thuật, nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt.
Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật nhu và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch của người tiêu dùng, đòi hỏi sản xuất nông nghiệp phải ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và cần nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ để bảo vệ sức khỏe cho người dân. Đây không chỉ là đòi hỏi của thị trường mà còn là hướng đi tất yếu cho nông nghiệp Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Nguồn: hanoimoi.vn và sonongnghiephanoi.gov.vn