Thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra là rất lớn, không những về tài sản mà cả về con người. Ngoài ra, bão còn gây thiệt hại nặng nề đối với sản xuất nông nghiệp. Ngay sau khi bão tan, nước lũ rút, Hà Nội đã chỉ đạo khắc phục khó khăn để khôi phục sản xuất nông nghiệp, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Nhiều địa phương thiệt hại nặng do bão số 3 gây ra đối với sản xuất nông nghiệp
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thương tích và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hà Nội, tính từ ngày 6/9 đến 7h sáng 9/9/2024, cơn bão số 3 đã gây mưa bão, giông lốc trên địa bàn của thành phố Hà Nội, mưa lớn và giông bão đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp ở khu vực ngoại thành.
Theo Thống kê của các quận, huyện, thị xã, Hà Nội có 2.243ha lúa, 2.435ha rau màu, cây ăn quả, cây hàng năm bị ngập; 24.361ha lúa, 36.424ha rau màu, cây ăn quả, cây hàng năm bị ảnh hưởng, đổ, dập nát; 408ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng...
Hàng trăm ha lúa bị đổ rạp tại huyện Quốc Oai.
Nặng nề nhất là tại các địa bàn ngoại thành Hà Nội, đó là huyện Thạch Thất 397ha lúa và 25,5ha rau màu bị ngập, Thanh Trì ngập 527ha lúa, Gia Lâm 790ha lúa và 190ha cây ăn quả và rau màu bị ngập, Mê Linh có 457ha rau màu bị ảnh hưởng dập nát, Phúc Thọ 184ha lúa và 54ha rau màu bị ngập. Thậm chí, các huyện Thường Tín có 670ha lúa, hoa màu bị ngập, Ứng Hòa là 2.000ha lúa, hoa màu bị ngập do bão số 3 và hoàn lưu bão, mưa lũ gây ra.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng cho biết, toàn huyện có 479ha lúa bị đổ; 140,7ha cây rau màu và 136,7ha cây ăn quả bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, huyện Đông Anh không có thiệt hại về người.
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Nguyễn Đức Học cho biết, cơn bão số 3 và mưa lũ trong những ngày qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn huyện. Toàn huyện có 14.667 con gia cầm bị chết; 156ha thủy sản bị thiệt hại do mưa lũ gây ngập hoàn toàn, tập trung ở các xã: Đông Phương Yên, Nam Phương Tiến…
Thông tin của Ban chỉ huy PCTT & TKCN huyện Mê Linh, sau khi bão số 3 đi qua, trên địa bàn Huyện không ghi nhận thiệt hại về người, không có nhà dân sập, đổ; không xảy ra tình trạng ngập úng trong các khu dân cư, giao thông đảm bảo thông suốt, các hoạt động sản xuất, dân sinh cơ bản hoạt động bình thường. Tuy nhiên toàn Huỵện có khoảng 250 ha lúa và hoa màu bị đổ; 01 bè cá bị sóng đánh chìm, 01 lồng cá bị hư hại (hộ dân nuôi trên sông Hồng thuộc xã Chu Phan).
Ở huyện Quốc Oai bão số 3 đã làm cho 210ha lúa đổ, 676ha lúa bị ngập, 20ha cây ăn quả bị ảnh hưởng, 181ha diện tích nuôi trồng thủy sản ảnh hưởng, 7 mái tôn bị lật, 8 cột điện đổ…
Quận Tây Hồ có 35,5ha quất bị ngập, thiệt hại khoảng 37,05 tỷ đồng, trong đó, phường Tứ Liên bị ngập 35ha, phường Nhật Tân là 0,5ha.
Nhiều vườn đào của bà con nông dân tại Tây Hồ bị ngập
Đáng chú ý, 105ha trồng đào trên địa bàn quận đã bị ngập do mưa lũ, thiệt hại khoảng 85,26 tỷ đồng. Trong đó, phường Nhật Tân bị ngập 80ha; phường Phú Thượng là 25ha.
Bên cạnh đó, 20,6ha hoa màu cũng bị ngập lụt, thiệt hại khoảng 9,87 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở khu vực bãi trũng và bãi đá phường Nhật Tân.
Bên cạnh đó giông lốc, mưa bão đã làm 101.721 cây xanh các loại bị gãy đổ, bật gốc, 1.790 cây bị gãy cành. Địa phương có nhiều cây xanh bị gãy đổ, gồm: Huyện Phú Xuyên với 11.346 cây, Chương Mỹ 7.764 cây, Gia Lâm 4.868 cây, Thanh Trì 4.793 cây, Thường Tín 4.328 cây... Dông lốc, mưa bão còn làm 28.607 mái nhà, chuồng trại chăn nuôi lợp tôn bị lật, 476 sự cố về điện, 880 cột điện gãy đổ, 189 ô tô và 13 mô tô bị hư hỏng do cây đổ...
Hỗ trợ kịp thời để khôi phục sản xuất cho nông dân
Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Công Vũ Đức Hiệp cho biết, các hộ áp dụng công nghệ cao đều là những hộ đầu tư lớn, có hộ đầu tư cả tỷ đồng. Nay thiệt hại nặng nề, người dân mong các sở, ngành tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ khẩn cấp để người dân có thể sửa chữa, khắc phục và sớm trở lại sản xuất.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Thị Thanh Tám cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 1.665ha diện tích hoa màu, trong đó lúa 1.208ha bị nghiêng, đổ (không bị úng ngập) tại các xã: Liên Mạc, Thanh Lâm, Tam Đồng, Tiến Thịnh, Tiến Thắng, Tự Lập... Hiện lực lượng dân quân tự vệ, hội phụ nữ, đoàn thanh niên... hỗ trợ nông dân khắc phục dựng buộc diện tích lúa, cơ bản hoàn thành, bảo đảm lúa tiếp tục sinh trưởng tốt. Đối với 457ha rau màu bị dập nát, các lực lượng tại địa phương giúp đỡ bà con thu hoạch, dọn dẹp, vệ sinh đồng ruộng, tổ chức gieo trồng bổ sung bảo đảm diện tích gieo trồng.
Giúp đỡ bà con dựng lại lúa bị đổ tại huyện Mê linh
Bí thư Đảng ủy xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì) Trần Quốc Oai, sau khi bão tan, công tác khắc phục được triển khai ngay trên địa bàn, bảo đảm an toàn, sinh hoạt cho người dân. Xã cũng chủ động phối hợp với Xí nghiệp thủy lợi Thanh Trì tích cực bơm tiêu úng, yêu cầu các đơn vị tiếp tục thống kê thiệt hại, báo cáo cấp trên để thực hiện chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại do ảnh hưởng thiên tai theo quy định.
Để khắc phục tình trạng ngập úng trên địa bàn, Xí nghiệp thủy lợi Gia Lâm vận hành 32 máy bơm phục vụ việc tiêu thoát nước, công suất 70.000m3/h…
Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết, huyện cũng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương xử lý các sự cố về điện trên địa bàn, cung cấp điện cho nhân dân và chạy các trạm bơm phục vụ tiêu thoát nước; xử lý, khắc phục diện tích sản xuất nông nghiệp, các tài sản bị hư hỏng do mưa bão gây ra; chỉ đạo Xí nghiệp Thủy lợi Gia Lâm, Xí nghiệp Thoát nước số 5 phối hợp với các hợp tác xã nông nghiệp vận hành các trạm bơm, bảo đảm việc tiêu thoát nước khu dân cư, tiêu úng tại các vùng sản xuất nông nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Phùng Khắc Sơn, huyện đang tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân tổ chức khắc phục hậu quả trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhất là các diện tích lúa, cây hoa màu bị đổ, bị ngập.
Ngay sau khi cơn bão tan, nhân dân trên địa bàn huyện đã xuống đồng nhanh chóng dựng lại diện tích lúa bị đổ, vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, chế phẩm vi lượng cho cây nhanh chóng phục hồi; chỉ đạo tiêu nước đệm giảm nguy cơ ngập úng khi có mưa lớn.
Khẩn trương khôi phục sản xuất nông nghiệp
Để giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, những ngày qua, các lực lượng cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, đoàn viên, thanh niên đã chung tay, góp sức hỗ trợ nông dân khu vực ngoại thành Hà Nội khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu; những diện tích trồng lúa chưa thể thu hoạch bị đổ sau bão được dựng, buộc lại nhằm giảm thiệt hại… Tuy vậy, do mưa lũ lớn, phức tạp, diễn ra trong nhiều ngày nên dự báo ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ thiệt hại nặng nề, nhiều khu vực nông dân sẽ trắng tay sau lũ.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc khôi phục lại sản xuấ nông nghiệp, Ban Thường vụ thành uỷ Hà Nội đã đề ra 7 nhiệm vụ cấp bách chỉ đạo về ứng phó và các biện pháp khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn thành phố.
Trong đó đặt nhiệm vụ khôi phục sản xuất nông nghiệp ở vị trí số 1, theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu: Kịp thời triển khai vận hành các trạm bơm tiêu phòng, chống úng, ngập, bảo đảm đủ điện phục vụ sản xuất.
Nhiệm vụ đặt ra với các địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại là rất nặng nề, trong đó giúp người dân khắc phục thiệt hại ngay trước mắt, bảo vệ, khôi phục cho được các diện tích lúa, hoa màu có thể cứu được sau lũ, cần khẩn trương chuẩn bị đầy đủ nguồn vật tư nông nghiệp, cây con giống, máy móc trang thiết bị… để tiến hành sản xuất ngay khi nước lũ rút đi.
Để tiêu úng ngập kịp thời, Hà Nội đã vận hành 203 trạm bơm tiêu, với 776 máy bơm. Ngành nông nghiệp cũng đã huy động khơi thông, tua vớt rác, bơm hút nước giải tỏa các điểm úng ngập cục bộ; duy trì ứng trực 100% quân số từ ngày 6/9, tổ chức vận hành các trạm bơm, hệ thống tiêu, tính đến sáng ngày 8/9 đã giải quyết xong các điểm úng ngập.
Để khắc phục kịp thời, ngành nông nghiệp chỉ đạo các đơn vị, địa phương nhanh chóng triển khai các biện pháp tiêu úng, khơi thông dòng chảy, nạo vét mương máng… Đối với trà lúa sớm, có khoảng 6.983ha đang giai đoạn chín sáp, dự kiến sẽ thu hoạch từ ngày 10 đến 15/9 nên bà con nông dân cần tiến hành thu hoạch khẩn trương, nhanh chóng.
Đối với trà lúa trung và muộn đang giai đoạn trỗ và chắc xanh, dự kiến thu hoạch từ ngày 20/9 đến ngày 5/10 nhưng đã bị đổ do mưa, giông. Vì vậy cần hướng dẫn nông dân khẩn trương bó lúa, để chống đổ và giữ mực nước 5-7cm để lúa trỗ bông, bảo đảm chất lượng lúa.
Đối với rau màu, khi nước rút cần làm vệ sinh đồng ruộng, xói xáo phá váng đất; khi cây trồng phục hồi thì triển khai chăm sóc theo quy trình từng loại cây. Đối với cây ăn quả, khi rút nước cũng tiến hành xới đất nhẹ, phá váng lớp đất bề mặt để thông thoáng, phục hồi cây.