Một trong những xu hướng để phát triển nông nghiệp trong tương lai đó là sản xuất nông sản an toàn và ứng dụng công nghệ cao cho chăn nuôi. Hướng đi này, vừa nâng cao được giá trị sản phẩm nông sản, vừa tăng năng suất, đồng thời cung cấp cho thị trường sản phẩm bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
Chăn nuôi công nghệ cao để kiểm soát dịch bệnh và tăng năng suất
Hà Nội trong thời gian vừa qua có nhiều HTX, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Nhiều mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đã cho hiệu quả kinh tế rất cao.
Không những vậy, ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi còn góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm và phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Một trong những doanh nghiệp ứng dung công nghệ cao vào chăn nuôi thành công nhất, phải nói đến Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng. Với quy mô 5ha, Công ty đã nuôi 20 vạn gà bố mẹ và áp dụng công nghệ vào sản xuất với 100 máy ấp nở.
Công ty CP Giống Gia cầm Ngọc Mừng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất
Giám đốc Công ty Hoàng Mạnh Ngọc cho biết, Để kiểm soát toàn bộ quy trình nuôi, công ty đã đưa công nghệ 4.0 vào các khâu kiểm soát nhiệt độ và nhiệt độ trạm ấp. Hệ thống cho gà ăn, uống trong trang trại đều được tự động hóa. Nhờ đó, đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt và ít xảy ra dịch bệnh, mỗi tháng, công ty cung cấp cho thị trường khoảng 600.000 con gà giống các loại, cho doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Có 400 lợn nái và hơn 4.000 lợn thương phẩm, để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và kiểm soát dịch bệnh, thời gian qua, Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai) đã ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi theo hướng an toàn.
Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Trọng Long cho biết, tất cả thức ăn nhập kho đều được xử lý qua hệ thống khử khuẩn trước khi phối trộn để giết chết vi khuẩn, vi rút có hại và giảm giá thành trong chăn nuôi. Hợp tác xã cũng trang bị máy ozon sát trùng hiện đại, bảo đảm khâu phòng bệnh. Riêng khu chăm sóc lợn giống được nằm trong khu “chung cư”, được lắp các bóng đèn công nghệ cao, vừa để dùng sưởi ấm, vừa sát trùng cho lợn giống. Hệ thống chuồng trại chăn nuôi luôn có quạt thông, hút gió, bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm phù hợp, được vệ sinh sạch sẽ…
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho biết, Hà Nội hiện có 557 trang trại sử dụng công nghệ chuồng kín; 26 trang trại sử dụng công nghệ dây chuyền cho ăn uống tự động; 200 trang trại sử dụng công nghệ bán tự động; 35 trang trại sử dụng công nghệ nuôi trên sàn nhựa... Hiện có rất nhiều trang trại áp dụng hệ thống chuồng khép kín, điều khiển tiểu khí hậu chuồng nuôi, có thiết bị cho ăn bán tự động, vòi uống tự động cho lợn; gà uống nước theo nhu cầu; lắp đặt camera để giám sát từ xa toàn bộ chuồng trại.
Không chỉ ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi , nhiều mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh giúp tăng sức đề kháng, giảm khẩu phần thức ăn, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh, khử mùi hôi, nâng cao sản lượng, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trên thị trường.
Đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để quản lý, xử lý chất thải trong chăn nuôi, như: Sử dụng hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải của lợn làm phân bón hữu cơ; sử dụng các chế phẩm sinh học EM, đệm lót chuồng sinh học, hệ thống xử lý chất thải… không những bảo vệ môi trường, mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững.
Sản xuất nông sản an toàn để nâng cao chất lượng
Không chỉ có ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi, nhiều hợp tác xã cũng đã xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi liên kết, bảo đảm an toàn thực phẩm. Không chỉ giúp các ngành chức năng kiểm soát được chất lượng bán trên thị trường mà còn xây dựng thương hiệu để hướng tới xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực của Hà Nội.
Mô hình sản xuất dưa lưới an toàn tại xã Hoa Sơn (huyện Ứng Hòa) mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Hương Giang
Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Thượng xã Hoa Sơn (huyện Ứng Hòa) được sự hỗ trợ của huyện, hợp tác xã triển khai thí điểm trồng 5ha rau an toàn. Nhận thấy hiệu quả, đơn vị đã mở rộng diện tích sản xuất lên 27ha và được Sở NN&PTNT Hà Nội chứng nhận là vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn.
Hợp tác xã đầu tư trồng rau trong nhà kính, đồng bộ với giàn tưới nước, phun sương tự động, sử dụng hoàn toàn phân bón sinh học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Do sản xuất theo hướng công nghệ cao, hạn chế dịch bệnh, chủ động được chế độ dinh dưỡng cho cây nên đạt năng suất, chất lượng cao gấp nhiều lần so với trồng rau theo phương thức truyền thống.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Thượng xã Hoa Sơn (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Xuân Nghĩa nói: “Nhờ bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm, rau an toàn của hợp tác xã tiêu thụ ổn định và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng”.
Hợp tác xã Sản xuất, chế biến nông sản Yến Anh (huyện Ba Vì) chuyên sản xuất, chế biến nông sản sạch như: Ngô, khoai, sắn, dừa… Toàn bộ sản phẩm của đơn vị đều được kiểm soát nguồn gốc xuất xứ và có thương hiệu. Trong đó có 3 sản phẩm như: Ngô chiên bơ, khoai lang kén, bánh sắn nướng cốt dừa được công nhận đạt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Phạm Thị Tư Hậu cho biết, nhờ được kiểm soát nguồn gốc, nên trung bình mỗi tháng, hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 100 tấn sản phẩm từ ngô, khoai, sắn, dừa. Riêng sản phẩm “Bánh sắn phomai” đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ với số lượng lớn và duy trì đơn hàng cố định...
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông sản Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hà Tiến Nghi thông tin, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 13.739 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và 15.808 hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể thực hiện sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản.
Thời gian qua, chi cục đã phối hợp với các địa phương hỗ trợ các cơ sở xây dựng, áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất chế biến thực phẩm như VietGAP, HACCP, ISO 22000 nhằm nâng cao chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm. Đến nay, đã hỗ trợ được 95 cơ sở xây dựng, áp dụng, được cấp chứng nhận chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo HACCP, 45 cơ sở được hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Hiệu quả đã rõ, song trong quá trình chăn nuôi công nghệ cao vẫn còn gặp khó khăn do việc ứng dụng công nghệ cao chưa đồng bộ, toàn phần, chủ yếu ứng dụng một hoặc vài khâu trong sản xuất, sơ chế, chế biến. Chi phí đầu tư cho chăn nuôi công nghệ cao rất lớn, trong khi các hợp tác xã, doanh nghiệp nguồn vốn còn hạn chế. Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng còn bấp bênh, không ổn định, chưa tương xứng với mức độ đầu tư…
Để tháo gỡ những khó khăn này, theo Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) Nguyễn Đình Tường cho rằng, các ngành chức năng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, thủ tục để xây dựng khu chăn nuôi tập trung, thủ tục tín chấp vay vốn ngân hàng; tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng các cơ chế ưu đãi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ chăn nuôi; cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao; được thuê đất dài hạn hơn…
Khó khăn trong sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn không phải là ít, đó là các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu vốn đầu tư trang trại, vùng sản xuất quy mô lớn, đồng bộ từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Người tiêu dùng vẫn còn dễ dãi chấp nhận mua nông sản không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường, gây khó khăn cho hàng nông sản an toàn cạnh tranh về giá…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường khẳng định, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong chăn nuôi; ưu tiên sử dụng công nghệ sinh học, chế phẩm vi sinh để kiểm soát môi trường; áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính phù hợp. Đồng thời, chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về vấn đề đất đai, môi trường để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi công nghệ cao.
Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, theo bà Nguyễn Thị Lợi, thành viên Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông sản và dịch vụ thương mại Đông Xuân (huyện Quốc Oai) kiến nghị các sở, ngành tham mưu thành phố ban hành chính sách hỗ trợ về vay vốn ưu đãi, máy móc, trang thiết bị, địa điểm mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh; thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn, tham quan mô hình hợp tác xã sản xuất có hiệu quả, giúp cán bộ quản lý và thành viên của hợp tác xã có điều kiện học tập, tích lũy kinh nghiệm, tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến bảo đảm chất lượng sản phẩm ở mức tốt nhất.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn, vận động, hướng dẫn nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng an toàn; tăng cường hỗ trợ các cấp hội, hội viên hội nông dân, hội phụ nữ trong tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, phát hiện, tôn vinh các điển hình tiên tiến, đấu tranh lên án hành vi vi phạm; ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sản xuất, chế biến thực phẩm, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Hiệu quả thì đã rất rõ ràng, nhưng khó khăn thì không phải là ít, vì vậy HTX, doanh nghiệp và nông dân nên tìm cho mình phương án sản xuất nông nghiệp sao cho phù hợp, để vừa phát huy hiệu quả, vừa nhận được sự hỗ trợ của các ngành chức năng.