Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 31 tháng 7 năm 2024 | 10:5

Hà Nội: Thành lập Ban Chỉ đạo xử lý, khắc phục lũ lụt tại 3 huyện

Sau khi kiểm tra tình hình mưa lũ trên địa bàn 2 huyện Chương Mỹ và Quốc Oai, Bí Thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã chủ trì cuộc họp khẩn với Thường trực Thành ủy, cùng một số sở, ngành và một số huyện bàn giải pháp phòng, chống lũ lụt cấp bách tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất vào chiều ngày 30/7 vừa qua.

Nhiều hộ gia đình nông dân bị thiệt hại gia cầm, lúa

Nằm trong vùng rốn lũ của xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ) bà Lý Thị Hồng (67 tuổi) chia sẻ: “Nhà tôi có 6 người, các con đã di tản hết từ ngày đầu lụt, chỉ còn mình tôi ở lại chăm sóc cho con bò, đàn gà, đàn vịt. Đêm qua, cái chuồng vịt vẫn còn ở trong sân, sáng nay ra đã không thấy còn thấy đâu nữa rồi”.

Bác Lý Thị Hồng chèo chiếc "thuyền" bằng lốp ô tô đi tìm đàn vịt. (Ảnh: Đức Anh)

Gia đình nhà bà Đỗ Thị Thành (69 tuổi, thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến) những ngày này trở thành tuyến đường thủy. Hằng ngày, bà Thành phải dùng chiếc thuyền tôn mong manh bơi ra đầu làng để chở nước sạch về ăn.

Đến ngày 27/7, khi thấy nước rút, bà Thành lau dọn nhà cửa để đón con cháu về. Thế nhưng đêm 28/7, nước lũ tiếp tục đổ về, nước sông Bùi tràn qua đê nhiều hơn.

“Gần 2 mẫu lúa coi như mất trắng. Tính công sức, lúa giống và phân bón, vụ này coi như lỗ cả chục triệu đồng. Gia đình tôi không chăn nuôi nên mất ít, có những hộ bị nước lũ cuốn trôi cả tỷ đồng tiền gà, vịt, cá”, bà Thành nhẩm tính.

Ông Nguyễn Văn Hòa (59 tuổi) ở thôn Hạnh Bồ, xã Nam Phương Tiến có đàn gà gần nghìn con được nhốt trong chuồng nổi làm bằng phao tự chế. Không gian vừa chật hẹp vừa ẩm ướt khiến chúng ốm chết như ngả rạ, mỗi ngày chết đến 40 - 50 con. Những con đang kỳ sinh sản cũng ngừng đẻ trứng. Nhẩm tính số tiền tổn thất, mặt ông Hòa thần ra vì xót ruột. "Mỗi ngày, tôi đều phải ra dọn xác những con gà chết, đau lòng vô cùng", ông nói, giọng như kiệt sức.

Ông Phùng Xuân Lực, trưởng thôn Nhân Lý cho biết, xã Nam Phương Tiến có 320 hộ dân thì 300 nhà bị ngập. Thôn Nhân Lý bị ngập nặng nhất nên nhiều người già, trẻ nhỏ phải sơ tán đến các thôn khác.

Theo ông Lực, mưa lũ khiến cuộc sống của người dân khó khăn hơn, nhiều gia đình sẽ tái nghèo do nước lũ "cuốn bay" hết gia sản. Đặc biệt trong đó có những hộ đào ao thả cá và chăn nuôi gia cầm ngoài đồng.

“Thôn Nhân Lý có 8 hộ chăn nuôi, mỗi hộ thiệt hại tiền tỷ. Như em trai tôi nuôi hơn 1.000 con gà đẻ, khi nước lũ về, kịp thuê xe tải chở gà lên vùng cao. Tuy nhiên, gà ngấm nước, ngộp thở trong quá trình vận chuyển nên cũng chết gần hết”, ông Lực chia sẻ.

Ông Lực cũng như nhiều người dân thôn Nhân Lý mong muốn huyện Chương Mỹ cũng như TP Hà Nội có giải pháp lâu dài cho con em vùng ‘rốn lũ’.

Theo thống kê sơ bộ, huyện Chương Mỹ có 24 thôn, xóm bị ngập, với 1.343 hộ ngập sâu từ 0,5-2m; 1.501 hộ bị ngập lối đi. Diện tích lúa bị thiệt hại trên 70% là 715 ha; thiệt hại từ 30-70% là 444 ha. Diện tích cây ngô, rau màu các loại bị thiệt hại trên 70% là 242 ha; thiệt hại từ 30-70% là 86 ha. Xã Nam Phương Tiến là một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Sông Bùi được biết đến là vùng thoát lũ của Hà Nội. Trong 15 năm gần đây, đã 3 lần nước tràn qua đê hữu sông Bùi gây ngập lụt cho nhiều xã của huyện Chương Mỹ, trong đó năm 2008 có trận ngập lụt lịch sử. Đợt ngập năm 2017 và 2018 cũng khiến hàng nghìn hộ dân ở vùng 'rốn lũ' Chương Mỹ phải sơ tán.

Hỗ trợ người dân vùng ngập đến nơi an toàn

Theo thống kê của UBND huyện Chương Mỹ, mưa lũ khiến hơn 5,5km đê thuộc địa bàn 11 xã bị ngập. Nước lũ đã làm hơn 1.200 hộ dân bị ngập từ 0,5 - 2m, hơn 1.200 hộ bị ngập lối đi. Đến nay, huyện Chương Mỹ đã di dời khoảng 1.300 hộ dân ra khỏi vùng ngập lụt.

Nhiều khu vực dân cư ở huyện Chương Mỹ, Quốc Oai (Hà Nội) bị ngập lụt. Ảnh: Hữu Thắng.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, đến nay còn khoảng 700 hộ dân (khoảng 1.000 người) bám trụ vùng ngập. Lực lượng chức năng của huyện đang tập trung cung cấp nước sạch và lương thực cho người dân vùng lũ.

Sáng 30/7 tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tiếp tục kiểm tra, rà soát hỗ trợ các hộ dân di dời đến khu vực an toàn.

Tại thôn Nhân Lý của xã Nam phương Tiến, huyện Chương Mỹ - Một trong 4 thôn bị cô lập hoàn toàn do ngập úng, toàn bộ gần 800 hộ dân đã được di dời. Đến thời điểm này, hiện trong thôn chỉ còn gần 100 người khỏe mạnh ở lại, để trông coi tài sản và được chính quyền hỗ trợ đầy đủ nhu yếu phẩm.

Di dời, hỗ trợ người dân vùng ngập đến nơi an toàn.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ, đến thời điểm này toàn bộ gần 15km đê tả bùi vẫn an toàn. Tuy nhiên, toàn huyện có 800 m kênh mương bị hư hỏng, hơn 6.300m đê bao, 32 km đường trên địa bàn 12 xã bị ngập và trên 1.000ha lúa, hoa màu và diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng.

Từ ngày 24/7 các địa phương huy động gần 5 nghìn người và 200 phương tiện tham gia cứu trợ, khắc phục hậu quả. Tổ chức di dời hơn 5.400 nhân khẩu ra khỏi khu vực ngập sâu nước, đến nơi an toàn và hỗ trợ cho người dân nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu.

Chiều ngày 30/7 Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thành Long và Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, cùng Đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác phòng chống thiên tai, hỗ trợ nhân dân tại huyện Chương Mỹ.

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu huyện Chương Mỹ cần tiếp tục, tập trung phòng dịch, nước rút đến đâu vệ sinh môi trường đến đó; tập kết sẵn sàng thuốc, phun thuốc không để phát sinh dịch bệnh, sẵn sàng lực lượng gia cố đoạn đê bị sạt lở cũng như toàn tuyến đê; đồng thời đôn đốc các công ty thủy lợi bơm tiêu hết công suất.

Trước mắt phải đảm bảo cung cấp đủ nhu yêu phẩm, nước sạch phục vụ nhân dân những thôn bị cô lập và toàn bộ người dân bị ảnh hưởng. Đặc biệt là công tác phòng dịch phải đi đầu và có giải pháp để hỗ trợ sản xuất cho bà con sau khi nước rút.

Thành lập ngay Ban Chỉ đạo xử lý, khắc phục lũ lụt tại 3 huyện

Chiều 30/7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài chủ trì cuộc họp khẩn với Thường trực Thành ủy, cùng một số sở, ngành và một số huyện bàn giải pháp phòng, chống lũ lụt cấp bách tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài (giữa) chủ trì họp Thường trực Thành uỷ và các đơn vị liên quan về công tác phòng, chống lũ lụt. Ảnh: TTXVN.

Theo báo cáo, cùng với mưa lớn do hoàn lưu bão số 2, lũ lớn từ đầu nguồn tràn về khiến hệ thống sông Bùi, sông Tích dâng cao, làm ngập sâu nhiều thôn, xã trên địa bàn các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất. Nhiều thôn bị chia cắt hoàn toàn, khiến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân rơi vào cảnh khó khăn, thiếu thốn. Mức lũ năm nay đã cao hơn mức lũ lịch sử của hàng chục năm về trước.

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đánh giá mức lũ tại các khu vực này là rất lớn, nhấn chìm nhiều nhà cửa, hoa màu, gia súc, gia cầm; đe dọa nghiêm trọng đến đời sống, tính mạng của người dân. Mặc dù báo cáo của hầu hết các địa phương là đã chủ động được các phương án, kịch bản nhưng các đơn vị cần có sự phối hợp liên tục, ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.

Bà Hoài lưu ý, hiện tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, khó dự báo, không loại trừ các tình huống xấu khi nước dâng cao trong những ngày tới. Vì vậy, các địa phương không được chủ quan, lơ là; khi gặp khó khăn, vướng mắc phải báo cáo khẩn với thành phố để có chỉ đạo chi viện và có phương án kịp thời.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu thành lập ngay “Ban Chỉ đạo xử lý, khắc phục lũ lụt tại 3 huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất". Ban Chỉ đạo này sẽ do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội làm Trưởng Ban, cùng với các thành viên là Thủ trưởng một số sở, ban, ngành liên quan.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, việc phòng chống lũ lụt, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân là nhiệm vụ cấp bách, hàng đầu lúc này; yêu cầu các cấp chính quyền 3 huyện tập trung cao độ, không để xảy ra sự cố đáng tiếc.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, tại huyện Chương Mỹ, vùng bị ảnh hưởng lũ rừng ngang bao gồm 11 xã và 1 thôn với tổng nhân khẩu là 141.000 người. Tại huyện Quốc Oai, vùng bị ảnh hưởng lũ rừng ngang bao gồm 2 thôn thuộc xã Đông Yên và một phần ở các thôn Long Phú, Bạch Thạch xã Hòa Thạch với tổng nhân khẩu là 1.900 người. Còn tại Thạch Thất, vùng hữu sông Tích gồm 5 xã với 13 km bờ bao sông Tích chưa được phân cấp đê; có 8 xã bị ảnh hưởng của lũ rừng ngang và 10 xã ven sông Tích bị ảnh hưởng của ngập lụt…

Theo VTCNew; Đài TH Hà Nội; Báo Tiền phong

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top