Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 11 tháng 7 năm 2024 | 11:9

Luật Thủ đô tạo điều kiện cho nông nghiệp và du lịch nông thôn phát triển

Với việc Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tạo điều kiện cho Hà Nội có diện mạo mới, trong đó nông nghiệp và du lịch nông nghiệp, nông thôn có điều kiện phát triển, các làng nghề thành không gian văn hóa phục vụ phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề.

Sức bật cho các làng nghề

Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được công nhận, nhiều năm qua trước sự phát triển của kinh tế, xã hội, các làng nghề không chỉ sản xuất các sản phẩm truyền thống mà đã kết hợp phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn để tiêu thụ sản phẩm và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho bà con nông dân.

Giới thiệu các sản phẩm du lịch của xã Hồng Vân đến du khách. Ảnh: TÔ QUÝ 

Huyện Thường Tín có 126 làng nghề, trong đó, có 48 làng nghề được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống. Hiện, huyện có 4 làng nghề được UBND thành phố công nhận điểm du lịch, gồm: Điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, điểm du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái, điểm du lịch làng nghề sừng Thụy Ứng và điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm.

“Những năm qua, nhờ phát triển du lịch gắn với làng nghề, nguồn thu làng nghề tăng mạnh. Ngoài nguồn thu từ sản phẩm, các dịch vụ du lịch cũng đang tạo nguồn kinh tế lớn cho các làng nghề”, ông Bùi Công Thản, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết.

Huyện Thanh Oai có 51 làng được công nhận là làng nghề và làng có nghề. Huyện có nhiều lợi thế để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, trong đó Làng Chuông là một làng nghề nổi tiếng cả nước với truyền thống làm nón lâu đời thông qua sản phẩm nón lá. Người dân làng Chuông sống chủ yếu bằng nghề làm nón lá còn hoạt động làm nông nghiệp không nhiều vì nơi đây đất chật người đông. Không ai trong làng biết chiếc nón xuất hiện từ khi nào nhưng trong ca dao xưa đã có câu “Nón Chuông, khua lụa, quai thao làng Đơ”.

Luật Thủ đô tạo điều kiện cho làng nghề phát triển 

Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Sáng cho biết, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, đó là: Xây dựng các khu vực nông thôn với các tiêu chí tiệm cận với tiêu chí đô thị; xây dựng các làng nghề thành không gian văn hóa phục vụ phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề; phát triển mô hình du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp. Đây là định hướng để vùng nông thôn có nghề duy trì nông nghiệp tạo sức bật riêng, trở thành điểm nhấn xanh của Thủ đô.

Điều này có thể cho chúng ta thấy, trong Luật Thủ đô sửa đổi vừa được thông qua, với nội dung xây dựng các khu vực nông thôn với các tiêu chí tiệm cận tiêu chí của đô thị; xây dựng các làng nghề thành không gian văn hóa phục vụ phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề; phát triển mô hình du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp. Đây là điểm kỳ vọng để tạo ra sức bật cho du lịch nông nghiệp, nông thôn và các làng nghề của Hà Nội phát triển một cách mạnh mẽ.

Cần phải có cơ chế đặc thù

Tuy nhiên, muốn cho Luật Thủ đô sửa đổi đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả các điều luật đã được sửa đổi trong Luật Thủ đô, rất cần phải có những cơ chế đặc thù để nông nghiệp, du lịch nông nghiệp, nông thôn và các làng nghề phát triển.

Để phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái, cần cho phép xây dựng một phần trên đất nông nghiệp làm cơ sở lưu trú, tạo điểm tham quan nghỉ dưỡng cho du khách. Điều này trước đây là không được phép, tuy nhiên Luật Thủ đô sẽ tháo gỡ khó khăn này cho các doanh nghiệp đầu tư vào mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái.

Thanh Oai đẩy mạnh phát triển hạ tầng gắn với Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Minh Đỗ.

Anh Vương Đắc Lộc, Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp xứ Đoài (xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai) cho rằng: “Nếu mà khai thác du lịch đương nhiên hạ tầng đón khách và tiếp khách phải có. Nếu mà luật mới ra quy định rõ ràng, chẳng hạn cho phép thực hiện nhà xưởng chế biến, hoặc là phát triển mô hình kinh tế mới của nông nghiệp, thì sẽ thúc đẩy người dân phát triển theo hướng như vậy”.

Hay như việc ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp cũng đang là vấn đề cần phải có cơ chế đặc thù để phát triển, vì thế UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 của HĐND Thành phố Hà Nội từ nguồn ngân sách Thành phố cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện năm 2024 - 2025 vừa được UBND TP. Hà Nội ban hành. Theo đó, UBND Thành phố Hà Nội sẽ bố trí hơn 37 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích phát triển nông nghiệp TP.

Trước đây, phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp du lịch sinh thái vẫn còn nhiều vướng mắc về nhân lực, nguồn vốn, chính sách ruộng đất, thì nay Luật Thủ đô được thông qua sẽ là cú hích cho nông nghiệp.

Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, cho hay: “Với nông nghiệp, sẽ tổ chức phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tập trung, nông nghiệp sinh thái kết hợp chăn nuôi thủy sản và tỷ lệ mặt nước tạo ra điều hòa không khí, cảnh quan, ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp hữu cơ để tạo ra những giá trị sản phẩm nông nghiệp cao nhất”.

Luật Thủ đô đã đề xuất cơ chế đặc thù để chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang các loại đất nông nghiệp khác; tích tụ, tập trung đất đai, huy động góp vốn bằng đất nông nghiệp vào các đơn vị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái.

Mặt khác, Luật Thủ đô khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn với chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, công nghệ cao, sinh thái.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền từng chỉ rõ: Quy hoạch Hà Nội sẽ hình thành các vùng gắn với đặc trưng, thế mạnh. Trong đó, nông thôn Thủ đô phải là nông thôn hiện đại song vẫn gìn giữ bản sắc.

Quy hoạch phát triển không gian thông qua Dự án đường Vành đai 4 được nêu trong Quy hoạch Thủ đô mới cũng sẽ là nguồn lực để các địa phương phát triển hạ tầng, từ đó, hình thành tuyến giao thông kết nối, thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp từ sonnptnt.hanoi.gov.vn)
Ý kiến bạn đọc
Top