Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 8 tháng 9 năm 2024 | 12:50

Hà Nội: Nhiều diện tích lúa bị ngập, cây xanh bị đổ

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về công tác ứng phó với bão số 3, trên địa bàn thành phố có 3 người chết, 8 người bị thương do cây đổ. Ngoài ra có rất nhiều cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội bị đổ, nhiều diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả bị đổ, ngập nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất nông nghiệp.

Số liệu quan trắc cho thấy, trên địa bàn Hà Nội, lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 7/9 đến 7 giờ ngày 8/9 mưa phổ biến từ 48,5 mm đến 166,3 mm; cao nhất là 166,3 mm tại trạm Khí tượng Ba Vì.

Tại khu vực ngoại thành, theo báo cáo của các quận, huyện, tính đến thời điểm 19h ngày 7/9, mưa lớn làm cho 47 ha diện tích lúa, 26,5 ha rau màu bị ngập; 6.144,5 ha lúa, 15,93 ha rau màu bị đổ; 2,2 ha cây ăn quả bị thiệt hại.

Cánh đồng lúa sắp tới kỳ thu hoạch ở huyện Phúc Thọ bị đổ, ngập. Ảnh: Quang Cảnh

Bão số 3 làm bờ phải kênh chính Đan Hoài (Hoài Đức) tại K8+705, tường chắn bị sụt nghiêng đổ, nứt dọc vỉa hè với chiều dài 50m (UBND xã Minh Khai – Hoài Đức đã căng dây cảnh báo); 17 trạm bơm tại địa bàn các huyện: Hoài Đức, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Đan Phượng mất điện, đang được khắc phục.

Theo báo cáo của huyện Thanh Oai, hiện nay, trên địa bàn các xã sau bị mất điện: Liên Châu, Hồng Dương, Tân Ước, Phương Trung, Thanh Thùy, Tam Hưng, cự khê, Cao viên, Thanh Cao, Thanh Mai, Thanh Văn, Bích Hòa, Bình minh, Mỹ Hưng, Dân Hòa. Nguyên nhân do dông lốc gây sự cố các đường dây, đổ cột điện công ty có phương án khác phục sớm khi thời tiết đảm bảo và yêu tiên cấp điện cho các trạm bơm tiêu úng. Hiện công tác thống kê thiệt hại vẫn đang tiếp tục được tiến hành.

Liên quan đến tình hình cây xanh đổ, cành gãy, theo báo cáo của Công ty Công viên cây xanh và các quận, huyện, tính đến sáng 8/9, trên địa bàn Hà Nội có 14.660 cây xanh bị đổ và cành gãy, trong đó số lượng cây xanh bị đổ là 14.272 cây.

Mưa to, gió lớn cũng ảnh hưởng lớn đến những diện tích nông nghiệp, nhất là cây lúa. Thống kê cho thấy, tại các huyện ngoại thành, mưa gió đã làm hơn 13.750ha lúa và gần 490ha rau màu bị đổ, cùng hàng trăm héc-ta cây trồng bị ngập.

Thị xã Sơn Tây: Cơn bão số 3 đã khiến 848 cây xanh các loại gãy, đổ; xảy ra 36 sự cố trên 12 lộ đường dây điện, đổ 4 cột điện trung áp, 8 cột điện hạ áp, hư hỏng 2 máy biến áp và 2 vị trí hỏng thiết bị trên đường dây; 6 nhà bị tốc mái tổng diện tích 150m2; Trường Tiểu học Trung Sơn Trầm bị tốc bay vỡ một số hàng ngói; 3 ngôi nhà mái tôn bị đổ sập do cây đổ; 11 đoạn tường bao bị đổ, tổng chiều dài 370m...

Nhiều diện tích cây ăn trái bị ngập.

Theo báo cáo mới nhất của huyện Chương Mỹ, tính đến 5h30' ngày 8/9, tình hình thiệt hại nặng nhất: Hàng trăm cây xanh đổ, mái tôn bị tốc. Hàng nghìn héc-ta lúa, ngô, rau màu bị đổ, hư hỏng. Nhiều diện tích cây ăn quả cũng bị ảnh hưởng. Từ 15h ngày 7/9 trên địa bàn huyện xảy ra sự cố gây mất điện 29/32 xã, thị trấn; trong đó 22/22 trạm bơm tiêu mất điện nên không hoạt động được gây ngập úng cục bộ tại một số thôn, xóm thuộc các xã, thị trấn.

Huyện Phúc Thọ: Sáng 8/9, nhiều xứ đồng của huyện Phúc Thọ bị úng ngập cục bộ. Các lực lượng chức năng đang tập trung tiêu nước để cứu hoa màu.

Đối với sản xuất nông nghiệp, toàn huyện Phúc Thọ có 184ha lúa bị ngập và đổ; 44,5ha rau bị ngập và nát; 9ha cây ăn quả bị ngập.

Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn yêu cầu các lực lượng chức năng khơi thông cống rãnh, kênh mương, đảm bảo thông thoáng dòng chảy; tập trung chỉ đạo các trạm bơm tiêu vận hành kịp thời, hết công suất khi mưa lớn để giảm thiệt hại sản xuất nông nghiệp...

Hiện nay, nước úng tại các khu vực vẫn chủ yếu tiêu thoát bằng hình thức tự chảy. Bên cạnh đó, huyện Phúc Thọ tăng cường công tác tiêu úng bằng máy bơm.

Huyện Thạch Thất: Bão số 3 đã làm sập nhà kho khung thép, cấp 4 lợp mái tôn tại khu đấu giá xã Dị Nậu; sập 1 gian nhà kho của Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải 200m2, 2 gian chăn nuôi 30m2; 80m2 nhà tạm vách tôn ở xã Đồng Trúc; tốc mái tôn 485m2; đổ 397,2ha lúa mùa, 25,5ha rau màu ở các xã; không có thiệt hại về người.

Huyện Thanh Trì: Tính đến 6h sáng 8/9, trên địa bàn có 3.597 cây xanh gãy đổ. Lực lượng chức năng đã khắc phục được 1.030 cây; đang tiếp tục huy động lực lượng để xử lý, bảo đảm giao thông thuận lợi. Có 5 công trình trường học, chợ bị tốc mái.

Về sản xuất nông nghiệp, 96 công trình nhà tạm, chuồng trại chăn nuôi tại bị tốc mái, 527ha lúa đổ, ngập.

Huyện Đan Phượng: Đến sáng 8/9, trên địa bàn huyện không xảy ra úng ngập ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất; các công trình đê điều, thủy lợi vẫn đảm bảo an toàn.

Toàn huyện có khoảng 6,7ha lúa, ngô, chuối, rau bị đổ; 4 lồng cá nuôi trên sông Hồng bị vỡ, thiệt hại khoảng 4 tấn cá và chìm 3 thuyền gỗ nhỏ trên sông Hồng; 199 cây xanh gãy, đổ, nghiêng.

Một số bức ảnh về cây xanh đổ ở Hà Nội do phóng viên Kinh tế nông thôn ghi lại:

Cây đổ chắn ngang đường trên phố Ngọc Lâm (Long Biên)

Các phương tiện gặp khó khăn khi di chuyển.

Cả con phố Ngọc Lâm (Long Biên) có nhiều cây xanh đổ chắn ngang đường.

TP. Hà Nội cho biết, sáng 8/9, các lực lượng sẽ tiến hành xử lý các cây đổ, bảo đảm giao thông thông suốt. Theo thống kê chưa đầy đủ, thành phố có 2.455 cây đổ và 273 cành gãy.

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top