Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 1 tháng 8 năm 2024 | 20:12

Hà Nội đã có 3 người chết do mưa lũ gây ra

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội cho biết. Mưa lũ đã khiến 3 người tử vong, trong đó có một người đàn ông 56 tuổi ở xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai đi làm về qua ngầm tràn ở xã Đông Xuân bị cuốn tử vong;

Nam thanh niên 30 tuổi đi xe máy trên đường đê ở xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ bị ngã xuống sông Bùi, một ngày sau mới tìm thấy thi thể; người đàn ông 57 tuổi ở xã Đồng Trúc, Thạch Thất đi đánh cá bị nước cuốn tử vong.

Nhiều tuyến đê gặp sự cố do mưa lũ

Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Prapiroon và rãnh áp thấp có trục qua Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió trên cao, tuần qua nhiều khu vực mưa lớn, cao nhất là Xuân Mai tới 330 mm. Nước sông Tích, Bùi lên đỉnh sáng 25/7, vượt báo động ba 42 cm. Đến sáng nay, nước rút khoảng 60 cm, nhưng vẫn còn 2.500 hộ với gần 9.000 dân bị ngập 0,5-1,5 m, tập trung ở huyện Chương Mỹ và Quốc Oai.

Nước tràn qua đê Bùi Hài ở xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ. Ảnh: Gia Chính

Hàng loạt tuyến đê, bờ sông bị sạt lở do mưa lũ. Cụ thể, tại huyện Chương Mỹ, khoảng 600 m kênh bị hư hỏng, hơn 4.800 m đê thuộc 11 xã bị tràn. Đê hữu Bùi tại thôn Đừn, xã Tốt Động bị rò rỉ qua chân đê dài khoảng 200 m. Sạt lở nhiều điểm như 40 m đê tại xã Quảng Bị, Phú Nghĩa, 100 m ở đập Vai Vàng.

Tại huyện Quốc Oai, đê Cấn Hữu xuất hiện điểm nước thẩm lậu qua chân đê, chính quyền dùng máy xúc tạo rãnh, lớp bọc cát sỏi để bảo vệ đê; cắm biển thông báo hạn chế xe tải lớn đi trên tuyến này và cắt cử người ứng trực 24/24h. Cống tiêu đê bao Phú Bình bị sụt lún; đê bao Minh Khai, xã Tuyết Nghĩa bị sạt trần. Đê hữu Đáy xuất hiện 4 sự cố trượt mái đê dài gần 90 m.

Huyện Phú Xuyên bị sạt tuyến kênh sông Bút, xã Minh Tân dài 50 m; sạt tuyến kênh sông Duy Tiên, xã Châu Can dài 30 m; sạt và tràn bờ kênh máng xã Hồng Thái; sạt mái ngoài kênh I29, thị trấn Phú Xuyên dài 20 m; sạt mái bờ kênh sông Nhuệ, xã Tân Dân khoảng 20 m.

Tại huyện Ba Vì, kênh Cổ Đô - Vạn Thắng bị sụt dài 20 m. Huyện Ứng Hòa sạt 10 m đê tả Đáy, xã Viên An. Huyện Thanh Oai tràn kênh Yên Cốc, xã Liên Châu, Đỗ Động với chiều dài 310 m, sạt mái kênh nội đồng xã Liên Châu dài 15 m.

Huyện Đông Anh bị sạt bờ sông Thiếp ở ba vị trí với chiều dài khoảng 50 m. Huyện Sóc Sơn bị sạt bài trái kênh tưới chính Nội Bài dài khoảng 40 m. Tại huyện Thanh Trì, bờ sông Nhuệ sạt khoảng 30 m và một số điểm tràn bờ.

Hỗ trợ cho gia đình bị nạn, hạn chế tối đa thiệt hại

Sáng 1/8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội cho biết. Mưa lũ khiến người đàn ông 56 tuổi ở xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai đi làm về qua ngầm tràn ở xã Đông Xuân bị cuốn tử vong. Nam thanh niên 30 tuổi đi xe máy trên đường đê ở xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ bị ngã xuống sông Bùi, một ngày sau mới tìm thấy thi thể. Người đàn ông 57 tuổi ở xã Đồng Trúc, Thạch Thất đi đánh cá bị nước cuốn tử vong.

Trước đó vào chiều 31/7, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Phương Hoa thăm hỏi, động viên và trao tiền hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ tại hai xã Phú Mãn, Hòa Thạch.

Đoàn đến thăm hỏi, trao 5 triệu đồng tiền do Ủy ban MTTQ thành phố hỗ trợ và 2 triệu đồng do huyện Quốc Oai hỗ trợ gia đình ở xã Hòa Thạch có người thân tử vong do lũ cuốn trôi tại ngầm Vai Trại, thôn Lập Thành, xã Đông Xuân vào ngày 23/7 trên đường đi làm về.

Đoàn thăm hỏi, động viên gia đình có người bị lũ cuốn trôi. Ảnh: Đức Duy

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Nguyễn Thị Phương Hoa động viên các gia đình bị thiệt hại và mong các gia đình sớm vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống.

Trước đó, huyện Quốc Oai cũng đã tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ về vật chất cũng như tinh thần cho các gia đình bị ảnh hưởng mưa lũ ổn định cuộc sống.

Ngày 31/7 UBND huyện Thạch Thất đã có báo cáo về kết quả triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, ứng phó với bão số 2 và mưa lớn năm 2024.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT và TKCN) thành phố Hà Nội về công tác PCTT và TKCN năm 2024 nói chung và công tác ứng phó với cơn bão số 2 và mưa lớn nói riêng, UBND huyện Thạch Thất đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện; kịp thời ứng phó với tình trạng mưa lũ, cũng như hạn chế tối đa các thiệt hại về người và tài sản.

Do mực nước sông Tích lên cao gây ngập úng cục bộ ở một số khu vực ven sông Tích như: Xóm Trại thôn Phú Đa 2 (xã Cần Kiệm), xóm Sông thôn Ngoại Thôn (xã Phú Kim), chủ yếu ngập đường ngõ xóm, một số hộ ngập sân, chưa phải di dời.

Tính đến 09h00 ngày 31/7/2024, tổng diện tích bị ngập úng là 158ha (gồm 107,9ha lúa, 41,1ha rau màu và 9,0ha cây ăn quả); một người bị đuối nước; nhiều cây bóng mát, ăn quả, cây lấy gỗ các loại bị đổ...

Trên địa bàn huyện xảy ra sạt lở tại xã Cần Kiệm (02 hộ phải di chuyển chỗ ở về nơi an toàn), Thạch Xá (vị trí sạt lở ảnh hưởng đến 02 hộ nhưng chưa phải di chuyển chỗ ở) và một số điểm có nguy cơ sạt lỡ nhỏ ở các xã vùng đồi núi Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung. Các điểm sạt lở không thiệt hại về người, tài sản.

Để chủ động ứng phó với mưa lớn và các tình huống thiên tai có nguy cơ tiếp tục xảy ra. Trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt thông tin, tuyên truyền, cảnh báo để người dân chủ động, cảnh giác và kịp thời ứng phó với các tình huống thiên tai.

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top