Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 7 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 13 tháng 7 năm 2024 | 13:33

Để sen Hồ Tây trở thành một thương hiệu của Thủ đô

Có rất nhiều giống sen được trồng ở trên khắp mọi miền đất nước, nhưng ít ai biết Hồ Tây (Hà Nội) có giống sen đặc biệt được coi là giống sen “đệ nhất”. Người dân ở đây thường gọi là sen Bách Diệp (sen trăm cánh), đã có nhiều sản phẩm từ loài sen này nổi tiếng trong và ngoài nước, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân, vì thế, rất cần có chiến lược phát triển để nâng tầm giá trị của sen Hồ Tây.

Sen Bách Diệp có “linh hồn”

Theo các cụ cao niên trong làng sen xưa, Sen Hồ Tây hay còn gọi là Sen Bách Diệp, có vùng nguyên gốc là khu vực Tây Hồ. Sở dĩ gọi là Sen Bách Diệp bởi trung bình mỗi bông sen tại đây có tới 100 cánh. Nhiều người lại cho rằng, người dân ở quận Tây Hồ cứ dùng “mỹ từ” để “thổi phồng” giống sen này lên. Nhưng, hễ ai thắc mắc, cứ đếm bông sen là ra, bông ít cũng có không dưới 90 cánh, bông nhiều quãng 120 cánh.

Thu hoạch sen Hồ Tây

Theo các cụ già nhất ở làng Quảng Bá loài sen quý có tên là Bách Diệp không biết có tự bao giờ, được ai mang về trồng, chỉ biết trong một số tài liệu lịch sử thì: Thời điểm được xác định gần nhất vào khoảng 400 năm, ở thời vua Lê - chúa Trịnh đã có thú thưởng sen ở Hồ Tây.

Nhưng trong dân gian, những câu chuyện truyền khẩu về loài sen Bách Diệp quý này dù chưa được nghiên cứu hay chứng nhận, nhưng kinh nghiệm dân gian trở thành một điều kiêng kị, một luật bất thành văn mà bất kể ai khi trồng sen, làm trà ướp Sen Bách Diệp ở Hồ Tây bắt buộc đều phải tuân thủ.

Loài sen quý này được các cụ cao niên niên cho biết là có linh hồn, bởi nếu để ai đó sảy chân bị chết đuối trong đầm sen của nhà mình, thì sen trong đầm sẽ bị lụi sạch, không còn một củ sen nào sống sót. Hay người thân trong gia đình chủ đầm sen nếu bị mất, người nhà không xông hương, không giải khí lạnh, vô tình ra đầm thì tự nhiên sen cũng như bị bay hơi, chỉ vài mươi bữa tự nhiên từng trảng sen lụi rồi sen cũng như chết theo người.

Hay ai đó có tính đố kị với chủ đầm sen, chỉ cần thả một miếng ván thôi (miếng ván tách ra từ quan tài chôn người chết, khi bốc mộ móc từ đất lên để ngoài cánh đồng cho tự mục) xuống đầm, sen cũng cứ thế mà “biến” sạch. Cho nên, bất kể chủ đầm nào hay nhà nào trồng sen đều chăm sóc và canh coi đầm hết sức cẩn trọng.

Cụ Nguyễn Thị Dần (bên trái) đã hơn 100 tuổi, là người lưu giữ những tinh hoa về nghề ướp trà sen ở quận Tây Hồ.

Sen đại đóa Bách Diệp Hồ Tây vừa thuần khiết, vừa thanh tao nên những người làm nghề ướp chè sen nhất định phải gìn giữ và tắm rửa sạch sẽ, nhất là đối với phụ nữ, nếu không khi ướp chè sen sẽ bị ủng phải bỏ đi hết. Theo Nghệ nhân Nguyễn Thị Dần, năm nay đã trên 100 tuổi, người được cho là một trong những cụ già cao tuổi nhất của Quảng Bá đã khẳng định: Vì có người cho là mê tín, tuyên truyền nhảm nên đã “thử” sen bằng cách khi bị chu kì kinh nguyệt vẫn cứ làm sen và sau đó cả mẻ sen đó đã bị thối, hỏng và bỏ đi.

Hay như nếu chỉ cần ai đó khi ướp chè mà xịt nước hoa thôi thì tự nhiên hương sen không còn nữa. Các cụ nói rằng Sen Bách Diệp Hồ Tây dịu dàng mà cá tính, khái tính và có linh hồn là thế.

Phải nâng tầm giá trị cho Sen Bách Diệp

Không chỉ là biểu tượng, hoa sen và sen còn có giá trị trong đời sống. Hoa có thể dùng để ướp trà, thân sen làm tơ, hạt sen sử dụng làm vị thuốc… Hồ Tây là vùng đất địa linh, có được một giống sen quý, nên rất cần được bảo tồn và nâng tầm giá trị của Sen Bách Diệp ở đây.

Nhằm phát huy hết lợi thế, để mở rộng diện tích trồng sen trên địa bàn, những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông triển khai các mô hình khuyến nông trình diễn đưa các giống sen mới chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất. Quận Tây Hồ, các đơn vị đã triển khai việc phục hồi giống sen bách diệp với diện tích 7ha tại các hồ Đầu Đồng và Thủy Sứ (phường Quảng An)…

Nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, hiện nay, cây sen đang hồi sinh mạnh mẽ ở các đầm, hồ ven Hồ Tây.

Hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ, Trưởng ban Quản lý Hồ Tây Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, quanh Hồ Tây có tất cả 18 đầm, hồ. Sắp tới, quận Tây Hồ sẽ phủ kín toàn bộ các đầm, hồ này bằng cây sen.

Chiều 12/7, Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Hà Nội phối hợp với Viện nghiên cứu rau quả (Bộ Nông nghiệp và PTNN), UBND quận Tây Hồ và Hội khoa học phát triển nông thôn Việt Nam tọa đàm, thảo luận về việc bảo tồn và phát triển hoa Sen Việt Nam.

Tại Hội thảo nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế trong và ngoài nước, đại diện các tỉnh, thành phố đã tập trung đánh giá thực trạng và định hướng, giải pháp phát triển sen trên địa bàn Hà Nội; bảo tồn phát triển Sen Hồ Tây trong hệ sinh thái sen Việt Nam.

Kinh nghiệm khai thác giá trị kinh tế sen gắn với văn hóa du lịch của một số tỉnh, thành phố; trao đổi kinh nghiệm sản xuất các sản phẩm từ sen của Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước để tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ, xúc tiến thương mại sản phẩm…

Bảo tồn và phát triển Sen Hồ Tây trong hệ sinh thái sen Việt Nam, PGS.TS Đặng Văn Đông - Viện Nghiên cứu rau quả cho biết, Việt Nam có 3 miền, có 3 loại giống sen đặc trưng cho mỗi vùng miền. Theo quyết định số 4924/QĐ-UBND ban hành ngày 24/9/2014 của UBND thành phố Hà Nội, sen Hồ Tây được xếp vào nhóm nguồn gen đặc sản, quý hiếm cần được bảo tồn phát triển.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa nhằm khôi phục và bảo tồn giống Sen Bách Diệp nổi tiếng của Hồ Tây, năm 2024, Sở đã giao Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai mô hình “Sản xuất hoa sen chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu” tại quận Tây Hồ với quy mô 7 ha tại 2 đầm sen Đầu Đồng và Thủy Sứ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, đến nay đã đạt được kết quả rất đáng kích lệ, sen sinh trưởng phát triển tốt, cho hoa rất đẹp vào đúng dịp Lễ hội Sen năm 2024 qua đó góp phần bảo vệ môi trường, phát triển du lịch sinh thái.

Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, quận sẽ đẩy mạnh quảng bá, tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hóa của Thăng Long - Hà Nội, của vùng đất Tây Hồ và loài hoa sen - tượng trưng cho khí phách, bản sắc tâm hồn Việt; đồng thời, quảng bá và kích cầu du lịch, khơi dậy tiềm năng phát triển các sản phẩm OCOP của các địa phương; thu hút du khách đến tham quan Hồ Tây, Hà Nội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng quận Tây Hồ thành Trung tâm văn hóa du lịch của Thủ đô.

Tối 12/7, tại Không gian Văn hóa sáng tạo Tây Hồ, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND quận Tây Hồ và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội đã khai mạc “Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hoá các tỉnh miền núi phía Bắc” năm 2024. Đây là cơ hội để du khách đến thăm quan và tìm hiểu thêm về cảnh sắc, con người, nhất là các sản phẩm làm từ sen Hồ Tây.

Đặc sản trà sen Hồ Tây là một trong những sản phẩm mang tính biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Với hương thơm dịu nhẹ, vị thanh mát, trà sen Hồ Tây đã trở thành món quà đặc biệt được nhiều người yêu thích và lựa chọn cho gia đình, bạn bè. Tuy nhiên, thời gian qua, do nhiều lý do, diện tích trồng sen đã bị mai một. Để giữ gìn, khôi phục và phát triển diện tích trồng sen, giữ nét văn hóa của người Hà Nội, văn hóa của người Việt, quận Tây Hồ đã và đang triển khai thực hiện Đề án khôi phục trồng Sen Bách Diệp tại 18 hồ trên địa bàn. Trên cơ sở những kết quả bước đầu, quận sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích trồng sen, để giữ gìn, bảo tồn giá trị của sen qua đó góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế, du lịch - văn hóa làng nghề trên địa bàn quận.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top