Hà Nội mỗi năm gieo cấy khoảng 160.000ha lúa, hiện tỷ lệ cơ giới hóa ở khâu làm đất đạt 100% diện tích, khâu thu hoạch đạt trên 90% diện tích nhưng khâu gieo cấy mới đạt trên 3% diện tích.
Năm 2023, Sở NN-PTNT Hà Nội đã tham mưu cho UBND thành phố, có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trong đó có cơ giới hóa đồng bộ mà nhất là khâu mạ khay, máy cấy, giúp cho bà con nông dân giảm được sức lao động và tăng được năng suất. Cách làm này có hiệu quả, nhưng khó nhân rộng.
Năng suất và hiệu quả cao nhờ cấy máy
Phú Xuyên là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn với tổng diện tích 11.449,12ha. Những năm qua, huyện chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng bền vững; chỉ đạo cơ giới hóa, ứng dụng máy móc vào sản xuất nông nghiệp nên năng suất lúa năm sau luôn cao hơn năm trước.
Năng suất, chất lượng lúa cao nhờ vào việc ứng dụng máy cấy lúa.
Giám đốc Hợp tác xã Phú Phong (xã Nam Phong) Lê Xuân Túc cho biết, Hợp tác xã gieo cấy 350 mẫu lúa, 100% diện tích lúa xuân trên địa bàn xã được áp dụng cơ giới hóa toàn phần từ làm đất, cấy máy. Trong nhiều năm qua, Nam Phong là một trong những xã có tỷ lệ cấy máy cao của Phú Xuyên, đạt 90-100% diện tích mỗi vụ, năng suất lúa luôn duy trì trên 60 tạ/ha/vụ.
Bà Nguyễn Thị Nắng - người dân thôn Nam Phú, xã Nam Phong chia sẻ: "Gia đình tôi cấy hơn 7 sào lúa mỗi vụ. Nhờ cơ giới hóa 100% từ làm đất, cấy máy, gặt máy, đến phun thuốc bảo vệ thực vật cũng được dùng máy bay không người lái, nên làm nông hiện nay bớt vất vả; đồng ruộng tươi tốt quanh năm, không có ruộng bỏ hoang; thời gian nông nhàn nhiều nên nông dân làm thêm việc khác cho thu nhập cao"...
Vụ xuân năm 2024, xã Thạch Đà (huyện Mê Linh) có 10,5ha lúa sử dụng máy cấy mạ khay, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái. Hiện cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh Nguyễn Thị Chinh, việc sử dụng máy cấy giúp tăng 40% năng suất và giảm 30% chi phí so với phương pháp cấy lúa truyền thống (bằng tay).
Huyện Thạch Thất cũng đẩy mạnh việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Trần Đức Thanh, vụ xuân năm 2024, huyện hỗ trợ 50% kinh phí cho hợp tác xã nông nghiệp các xã Đại Đồng, Hương Ngải, Dị Nậu, Thạch Xá, Hạ Bằng… mua 6 máy cấy bằng nguồn kinh phí cấp bổ sung của thành phố để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, số diện tích gieo cấy vụ xuân 2024 bằng máy lên tới 388ha, tăng 154ha so với vụ xuân năm trước.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh, thương mại tổng hợp Dương Liễu (huyện Hoài Đức) Nguyễn Phi Đức cho biết, để người làm nông nghiệp nói chung, trồng lúa nói riêng bám đồng ruộng, sản xuất có lãi thì cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm mạ, cấy, chăm sóc đến thu hoạch gắn với bộ giống lúa chất lượng cao là đòi hỏi tất yếu. Thực tế, đã có nhiều hợp tác xã làm tốt vai trò cung ứng dịch vụ cơ giới hóa, như làm đất, cấy máy, phun thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc lúa, cây ăn quả từ các máy nông nghiệp chuyên dụng. Từ đó, nông dân không còn phải lao động tay chân vất vả, chính quyền địa phương không phải lo đồng ruộng bỏ hoang, lãng phí tài nguyên đất đai...
Hiệu quả từ việc cấy máy trong sản xuất lúa của bà con nông dân trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thấy rất rõ ràng, tuy nhiên việc cấy máy vẫn chưa được nhân rộng. Nguyên nhân cũng được chỉ ra rõ ràng, trong đó khâu sản xuất mạ khay được cho là khó khăn chính.
Xây dựng mô hình gieo mạ khay tự động
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, mặc dù hiệu quả từ áp dụng cơ giới hóa khâu gieo, cấy là rất cao nhưng diện tích lúa được cấy bằng máy phát triển rất chậm. Qua thực tiễn cho thấy, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến việc mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy, trong đó khâu sản xuất mạ khay được cho là khó khăn chính.
Nhằm từng bước tháo gỡ vướng mắc trong khâu sản xuất mạ khay, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng mô hình dây chuyền gieo mạ khay tự động.
Mô hình cấy lúa máy vẫn chưa được nhân rộng
Từ năm 2014 - 2019, Trung tâm đã hỗ trợ 17 dây chuyền gieo mạ khay tự động, năng suất gieo trung bình của 1 dây chuyền đạt 500 - 600 khay/giờ, cấy đủ cho 2ha lúa, giúp giảm chi phí sản xuất từ 180.000 – 200.000 đồng/ha so với gieo mạ khay theo phương pháp thủ công bằng giàn đẩy tay.
Để mở rộng diện tích ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy lúa, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đề nghị UBND TP, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục quan tâm hỗ trợ giống, vật tư, máy cấy, dây truyền gieo mạ khay để khuyến khích mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy. Cùng với đó, hỗ trợ hình thành mỗi huyện từ 1 – 2 trung tâm sản xuất mạ khay là điểm tham quan học tập cho các địa phương lân cận.
Đặc biệt là, Hà Nội cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân mua máy và tăng mức hỗ trợ để khuyến khích người dân mua máy có công suất lớn; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức thực hiện cho các HTX nông nghiệp trong thời gian đầu cũng như tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp vay vốn để mua máy không phải thế chấp bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Về phía các địa phương, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đề nghị UBND các huyện chỉ đạo UBND các xã tạo điều kiện bố trí mặt bằng cho các HTX nông nghiệp phát triển mạ khay. Bên cạnh chính sách của TP, các huyện nên có cơ chế, chính sách riêng nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy.
Để hỗ trợ cho bà cong nông dân ứng dụng mô hình cấy máy, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 của HĐND Thành phố Hà Nội từ nguồn ngân sách Thành phố cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện năm 2024 - 2025 vừa được UBND TP. Hà Nội ban hành.
Theo đó, UBND Thành phố Hà Nội sẽ bố trí hơn 37 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp tại Điều 8 Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp TP. Hà Nội ban hành kèm theo Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND.
Cụ thể, trong năm 2024, Thành phố dự kiến địa điểm thực hiện tại các huyện: Mỹ Đức, Thạch Thất, Thanh Oai, Ba Vì, Phúc Thọ, Mê Linh, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Quốc Oai. Dự kiến số lượng máy cấy hỗ trợ là 89 cái, với tổng kinh phí hỗ trợ là 16,508 tỷ đồng.
Năm 2025, dự kiến địa điểm thực hiện tại các huyện: Mỹ Đức, Thanh Oai, Ba Vì, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thường Tín, Đông Anh, Ứng Hoà, Quốc Oai, Phú Xuyên, Sóc Sơn. Dự kiến 20,586 tỷ đồng sẽ được UBND TP. Hà Nội hỗ trợ để mua 112 máy cấy.
UBND TP. Hà Nội giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện nội dung chính sách đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.
Phối hợp với các huyện, thị xã và các ngành có liên quan tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện, đề xuất các giải pháp triển khai kế hoạch, kịp thời báo cáo UBND TP. Hà Nội những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.