Năm nay, Hà Nội phấn đấu gieo trồng 28.512ha cây vụ đông, chủ yếu là các loại giống mới, ngắn ngày, đồng thời chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch.
Bám sát thời vụ
Những ngày cuối tháng 10/2023, trên cánh đồng rau của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh), nông dân đang hối hả vào vụ rau đông.
Theo ông Nguyễn Văn Đức ở thôn Đông Cao, gia đình trồng 2,5 mẫu rau các loại. Năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi nên cây rau sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh. Lợi thế nữa là giá vật tư nông nghiệp giảm hơn so với năm trước. Hiện thương lái thu mua rau tại ruộng với giá 3.000-5.000 đồng/kg.
Chăm sóc rau tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ).
Chia sẻ về hoạt động sản xuất của đơn vị, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao Đàm Văn Đua cho biết, vụ đông năm nay, hợp tác xã gieo trồng hơn 200ha rau xanh các loại, trong đó chủ lực là củ cải trắng và rau ăn lá, như: Cải ngọt, cải dưa, cà chua... Nhìn chung, vụ rau đông năm nay thời tiết ủng hộ nên sản lượng rau đạt cao, trung bình mỗi ngày hợp tác xã cung cấp cho thị trường khoảng 300 tấn rau các loại. Dự kiến dịp trong và sau Tết Nguyên đán, Hợp tác xã sẽ cung cấp từ 300 đến 400 tấn rau/ngày.
Đến thời điểm này, các hộ dân trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã gieo trồng được 1.750ha cây vụ đông (đạt 89,7% kế hoạch); trong đó, cây ngô là 485ha, lạc 10ha, khoai tây 82ha, khoai lang 125ha, đậu tương 50ha, rau các loại và cây khác 998ha. Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Thám cho hay, để phục vụ nhu cầu của siêu thị, nhất là các bếp ăn tập thể dịp trong và sau Tết Nguyên đán, vụ đông năm nay, hợp tác xã gieo trồng hơn 30 chủng loại rau, với diện tích 27ha. Mỗi ngày, đơn vị cung ứng ra thị trường khoảng 3 tấn rau xanh và 100% sản phẩm đều đã được ký hợp đồng bao tiêu với các đơn vị gồm: 4 bệnh viện, 2 hệ thống siêu thị lớn là Big C và T-Mart, 15 cửa hàng tiện ích, 11 trường học trên địa bàn thành phố.
Đánh giá tình hình sản xuất cây vụ đông 2023-2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Lưu Thị Hằng cho rằng, các địa phương đều bám sát khung thời vụ, điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ đông theo hướng tăng diện tích và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, bảo đảm đáp ứng nhu cầu thị trường... Đến thời điểm này, tổng diện tích gieo trồng cây rau màu vụ đông của toàn thành phố là 19.586,2ha, đạt 68,7% kế hoạch.
Chú trọng phát triển nông nghiệp sạch
Vụ đông là vụ gieo trồng chính của thành phố Hà Nội, thời điểm tiêu thụ nông sản cao nhất trong năm. Năm nay, Hà Nội phấn đấu gieo trồng 28.512ha cây vụ đông, chủ yếu là các loại giống mới, ngắn ngày.
Mê Linh hướng đến phát triển nông nghiệp sạch, vùng chuyên canh tập trung
Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết, huyện yêu cầu các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực gieo trồng cây vụ đông, mở rộng diện tích sản xuất các loại cây trồng ngắn ngày, như: Su hào, cải bắp, khoai tây... Ngoài ra, huyện bám sát diễn biến thời tiết để điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật về chọn giống, sử dụng phân bón, phương thức canh tác nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.
Theo Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao Đàm Văn Đua: HTX hiện có 173 thành viên, khách hàng có trên 932 hộ. Trong đó, trên 600 hộ đang sản xuất nông nghiệp và canh tác chuyên canh cây củ cải trắng và các chủng loại rau màu khác. Hàng năm, HTX cung cấp cho thị trường Hà Nội khoảng 20% rau củ quả các loại phục vụ người dân, còn lại là các tỉnh bạn. Cụ thể, khu vực thâm canh rau củ quả như Đồng Ta và Bãi Non có trên 200ha, năng suất gần 40.000 tấn/năm, hầu hết các xã viên HTX đều trồng rau, củ theo hướng nông nghiệp, sạch, an toàn.
Ông Nguyễn Văn Đức, thành viên HTX Đông Cao, phấn khởi chia sẻ: "Trồng rau, củ theo hướng sạch, an toàn mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Vì thế, để tăng thu nhập cho gia đình, hai vợ chồng tôi quyết tâm thuê thêm hơn 7 sào đất tiếp tục trồng các loại rau ăn lá các loại, như: củ cải, cải xanh, cà chua… Tính trung bình, gia đình tôi chỉ bỏ vốn đầu tư 2 - 3 triệu đồng/sào nhưng thu được 6 triệu đồng/sào/vụ".
Những năm qua, huyện Mê Linh chú trọng chuyển đổi mạnh cơ cấu giống cây trồng, đảm bảo phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương; đồng thời đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất, xây dựng các khu sản xuất chuyên canh tập trung, quy mô lớn theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp Huyện cũng duy trì và phát triển các chuỗi liên kết, các vùng sản xuất phát triển các sản phẩm sạch, an toàn có chứng nhận chất lượng, truy xuất nguồn gốc; làm tốt công tác bảo vệ thực vật, phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng...
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, căn cứ vào kế hoạch sản xuất và tình hình thực tế, các huyện, thị xã cần chỉ đạo, tuyên truyền, vận động người dân tích cực gieo trồng cây vụ đông, mở rộng diện tích sản xuất để chủ động nguồn cung thực phẩm cho thành phố. Các địa phương cũng cần triển khai chính sách hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn kỹ thuật gieo trồng cho nông dân. Bên cạnh đó là hỗ trợ người dân phát triển các chuỗi liên kết, tiêu thụ nông sản, nhất là rau, quả tươi tại vùng sản xuất chuyên canh tập trung khi vào vụ thu hoạch chính.
Đồng hành với nông dân, cán bộ ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương bám sát đồng ruộng, cập nhật tình hình thời tiết, sâu bệnh, kịp thời hướng dẫn nông dân chăm sóc và phòng trừ dịch hại cho cây rau màu vụ đông; quan tâm sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ, sinh học, bảo đảm an toàn thực phẩm và môi trường sinh thái.
Cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, thời điểm nhu cầu về nông sản, thực phẩm của người dân tăng cao nên thành phố Hà Nội đã thúc đẩy sản xuất vụ đông đối với cây trồng ngắn ngày để tận dụng lợi thế từ thị trường, tạo đà tăng trưởng. Điều quan trọng, việc gia tăng sản xuất, chủ động gieo trồng giống cây theo nhu cầu thị trường trong những tháng cuối năm sẽ tạo đột phá cho tăng trưởng của ngành Nông nghiệp; đồng thời bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người dân Thủ đô.
Đôn đốc gieo trồng cây vụ đông trong khung thời vụ
UBND thành phố Hà Nội vừa có Công văn số 3489/UBND-KTN về việc đẩy mạnh triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông 2023.
Công văn nêu rõ, để hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ đông 2023 trong khung thời vụ, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ kế hoạch sản xuất đã xây dựng và tình hình thực tế chỉ đạo, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực gieo trồng cây vụ đông, mở rộng diện tích sản xuất các loại cây rau ưa lạnh, cây trồng ngắn ngày như ngô nếp, ngô sinh khối, rau ngắn ngày, khoai tây.... bảo đảm diện tích gieo trồng theo kế hoạch. Triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, thúc đẩy các chuỗi liên kết giá trị, hỗ trợ tiêu thụ nông sản nhất là rau, quả tươi tại vùng sản xuất chuyên canh, tập trung.
UBND các quận, huyện, thị xã cần bám sát khung thời vụ và diễn biến thời tiết để điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật về giống, phân bón, canh tác, cơ giới hóa trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và hiệu quả sản xuất. Đồng thời, siết chặt công tác quản lý chất lượng và giá vật tư nông nghiệp trên địa bàn để bảo đảm số lượng, chất lượng, gồm cả nguồn dự trữ để trồng lại nếu xảy ra thiên tai; đồng thời tuyên truyền và hướng dẫn các cơ sở kinh doanh vật tư chấp hành tốt các quy định của pháp luật; phối hợp với cơ quan Quản lý thị trường các cấp kiên quyết xử lý các hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng theo đúng quy định pháp luật.
UBND thành phố giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan chủ động phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn, vận động người dân tích cực gieo trồng cây vụ đông. Xây dựng phương án điều tiết, sử dụng nguồn nước hợp lý; có phương án ứng phó hiệu quả trong điều kiện mưa bão, gây ngập úng cây vụ đông, giảm thiểu tối đa thiệt hại đến cây trồng. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng cây trồng; điều tra, dự tính, dự báo, hướng dẫn phòng trừ sinh vật gây hại, đảm bảo an toàn mùa vụ.