Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 29 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 7 tháng 10 năm 2023 | 10:47

Diện mạo mới của nông nghiệp Thủ đô

Đã 69 năm kể từ ngày bộ đội ta tiếp quản Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023), nhất là sau 15 năm hợp nhất một số địa phương để mở rộng Hà Nội, Nông nghiệp Thủ đô có sự thay đổi đáng kinh ngạc, trong đó phải kể đến Chương trình Xây dựng nông thôn mới đã xây dựng sản phẩm của các làng nghề thành sản phẩm đạt OCOP và được người tiêu dùng đón nhận.

Đây chính là diện mạo mới của nông nghiệp Thủ đô trong sự phát triển về mọi mặt của Hà Nội.

Nhiều khó khăn, thách thức

Năm 2008, thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội, tỉnh Hà Tây (cũ), huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và một phần huyện Lương Sơn (tỉnh Hoà Bình) hợp nhất về Thủ đô.

Tại thời điểm mở rộng địa giới hành chính, ngành Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đứng trước nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bốn địa phương khác nhau về đặc điểm văn hoá, xã hội, chính trị, quy mô đất đai, dân số và đặc biệt là trình độ phát triển.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Năm 2008, thời điểm mới hợp nhất, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thuỷ sản của thành phố (giá hiện hành) chỉ đạt trên 7.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế nội ngành chưa cân đối. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn chỉ đạt 8,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 12,5%...

Sản xuất nông nghiệp còn  manh mún, mới chỉ bước đầu hình thành được một số ít các vùng chuyên canh theo hướng hàng hoá với diện tích rất khiêm tốn. Mối liên kết sản xuất giữa hộ nông dân với các thành phần kinh tế còn lỏng lẻo. Hoạt động của các HTX nông nghiệp còn yếu; lĩnh vực chế biến, liên kết tiêu thụ nông sản chưa được chú ý.

Có thể nói, thời điểm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, ngành Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, bởi cả các yếu tố chủ quan lẫn khách quan.

Nhưng, với sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nNhân dân, ngày nay, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã thay đổi toàn diện, nhất là các sản phẩm thủ công làng nghề truyền thống, sản phẩm đặc trưng đều được chứng nhận là sản phẩm OCOP đứng đầu cả nước.

Thế mạnh của vùng đất “trăm nghề”

Hà Nội là vùng đất “trăm nghề”, có tới 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước, với 1.350 làng nghề, trong đó có 321 làng nghề truyền thống đã được công nhận. Bên cạnh các làng nghề, Hà Nội còn có 1.136 HTX nông nghiệp đang hoạt động, 1.695 trang trại, 149 chuỗi liên kết được duy trì và phát triển, hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, cùng với đó là hàng nghìn sản vật nông nghiệp nức tiếng xưa nay.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị đầu tiên được  triển khai trên toàn quốc từ năm 2018 theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Trưng bày sản phẩm OCOP được giới thiệu tại Hội nghị công bố quyết định công nhận sản phẩm OCOP.

Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, Chương trình OCOP có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế nói chung và kinh tế nông thôn nói riêng; phát triển sản phẩm OCOP để phát huy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Chương trình OCOP đã đánh thức tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Thủ đô và là “cú hích” làm đổi mới tư duy sản xuất, đánh đúng, trúng nhu cầu tiêu dùng, tạo chuyển dịch mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn.

Kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới

Hà Nội hiện có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM (gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh và thị xã Sơn Tây).

Đối với 3 huyện (Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức) chưa đạt chuẩn NTM, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại - Chánh Văn phòng Điều phối NTM Thành phố cho biết, đã hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định NTM Trung ương xem xét, công nhận 3 huyện đạt chuẩn NTM.

Về xây dựng huyện NTM nâng cao, ông Nguyễn Xuân Đại thông tin, huyện Đông Anh có 12/23 xã đạt chuẩn, huyện đạt 6/9 tiêu chí; huyện Đan Phượng 100% xã đạt chuẩn, huyện đạt 6/9 tiêu chí; huyện Gia Lâm có 15/20 xã đạt chuẩn, huyện đạt 5/9 tiêu chí; huyện Thanh Trì 100% xã đạt chuẩn, huyện đạt 6/9 tiêu chí; huyện Hoài Đức có 7/19 xã đạt chuẩn, huyện đạt 7/9 tiêu chí.

Hà Nội có 382/382 xã đạt chuẩn NTM, 111 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Ông Nguyễn Xuân Đại cho biết, trong năm 2023, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM là 8.699 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Thành phố là 1.713,05 tỷ đồng, chiếm 19,7%; ngân sách huyện: 6.273,2 tỷ đồng, chiếm 72,1%; ngân sách xã: 493,1 tỷ đồng, chiếm 5,7%. Vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước là 219,6 tỷ đồng, chiếm 2,5%.

Để hoàn thành mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp trong năm 2023 và Thành phố có thêm 3 huyện đạt chuẩn NTM, 4 huyện đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 61 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 33 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU cho rằng, cần tập trung chỉ đạo và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư, phấn đấu về đích theo đúng kế hoạch.

Đứng đầu cả nước về sản phẩm OCOP

Hiện nay, Hà Nội đã công nhận 2.167/9.852 sản phẩm OCOP, chiếm 22% cả nước. Trong đó có 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao. Riêng năm 2022, thành phố công nhận 518 sản phẩm (01 sản phầm tiềm năng 5 sao, 271 sản phẩm 4 sao, 246 sản phẩm 3 sao), vượt chỉ tiêu Kế hoạch 118 sản phẩm (mỗi năm có 400 sản phẩm).

Thạch Thất là một trong những địa phương đứng đầu Hà Nội về số lượng sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, với 142 sản phẩm. Trên địa bàn huyện có 50/59 làng có nghề, trong đó xã Canh Nậu được ví là “thủ phủ” đồ gỗ của Thủ đô.

Bà Nguyễn Kim Loan, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, cho biết, những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện liên tục đạt mức tăng trưởng bình quân 3,4%/năm. Huyện tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, thuỷ sản, nâng cao chất lượng nông sản. Phong trào chuyển đổi cơ cấu cây - con đang phát huy hiệu quả, từng bước hình thành những vùng sản xuất chuyên canh tập trung, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao.

Rượu Bạch cúc Long Tửu của gia đình chị Phan Thanh Loan ở xã Đông Hội  (Đông Anh) được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Nhờ triển khai hiệu quả Chương trình OCOP, các chủ thể chuyển từ sản xuất truyền thống sang hiện đại, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, thay đổi mẫu mã..., đáp ứng nhu cầu thị trường; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Đại cho biết, Hà Nội luôn xác định mục tiêu triển khai Chương OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tiến tới phát triển một cách toàn diện, ngành Nông nghiệp Hà Nội xác định cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu sắc vai trò, ý nghĩa, yêu cầu phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng bền vững, chất lượng và hiệu quả cao, gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới; từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo tới đội ngũ cán bộ từ lãnh đạo đến cán bộ, công chức, viên chức của ngành.

Hà Nội đang trong những ngày mùa Thu, đây là một trong những mùa đẹp nhất trong năm, đi trên những con phố rợp bóng cây bạn có thể cảm nhận được một chút heo may của mùa thu Hà Nội, nhưng nếu ra được các huyện ngoại thành, mùi hương thơm của lúa, màu sắc rực rỡ của các loại hoa được trồng ven đường bạn sẽ cảm nhận được một cuộc sống của người dân đang đổi thay từng ngày. Hà Nội hào hoa và thanh lịch, Hà Nội Anh hùng đang trên con đường phát triển, nhờ vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền và công sức của Nhân dân Thủ đô trong suốt 69 năm qua và 15 năm Hà Nội sáp nhập một số địa phương để mở rộng địa giới Thủ đô cho xứng tầm.

==

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top