Ngày 13/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 1045/QĐ-TTg công nhận huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.
Nỗ lực không ngừng
Năm 2010, huyện Ba Vì triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trong điều kiện xuất phát điểm thấp, hạ tầng nông thôn thiếu đồng bộ, hệ thống giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi nội đồng xuống cấp, ruộng đồng manh mún.
Huyện Ba Vì đáp ứng tiêu chí xây dựng Nông thôn mới.
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn nhiều thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo nông thôn khá cao, chiếm 15,1%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 21,7 triệu đồng.
Đứng trước nhiều khó khăn, toàn huyện Ba Vì đã đoàn kết, thống nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và quyết tâm thực hiện xây dựng huyện NTM. Công tác quán triệt quan điểm của Đảng và chủ trương của Thành ủy Hà Nội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM được triển khai sâu rộng.
Nhờ những nỗ lực vượt bậc, năm 2022, giá trị sản xuất nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt hơn 12.700 tỷ đồng. Diện tích gieo trồng hằng năm gần 22.600ha. Giá trị sản xuất đạt 198 triệu đồng/ha.
Chăn nuôi phát triển ổn định, sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản theo hướng hàng hóa, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao, điển hình như mô hình trồng bưởi kết hợp nuôi gà thả vườn ở xã Vật Lại, trồng cam xã Khánh Thượng, nuôi bò sữa tại các xã Minh Châu, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài, mô hình nuôi đà điểu xã Vân Hòa, Tản Lĩnh...
Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, kết quả sau hơn 12 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Ba Vì đã tạo ra được chuyển biến lớn trên nhiều lĩnh vực.
Đến nay, các địa phương trên địa bàn huyện Ba Vì đã được công nhận 138 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao gồm nhiều sản phẩm đa dạng như mật ong thiên nhiên; mật ong hoa rừng Tản Viên Ba Vì; tinh bột nghệ nếp đỏ, rau các loại; bưởi Yên Bài; tương Khê Thượng; rượu mơ Tản Viên; các sản phẩm chế biến đồ ăn chay; thịt - giò đà điểu…
Với nhiều giải pháp thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay, 100% số xã của huyện đạt chuẩn NTM, trong đó 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao chiếm 13,3%; thị trấn Tây Đằng đạt chuẩn đô thị văn minh; tỷ lệ hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM của địa phương đạt trên 99%.
Xây dựng nông thôn mới đã thực sự làm thay đổi cho vùng quê Ba Vì, đời sống người dân được cải thiện đáng kể, đưa nông thôn Ba Vì trở thành miền quê đáng sống.
Huyện Nông thới của Thủ đô
Xứng đáng với thành quả đạt được trong những năm qua, ngày 13/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 1045/QĐ-TTg công nhận huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.
Theo đó, triển khai xây dựng nông thôn mới, huyện Ba Vì đạt được nhiều kết quả nổi bật. Từ năm 2021, toàn huyện đã có 30/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến hết năm 2022, có 4/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2023, huyện phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, tiếp tục xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao và địa phương tự đánh giá đạt 57/100 điểm.
Huyện Ba Vì cũng đã phát động cuộc thi “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn trên địa bàn huyện” và được triển khai sâu rộng, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong thôn, xóm xây dựng quê hương ngày càng sạch đẹp, văn minh…
Đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, huyện Ba Vì có 138 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt 3 sao trở lên.
Hiện, 28/31 xã, thị trấn (chiếm 90,32% số xã, thị trấn) của huyện được tiếp cận hệ thống nước sạch tập trung với hơn 51% số hộ gia đình đang sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; hơn 50% số hộ gia đình của 3 xã miền núi Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Vì sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tự chảy với chất lượng bảo đảm.
Về phát triển kinh tế nông thôn, trên địa bàn huyện Ba Vì có 118 hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động (trong đó có 97 hợp tác xã nông nghiệp, 2 hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 17 hợp tác xã dịch vụ khác, 2 quỹ tín dụng nhân dân) và 184 trang trại.
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện đã triển khai mô hình sản xuất lúa VietGAP 40 ha tại các xã Phú Đông, Đông Quang, Minh Quang, Phong Vân bằng giống VNR20. Bên cạnh đó, còn có mô hình lúa cá, với diện tích 2 ha tại xã Vạn Thắng.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Với việc huyện Ba Vì được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, đến nay, 18/18 huyện, thị xã của thành phố đã về đích nông thôn mới. Trong năm 2023, Hà Nội phấn đấu đưa 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng.
Theo Quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; đồng thời, chỉ đạo UBND huyện Ba Vì tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường, bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
==
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội