Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 17 tháng 9 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 3 năm 2024 | 16:55

Hà Nội công nhận 104 sản phẩm đạt OCOP 4 sao năm 2023

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt 4 sao năm 2023.

Theo đó, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP thành phố năm 2023 với 104 sản phẩm OCOP đạt 4 sao của 32 chủ thể. Kết quả phân hạng có giá trị trong 36 tháng, kể từ ngày ký ban hành quyết định. Các sản phẩm đạt 4 sao OCOP năm 2023 được khen thưởng theo quy định hiện hành.

Sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao của Hợp tác xã Thanh Hà. Ảnh: Tuyết Mai/TTXVN

Sở NN&PTNT, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới  được thành phố giao có trách nhiệm tổ chức công bố, trao giấy chứng nhận và chi giải thưởng cho các sản phẩm OCOP đạt 4 sao được UBND thành phố phân hạng năm 2023; đồng thời, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã, các chủ thể OCOP được phân hạng thực hiện việc sử dụng và in nhãn hiệu OCOP, thứ hạng sao trên bao bì sản phẩm được chứng nhận theo quy định.

Sở NN&PTNT, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thành phố có liên quan, định kỳ tổ chức kiểm tra các sản phẩm theo thẩm quyền được phân cấp theo quy định; đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định của Chương trình OCOP và các quy định khác theo quy định của pháp luật và thành phố.

UBND thành phố cũng giao UBND các quận, huyện phối hợp với các sở, ngành thành phố, cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ chủ thể trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP; thực hiện công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, tổ chức kiểm tra các sản phẩm theo thẩm quyền được phân cấp theo quy định; đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định của Chương trình OCOP và các quy định khác theo quy định của pháp luật và thành phố.

Đối với các chủ thể có sản phẩm OCOP được phân hạng 4 sao, UBND thành phố yêu cầu có trách nhiệm hoàn thiện sản phẩm bảo đảm chất lượng theo quy định của Chương trình OCOP; duy trì và nâng cấp các sản phẩm OCOP để tham gia thi nâng hạng sao hằng năm.

Hội đồng thẩm định sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội đánh giá sản phẩm trà sen Tây Hồ của chủ thể Lưu Thị Hiền (quận Tây Hồ) đạt OCOP 4 sao.

Đến nay, Hà Nội là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP nhất cả nước, với hơn 2.700 sản phẩm.

Đi cùng với phát triển số lượng, thời gian qua, Hà Nội đã hạn chế đánh giá, công nhận đối với những nông sản tươi sống, ưu tiên nông sản ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu. Nhờ đó, vị thế và giá trị sản phẩm OCOP được nâng cao, hướng tới mục tiêu xa hơn là xuất khẩu.

Điển hình là Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam (huyện Phúc Thọ) sản xuất chuối với quy mô 100ha. Mới đây, hợp tác xã đưa sản phẩm chuối dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và đủ điều kiện công nhận 4 sao.

Giám đốc Hợp tác xã Doãn Văn Thắng cho hay, so với trồng ngô thì trồng chuối hiệu quả kinh tế tăng gấp 4 lần, thu nhập của mỗi người trồng chuối đạt từ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Hiện tại, chuối Vân Nam đang cung cấp cho bếp ăn của các đơn vị quân đội, trường học trên địa bàn huyện Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hợp tác xã có lượng hàng lớn để cung cấp cho thị trường, nhất là chuối bày mâm ngũ quả.

“Hợp tác xã được chính quyền địa phương và ngành Nông nghiệp hỗ trợ kho lạnh, dây chuyền sơ chế, bảo quản chuối, được cấp mã vùng trồng. Nếu được công nhận OCOP 4 sao, chúng tôi sẽ xúc tiến thương mại để tiến tới xuất khẩu chuối”, ông Doãn Văn Thắng thông tin.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, Hà Nội xác định, cùng với phát triển sản phẩm OCOP phải chú trọng công tác xúc tiến thương mại cho sản phẩm. Hằng năm, thành phố tổ chức nhiều sự kiện để các chủ thể OCOP chia sẻ về cách xây dựng và phát triển sản phẩm. Đồng thời, thành phố cũng xúc tiến thương mại cho sản phẩm và hỗ trợ chủ thể OCOP của Hà Nội tham gia các hội chợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ có uy tín do quốc tế tổ chức. Qua đó, chủ thể OCOP có nhiều cơ hội quảng bá, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm cũng như tìm kiếm đối tác để ký kết hợp đồng và tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng nước ngoài.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top