Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 4 tháng 12 năm 2024  
Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024 | 16:0

Hà Nội đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo cung ứng nông sản cho thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ

Mặc dù còn khoảng 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025, nhưng để bảo đảm nguồn hàng nông sản phục vụ cho nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng, Hà Nội đã chủ động chuẩn bị nguồn hàng, liên kết với chuỗi cung ứng cung cấp sản phẩm...

Đẩy mạnh sản xuất 

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (YAGI) nên nhiều diện tích hoa màu, cây nông nghiệp, gia súc, gia cầm bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến việc cung cấp nguồn thực phẩm cho thị trường, nhất là thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025 không còn bao xa.

Tăng diện tích gieo trồng để bảo đảm nguồn cung cho thị trường

Trước tình hình đó, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch gieo trồng đạt 32.000 - 33.000ha (tăng 3.000 - 4.000ha). Để bảo đảm mục tiêu tăng diện tích gieo trồng đạt hiệu quả, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và hướng dẫn bà con nông dân tích cực gieo trồng cây vụ Đông thời vụ như: khoai tây, rau ưa lạnh, rau cải…

Mê Linh là địa phương chịu ảnh hưởng rất lớn từ cơn bão số 3 gây ra, hầu hết các diện tích trồng rau màu của huyện, đặc biệt là vùng trồng rau màu tại xã Tráng Việt đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngay sau khi bão tan, địa phương đã khôi phục ngay sản xuất để có nguồn cung ứng rau cho thị trường. Hiện nay, chính quyền địa phương huyện đã chỉ đạo, tập trung hỗ trợ người dân làm đất để gieo trồng vụ mới. Trong đó, chú trọng hướng dẫn bà con sử dụng các giống rau ngắn ngày để sớm cho thu hoạch, bảo đảm cung cấp nguồn rau xanh cho thị trường.

Ngay từ đầu tháng 10, HTX Sản xuất và Tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (xã Đan Phượng) đã chỉ đạo các thành viên, nhân công chăm sóc, gieo trồng nhiều loại rau, củ; tập trung chủ yếu vào các loại rau vụ đông như rau cải, su hào, súp lơ, cà chua. HTX đã phân công hàng chục nhân công đảm nhận các khâu: Chăm bón, thu hoạch, đóng gói... cung cấp sản phẩm ra thị trường

Bà Nguyễn Thị Cuối, Giám đốc HTX Sản xuất và Tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý, cho biết: "HTX đã chuẩn bị nguồn cung cấp các mặt hàng nông sản đa dạng, phong phú cho người dân Tết Nguyên đán, chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, đa dạng chủng loại rau. Trong đó, HTX mở rộng diện tích trồng rau ăn lá, rau gia vị, rau cao cấp, với những sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP".

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng, căn cứ diễn biến thời tiết, Hà Nội chủ động xây dựng kịch bản sản xuất. Sở NN&PTNT sớm có văn bản phân công cán bộ cơ sở phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng chính vụ; tăng cường công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo tình hình sinh vật gây hại, hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả.

Ngoài chủ động sản xuất, Hà Nội liên kết với các tỉnh, thành phố để cung ứng nông sản an toàn cho thị trường Thủ đô, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm, bảo đảm đa dạng hàng hóa và chất lượng thực phẩm.

Để hỗ trợ các hộ nông dân, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã phân công cán bộ, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả trên một số cây trồng chính trong vụ Đông 2024.

Bên cạnh đẩy mạnh việc sản xuất nông sản đảm bảo cung cấp nguồn rau xanh chất lượng cao, an toàn cho người dân Thủ đô trong dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, Hà Nội cũng sẽ tăng cường giải pháp liên kết vùng với các địa phương trong việc cung cấp thực phẩm. Tuy nhiên, Thành phố sẽ giám sát, truy xuất nguồn gốc chặt chẽ, rõ ràng đồng thời lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn, vệ sinh thực phẩm theo quy định nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Sẵn sàng nguồn hàng cung cấp cho thị trường Tết

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Thời gian qua, thành phố chỉ đạo các sở, ngành triển khai nhiều giải pháp phát triển sản xuất, kết nối nguồn cung nông sản an toàn, chất lượng cao từ các tỉnh, thành phố phục vụ người tiêu dùng Thủ đô và du khách. Đến nay, Hà Nội đã ký kết hợp tác với 43 tỉnh, thành phố, phát triển 946 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ - quảng bá nông sản, đặc sản vùng miền; hỗ trợ lưu thông hàng hóa...

Hà Nội tăng cường liên kết với các địa phương cung cấp nguồn nông sản cho thị trường Tết

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, trung bình mỗi tháng, nhu cầu tiêu dùng đối với một số nhóm hàng hóa thiết yếu của Hà Nội là: Gạo 96.700 tấn, thịt lợn 19.300 tấn, thịt bò 5.350 tấn, thịt gà 6.400 tấn, thủy sản 19.250 tấn, trứng gia cầm 129 triệu quả. Bên cạnh đó, người dân Hà Nội cũng tiêu thụ trung bình mỗi tháng khoảng 5.350 tấn thực phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản, 107.500 tấn rau, củ và 56.000 tấn trái cây. Với diện tích đất nông nghiệp hơn 189.000ha, sản phẩm hàng hóa thiết yếu Hà Nội tự sản xuất được hiện nay đáp ứng 35-70% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, để bảo đảm nguồn cung cho thị trường cuối năm, ngành Nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ người dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng cây trồng vụ đông. Ngoài ra, Sở NN&PTNT Hà Nội đã hợp tác với 43 tỉnh, thành phố trên cả nước để xây dựng, duy trì, phát triển 977 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm với sự tham gia của 1.130 đầu mối, đáp ứng thường xuyên nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn. Trong đó, một số tỉnh cung ứng về Hà Nội như: Hòa Bình cung ứng hơn 1.600 tấn cá sông Đà, hơn 18.000 tấn trái cây; tỉnh Sơn La cung ứng hơn 19.000 tấn rau, củ, quả; Công ty WinEco Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc cung cấp cho hệ thống siêu thị tại Hà Nội hơn 2.000 tấn rau, củ. Với tỉnh Hà Nam: Công ty Masan chi nhánh Hà Nam cung cấp cho các siêu thị tại Hà Nội hơn 1.000 tấn thịt lợn, Công ty Mavin cung cấp trên 700 tấn xúc xích cho Hà Nội; tỉnh Lâm Đồng cung cấp 7-10% sản lượng rau cho Hà Nội với hơn 66.000 tấn; tỉnh Đắk Lắk cung cấp hơn 3.000 tấn trái cây…

Để đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng cao điểm trước, trong và sau dịp lễ Tết năm 2025, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa và tổ chức hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực công thương. Bên cạnh đó, thành phố cũng chủ động tạo nguồn hàng ổn định, đảm bảo cung - cầu của thị trường Hà Nội trong dịp lễ, Tết…

Nhìn chung, các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng, góp phần ổn định sản lượng. Các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản an toàn đáp ứng đầy đủ quy trình quản lý chất lượng, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu thụ qua các bếp ăn tập thể, chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích… đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho hay, ngành Nông nghiệp Hà Nội tập trung chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ giải pháp phát triển sản xuất theo kế hoạch năm, phòng, chống dịch bệnh động vật, bảo đảm sản xuất, chủ động cao nhất nguồn hàng hóa thiết yếu cung cấp cho người dân Thủ đô. Sở tiếp tục duy trì phối hợp với Sở Công Thương trong việc theo dõi, bám sát tình hình cung - cầu, giá cả, thị trường hàng hóa trên địa bàn Hà Nội để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động; tăng cường giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ, tập trung vào sản phẩm tiêu thụ lớn, có mối nguy cao vào các dịp cao điểm.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp từ Kinhtedothi.vn; Hanoimoi.vn, VTV.vn...)
Ý kiến bạn đọc
Top