21 năm tù và hàng trăm triệu đồng cho 4 ngư phủ phạm pháp trong vụ án tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài đánh bắt thuỷ sản trái phép thể hiện sự cương quyết của chính quyền các cấp và cơ quan chức năng Cà Mau trong công tác đấu tranh chống đánh bắt thuỷ sản trái phép, nhằm nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU của châu Âu.
Phiên toà lưu động xét xử 4 bị cáo.
Bản án nghiêm khắc đúng pháp luật
Ngày 30/9, tại UBND thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Cà Mau đã đưa ra xét xử lưu động công khai vụ án “Tổ chức môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh Cà Mau, vào đầu năm 2023, do muốn đánh bắt hải sản trên vùng biển Malaysia nên Quách Thanh Tuấn thông qua đối tượng tên Salam để hợp thức hóa tàu cá CM92365-TS của Tuấn thành tàu cá KNF6649 và đã chủ động móc nối, câu kết với Nguyễn Văn Công, Nguyễn Văn Phu tìm ngư phủ để trốn đi nước ngoài đánh bắt trái phép tại vùng biển của Malaysia. Công đã 02 lần tìm 09 ngư phủ cho Tuấn, Phu 01 lần tìm cho Tuấn 05 ngư phủ. Quá trình điều khiển tàu từ Việt Nam sang Malaysia thì Tuấn thuê Dương Hoàng Giang lái tàu và chỉ đạo Giang sửa chữa tàu cá CM-92365-TS thành tàu cá KNF6649 của Malaysia để phù hợp trong quá trình đánh bắt trái phép thủy sản. Trong các lần giúp sức đó thì Giang và Phu được hưởng lợi 10.000.000 đồng/người, riêng Công làm thuyền trưởng nhưng chưa được chia tiền thì đã bị bắt cho đến nay.
Với các hành vi trên, VKSND tỉnh Cà Mau đề nghị truy tố bị can Quách Thanh Tuấn, Nguyễn Văn Công phạm tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” theo quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 349 của Bộ luật Hình sự; bị can Nguyễn Văn Phu đã phạm vào tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 349 của Bộ luật Hình sự; bị can Dương Hoàng Giang phạm vào tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” theo quy định tại khoản 1 Điều 349 Bộ luật Hình sự
Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên: Quách Thanh Tuấn (40 tuổi, ngụ huyện Trần Văn Thời) 7 năm tù, phạt bổ sung 20 triệu đồng, Nguyễn Văn Công (49 tuổi, ngụ huyện Đông Hải, Bạc Liêu) 6 năm tù, phạt bổ sung 20 triệu đồng, Nguyễn Văn Phu (46 tuổi, ngụ huyện An Biên, Kiên Giang) 5 năm tù phạt bổ sung 10 triệu đồng; Dương Hoàng Giang (55 tuổi, ngụ huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) 3 năm tù phạt bổ sung 10 triệu đồng.
Buổi xét xử lưu động, đông đảo người dân địa phương tham dự và đồng tình với bản án nghiêm khắc, công bằng đã tuyên của Hội đồng xét xử với các bị cáo.
Một số người dân ở thị trấn Sông Đốc tham dự phiên tòa cũng thấu hiểu bài học: Mặc dù có hoàn cảnh khó khăn, trình độ dân trí thấp (từ lớp 2 đến lớp 6) nhưng cũng đủ hiểu việc trốn ra nước ngoài như trên là vi phạm nghiêm trọng pháp luật của Việt Nam và Quốc tế. Do vậy, không thể lấy lý do vì mưu cầu cuộc sống khó khăn mà vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến luật pháp quốc tế và Việt Nam. Những hành vi đáng trách, như trên đã làm khó khăn cho Nhà nước và người dân trong nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU của châu Âu, vì lợi ích cá nhân mình, làm tổn hại đến lợi ích chung của Việt Nam. Bản án nghiêm khắc sẽ là lời cảnh tỉnh đến các ngư phủ khác: “ mưu sinh phải đặt lợi ích chung lên trên hết”.
Xét xử vụ án “Tổ chức môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.
Chính quyền và các cơ quan chức năng ngăn chặn từ sớm
Ngày 08/7/2024, tại khu vực biển thuộc vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tổ tuần tra, kiểm soát trên tàu KN 206/Biên đội tàu CSB/Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phát hiện tàu cá CM-91148-TS (là tàu cá CM-92365-TS, lúc này đang gắn biển số CM-91148-TS do Tuấn làm thuyền trưởng. Thực tế, Tuấn còn đứng tên chủ sở hữu 01 tàu cá có biển số là CM-91148-TS khác) bán hải sản cho tàu tải Việt Nam xong, chưa chạy về vùng biển Malaysia đánh bắt tiếp thì bị lực lượng Cảnh sát biển kiểm tra, phát hiện vi phạm và tạm giữ tàu cá. Lúc này trên tàu cá có 13 ngư phủ (01 thuyền trưởng và 12 thuyền viên). Tàu cá không có thiết bị giám sát hành trình (VMS), có 01 bộ giấy tờ bằng tiếng nước ngoài, tàu có hành trình đi từ vùng biển Malaysia về vùng biển Việt Nam.
Sau khi mở chuyên án, An ninh Điều tra Công an tỉnh Cà Mau đã xác định, từ khi đi đánh bắt đến khi bị Cảnh sát biển phát hiện thì tàu cá CM-92365-TS (KNF6649) đã vào Cảng Đỏ, Malaysia bán hải sản 21 lần, với tổng số tiền khoảng 27.631 RM (vì ở Malaysia quy định mỗi tháng tàu cá phải vào Cảng Đỏ bán cá 01 lần, khi có hóa đơn bán cá thì không bị lực lượng chức năng xử phạt). Đồng thời tàu này cũng về vùng biển Việt Nam bán hải sản cho tàu tải 04 lần (Lần 01: Đầu tháng 02/2024, Tuấn kêu tàu tải Việt Nam để bán hải sản nhưng số lượng ít nên Tuấn không ghi chép sổ sách; Lần 02: Vào ngày 06/4/2024, với tổng số lượng khoảng 25 tấn; Lần 03: Vào ngày 20/5/2024, với tổng số lượng khoảng 30 tấn; Lần 04: Vào ngày 09/7/2024, với tổng số lượng khoảng 09 tấn). Mỗi lần tàu chạy từ vùng biển Malaysia đến khu vực chồng lấn với Việt Nam thì Công chỉ đạo cho ngư phủ sơn lại cabin tàu và thay đổi biển số KNF6649 thành biển số CM-91148-TS (CM-92365-TS) để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng Việt Nam. (Bút lục từ 04 đến 09; 17; 151 đến 153; 369 đến 630; 893 đến 905; 1098 đến 1100).
21 năm tù và hàng trăm triệu đồng là bài học cảnh tỉnh răn đe cho những ngư phủ có hành vi đánh bắt thuỷ sản trái phép và thể hiện sự cương quyết cứng rắn của chính quyền các cấp và cơ quan chức năng Cà Mau trong công tác đấu tranh chống đánh bắt thuỷ sản trái phép, nhằm nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU của châu Âu.