Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024  
Thứ năm, ngày 11 tháng 5 năm 2023 | 9:23

Đề xuất giải pháp chặn thực phẩm "bẩn"

Nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm do tình trạng sản xuất, buôn bán thực phẩm không bảo đảm an toàn vẫn diễn biến phức tạp.

Không ít vụ nhập viện trẻ do ngộ độc thực phẩm

Mới đây, thông tin nhiều học sinh mầm non nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm do ăn sữa chua phải cấp cứu trong đêm tại Nghệ An khiến nhiều người xôn xao.

Theo thông tin ban đầu từ phụ huynh học sinh, từ 18-20 giờ ngày 9/5, nhiều trẻ học tại Trường Mầm non xã Thuận Sơn khi về có dấu hiệu nôn mửa, lả người và một số cháu đi ngoài. Ngay lập tức, các cháu được đưa vào Trạm y tế xã Thuận Sơn trước khi chuyển lên tuyến trên cấp cứu.

Được biết, chiều cùng ngày, Trường Mầm non Thuận Sơn cho các cháu uống sữa chua. Hiện các cơ quan chức năng đã thực hiện niêm phong thực phẩm tại trường để tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân.

Ngộ độc thực phẩm là câu chuyện không hiếm gặp trong thời gian gần đây. Vào tháng 4, Trung tâm Y tế huyện Quế Sơn (Quảng Nam) đưa 16 học sinh đi cấp cứu nghi do ngộ độc sau khi ăn kem ống trước cổng trường.

Trước đó không lâu, ở Quảng Nam cũng xảy ra vụ hàng chục học sinh nhập viện do ngộ độc thực phẩm nghi do uống trà sữa, ăn trái cây lắc tự làm tại nhà, đem đi học...

Điều này khiến nhiều người không khỏi lo lắng, cứ đến mùa hè, khi tiết trời nắng nóng, số ca bị ngộ độc thực phẩm lại có xu hướng tăng trên cả nước.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, ngộ độc thực phẩm thực sự tăng cao hơn trong mùa nắng nóng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Khâu bảo quản thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thứ nhất, khâu bảo quản thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Ví dụ như việc bày bán thực phẩm ngoài trời, không che đậy hoặc che đậy không đảm bảo, không được bảo quản lạnh... Thực phẩm do đó dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, dính bụi bẩn đường phố... Nguy cơ ngộ độc thực phẩm vào mùa hè là điều khó tránh.

Thứ hai, nhiệt độ mùa hè rất lý tưởng cho vi khuẩn phát triển mạnh, theo cấp số nhân. Chuyên gia nhận định, vi khuẩn phát triển trong nhiệt độ 37 - 40 độ C cao gấp 3 lần so với thời tiết bình thường.

Những loại vi khuẩn này khi ở trong môi trường nắng nóng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Chẳng hạn như vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy. Vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn. Vi khuẩn Shigella gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc đường ruột. Vi khuẩn Staphylococcus aureus gây mủ ở vết thương. Vi khuẩn Clostridium gây tiêu chảy. Vi khuẩn Vibrio cholerae gây bệnh tả... Khi bị nhiễm khuẩn ở mức độ cao, dù có nấu chín, đun sôi cẩn thận cỡ nào, độc tố vẫn còn. Người dùng không tránh được nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Thứ ba, mùa hè là thời điểm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác, nước thải, sự phát triển mạnh của ruồi, nhặng, gián, muỗi... Đây cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Không chỉ với những cửa hàng thức ăn đường phố, cửa hàng kinh doanh ăn uống mà ngay tại nhà, tự tay mình làm cũng dễ gặp rủi ro.

Thêm nữa, vào những ngày nắng nóng, sức đề kháng của mọi người đều suy giảm, luôn cảm thấy mệt mỏi, ăn uống kém. Khi ăn thực phẩm kém an toàn vào cơ thể trong tình trạng này dễ bị bụng dạ kém. Ngộ độc thực phẩm khi người đang yếu sẵn cũng khó tránh.

Chưa kể, chúng ta cũng phải đối mặt với yếu tố mất an toàn do nguyên liệu đầu vào không được kiểm soát, nguy cơ gây ngộ độc của thực phẩm còn tăng thêm do hóa chất độc hại cũng có thể được sử dụng trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm. Chẳng hạn, các loại phụ gia thực phẩm tạo mùi, tạo màu, hương liệu... có thể được sử dụng bất chấp liều lượng, thành phần...

Theo chuyên gia, để phòng tránh ngộ độc thực phẩm vào mùa nắng nóng, mọi người cần chú ý:

- Giữ vệ sinh bằng cách rửa tay bằng xà phòng và nước trước khi chế biến và sau khi xử lý thực phẩm. Nên rửa sạch thực phẩm và rau quả bằng nước sạch, có thể ngâm nước muối để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

- Nấu chín kỹ thức ăn. Nấu chín là cách khử độc tố trong thực phẩm. Luôn luôn ăn chín, uống sôi để giảm nguy cơ mắc bệnh tiêu hóa trong mùa nắng nóng.

- Khi đi mua thực phẩm, chú ý lựa chọn thực phẩm tươi, có nhãn mác đầy đủ, có hạn sử dụng kéo dài.

- Khi chế biến thực phẩm, chú ý tránh tẩm ướp quá nhiều chất phụ gia. Không tự ý sử dụng chất phụ gia mà không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng như cách dùng...

- Khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh chú ý điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh dưới 5 độ C; tủ đông ở -15 độ C đến -18 độ C.

- Sử dụng thớt khác nhau cho thực phẩm sống và chín. Chú ý rửa sạch giữa các lần sử dụng.

- Không nên coi tủ lạnh là bảo bối thích bảo đựng thực phẩm bao lâu cũng được. Tốt nhất trong mùa hè chỉ bảo quản 3-5 ngày với thức ăn thừa. Muốn để lâu hơn cần đem cấp đông.

- Khi ăn uống, chú ý rửa tay với nước sạch xà phòng trước và sau khi ăn.

- Hạn chế ăn uống vỉa hè, thức ăn đường phố để tránh nguy cơ nhiễm bệnh từ thực phẩm dễ bị ôi thiu.

- Tăng cường miễn dịch cho cơ thể bằng cách ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc, không hút thuốc, rượu bia...

Phát hiện, thu giữ và xử lý hơn 1 tấn thực phẩm

Trong hai ngày 9 và 10/5/2023, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Công an quận Bắc Từ Liêm, Đội Quản lý thị trường số 22, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP Hà Nội) liên tiếp phát hiện, thu giữ và xử lý hơn 1 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cụ thể, ngày 9/5/2023, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm phối hợp với đội QLTT số 22 tiến hành kiểm tra điểm kinh doanh hàng hóa tại dãy nhà N1D3, TDP 1, phường Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội do ông Đỗ Văn Thắng (sinh năm 1986),  HKTT ở Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội là chủ cơ sở.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn nửa tấn thực phẩm đông lạnh gồm: lòng non, kê gà, đuôi heo, hàm, tràng lợn, nầm lợn, ức vịt, mực, má lợn, chân gà, trứng gà non… không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Đột kích 2 cơ sở phát hiện thu giữ hơn 1 tấn thực phẩm bẩn  

Tương tự, ngày 10/5/2023, Phòng PC05 Công an TP Hà Nội, Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm và  Đội QLTT số 22 tiến hành kiểm tra Công ty CP Sannycook Việt Nam có địa chỉ tại LK 19- OCT2, KĐT Ressco Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm do bà Hà Thị Hường (sinh năm 1985) là Giám đốc Công ty.

Qua kiểm tra đã phát hiện hơn nửa tấn thực phẩm đông lạnh gồm 45kg đùi gà đông lạnh; 31 kg đùi gà hấp; 32 kg gà tẩm bột; 11 kg gà ủ muối nguyên con; 414 kg mỡ động vật đông lạnh.

Khi làm việc với cơ quan chức năng, bà Hà Thị Hường thừa nhận số hàng hóa trên không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc.

Hiện, Đoàn kiểm tra liên ngành đã tạm giữ toàn bộ số thực phẩm trên, lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.

Tiêu hủy gần nửa tấn mỡ bốc mùi

Tại địa bàn xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, Đội 3,  Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Lai Châu phối hợp với Đội CSGT số 4, Phòng CSGT, Công an thị trấn Tân Uyên tiến hành kiểm tra hành chính xe ô tô BKS: 27C-046.34 do ông Vũ Văn Giới (SN 1981, nơi ở hiện tại Thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) điều khiển, phát hiện trên thùng xe có 430kg mỡ động vật được đựng trong 5 bao tải không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, đã biến sắc và bốc mùi khó chịu, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Lực lượng chức năng tỉnh Lai Châu tiêu hủy 430 kg thực phẩm bẩn. (Ảnh: Công an tỉnh Lai Châu).

Qua công tác đấu tranh, đối tượng thừa nhận đã thu gom sản phẩm động vật thải loại của các cá nhân, cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn và khu vực lân cận, sau đó bán lại để kiếm lời.

Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Lai Châu đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 10 triệu đồng đối với ông Vũ Văn Giới, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa trên theo quy định.

Từ vụ việc trên, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Lai Châu khuyến cáo mỗi người dân hãy lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng; tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng trong phát hiện, đấu tranh, xử lý đối với các đối tượng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

Tìm giải pháp chặn thực phẩm "bẩn"

Được biết, những năm qua, các đoàn kiểm tra từ trung ương đến địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra đột xuất theo chuyên đề đối với các tập thể, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Trung bình mỗi năm, cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và phát hiện gần 30.000 trường hợp vi phạm về an toàn, vệ sinh thực phẩm, đồng thời, tiêu hủy sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm phụ gia thực phẩm hết hạn, không bảo đảm an toàn của gần 4.000 cơ sở, nộp ngân sách Nhà nước lên đến 50 tỷ đồng trong giai đoạn 2017-2022.

Các chuyên gia cho rằng, qua việc đánh giá tổng thể trong các báo cáo về vệ sinh, an toàn thực phẩm hằng năm của Bộ Y tế, nhìn chung, tình trạng sản xuất thực phẩm không bảo đảm an toàn vẫn diễn biến phức tạp. Việc sản xuất, tiêu thụ thực phẩm “bẩn” không chỉ đe dọa đến sức khỏe cộng đồng mà còn có tác động rất xấu đến phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Cụ thể, việc sản xuất thực phẩm “bẩn” sẽ khiến cho ngành công nghiệp thực phẩm gặp khó khăn, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây ra sự bất công đối với các nhà sản xuất uy tín, trách nhiệm…

TS. Lê Văn Giang, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam

Muốn ngăn chặn thực trạng này, theo TS Lê Văn Giang - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cần phải có những giải pháp phù hợp để quản lý. Thời gian qua, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam đã xây dựng các luận cứ, đưa ra các chỉ tiêu kỹ thuật để khẳng định và công bố những sản phẩm thực sự an toàn đối với sức khoẻ người tiêu dùng.

“Chúng ta cần phải ứng dụng khoa học kỹ thuật để chỉ ra các mức độ giới hạn an toàn tuyệt đối cho phép của thực phẩm đối với sức khoẻ con người. Khoa học kỹ thuật ứng dụng trong thực phẩm phải bước vào các quy trình sản xuất, chế biến của doanh nghiệp, của cơ sở đề phòng ngừa, gạt bỏ các mối nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm”, TS Lê Văn Giang nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, TS Trần Cao Sơn, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, cũng cho rằng, ngoài các mối nguy ô nhiễm thực phẩm sẵn có như: Vi rút, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, hoá chất vô tình nhiễm vào thực phẩm hoặc tự sinh ra trong thực phẩm, còn có những hoá chất được bổ sung do quá trình sản xuất gian đối như: Kim loại nặng, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, kháng sinh… Đây là mối nguy hại, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng. Do đó, giải pháp được đưa ra là tăng cường kiểm nghiệm thực phẩm giúp đánh giá chất lượng và loại bỏ những thực phẩm mất an toàn.

Theo các chuyên gia, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là trách nhiệm của mọi người, mọi nhà, do đó, cần ngăn chặn các hành động tiếp tay cho thực phẩm “bẩn”, đồng thời tăng cường tuyên truyền cho toàn xã hội, cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm để nâng cao hiểu biết và thực hiện theo các quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, ngay trong "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm", các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng.

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top