Ngày 14/12, tại Nhà khách Bộ Quốc phòng (số 266 Thụy Khuê, Tây Hồ, TP Hà Nội), diễn ra Diễn đàn: “Trách nhiệm cộng đồng và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.
Tham dự diễn đàn có TSKH. Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên Hiệp Hội; TS. Tạ Đình Thi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam; ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường); ông Lương Quang Huy - Trưởng phòng Cục Biến đổi khí hậu; ông Hoàng Văn Tâm - Phó CVP Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh Vụ tiết kiệm năng lượng và PTBV - Bộ Công Thương, ông Nguyễn Quang Huân - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy ban KHCN& Môi trường Quốc hội; ông Phạm Nam Hưng - Cục biến đổi khí hậu; ông Nguyễn Văn Minh - Trường phòng Cục biến đổi khí hậu; ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch Hội, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống; bà Ngụy Thị Giang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sáng tạo Xanh.
Toàn cảnh Diễn dàn
Tại Hội nghị về BĐKH (COP26-2021), Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng 150 quốc gia trên thế giới cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Theo nội dung Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Đặc biệt "Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon" (CBAM) khi có hiệu lực, được cảnh báo sẽ tác động nhiều tới doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU.
Theo đó, ngày 14/12/2022, với sự phối hợp của Cục Biến đổi khí hậu (DCC), Liên Hiệp các Hội KHKT Việt Nam (VUSTA), Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam (AWATEN) và Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, cùng sự đồng hành của GreenIN tổ chức chuỗi sự kiện: "Cộng đồng và Doanh nghiệp với Quy định giảm phát thải khí nhà kính và cơ chế Carbon".
Chuyên đề 1: "Trách nhiệm cộng đồng và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050".
Diễn đàn lần này với chủ đề: “Trách nhiệm cộng đồng và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050” sẽ là nơi để các đại biểu, nhà khoa học và doanh nghiệp trao đổi, thảo luận, đánh giá đúng hiện trạng phát triển hiện nay và xác định những hướng mới cũng như đề xuất các biện pháp mới để chung tay thực hiện mục tiêu cũng như cam kết của Việt Nam tại COP 26 là phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Diễn đàn được tổ chức dưới hình thức trực tiếp với sự tham gia của các đại biểu đại diện của Ủy ban khoa học công nghệ môi trường Quốc hội; đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường; Cục biến đổi khí hậu, các chuyên gia về biến đổi khí hậu, môi trường và các doanh nghiệp liên quan.
Buổi tọa đàm còn có mặt của các PV, BTV Tạp chí Môi trường và Cuộc sống; các PV của các báo đài đến dự và đưa tin về diễn đàn.
Tọa đàm được tường thuật trực tiếp trên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn và tại fanpage của Báo Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn trên mạng xã hội Facebook (https://www.facebook.com/moitr...)
TS. Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết: Những năm gần đây, trên thế giới và Việt Nam liên tục xuất hiện các hiện tượng thiên nhiên bất thường như hạn hán, lũ lụt, động đất… do biến đổi khí hậu làm hàng ngàn người chết và mất tích, thiệt hại vật chất không thể đong đếm được. Đây đang là một trong những vấn đề nghiêm trọng, có thể nói đây là một thách thức lớn đối với toàn nhân loại. Nguyên nhân chính được ghi nhận là do lượng phát thải khí nhà kính không có xu hướng giảm trong những năm qua. Nếu trường hợp tình trạng này còn gia tăng, nó sẽ làm nặng nề thêm những thay đổi của khí hậu toàn cầu cũng như gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với tự nhiên và con người.
Để giảm những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra, điều quan trọng là phải giảm phát thải khí nhà kính. Hiện nay, các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Hàn Quốc… cũng đã và đang xây dựng cơ chế để giảm phát thải khí nhà kính.
Tại Việt Nam, giảm phát thải nhà kính đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về chống biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, đồng thời, đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải…
Nhằm làm rõ tác động của cơ chế điều chỉnh biên giới carbon đến Việt Nam, hướng tới một thế giới không phát thải ròng là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại, giống như một cuộc cách mạng trong sản xuất, tiêu dùng và giao thông vận tải. Để đạt được điều này, các quốc gia, công ty cần phương pháp thiên nhiên, như rừng, để loại bỏ cùng một lượng carbon thải ra, hoặc sử dụng công nghệ thu giữ và lưu trữ, loại bỏ carbon tại nguồn phát thải.
Với sự phối hợp của Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) và Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam; Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức chuỗi sự kiện: “CỘNG ĐỒNG VÀ DOANH NGHIỆP VỚI QUY ĐỊNH GIẢM PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH VÀ CƠ CHẾ CARBON”, trong đó sự kiện đầu sẽ được tổ chức với Chuyên đề: “TRÁCH NHIỆM CỦA CỘNG ĐỒNG VÀ DOANH NGHIỆP TRONG VIỆC THỰC HIỆN MỤC TIÊU PHÁT THẢI RÒNG BẰNG 0 VÀO NĂM 2050”.
TSKH. Phan Xuân Dũng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên Hiệp Hội Việt Nam
Phát biểu tại Diễn đàn, TSKH. Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên Hiệp Hội Việt Nam cho biết: Diễn đàn: Trách nhiệm cộng đồng và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 một Hội thảo rất quan trọng, là một mục tiêu lớn. Vấn đề của Hội thảo này cần sự cố gắng quyết tâm cả hệ thống chính trị.
Như chúng ta đã biết, mục tiêu của Đảng và Nhà nước là vào năm 2050 phát thải ròng bằng 0. Để đạt được mục tiêu này rất cần nhiều yếu tố, nỗ lực chung đặc biệt quan trọng là những đóng góp, kiến nghị của các nhà khoa học, chuyên gia về môi trường, công nghệ. Vì vậy thông qua các báo cáo của các chuyên gia hôm nay để kiến nghị lên Quốc hội, từ đó Quốc hội có những chỉ đạo thiết thực để thực hiện mục tiêu này, ông Dũng cho biết thêm
Phát biểu tại Diễn đàn, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đây là xu thế, con đường chính sách pháp luật theo dòng tích cực cùng với thế giới, vấn đề trách nhiệm cộng đồng và doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, là vấn đề đặc biệt quan trọng góp phần trong bối cảnh Việt Nam cùng thế giới chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu tích cực đòi hỏi chúng ta có những hành động thiết thực nhằm thực hiện chính sách, cũng như chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng trong đó có những nội dung về ứng phó biến đổi khí hậu. Đồng thời, Luật bảo vệ môi trường 2020 đánh dấu mốc quan trọng, mô hình chuyển từ nâu sang xanh. Trong đó có một chương về ứng phó biến đổi khí hậu, hàng loạt các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, trong đó Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã tham mưu văn bản quy phạm pháp luật, theo đó, tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Trên cơ sở đó, Diễn đàn: Trách nhiệm cộng đồng và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 ngày hôm nay nhằm tuyên truyền chủ chương định hướng, chính sách pháp luật của đất nước và cùng đưa ra các kế hoạch hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính góp phần cùng thực hiện mục tiêu Net zero mà đất nước đang hướng đến, lộ trình giảm phát thải khí carbon, ông Cường cho biết thêm
Việt Nam bước vào năm 2022 với không ít kỳ vọng và hứng khởi. Mặc dù Việt Nam cũng giống như các Quốc gia khác vừa phải trải qua đại dịch COVID-19 và nhiều lĩnh vực/ngành nghề đều cần thời gian để hồi phục. Cùng với sự phục hồi và phát triển xanh nên kinh tế, thì giảm nhẹ phát thải khí nhà kính vừa là mục đích, vừa là biện pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Quy định pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lương Quang Huy - Trưởng phòng, Cục Biến đổi khí hậu cho biết: Việt Nam là 1 trong 141 quốc gia thông qua Tuyên bố GLASGOW của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất. Cụ thể là: Bảo tồn, đẩy nhanh quá trình phục hồi rừng và các hệ sinh thái trên cạn khác; Sản xuất hàng hóa bền vững, không làm mất rừng và thoái hóa đất; Tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều chỉnh các dòng tài chính quốc tế, góp phần đảo ngược tình trạng mất và suy thoái rừng; 90,94% diện tích rừng hiện được bao phủ bởi các quốc gia ủng hộ cam kết; Chính phủ Việt Nam có kế hoạch trồng một tỷ cây xanh vào năm 2025. 690 triệu cây tại các khu vực thành thị/nông thôn và 310 triệu cây trong các khu rừng được bảo vệ.
Tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có 03 Điều về ứng phó với biến đổi khí hậu giao Chính phủ quy định chi tiết, Đồng thời tại Nghị định 06/2022-NĐ-CP quy định chi tiết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Ông Lương Quang Huy - Trưởng phòng Cục Biến đổi khí hậu chia sẻ tại Diễn đàn
Theo đó, mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC); Lộ trình chia theo 02 giai đoạn: từ nay đến hết năm 2025 và từ năm 2026 đến hết năm 2030; Giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030 sẽ thực hiện các biện pháp thực hiện giảm nhẹ phát thải theo kế hoạch.
Để thực hiện các quy định trên, trách nhiệm KK KNK của doanh nghiệp thuộc QĐ 01/2022/QĐ-TTg gồm có:
Thứ nhất, cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính của cơ sở của năm trước kỳ báo cáo theo hướng dẫn của bộ quản lý lĩnh vực trước ngày 31 tháng 3 kể từ năm 2023;
Thứ hai, tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở định kỳ hai năm một lần cho năm 2024 trở đi theo Mẫu số 06 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 31 tháng 3 kể từ năm 2025 để thẩm định;
Thứ ba, hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 01 tháng 12 của kỳ báo cáo bắt đầu từ năm 2025.
Mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Biến đổi khí hậu là: Chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.
Đến năm 2030: Xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030 giảm 30% mức phát thải khí mê-tan so với năm 2020; Xây dựng tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính từ năm 2026; Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà
Đến năm 2050: Xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2050 giảm 40% mức phát thải khí mê-tan so với năm 2030; Thực hiện kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính đối với các cơ sở phát thải hàng năm từ 2.000 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2030; 500 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2040; 200 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2050. Mọi cơ sở thuộc khu vực công phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính; Thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động hằng ngày trở thành vấn đề đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của các tổ chức, doanh nghiệp.
Thách thức và cơ hội trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính từ việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng tại Việt Nam
Nói về vấn đề này, ông Hoàng Văn Tâm – Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương cho biết: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công nghiệp – Thuận lợi và khó khăn trên lộ trình đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Xu thế toàn cầu hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Giai đoạn 2020-2025 Không giao dịch các dự án lò hơi dùng nhiên liệu hóa thạch,; Không phê duyệt các dự án nhiệt điện than mới.
Ông Hoàng Văn Tâm – Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương phát biểu tham luận tại Diễn đàn
Giai đoạn Đến 2030: 60% xe ôtô bán ra là xe điện; Trình diễn công nghệ sạch trong các ngành công nghiệp nặng; Bổ sung 1 tỷ GWh NLTT mỗi năm; Loại bỏ nhiệt điện than ở các nước phát triển.
Giai đoạn đến 2035: Hầu hết thiết bị điện và làm lạnh bán ra thị trường có hiệu suất cao nhất ; 50% xe tải trọng lớn chạy bằng điện ; Không bán xe chạy xăng ra thị trường ; Tất cả các động cơ điện trong công nghiệp hiệu suất cao nhất. Phát thải 0 trong ngành điện ở các nước phát triển.
Giai đoạn đến 2040: 50% tòa nhà đạt mức phát thải0; 50% nhiên liệu vận tải hàng không mức phát thải thấp; 90% các ngành công nghiệp nặng được đầu tư công nghệ trình độ cao nhất; Tiến tới đạt phát thải 0 trong ngành điện trên toàn cầu; Loại bỏ toàn bộ các nhà máy điện than.
Nhu cầu năng lượng các ngành công nghiệp của Việt Nam đến năm 2030: Các ngành công nghiệp chiếm đến 54% tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng cuối cùng vào năm 2030; Nhu cầu năng lượng sẽ tăng lên 204% vào năm 2030 tăng lên 204% vào năm 2030 trong đó lớn nhất sẽ tập trung vào các ngành công nghiệp xây dựng, xi măng, phân bón và một số ngành công nghiệp khác.
Nhu cầu tiêu thụ năng lượng đến năm 2030 là sử dụng nhiên liệu chủ yếu gồm than,điện, nhiên liệu sinh khối và khí.
Nói về những thuận lợi, ông Tâm chia sẻ: Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gồm: Nghị định số 21/2011/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thực hiện Luật TKNL Nghị định số 17/2022/NĐ-CP bổ sung một số điều NĐ 134/2013/NĐ- CP (sử dụng NL TK&HQ); Thông tư quy định định mức tiêu hao năng lượng trong các ngành công nghiệp (Thép, hóa chất, giấy, mía đường, nhựa, chế biến thủy hải sản,...) đã được ban hành.; Chương trình quốc gia về sử dụng NL TKHQ giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3); Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hàng năm về danh mục các cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm; Công nghệ về TKNL ngày càng phát triển Thị trường các thiết bị điện hiệu suất cao ngày càng phát triển; TKNL là xu thế chung của thế giới; Nhận thức của xã hội về TKNL ngày càng cao; Các vấn đề năng lượng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khủng hoảng năng lượng đã làm nổi bật vai trò của TKN; Các nguồn lực tài chính quan tâm đến các dự án xanh, giảm phát thải khí nhà kính (Các chương trình, dự án quốc tế về TKNL); Sự hỗ trợ của nhà nước đối với hoạt động TKNL (VNEEP3).
Bên cạnh đó còn những khó khăn, vướng mắc như: Khó khăn Nguồn lực tài chính và cơ chế khuyến khích cho đầu tư TKNL chưa tương xứng với nhu cầu; Nhận thức của bộ phận doanh nghiệp, đặc biệt là người đứng đầu chưa cao. Các chính sách về giá năng lượng chưa tạo động lực cho đầu tư về TKNL; Năng lực triển khai các giải pháp và dự án đầu tư TKNL còn hạn chế.
Nếu thực hành tiết kiệm năng lượng sẽ đảm an ninh năng lượng quốc gia; bảo vệ môi trường hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính.
Tác động của cơ chế điều chỉnh biên giới Các bon tới hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam và giải pháp thích ứng
Hiện nay, EU đang đi đầu với nhiều giải pháp về chính sách, tài chính và công nghệ cho mục tiêu giảm pháp thải. Do đó, từ năm Từ năm 2023, Liên minh châu Âu (EU) sẽ thí điểm áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), trong khi đó Hoa Kỳ cũng dự kiến áp dụng Cơ chế này từ năm 2024. Cụ thể, hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường này sẽ bị áp thuế carbon dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.
Ông Nguyễn Quang Huân - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy ban KHCN& Môi trường Quốc hội phát biểu tại Diễn đàn
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Quang Huân - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy ban KHCN& Môi trường Quốc hội đã có ý kiến nhằm đưa ra những tác động của chính sách Carbon xuyên biên giới tới hoạt động XNK của doanh nghiệp Việt Nam và giải pháp thích ứng cụ thể: Từ 2023, EU sẽ thí điểm áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM): Hàng hóa xuất khẩu sang thị trường EU sẽ bị áp thuế carbon dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Phát thải trực tiếp các-bon: Sắt thép, nhôm, xi măng, phân bón; Phát thải gián tiếp các-bon: Điện; Từ 2024: Hoa Kỳ dự kiến áp dụng CBAM Các ngành sẽ áp thuế biên giới các-bon; Đối với Việt Nam, cam kết NET-ZERO (phát thải ròng bằng 0) vào 2050 (COP26).
Tuy nhiên tại Luật Bảo vệ Môi trường 2020: Điều 139 - Tổ chức & phát triển thị trường các-bon (cơ chế cụ thể chưa được ban hành, chưa quy định chi tiết bằng Nghị định, Thông tư, hướng dẫn). Thách thức rất lớn với cam kết phát thải ròng bằng “0”, Việt Nam cũng như các nước đang phát triển giữ nhịp tăng trưởng nhanh và tăng trưởng sạch.
Tại Diễn đàn ông Nguyên Quang Huân đề xuất kiến nghị giải pháp: Lập mô hình tài chính – kỹ thuật nhằm đạt Netzero (2050) và phân bổ theo các ngành. Xây dựng chính sách áp thuế các bon cho các mặt hàng trong nước. Nghiên cứu cơ chế hoạt động của thị trường tín chỉ các-bon trên thế giới & áp dụng sớm tại Việt Nam (từ 2023).
Giảm phát thải khí nhà kính, trách nhiệm của doanh nghiệp về lập kế hoạch và báo cáo
Nói về vấn đề này, ông Phạm Nam Hưng - Cục Biến đổi khí hậu cho biết: Các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trong NDC cập nhật 2022 Theo thống kê NDC năm 2015: iNDCBAU 2030: 787 triệu tấn CO2. Cam kết 8% - 25%. Chưa có quy định về giảm phát thải KNK bắt buộc. Luật BVMT 2020 quy định về giảm phát thải KNK. NDC năm 2022: NDC cập nhật 2020 BAU 2030: 928 triệu tấn CO2. Cam kết 15,8% - 43,5%. CLQG về BĐKH đến 2050. Nghị định 06/2022/NĐ-C. Quyết định 01/2022/QĐ-TTg. Kịch bản phát triển thông thường (BAU) BAU được xây dựng dựa trên giả thiết tăng trưởng kinh tế chưa xét đến các chính sách ứng phó BĐKH hiện có. BAU được xây dựng cho 5 lĩnh vực bao gồm: Năng lượng, Nông nghiệp, LULUCF, Chất thải, Các quá trình công nghiệp (IP).
Ông Phạm Nam Hưng - Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường
Tại diễn đàn, ông Phạm Nam Hưng đã nhấn mạnh các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực năng lượng. Sử dụng năng lượng: Thiết bị dân dụng, thương mai dịch vụ, Sử dụng khí sinh học tại nông thôn. Sản xuất vật liệu xây dựng và các phân ngành công nghiệp khác. Giao thông vận tải Sản xuất năng lượng: Phát triển năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, thủy điện nhỏ, điện rác, điện sinh khối, LNG). Tiềm năng giảm phát thải:
Các biện pháp giảm phát thải trong Đóng góp không điều kiện của lĩnh vực năng lượng gồm 37 biện pháp, có thể giảm được 382,66 triệu tấn CO2tđ trong cả giai đoạn 2021-2030 và 64,78 triệu tấn CO2tđ vào năm 2030
Các biện pháp giảm phát thải trong Đóng góp không điều kiện của lĩnh vực chất thải, gồm 6 biện pháp, có thể giảm được 39,56 triệu tấn CO2tđ trong cả giai đoạn 2021-2030 và 8,72 triệu tấn CO2tđ vào năm 2030 Các biện pháp giảm phát thải trong Đóng góp có điều kiện của lĩnh vực chất thải có thể giảm được 102,78 triệu tấn CO2tđ trong cả giai đoạn 2021-2030 và 20,7 triệu tấn CO2tđ vào năm 2030.
Trách nhiệm thực hiện kiểm kê KNK: Cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính của cơ sở của năm trước kỳ báo cáo theo hướng dẫn của bộ quản lý lĩnh vực trước ngày 31 tháng 3 kể từ năm 2023; Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở định kỳ hai năm một lần cho năm 2024 trở đi.
Lộ trình phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, vai trò doanh nghiệp
Để có cái nhìn rõ hơn về lộ trình phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, và vai trò của doanh nghiệp, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh - Trưởng phòng, Cục biến đổi khí hậu cho biết, Luật BVMT năm 2020 đã quy định về tổ chức và phát triển thị trường các bon trong nước, với lộ trình vận hành chính thức từ năm 2028. Đây là căn cứ pháp lý mới nhất quy định về tổ chức và phát triển thị trường các bon. Thị trường các bon trong nước bao gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các bon, bù trừ tín chỉ các bon. Để hướng dẫn, triển khai thực hiện, ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) và bảo vệ tầng ô dôn. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành Luật BVMT về ứng phó với BĐKH. Đây là những văn bản pháp luật quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BĐKH, hiện thực hóa các các cam kết của Việt Nam về giảm KNK, khi bước sang giai đoạn thực hiện các yêu cầu bắt buộc của Thỏa thuận Paris về BĐKH.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh - Trưởng phòng, Cục biến đổi khí hậu
Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, lộ trình thực hiện giảm nhẹ phát thải KNK đến năm 2030 được chia theo 2 giai đoạn: 2021-2025 và 2026-2030. Các Bộ quản lý lĩnh vực thực hiện các biện pháp quản lý để đạt được mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của quốc gia. Đối với các cơ sở phát thải lớn, trong giai đoạn 2021-2025 chưa bắt buộc giảm phát thải đối với các cơ sở; trong giai đoạn 2026-2030, các cơ sở phát thải lớn phải thực hiện kiểm kê KNK, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK theo hạn ngạch được phân bổ phù hợp với mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK; được phép trao đổi, mua bán hạn ngạch phát thải KNK và tín chỉ các bon trên thị trường các bon trong nước.
Song song với lộ trình giảm phát thải khí nhà kính, lộ trình phát triển và triển khai thị trường các bon trong nước cũng được đề xuất tại Điều 17 của Nghị định, cụ thể:
Giai đoạn từ nay đến hết năm 2027: Tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ các bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các bon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các bon; Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các bon kể từ năm 2025; Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các bon. Giai đoạn từ năm 2028: Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các bon chính thức trong năm 2028; Quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các bon trong nước với thị trường các bon khu vực và thế giới.
Nói về quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh cho rằng khi tham gia vào thị trường các-bon, doanh nghiệp được thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon và được đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon. Tuy nhiên, để được hưởng hai lợi ích trên, doanh nghiệp cần phải cChủ động tìm hiểu quy định pháp luật về giảm phát thải khí nhà kính; tìm hiểu về thị trường các-bon và tăng cường năng lực về kiểm kê khí nhà kính; Tăng cường năng lực về thực hiện hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon.
Để làm được điều trên, doanh nghiệp phải cung cấp thông tin, dữ liệu hoạt động phục vụ kiểm kê khí nhà kính, thực hiện kiểm kê khí nhà kính và xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính; báo cáo kết quả thực hiện, cũng như thực hiện báo cáo tình hình thực hiện chương trình, dự án đăng ký theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon.
Phát biểu bế mạc diễn đàn, ông Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam nhận định, qua những ý kiến của các diễn giả trình bày tham luận tại diễn đàn, chúng ta nhìn nhận được việc cần phải chuyển đổi về công nghệ hướng đến tiết kiệm năng lượng và vấn đề giảm khí thải nhà kính, theo đó việc trồng rừng nhằm tận dụng nguồn tài chính từ tín chỉ các - bon, nếu chúng ta có thị trường các - bon minh bạch sẽ đóng góp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, đặc biệt cộng đồng và doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trong việc giúp Việt Nam đạt các mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính, để thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Một số hình ảnh tại Diễn đàn:
Các đại biểu tham dự Diễn đàn: TSKH. Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên Hiệp Hội; ông Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi tường Việt Nam; ông Nguyễn Quang Huân - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy ban KHCN& Môi trường Quốc hội (Theo thứ tự từ trái sang phải)
Ông Tăng Thế Cường - Cục Trưởng Cục Biến đổi khí hậu và bà Phạm Thị Xuân - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tham dự Diễn đàn
Các đại biểu tham dự Diễn đàn
Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tham dự Diễn đàn
Phóng viên các đơn vị báo, đài đến tham dự và đưa tin Diễn đàn
Toàn cảnh Diễn đàn
Sáng nay (12/12), Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ hưởng ứng, ủng hộ Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Tại buổi lễ, các cơ quan báo chí: Báo Pháp luật Việt Nam, Báo Xây dựng, Báo Tiền Phong và Tạp chí Nhà Đầu tư đã đóng góp hỗ trợ cho Chương trình, với tổng kinh phí 200 triệu đồng…
“Trong những ngày đầu tháng 12 này, Khu đền tháp Mỹ Sơn cùng với Đô thị cổ Hội An tròn 25 năm ngày được Unesco công nhận Di sản văn hóa của nhân loại. Niềm vinh dự này, không phải địa phương nào cũng có được, tôi xin được chia sẻ niềm vui và niềm tự hào này đối với thành phố Hội An và huyện Duy Xuyên, chúc cho công tác bảo tồn các di sản ngày càng tốt đẹp, đạt được những thành công hơn nữa” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu nói.