Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 3 tháng 12 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 8 năm 2023 | 15:8

Giải pháp nâng cao năng lực khuyến nông cơ sở

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa tổ chức Tọa đàm về Giải pháp nâng cao năng lực khuyến nông cơ sở thông qua kiện toàn tổ khuyến nông cộng đồng các tỉnh phía Bắc.

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, trong nghững năm qua, đội ngũ khuyến nông cơ sở của Hà Giang đã đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Anh Nông Văn Tuấn, cán bộ khuyến nông xã Tùng Bá (huyện Vị Xuyên), người đã được UBND tỉnh Hà Giang tặng Bằng khen do có thành tích “Đóng góp xuất sắc vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp của tỉnh Hà Giang năm 2020”, tâm sự: Cán bộ khuyến nông cơ sở là người gần gũi nhất đối với nông dân. Để bà con tiếp thu và áp dụng tiến kỹ thuật thì cán bộ khuyến nông cơ sở phải có phương pháp chuyển giao bền bỉ, thuyết phục. Bên cạnh đó,  cán bộ khuyến nông cũng phải biết lắng nghe ý kiến phản hồi từ chính   nông dân để thay đổi phương pháp chuyển giao cho phù hợp.

Trong 5 năm qua, nhằm phát triển nông nhiệp theo hướng hàng hóa, ngành nông nghiệp Hà Giang đã triển khai 36 mô hình thuộc lĩnh vực nông nghiệp kết hợp với áp dụng tiến bộ kỹ thuật, trong đó có 21 mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp và 15 mô hình chăn nuôi tại các xã điểm. Đối với 4 huyện vùng Cao nguyên đá (Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ), tập trung phát triển các mô hình trồng cỏ gắn với chăn nuôi gia súc  hàng hóa; trồng rau, hoa sạch; trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao và nuôi ong.

Cán bộ khuyến nông xã Thàng Tín, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) hướng dẫn người dân ủ chua thức ăn cho đàn gia súc.

Đối với 2 huyện vùng cao phía Tây (Hoàng Su Phì và Xín Mần), tập trung vào các mô hình chăn nuôi trâu, lợn đen, trồng và chế biến chè, cây dược liệu và đậu tương.

Đối với các huyện vùng thấp (Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Bắc Mê và TP. Hà Giang), tập trung triển khai các mô hình phát triển nuôi trồng thuỷ sản, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm và phát triển lúa, ngô, rau hàng hoá.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Giang, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ngoài sự cố gắng chung của ngành Nông nghiệp, còn có sự đóng góp thiết thực và hiệu quả của đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở. Vì họ chính là người “cầm tay, chỉ việc” giúp người nông dân giám sát, thực hiện và chỉ đạo các khâu kỹ thuật từ thời điểm triển khai đến khi kết thúc các mô hình.

Nâng cao hiệu quả sản xuất

Ngày 17/4/2023, tại huyện thị trấn Văn Quan (huyện Văn Quan), Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn tiến hành bàn giao 8.000 con cá giống cùng lượng thức ăn chăn nuôi hỗ trợ đợt đầu gồm 2.000kg cám hỗn hợp đậm đặc TOP FEEDS-63 chuyên dùng để chăn nuôi thủy sản cho 7 hộ nông dân tham gia thực hiện Dự án mở rộng “Mô hình nuôi cá nheo Mỹ trong lồng bè trên sông và hồ chứa, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm”.

Mô hình nuôi cá nheo Mỹ trong lồng bè trên sông và hồ chứa tại Lạng Sơn. 

Đây là năm thứ 3 tỉnh Lạng Sơn thực hiện dự án mở rộng “Mô hình nuôi cá nheo Mỹ trong lồng bè trên sông và hồ chứa, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” giai đoạn 2021- 2023 (thuộc dự án khuyến nông Trung ương).

Hiện, Lạng Sơn có khoảng 1.300 ha mặt nước, thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản. Nhận thấy giống cá nheo Mỹ có giá trị kinh tế cao, tháng 7/2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ bà con xã Yên Sơn (Hữu Lũng) đưa giống cá này vào sản xuất.

Bà Vũ Ngọc Phương (thôn Hạ, xã Yên Sơn) cho biết: Năm 2021, tham gia mô hình, gia đình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 6.000 con cá giống, 5 lồng cá và thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng trị bệnh. Trong quá trình thực hiện mô hình, tôi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn quy trình chăm sóc nên đàn cá phát triển tốt. Sau gần 2 năm, gia đình xuất bán cá nheo thương phẩm cho các nhà hàng trên địa bàn huyện và các huyện trong tỉnh với giá 100.000 đồng/kg, thu về trên 150 triệu đồng. Hiện nay, gia đình tiếp tục duy trì và phát triển mô hình với 9 lồng cá.

Thời gian qua, Lạng Sơn đã đa dạng hóa các hoạt động khuyến nông tại cơ sở, tăng cường kết nối với nông dân theo phương châm “ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả.

Nâng cao năng lực khuyến nông cơ sở

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam cho biết, ngày 8/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 318/QĐ-TTg về Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, trong đó có chỉ tiêu 13.5 quy định xã đạt chuẩn nông thôn mới phải có “tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả”.

Để hướng dẫn các địa phương triển khai hiệu quả nội dung này, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”.

Đề án triển khai thành hai giai đoạn; trong đó, giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2021-2023, triển khai thí điểm tại 13 địa phương thuộc năm vùng nguyên liệu nông - lâm sản chủ lực của ngành nông nghiệp; giai đoạn 2 thực hiện từ năm 2024-2025, sẽ đánh giá và mở rộng mô hình tổ khuyến nông cộng đồng ra phạm vi toàn quốc.

Sau hơn một năm triển khai, Đề án đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cấp, các ngành và sự vào cuộc tham gia rất tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương cũng như các doanh nghiệp, tạo nên phong trào “khuyến nông cộng đồng” trong toàn hệ thống khuyến nông.

Đến nay, ở 13 tỉnh, thành phố tham gia Đề án đã thành lập được 26 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm với tổng số 168 thành viên và 562 tổ khuyến nông cộng đồng mở rộng với tổng số 4.276 thành viên. Đề án đã tổ chức được nhiều hoạt động nâng cao năng lực cho các tổ khuyến nông cộng đồng như: Hướng dẫn xây dựng quy chế hoạt động, tổ chức tập huấn, tư vấn, hội thảo, tọa đàm, truyền thông, xây dựng bộ tài liệu đào tạo khuyến nông cộng đồng để sử dụng rộng rãi trên toàn quốc.

Ngoài 13 tỉnh, thành phố tham gia Đề án thí điểm, hiện tại trên cả nước đã có thêm nhiều địa phương thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng như: Hải Phòng, Phú Thọ, Điện Biên, Hậu Giang, Quảng Nam, Lạng Sơn, Bắc Giang, Cần Thơ.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, trên cơ sở kinh nghiệm của Đề án thí điểm, các địa phương đã chủ động, trách nhiệm bố trí nguồn ngân sách địa phương để tăng cường năng lực cho các tổ khuyến nông cộng đồng và tạo điều kiện về cơ chế chính sách để các tổ hoạt động dịch vụ khuyến nông và bước đầu đã có thu nhập từ dịch vụ khuyến nông.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu cho rằng, các địa phương cần đánh giá việc thành thành lập và hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng để xây dựng quy chế mẫu nhân rộng trong giai đoạn tới; tiếp tục hướng dẫn các tổ khuyến nông cộng đồng đã thành lập thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của tổ; hướng dẫn nhân rộng mô hình, xây dựng các chương trình đào tạo, thu hút nguồn lực địa phương hỗ trợ hoạt động khuyến nông cộng đồng.

Ngoài ra, các địa phương cần có cơ chế chính sách cụ thể cho tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông cộng đồng.

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
Top