Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 7 năm 2022 | 14:31

Gieo no ấm giữa cao nguyên đá

Đến với địa đầu cực Bắc của Tổ quốc - Hà Giang, vượt lên bao khó khăn, 22 dân tộc thiểu số cùng sinh sống bao đời nay không chỉ kiên cường bám đất, bám rừng, giữ gìn từng tấc đất quê hương mà còn nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo.

Trong sự hỗ trợ  đó, tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ do NHCSXH thực hiện 20 năm qua đã và đang trở thành động lực giúp người dân nơi đây khơi dậy tiềm năng, “bắt” đất cằn thành cơm no, áo ấm, cho “vàng” để làm giàu.

Đồng hành bước qua nghèo khó

Vượt qua cung đường Hạnh Phúc từ thành phố Hà Giang qua công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, chúng tôi đặt chân tới huyện Mèo Vạc. Đúng như cái tên, con đường mang lại niềm hạnh phúc vô bờ cho hàng vạn đồng bào dân tộc bị biệt lập từ bao đời trên Cao nguyên đá. Nó cũng mang theo tư duy kinh tế thị trường về thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con, để rồi khi có thêm dòng vốn chính sách về bản, người dân dần bắt nhịp với tư duy sản xuất hàng hóa, từng bước vượt qua đói nghèo.

Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Huy Sắc cho biết: Từ 02 chương trình nhận bàn giao ban đầu (cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm), đến nay, NHCSXH huyện Mèo Vạc đang triển khai thực hiện 15 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án của địa phương do ngân sách tỉnh, huyện uỷ thác sang NHCSXH thực hiện.

 

bí-thư-tỉnh-ủy-hà-giang-đặng-quốc-khánh-phát-biểu-tại-buổi-làm-việc-với-đoàn-công-tác-nhcsxh.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác NHCSXH.

 

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt trên 13,3%, nâng mức thu nhập bình quân từ 1,95 triệu đồng/người/năm (năm 2002) lên 28 triệu đồng/người/năm (năm 2022). Kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Mèo Vạc trong 20 năm qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, phát triển, mở rộng sản phẩm dịch vụ OCOP trên địa bàn.

Tới đây, sẽ có thêm nhiều người dân Mèo Vạc bước qua nghèo khó khi dòng vốn tín dụng vẫn đang hỗ trợ 8.388 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng sống với tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt trên 363,8 tỷ đồng, gấp 20,23 lần so với thời điểm mới thành lập.

Không chỉ riêng vùng đất khó khăn Mèo Vạc, 20 năm qua, dòng vốn tín dụng chính sách đã trở thành trụ cột hỗ trợ trực tiếp người dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương. Với tổng dư nợ vốn tín dụng chính sách đến nay đạt 4.046,6 tỷ đồng/89.063 hộ còn dư nợ, dư nợ bình quân 45 triệu đồng/hộ, đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của Hà Giang từ 43,65% (năm 2016) giảm xuống còn 22,29% (cuối năm 2020), bình quân giảm 4,27%/năm. Trong đó, 6 huyện nghèo có tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 64,03% xuống còn 33,51%; 8 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; chỉ còn 7 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a của Chính phủ…

Tạo bứt phá mới

Hiệu ứng của dòng vốn chính sách cũng đã được Tỉnh uỷ Hà Giang nhận thức rõ và đưa việc nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội vào 1 trong 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm xây dựng Hà Giang đến năm 2025 thành tỉnh phát triển về du lịch thương mại, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa.

Đặc biệt, cùng với việc triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW và nhu cầu cấp thiết cải thiện đời sống nhân dân, phát triển kinh tế bền vững, các cấp ủy, chính quyền điạ phương đã dồn lực ủy thác vốn ngân sách địa phương qua NHCSXH để thực hiện nhiều Đề án kinh tế mang tính động lực hứa hẹn bứt phá mới cho công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

 

tổng-giám-đốc-nhcsxh-đã-nhất-trí-bổ-sung-10-tỷ-đồng-cho-nhcsxh-huyện-mèo-vạc-để-thực-hiện-cho-vay-giải-quyết-việc-làm-và-phát-triển-du-lịch-cộng-đồng.jpg
Tổng Giám đốc NHCSXH đã nhất trí bổ sung 10 tỷ đồng cho NHCSXH huyện Mèo Vạc để thực hiện cho vay giải quyết việc làm và phát triển du lịch cộng đồng.

 

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, duy trì mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%/năm; 82 xã, 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, Ban chấp hành Tỉnh Đảng bộ Hà Giang đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TV ngày 1/12/2020 về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững. Ngay sau đó, HĐND tỉnh Hà Giang ban hành Nghị quyết số 58/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020, với trọng tâm là ủy thác vốn qua chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Giang để hỗ trợ người dân khơi dậy tiềm năng đất đai qua “Đề án cải tạo vườn tạp” và “Đề án phát triển bền vững cây cam sành”. Đây cũng là lý do khiến nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH tăng đột biến trong 2 năm 2021 và 2022, lần lượt là hơn 61,6 tỷ đồng và hơn 67,9 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn nhận uỷ thác từ ngân sách địa phương đến ngày 30/06/2022 lên trên 206,2 tỷ đồng. Nhiều huyện dù rất khó khăn, song vẫn trích từ 1 tỷ đồng/năm ủy thác qua NHCSXH để hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, giảm nghèo như: Mèo Vạc, Xín Mần, Vị Xuyên…

Khó khăn từ đại dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Giang cũng đang dần được khắc phục cùng với việc triển khai kịp thời các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Đến ngày 30/6/2022, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Giang đã giải ngân chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên 111,3 tỷ đồng; chương trình cho vay nhà ở xã hội 12,9 tỷ đồng; chương trình cho vay đối với HSSV để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập cho vay 1,85 tỷ đồng/181 lượt khách hàng được vay vốn.

Giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới

Tuy đạt nhiều thành quả, song chặng đường giảm nghèo bền vững phía trước của Hà Giang không ít khó khăn khi nhiều huyện nghèo còn có tỷ lệ hộ nghèo cao như: Mèo Vạc còn tới 11.019 hộ (chiếm 64,07%); 1.944 hộ cận nghèo (chiếm 11,30%), cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn giữa trập trùng núi non, nguy cơ tái nghèo cao cùng với đó là diễn biến khó lường đoán của dịch Covid-19. Vì vậy, để thúc đẩy việc thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới cũng như thực hiện thành công mục tiêu mà Đảng bộ tỉnh đề ra giai đoạn 2021 - 2025, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH khoá XV tỉnh Hà Giang Đặng Quốc Khánh đề nghị NHCSXH bên cạnh việc tập trung cho vay đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, cần bố trí thêm nguồn vốn cho địa phương, nhất là trong giải quyết việc làm, góp phần cùng tỉnh thực hiện đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đề ra.

 

Hai mươi năm qua, NHCSXH huyện Mèo Vạc đã hỗ trợ vốn cho trên 44.060 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng số tiền đạt gần 994 tỷ đồng. Trong đó, 27.802 lượt hộ nghèo, 1.588 lượt hộ cận nghèo, 1.974 lượt hộ mới thoát nghèo đã có cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư SXKD với mục đích không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn vươn lên làm giàu.

Nguồn vốn cũng giúp cho 952 lao động có công ăn việc làm ổn định; 201 lượt hộ vay vốn đi XKLĐ; 6.596 hộ trung bình, khá vay vốn để SXKD; 1.904 hộ nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở; trên 346 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; 2.888 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường.

 

Ghi nhận ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng khẳng định, NHCSXH sẽ đáp ứng đủ nguồn vốn để thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng của Chính phủ, đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện vay được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ.

Đồng thời, đề nghị Tỉnh ủy Hà Giang tiếp tục chỉ đạo UBND và cơ quan các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; thường xuyên điều tra, rà soát đối tượng đủ điều kiện vay vốn theo quy định; tuyên truyền, vận động người dân các xã có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ đồng bào DTTS thay đổi tư duy sản xuất, lồng ghép các chương trình dự án trồng trọt chăn nuôi, khuyến khích người dân vay vốn phát triển kinh tế.

 

 

 

Nhật Nam
Ý kiến bạn đọc
Top