“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Câu ca dao từ ngàn năm như nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam, dù ở quê hương hay cách xa Tổ quốc muôn trùng, đều hướng về với tấm lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Thờ cúng Hùng Vương - Di sản văn hóa phi vật thể
Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2012. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, bởi tục thờ cúng các Vua Hùng không những thể hiện đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” mà còn mang giá trị tinh thần rất lớn về lòng tự tôn dân tộc, tình cảm của con cháu đối với tổ tiên có từ hàng nghìn năm và được truyền lại từ rất nhiều đời nay.
Các nhà nghiên cứu cho rằng: Tục thờ cúng các Vua Hùng là một phong tục hiếm có, không một quốc gia trên thế giới nào có được. Tuy rằng là một truyền thuyết huyền thoại, nhưng lại giáo dục cho tất cả các thế hệ con, cháu của chúng ta lòng biết ơn, ý thức về cội nguồn, giống nòi, mối quan hệ máu thịt để hễ cứ là con dân đất Việt, dù ở đâu trên trái đất này đều được gọi bằng hai tiếng thân thương “đồng bào”.
Hàng vạn người về Đền Hùng mỗi dịp giỗ Tổ.
Bắt nguồn từ truyền thuyết “Lạc Long Quân và Âu Cơ” sinh hạ ra bọc có 100 trứng, rồi nở ra thành 100 người con trai. Trong đó 50 người con theo mẹ lên rừng, 50 con theo cha xuống biển, để rồi lập thành “bách gia trăm họ” là người Việt Nam. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, truyền thuyết này vẫn tồn tại trong tâm thức của mỗi người chúng ta.
Đến nay, ở Phú Thọ, với 13 huyện, thị xã, thành phố, gồm 275 xã, gần 1.500 làng, thôn, khu dân cư đã và đang hiện tồn hàng loạt các hệ thống sinh hoạt, thực hành tín ngưỡng văn hóa, vốn được cộng đồng dân chúng sáng tạo và trao truyền thực hành từ nhiều trăm năm qua về việc thờ cúng các Vua Hùng.
Từ thế kỷ X trở về trước, hầu hết các nơi thờ tự (đình, đền, miếu), gần như được tạo lập bằng tranh tre, nứa lá, một số nơi xây dựng bằng nhà sàn để tránh thú dữ và mưa lũ.
Kể từ triều Lý trở đi, nhất là dưới triều đại nhà Lê (thế kỷ XV), dưới sự cho phép của chính quyền hàng tổng và triều đình, cộng đồng người dân Phú Thọ (cũng như hầu khắp các địa phương khác trên cả nước) đã huy động cộng đồng xây dựng nơi thờ tự (cả về mặt khuôn dạng kiến trúc lẫn bài trí nội thất) ở các làng một cách hoành tráng, bề thế, đi kèm với nó là các kỳ lễ hội náo nhiệt, trang trọng, linh thiêng.
Bên cạnh việc quan tâm đến các di tích thông qua các sắc phong, chiếu dụ, nhà nước phong kiến quân chủ còn chủ trương cho phép các làng quê đầu tư trùng tu, tu sửa hoặc tôn tạo các cơ sở vật chất phục vụ tín ngưỡng tâm linh và coi đó như một thứ công cụ vô hình, góp phần hỗ trợ cho thiết chế và bộ máy cai trị của chính quyền các cấp.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 326 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Có thể nói, Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng được phủ rộng với mật độ dày đặc ở tất cả các làng xã, song Đền Hùng là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất và lâu đời nhất trong tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam. Di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ riêng ở tỉnh Phú Thọ mà trải khắp đất nước Việt Nam với 1.417 di tích thờ cúng trong cả nước. Ngoài ra, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài xác định “con cháu ở đâu thì tổ tiên ông bà ở đó” nên cũng thờ cúng Vua Hùng.
Niềm tự hào và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là biểu hiện cao nhất của Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Việt Nam, đó là lòng biết ơn đối với Hùng Vương và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước. Trong tâm thức của người Việt, Hùng Vương là vị thủy tổ khai sinh ra nhà nước Việt Nam. Với lòng tôn kính, biết ơn Vua Hùng, cộng đồng người Việt đã tự nguyện thờ cúng Hùng Vương, đưa việc thờ cúng Hùng Vương trở thành tín ngưỡng, là biểu tượng văn hóa tạo nên truyền thống đoàn kết, yêu thương, đùm bọc và cùng vượt qua mọi khó khăn thử thách để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây chính là đề cao sự thống nhất trong đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Đền Hùng là nơi tổ chức Giỗ tổ hàng năm.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - tụ nguồn từ Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên truyền thống của dân tộc Việt Nam với triết lý “con người có tổ có tông” và “uống nước nhớ nguồn” được trao truyền từ đời này sang đời khác đã trở thành nghi lễ dân gian mang tính quốc gia ở Việt Nam.
Lễ hội Đền Hùng vừa có sự tập trung, vừa có sức lan tỏa. Nói như GS.TS. Ngô Đức Thịnh, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam: “Không đâu có thể tạo được hình tượng Quốc tổ trong lòng dân tộc như ở Việt Nam. Hình thức thờ Quốc tổ của Việt Nam là hình thức phóng đại của thờ cúng tổ tiên vì người Việt coi dân tộc như một gia đình, có cha có mẹ, có “tháng 8 giỗ cha, tháng 3 giỗ mẹ”. Nói đến giá trị văn hóa tâm linh thì đây là ý thức hướng về cội nguồn, cộng đồng, đặc biệt là sự kết nối cộng đồng. Quốc gia phải có nơi quy tụ mà sự quy tụ này rất ăn khớp với tâm thức của người Việt là hướng về cội nguồn, cộng đồng, tổ tiên của mình. Hình thức này đến nay ngày càng được vun đắp, vì người ta nhìn thấy ở đó sức mạnh Đại đoàn kết, sức mạnh quy tụ dân tộc… Do đó, lễ giỗ Quốc tổ là một sự sáng tạo, một nghi thức hết sức độc đáo của Việt Nam. Có thể ở các nước cũng có hình thức tương tự nhưng chỉ là tín ngưỡng thờ cúng, còn lễ hội hằng năm thì chỉ Việt Nam mới có”.
Ngày giỗ tổ Hùng Vương là sự phát triển ý thức về cội nguồn, bắt rễ sâu xa từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong gia đình và gia tộc, ở làng xã, ngày giỗ tổ Hùng Vương này cho thấy sự gắn kết chặt chẽ các dân tộc trên dải đất hình chữ S này với nhau, tạo ra một quốc gia độc lập, có nền tự chủ, có nhà nước. Chính vì thế, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam từ gia đình, dòng họ đến Tổ quốc đã không ngừng được giữ gìn bảo tồn qua các bước thăng trầm của lịch sử, bất chấp mọi mưu đồ, xâm lược đồng hóa của giặc ngoại xâm.
Trong suốt tiến trình lịch sử phát triển, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, mà tiêu biểu là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã có sự biến đổi nhất định để thích nghi với văn hóa dân tộc ở mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, thậm chí đã được các hệ tư tưởng của các tín ngưỡng, tôn giáo khác bổ sung, hoàn chỉnh để trở thành tín ngưỡng mang tầm quốc gia, có những đóng góp giá trị tích cực và trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn – 2024 diễn ra từ ngày 9/4 đến hết ngày 18/4 (tức từ mùng 01/3 đến hết mùng 10/3 âm lịch) tại thành phố Việt Trì, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và các huyện, thị, thành trong tỉnh Phú Thọ. |