Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra tình trạng "giun tặc", hoạt động với quy mô rầm rộ, làm ảnh hưởng đến cây cối hoa màu và khiến người dân bức xúc.
Chủ vườn cam ở Hoà Bình treo thưởng cho người bắt được “giun tặc“. Ảnh: Minh Nguyễn.
Nạn kích giun trộm
Những ngày đầu tháng 8.2023, PV Báo Lao Động đã có mặt tại huyện Cao Phong, thủ phủ Cam của tỉnh Hòa Bình. Tại đây, người dân đang đứng ngồi không yên trước nạn "giun tặc".
Dẫn PV đi xem vườn cam, anh Nguyễn Thọ Thể (45 tuổi, trú thị trấn Cao Phong) cho biết, từ hiện tượng cây, lá vàng sau đó bị rụng lá rất nhiều cộng với thông tin về tình trạng kích giun thì người dân bắt đầu canh vườn để bảo vệ và đã bắt được nhiều vụ "giun tặc".
Cụ thể, vào khoảng 23h ngày 16.7, người dân phát hiện 4 kẻ lạ mặt mang theo kích điện xâm nhập vào vườn cam. Khi bị phát hiện, các đối tượng đã vứt máy kích điện và chạy trốn trên 2 xe máy BKS tỉnh Vĩnh Phúc. Tại hiện trường, 2 cục kích điện có công suất lên đến 5.000W.
Người dân trao đổi với PV về tình trạng kích giun. Ảnh: Minh Nguyễn.
Theo anh Thể, xâu chuỗi vấn đề cây cam bị rụng lá, vàng lá thì mới biết đó là do tình trạng kích giun trộm vì bộ rễ tơ hỏng, không hút được chất dinh dưỡng lên để nuôi cây. Như vườn này bị kích giun nhiều thì năm nay sẽ không giữ được quả và ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế vì mỗi năm phải đầu tư hàng trăm triệu đồng.
Bên cạnh đó, mỗi khi tưới nước đậu tương ngâm thì giun đều ngoi lên nhưng nay đã tưới 3 lần mà không còn giun trong đất nữa mà nguyên nhân là do tình trạng kích giun trộm.
Bộ máy kích giun mà người dân thu giữ được. Ảnh: Người dân cung cấp.
"Tình trạng kích giun diễn ra thường vào đầu mùa mưa, thường diễn ra vào buổi trưa, tối, đêm và gần sáng. Các vườn xung quanh bàn với nhau, cắt cử người canh giữ ngày đêm nhằm xua đuổi những đối tượng đi kích giun trộm" - anh Thể cho biết thêm.
Những hệ lụy khôn lường
Tương tự, anh Nguyễn Anh Tuân (chủ vườn cam 8 năm tuổi tại xã Thu Phong, huyện Cao Phong) cho biết, năm 2020, một nửa vườn cam của anh bị kích trộm giun. Sau những ngày mưa, đối tượng kích giun mạnh do độ ẩm đất cao dẫn điện tốt hơn, đánh được nhiều giun, cây bị ảnh hưởng do tình trạng kích giun sẽ thể hiện rõ ràng nhất sau một tuần.
Nhiều lệ lụy từ việc giun bị kích trộm. Ảnh: Minh Nguyễn
Theo anh Tuân, khi phát hiện tình trạng kích giun trộm, vườn đã ra lắp camera độ phân giải rất cao xung quanh, nuôi thêm chó và thường xuyên có người trông vườn, khiến cuộc sống bị đảo lộn, ngày chăm sóc vườn mệt mỏi đêm vẫn phải trông coi. Có những hôm 2h-3h sáng xe máy của những kẻ kích giun đi lại nườm nượp trên đường. Vườn đã được đầu tư rất nhiều tiền, nếu như bị kích trộm nữa coi như công sức, tiền của trong 8 năm sẽ đổ xuống sông xuống biển.
Cây cỏ chết vì nạn kích giun trộm. Ảnh: Minh Nguyễn.
Tùy vào từng thời điểm mà một tốp 3-4 người có thể kích trộm được từ 100 - 300kg giun đem bán với giá giun tươi giao động 50 - 80.000đ/1kg. Thường được bán cho các lò sấy tại xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi hoặc thương lái đi ô tô đi thu mua trực tiếp tại nhà người kích trộm giun.
Ông Bùi Văn Hưng - Phó Trường Phòng NN&PTNT huyện Cao Phong cho biết, năm 2019 đã xảy ra tình trạng kích giun. Đến năm nay lại tái diễn và bùng phát tình trạng kích giun trên địa bàn mà chủ yếu là người ở địa phương khác. Việc kích giun ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và năng suất của cây cam. Hiện nay trên địa bàn huyện có trên 1.700 ha cây có múi các loại.
“Giun tặc” khiến người dân mất ăn mất ngủ. Ảnh: Người dân cung cấp.
"Hiện nay chưa có chế tài nào để xử lý, xử phạt những người kích giun trộm mà mới chỉ dừng lại ở việc thu giữ máy kích điện và nhắc nhở" - lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Cao Phong cho biết.
Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện Cao Phong người dân cùng cơ quan chức năng đã bắt được 36 vụ kích giun, thu giữ 43 bộ máy kích giun, 3 xe máy với tổng số 40 đối tượng tham gia (31 người ngoại tỉnh). Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã xảy ra 19 vụ kích giun. |