Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 24 tháng 8 năm 2023 | 15:38

Mong sớm có chế tài chặn đứng nạn "giun tặc"

Trước nạn “giun tặc” nhiều địa phương đã có văn bản chỉ đạo ngăn chặn, xử lý, tuy nhiên theo người dân, vấn nạn này vẫn diễn ra khiến người dân vô cùng mệt mỏi.

Mong sớm có chế tài chặn đứng nạn

Người dân vẫn phải thay nhau canh giữ vườn để ngăn "giun tặc". Ảnh: Minh Nguyễn

Kiến nghị Chính phủ ban hành chế tài

Trước nạn "giun tặc" lộng hành, mới đây, UBND huyện Cao Phong đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hoà Bình có ý kiến đề nghị với Chính phủ ban hành chế tài xử lý nghiêm các hành vi đánh bắt giun đất bằng thiết bị kích điện, làm hủy hoại môi trường sinh thái và tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, đề nghị xử lý đồng bộ và triệt để việc đánh bắt giun đất bằng máy kích điện và các lò sấy giun trong toàn tỉnh.

Nhiều máy kích giun bị thu giữ. Ảnh: Minh Nguyễn.

Nhiều máy kích giun bị thu giữ. Ảnh: Minh Nguyễn.

Về phía tỉnh Hoà Bình, địa phương này đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NNPTNT, Công an tỉnh và các cơ quan liên kiểm tra, nghiên cứu đề nghị của UBND huyện Cao Phong, thống nhất đề xuất, báo cáo UBND tỉnh.

Cũng vào đầu tháng 8.2023, Cục Trồng Trọt - Bộ NNPTNT đã có văn bản đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát phát hiện và xử lý ngăn chặn hoạt động sử dụng kích điện đánh bắt giun đất.

Ngay sau đó, lần lượt các tỉnh Vĩnh Phú, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Cạn... đã có văn bản tăng cường, ngăn chăn, xử lý tình trạng kích giun.

Văn bản của UBND huyện Cao Phong về nạn “giun tặc“.

Văn bản của UBND huyện Cao Phong về nạn “giun tặc“.

Người dân viết tâm thư gửi Bộ trưởng

Bất lực trước nạn “giun tặc” hoành hành trong thời gian dài mà vẫn không bị ngăn chặn triệt để, cuối tháng 7 vừa qua, anh Nguyễn Anh Tuân (chủ vườn cam ở huyện Cao Phong) đã gửi email đến Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan để cầu cứu.

Trong thư anh viết: “Kính thưa Bộ trưởng Lê Minh Hoan! Cháu là Tuân, suốt 3 năm qua, cháu đồng hành cùng bà con trồng cam tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình để gìn giữ những trái cam ngon, giữ lấy thương hiệu cam Cao Phong.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tệ nạn kích giun đang quá phổ biến khiến người dân trồng cam Cao Phong điêu đứng và đứng trước nguy cơ mất trắng sau khi đã đầu tư rất nhiều tiền của và công sức.

Hậu quả nghiêm trọng của việc kích giun: Gây chết vi sinh vật trong đất, tiêu diệt hết giun và hỏng hết rễ tơ, rễ tôm của cây. Nghiêm trọng hơn, tình trạng này đang diễn ra phổ biến ở toàn miền Bắc.

Hiện, hành vi kích giun chưa có chế tài xử phạt, nếu tình trạng này tiếp diễn, toàn bộ đất đai canh tác sẽ hỏng và ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp. Mong Bộ trưởng sớm hỗ trợ người dân”.

Chủ vườn cam gửi tâm thư đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Ảnh: Minh Nguyễn.

Chủ vườn cam gửi tâm thư đến Bộ NNPTNT. Ảnh: Minh Nguyễn.

Đến ngày 3.8, chủ vườn cam này tiếp tục gửi thư lần 2 tới ngành nông nghiệp như sau:

“Con và người dân trồng cam tại huyện Cao Phong cảm ơn sự quan tâm và chỉ đạo hỗ trợ người dân từ Bộ trưởng. Con đã thấy UBND một số tỉnh, trong đó có UBND tỉnh Hòa Bình có công văn chỉ đạo xử lý nạn kích giun. Tuy nhiên, hiện nay chưa có bất cứ chế tài nào để xử phạt, đặc biệt mấy ngày mưa gần đây, mặc dù đã có công văn từ UBND tỉnh nhưng nạn kích giun diễn biến mạnh hơn, mưa ẩm, đất dẫn điện nên kích được nhiều hơn.

Ví dụ như kích cá đã có Luật Thủy sản với hình phạt từ 3 - 5 triệu đồng; kích chó đã có xử lý hình sự. Tuy nhiên, kích giun gây hậu quả nghiêm trọng và thiệt hại tiền tỉ của người nông dân lại chưa thể xử phạt, dẫn đến tình trạng kích giun trên toàn quốc.

Tất cả các tỉnh đều có người nông dân phản ánh bị kích giun. Người kích trộm giun bị bắt lại được thả ngay, máy kích cũng không tịch thu được mà phải vận động giao nộp, lò sấy giun hoạt động tràn lan. Thậm chí một số nơi, chính quyền làm ngơ hoặc biết nhưng vẫn tạo điều kiện hoạt động.

Hậu quả việc kích giun sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng nông sản và sản lượng nông sản của nền nông nghiệp Việt Nam. Cùng với đó, nhiều hộ dân đã bị thiệt hại hàng tỉ đồng do nạn kích giun gây ra. Nhiều vườn tược bị chết một nửa, số hộ dân phải chặt bỏ cây cam để chuyển sang cây trồng khác tại huyện Cao Phong lên đến hơn phần nửa”.

Người dân treo thưởng cho người phát hiện “giun tặc“. Ảnh: Minh Nguyễn.

Người dân treo thưởng cho người phát hiện “giun tặc“. Ảnh: Minh Nguyễn

Trong thư, anh Tuân còn nêu ra tại một xã trên địa bàn huyện, lò sấy giun vẫn ngang nhiên hoạt động với tần suất liên tục, số lượng giun lớn, lên đến hơn 1 tạ giun tươi mỗi ngày.

Anh Tuân khẩn cầu: “Con tha thiết khẩn cầu Bộ trưởng có biện pháp triệt để để cứu nền nông nghiệp đang bị ảnh hưởng vì nạn kích giun, đồng thời cứu người nông dân còn bám được vườn để thoát khỏi vỡ nợ”.

Theo anh Tuân, sau khi nhận được thư, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã trả lời và có chỉ đạo kịp thời, sau đó nhiều tỉnh đã ban hành công văn chỉ đạo. Tuy nhiên, do chưa có chế tài xử lý nên tình trạng “giun tặc” hoạt động ngày càng tinh vi.

 

Minh Nguyễn/Báo Lao Động
Ý kiến bạn đọc
Top