Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 16 tháng 8 năm 2023 | 15:45

Để xử lý dứt điểm nạn “giun tặc”: Đồng bộ chế tài mạnh với nghiên cứu nhân nuôi

Thời gian gần đây, tình trạng các thửa đất nông nghiệp của nông dân liên tục bị người lạ sử dụng máy xung điện để kích giun đem bán đang trở thành vấn nạn. Theo các chuyên gia, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, những mảnh đất này sẽ không thể canh tác, và trở thành đất chết.

Gây nhiều hệ lụy cho đất và cây trồng

Nạn kích điện giun đất đang rộ lên gần đây tại các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang, Sơn La, Tuyên Quang, Bắc Giang... Những người săn bắt dùng máy kích gồm hai que nhọn nối với bình ắc quy hoặc pin công suất lớn để cắm xuống đất, khiến toàn bộ giun trong khoảng một mét vuông từ lòng đất chui lên.

Khảo sát từ thị trường được biết, giun tươi được thu mua với giá 70.000-80.000 đồng/kg. Giun bắt về được loại bỏ nội tạng, sấy khô và bán cho những đầu mối đưa qua Trung Quốc với giá khoảng 600.000 đồng/kg. Một nhóm vài người đi kích điện có thể thu về 100-120kg giun mỗi đêm. Theo đó, người đi kích điện bắt giun đất có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày.

Vì lợi nhuận cao nên nhiều thửa đất nông nghiệp vốn được chăm bón cẩn thận nên đất đai màu mỡ, tơi xốp, thuận lợi cho giun phát triển, trở thành “con mồi” cho “giun tặc”. 

Đơn cử tại Hòa Bình, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện Cao Phong, người dân cùng cơ quan chức năng đã bắt được 36 vụ kích giun, thu giữ 38 bộ máy kích giun, 3 xe máy với tổng số 40 đối tượng tham gia (31 người ngoại tỉnh). Trong 6 tháng đầu năm 2023, xảy ra 19 vụ kích giun.

Chủ vườn cam ở Hoà Bình treo thưởng cho người bắt được “giun tặc”. Ảnh: Minh Nguyễn.

Giun sau khi được đánh bắt ở nhiều nơi trên địa bàn các huyện Cao Phong, Kim Bôi, phần lớn được mang đến các lò sấy ở xã Tú Sơn (Kim Bôi), mổ sạch nội tạng, chỉ giữ lại phần vỏ và sấy khô. Chỉ tính riêng xã Tú Sơn có tới 6 lò sấy, mỗi ngày thu mua, chế biến hàng tấn giun đất.

Là nạn nhân của “giun tặc”, anh Nguyễn Thọ Thể (45 tuổi, trú thị trấn Cao Phong) cho biết, từ hiện tượng cây, lá vàng, sau đó bị rụng lá rất nhiều cộng với thông tin về tình trạng kích giun thì người dân bắt đầu canh vườn để bảo vệ và bắt được nhiều “giun tặc”.

Theo anh Thể, xâu chuỗi vấn đề cây cam bị rụng lá, vàng lá thì mới biết đó là do tình trạng kích giun trộm, vì bộ rễ tơ hỏng, không hút được chất dinh dưỡng lên để nuôi cây. Như vườn này bị kích giun nhiều thì năm nay không giữ được quả và ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế vì mỗi năm phải đầu tư hàng trăm triệu đồng.

Bên cạnh đó, mỗi khi tưới nước đậu tương ngâm thì giun đều ngoi lên nhưng nay đã tưới 3 lần mà không còn giun trong đất nữa, nguyên nhân là do tình trạng kích giun trộm.

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), việc kích vào đất dòng điện lớn sẽ khiến giun chết, gây tác hại cho đất, hệ động vật và vi sinh vật, khiến cây trồng bị hỏng rễ và vàng lá. 

Theo các chuyên gia, tình trạng “giun tặc” lộng hành hiện nay đang là  mối đe dọa lớn đối với chất lượng đất nông nghiệp. Hoạt động của giun trong đất mang lại nhiều lợi ích như nâng cao khả năng cung cấp chất dinh dưỡng, làm đất tơi xốp và tăng độ phì nhiêu của đất, giúp cấu trúc đất ổn định. Tất cả đều giúp cải thiện năng suất cây trồng, vì thế, chúng được mệnh danh là “dũng sĩ” trong nông nghiệp.

Giun còn có vai trò giúp hạn chế vi sinh vật gây bệnh cho cây trồng hiệu quả. Khi giun ăn xác thực vật trong đất, sẽ tiêu hóa luôn những nấm mốc, vi khuẩn gây hại trên xác thực vật. Phân của giun chính là môi trường rất tốt để ngăn chặn các vi sinh vật gây hại cho cây trồng.

Trước những thực tế kể trên, người dân không nên bắt giun để bán kiếm thu nhập, giá trị kinh tế từ việc làm này không thể bù đắp được việc những thửa đất nông nghiệp trở nên nghèo chất dinh dưỡng, không thể canh tác cây trồng. Điều đó chắc chắn gây thiệt hại nặng cho người nông dân lâu dài.

Điều đáng nói là, hiện chưa có chế tài xử lý thỏa đáng cho vấn nạn trên.

Nuôi giun đất, hướng phát triển mới

Các chủ vườn, các cấp chính quyền đã vào cuộc ngăn chặn nạn kích giun. Tuy nhiên, hiện nay “giun tặc” vẫn hoạt động, hình thức tinh vi hơn, các đầu nậu vẫn tiếp tay cho người kích, lò sấy giun vẫn đỏ lửa, điều này gây xung đột, mâu thuẫn giữa các chủ vườn và đối tượng khai thác trái phép, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự.

Do vậy, thời gian tới, các địa phương cần hành động quyết liệt, đồng bộ, thống nhất hơn nữa của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của cộng đồng để đấu tranh, ngăn chặn nạn kích giun. 

Một số loài trong nhóm trùn đào đất có chứa những hoạt chất có tác dụng phá huyết, chống co giật, kháng histamin, làm giãn mạch nội tạng và hạ áp chậm nhưng lâu dài, làm giãn phế quản và hạ cơn hen cấp, an thần và hạ thân nhiệt.

Cụ thể, đối với người dân, cần nâng cao ý thức của cộng đồng trong bảo vệ giun đất; vận động bà con không khai thác, không cho người khác đến đất nhà mình khai thác giun; kịp thời phát hiện hành vi khác thác giun đất trái phép báo cho cơ quan chức năng.

Đặc biệt, để tránh tình trạng này lặp lại, các cơ quan liên quan cần xem xét có chế tài xử lý nghiêm minh đối tượng kích giun đất.

Trước đó, Cục Trồng trọt đã có văn bản đề nghị kiểm tra, rà soát phát hiện và xử lý ngăn chặn hoạt động sử dụng kích điện đánh bắt giun đất.

Riêng về giun đất, ông Nguyễn Như Cường khẳng định, đây không phải động vật quý hiếm. Do đó, nếu thị trường có nhu cầu, cần thực hiện các chương trình, dự án nhân nuôi quy mô lớn. Đây cũng có thể là hướng phát triển kinh tế mới.

TS. Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Hòa Bình, cho rằng, nhiều giải pháp các địa phương đang áp dụng để giải quyết vấn nạn “giun tặc”  giống như “bắt cóc bỏ đĩa”, vì chế tài xử phạt chưa đầy đủ, chưa nghiêm và vì cái gốc của vấn đề là nhu cầu tiêu thụ vẫn còn.

Đặt ra cách tiếp cận mới để giải quyết vấn đề trên, ông Yến phân tích, tại sao giá bán giun đất đắt và nếu nó có cung - cầu thực sự thì nên đưa thành vật nuôi thông thường giống như giun quế? Cách này vừa bền vững, vừa có thể khai thác được tác dụng của  giun đất.

Việc giun có tác dụng trong y dược càng củng cố thêm cách tiếp cận để giải quyết nạn kích giun là vấn đề cung - cầu hay vấn đề thị trường. Tức là phải nhân nuôi được loài này, coi chúng như những loài sinh vật nuôi khác, sẽ là giải pháp lâu dài, bền vững và hạ giá thành, qua đó góp phần hạn chế được hành vi kích điện để khai thác giun đất tự nhiên như hiện nay.

TS. Nguyễn Hồng Yến cho biết, thời gian tới, Hòa Bình sẽ có đề tài khoa học về nuôi giun đất.

“Nội dung mà đề tài khoa học chúng tôi dự kiến đề xuất là tập trung vào nhóm giun đất đào hang, tìm hiểu về đặc điểm sinh thái cũng như thử nghiệm trên các môi trường nuôi nhân tạo. Có hai hướng nhân nuôi. Thứ nhất là những giải pháp về sinh thái, canh tác để tăng mật độ của loài này trong tự nhiên. Thứ hai là thử nghiệm để xây dựng quy trình nhân nuôi. Kỳ vọng là sẽ có quy trình nuôi cho một, hai loài phổ biến nhất trong nhóm giun đất này”, ông Yến nói.

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top