Thời gian tới cần phải đưa vấn đề giáo dục giá trị vào trong hệ thống giáo dục quốc dân, từ giáo dục phổ thông tới đại học, trong các học viện.
Đó là nhấn mạnh của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tại Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vừa tổ chức.
Hiện thực hóa các hệ giá trị
Với hai phiên thảo luận, các đại biểu thống nhất khẳng định tính cấp thiết phải nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, hội thảo đã thống nhất cần hiện thực hóa các hệ giá trị này trong đời sống thực tiễn.
Trước đó, các hệ giá trị đã được xác định trong một dự án cấp nhà nước do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam thực hiện. Theo đó, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam gồm 8 giá trị chủ yếu: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Hệ giá trị gia đình gồm bốn giá trị cốt lõi: ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Hệ giá trị văn hóa gồm bốn giá trị: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Hệ giá trị quốc gia gồm chín giá trị: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.
Quang cảnh phiên thảo luận thứ nhất tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa và GS.TS Trần Văn Phòng, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đều đề cập đến câu chuyện về tính thực tế khi xây dựng các hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình, con người Việt Nam.
Bà Phương Châm cho biết, các hệ giá trị được đưa ra đều là các mỹ từ, nghe rất hay, rất quen thuộc nhưng dường như những khái quát này vẫn chưa ghi nhận/phản ánh được những hệ giá trị văn hóa đa dạng mà các nhóm địa phương, tộc người trên cả nước đang thực hành trong thực tế cuộc sống thường ngày của họ.
Điều này khiến cho các hệ giá trị văn hóa được xác định vẫn chưa thực sự gắn với thực tiễn, chưa đi vào cuộc sống mà chủ yếu tồn tại trên sách vở, trong các văn bản chính sách, trên các diễn đàn và các diễn ngôn truyền thông, tuyên truyền.
Theo bà Phương Châm, nếu quan tâm đúng mức hơn đến tính thực tiễn của hệ giá trị văn hóa thì chúng ta sẽ khắc phục được sự chung chung, hô hào, hình thức trong xây dựng hệ giá trị văn hóa.
Ngoài ra, cũng rất cần phải quan tâm tới sự đa dạng trong văn hóa Việt Nam khi xây dựng các hệ giá trị. Việt Nam rất đa dạng về sinh thái, tộc người, đa dạng về biểu đạt văn hóa, các dạng thức văn hóa, các vùng văn hóa. Đi cùng với nó tất nhiên là đa dạng hệ giá trị văn hóa. Vì vậy, bà Phương Châm cho rằng, hệ giá trị phải đa dạng, đa chiều, đa ý nghĩa.
Cùng lưu ý phải dựa vào nhân dân để xây dựng các hệ giá trị để được người dân chấp nhận trong đời sống của họ, ông Phòng nói nhân dân là chủ thể và trung tâm của toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không dựa vào dân thì không làm được gì cả.
Trong các hệ giá trị được bàn tới ở hội thảo, ông Phòng nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ giá trị gia đình trong giai đoạn này, bởi nhân cách mỗi con người được hình thành đầu tiên là từ gia đình.
Xác định chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, Đại hội XIII đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Trong đó, việc “tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” có vai trò đặc biệt quan trọng.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tuấn Anh
Đồng thời, chỉ rõ vai trò của các chủ thể xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Đặc biệt, tập trung đề xuất và luận giải các giải pháp nhằm giữ gìn, khai thác và phát triển các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay…
Ông Nghĩa cho rằng, hội thảo góp phần tạo nên sự thống nhất, đồng thuận để có thể đề xuất cho Đảng và Nhà nước những cơ sở lý luận và thực tiễn giữ gìn, phát huy, xây dựng và phát triển các hệ giá trị Việt Nam, góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, phát triển đất nước nhanh và bền vững, hoàn thành các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.
Cần phải có nghị quyết về con người
Tại Hội thảo, đại biểu là các chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý địa phương, ban ngành cũng đưa ý kiến, bàn luận các vấn đề lý luận chung về các hệ giá trị Việt Nam và tập trung vào tìm hệ giá trị gia đình Việt Nam, chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới.
Nhấn mạnh câu chuyện khủng hoảng hệ giá trị trong xã hội hiện nay, PGS.TSKH Lương Đình Hải (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) dẫn ra các ví dụ đau lòng về đạo đức, khiến xã hội phải rúng động như vụ con đổ xăng đốt mẹ vì tranh chấp đất đai, hay vụ đóng đinh vào đầu trẻ... Những hiện tượng cho thấy sự “phi giá trị khủng khiếp chưa bao giờ thấy trong lịch sử”.
Vì vậy, hơn lúc nào hết, rất cần phải xác lập được nội dung các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới và đổi mới nhận thức về hệ giá trị.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu tham quan khu trưng bày triển lãm sách, tài liệu Xây dựng, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam.
Cảnh báo tình trạng đứt gãy giáo dục hệ giá trị trong gia đình bởi trẻ em hiện nay có rất ít thời gian tiếp xúc với các thành viên trong gia đình để được nhận sự giáo dục các giá trị từ gia đình, trong khi nhà trường dường như chưa chuẩn bị kịp cho sự chuyển giao vai trò giáo dục từ gia đình sang hết nhà trường này, ông Hải cho rằng, cần vực dậy giáo dục trong gia đình.
Trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho xã hội cũng phải chú ý đến giáo dục về các hệ giá trị. Đặc biệt, cần thiết phải có một nghị quyết về con người.
GS.TS Hồ Sỹ Quý (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) thì lưu ý khi xây dựng các hệ giá trị phải đảm bảo có thể áp dụng được cho mọi người Việt ở mọi miền, người Kinh hay người dân tộc thiểu số.
“Nếu một cộng đồng nào thấy các hệ giá trị này là chuyện của các ông, không phải chuyện của tôi thì việc của chúng ta thất bại”, GS. Quý nói và cho rằng giới lý luận phải dày công hơn nữa để đóng góp vào việc xây dựng các hệ giá trị này mang tính phổ quát nhất. Và trong khi cắt nghĩa khái niệm chuẩn mực con người Việt Nam, các nhà nghiên cứu cũng cần cảnh báo những vấn đề xã hội đang đặt ra.
Cốt lõi của văn hóa Việt Nam
Văn hóa gia đình là một trong những cốt lõi của văn hóa Việt Nam. Giữ gìn, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình trong thời kỳ hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước.
Các báo cáo tại hội thảo nêu rõ, con người Việt Nam luôn có sẵn trong tâm hồn những giá trị thiêng liêng, cao quý, đó là “yêu nước”, “đoàn kết”, “tự cường”. Đây chính là nguồn sức mạnh to lớn để dân tộc ta chiến thắng kẻ thù xâm lược, bền chí dựng xây đất nước, hình thành nên những giá trị quốc gia, đó là “hòa bình”, “thống nhất”, “độc lập”, “dân giàu”, “nước mạnh”...
Bàn về hệ giá trị gia đình, PGS.TS. Đặng Thị Hoa, Viện trưởng Viện Tâm lý học, khẳng định, văn hóa gia đình là một trong những cốt lõi của văn hóa Việt Nam, là nơi khởi nguồn sinh ra và nuôi dưỡng con người trưởng thành. Việc giữ gìn, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình trong thời kỳ hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước. “Các giá trị cốt lõi của gia đình được xác định là trọng tâm trong xây dựng con người Việt Nam mới với những giá trị chuẩn mực về tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh”, bà Hoa nhấn mạnh.
TS. Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), khẳng định, xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc và là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững của đất nước. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chỉ thị 16 là sự tiếp nối quan trọng, thể hiện tầm nhìn của Đảng về công tác gia đình trong tình hình mới.
Có thể nói, hệ giá trị gia đình chính là phần hồn cốt của gia đình, cũng chính là phần lõi của hệ giá trị quốc gia, dân tộc. Các tham luận và ý kiến phát biểu đều nhấn mạnh, khẳng định và đồng tình với quan điểm: “Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam”; nêu lên và trao đổi về những vấn đề cấp thiết, đặt ra đối với xây dựng, thực hiện các hệ giá trị quốc gia văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; phân tích những đóng góp từ truyền thống gia đình trong xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam hiện nay…
Theo GS. TS. Đinh Xuân Dũng, văn hóa Việt Nam ra đời và phát triển trong những điều kiện và đặc điểm lịch sử rất đặc biệt, nổi bật là những cuộc đấu tranh vĩ đại để dựng nước và giữ nước, là sự lao động kiên cường để trụ vững và phát triển, là những cuộc chiến đấu kiên trì vô song để chống lại âm mưu đồng hóa văn hóa, đồng thời nó tồn tại trong nhiều thế kỷ của chế độ phong kiến từ buổi đầu phát triển cho đến giữa thế kỷ XIX. Nền văn hóa ấy đã trực tiếp tạo nên những đặc trưng của con người Việt Nam trong quá khứ, cả mặt mạnh và mặt yếu của nó. Cần phải nhìn một cách khách quan cả hai mặt này để tìm lời giải đáp cho hiện tại và tương lai, cái gì phải bảo vệ, giữ gìn và phát triển, cái gì phải khắc phục và vượt qua. Chưa bao giờ như thời điểm lịch sử này, vấn đề trên được đặt ra một cách gay gắt, trực diện khi dân tộc đang ở trong thời kỳ quá độ, vượt qua lạc hậu và muôn vàn thử thách, vươn tới xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
PGS. TSKH. Lương Đình Hải (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) nêu: Hệ giá trị con người là một cấu thành đặc biệt quan trọng trong hệ thống nhiều hệ giá trị Việt Nam khác nhau cùng tồn tại trong giai đoạn lịch sử hiện nay của đất nước. Trong quá trình hình thành, phát triển, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã tạo nên một hệ thống nhiều hệ giá trị khác nhau như: hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị xã hội, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cộng đồng, hệ giá trị tộc người, hệ giá trị đạo đức, hệ giá trị chính trị,... Tùy thuộc vào lĩnh vực, đối tượng, chủ thể, góc độ xem xét, mà mỗi một hệ giá trị đó lại bao hàm những giá trị khác nhau và có những cơ cấu, trình tự thứ bậc khác nhau. Nhưng trong hệ thống các hệ giá trị đó thì hệ giá trị con người bao giờ cũng là hệ giá trị trung tâm. Trong mối quan hệ với các hệ giá trị cơ bản như hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cộng đồng,… thì hệ giá trị con người còn thể hiện là hệ giá trị cốt lõi với nhiều giá trị xuyên suốt các hệ giá trị khác. Hệ giá trị con người ẩn chứa, kết tinh, thấm đẫm, trong nhiều mặt, nhiều nội dung của các hệ giá trị khác.
PGS. TSKH. Lương Đình Hải nhấn mạnh, hệ giá trị Việt Nam, đặc biệt là hệ giá trị con người, luôn tồn tại, tác động vào xã hội thông qua hoạt động của mỗi người, mỗi cộng đồng, mỗi chủ thể khác nhau trong toàn bộ hệ thống nhân lực và nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực chất lượng cao trước hết là nguồn nhân lực có hàm lượng hệ giá trị con người và các hệ giá trị Việt Nam rất cao. Nếu muốn đột phá trong phát triển nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao thì không thể không có giáo dục, trao truyền, khơi dậy, phát huy, phát triển hệ giá trị con người Việt Nam và các hệ giá trị Việt Nam khác.
GS. TS. Hồ Sỹ Quý khẳng định, xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam là nhiệm vụ không tách rời với xây dựng hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị quốc gia. Về thực chất, đó là sự tìm kiếm một tổng thể các giá trị tin cậy với chuẩn mực lý tưởng về con người, nhằm khơi dậy ý chí phát triển, định hướng để từng con người và toàn xã hội phát triển lành mạnh, phát huy được tối đa tiềm năng, thu hút được ngoại lực và tinh hoa văn hoá, văn minh nhân loại...
“Chuẩn mực con người, thực chất là chuẩn mực xã hội. Ngay cả trường hợp những cá nhân tự xác định chuẩn mực cho riêng mình, chỉ mình anh ta thực hiện, không cần đến sự can thiệp của người khác, của cộng động, thì trên thực tế, những chuẩn mực mà anh ta tự xác định cũng vẫn là chuẩn mực xã hội - chuẩn mực theo những quan niệm xã hội nào đó, mà anh ta thu nhận từ cộng đồng và tự áp dụng cho mình. Với những trường hợp này, cơ chế kiểm tra, đánh giá thường rất nghiêm ngặt, tưởng như chỉ có ý nghĩa cá nhân, nhưng thực tế vẫn là theo những nguyên tắc, quy tắc, luật lệ… xã hội”, GS. TS. Hồ Sĩ Quý nêu.
Đầu tư cho công tác phát triển gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững. Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam phát triển bền vững là nền tảng xây dựng hệ giá trị quốc gia văn minh, là cơ sở để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn thịnh, hạnh phúc và đa dạng bản sắc văn hóa.
Xây dựng hệ giá trị quốc gia
Tại hội thảo, các đại biểu đều khẳng định tính cấp thiết và ý nghĩa vô cùng quan trọng của việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Việc xây dựng và thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa là góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nâng cao sự đồng thuận xã hội, tạo nên sức mạnh tổng lực của quốc gia.
Nhìn từ góc độ vĩ mô, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm (Đại học quốc gia TP. HCM) cho rằng, việc xây dựng những hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa góp phần soi chiếu và định ra những chiến lược phát triển của đất nước trong hiện tại và tương lai.
Còn theo GS.TS. Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, giá trị quốc gia được hình thành và củng cố trong lịch sử phát triển dài lâu, đôi khi thấm đẫm máu và nước mắt của các dân tộc. Mặc dù có nền tảng từ truyền thống, hệ giá trị quốc gia luôn luôn vận động, biến đổi, được bồi đắp, bổ sung trong quá trình phát triển phù hợp với yêu cầu của thời đại.
PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nêu rõ: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học là “hệ giá trị tổng quát”, “hệ giá trị gốc”, “hệ giá trị chủ đạo”, mà từ đó có thể triển khai thành các “hệ giá trị bộ phận”, “hệ giá trị cụ thể”, “hệ giá trị phái sinh” cho sát hợp hơn với từng đối tượng, thành phần, ngành nghề, lứa tuổi trong xã hội.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.