Chính quyền xã Lộc Tiến (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) vừa cùng với Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức khai hội phục dựng trò chơi Đu tiên, trò chơi dân gian truyền thống từ xưa của người dân làng Phú Gia đã bị mai một.
Đu tiên là trò chơi dân gian đã có từ lâu đời tại làng Phú Gia, xã Lộc Tiến cùng với các trò như: Hát Bội, bài Chòi và hò Giã gạo.
Chính quyền xã Lộc Tiến cùng với Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức khai hội phục dựng trò chơi Đu tiên từ xưa.
Trước đó, vào khoảng năm 1954, làng cũng đã từng phục dựng tại địa điểm Cồn Chùa, làng Phú Gia; duy trì được 3 năm thì chiến tranh xảy ra nên không tổ chức lại được. Đến năm 1996, với quyết tâm của các cụ cao niên trong làng có tổ chức lại nhưng sau đó bị hư hỏng và từ đó Lễ hội dân gian và trò chơi Đu tiên của làng cũng không được tổ chức hàng năm như trước.
Cuối năm 2018, trong lúc đi thâm nhập thực tế ở Trại sáng tác văn học nghệ thuật diễn ra tại huyện Phú Lộc, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế, Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có những bài viết nghiên cứu và đề xuất phục dựng trò chơi dân gian Đu tiên tại làng Phú Gia, xã Lộc Tiến là một nét đẹp văn hoá truyền thống của dân làng.
Việc phục dựng Lễ hội dân gian cùng với trò chơi Đu tiên ở làng Phú Gia hết sức có ý nghĩa trong việc bảo tồn và phát huy những trò chơi dân gian đã bị mai một.
Sau đó, được sự hỗ trợ kinh phí của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế, đến nay trò chơi dân gian Đu tiên đã được phục dựng theo truyền thống của bà con nơi đây.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế và các cụ cao niên trong làng, Lễ hội dân gian và trò chơi Đu tiên tại làng Phú Gia được tổ chức từ mồng 1 đến mồng 6 tết. Về nguyên lý, trò chơi Đu tiên ở làng Phú Gia cơ bản đều giống với một số địa phương khác. Giàn đu tiên được tạo hình như cái guồng lấy nước vào ruộng, đây chính là hình ảnh đặc trưng thể hiện đời sống dân cư của nền văn minh lúa nước. Theo mô tả, giàn Đu tiên ở Phú Gia được làm qui mô vừa phải, mỗi lượt có 4 người chơi, dựng 4 trụ có hai trếch đu để đặt trục gỗ, luồn 4 đôi thân tre. So với Đu tiên ở Phò Trạch thì có 6 người chơi nhưng chỉ dựng 2 trụ gắn 6 đôi thân tre qua trục gỗ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế cho rằng: “Việc phục dựng Lễ hội dân gian cùng với trò chơi Đu tiên ở làng Phú Gia hết sức có ý nghĩa, đặc biệt trong việc bảo tồn và phát huy những trò chơi dân gian đã bị mai một. Sau khi phục dựng thành công, trò Đu tiên về tương lai có thể xây dựng hồ sơ để xem xét công nhận Di sản phi vật thể cấp Quốc gia, đồng thời còn là điểm nhấn của một sản phẩm du lịch, đóng góp cho ngành du lịch huyện Phú Lộc và vùng Vịnh đẹp Lăng Cô”.