Đam mê nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, anh Trần Văn Quý ở xã Thuận Minh (Thọ Xuân - Thanh Hóa) đã tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, làm giàu trên đồng đất quê hương.
Hướng đi táo bạo
Anh Trần Văn Quý (SN 1987) sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông. Vùng đất nơi đây từ xa xưa trồng cây mía, cây sắn, hiệu quả mang lại thấp. Với niềm đam mê nông nghiệp, lại được tiếp cận NNCNC từ các mô hình ở thị trấn Lam Sơn, tìm hiểu thêm qua sách báo, truyền hình, anh nhận thấy nhiều mô hình NNCNC mang lại giá trị kinh tế, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Vì vậy, anh quyết định ứng dụng NNCNC vào sản xuất, xây dựng sản phẩm OCOP.
Chia sẻ về hướng đi này, anh Quý cho biết: Ứng dụng NNCNC vào sản xuất nông nghiệp đang là xu hướng, góp phần giảm sức lao động, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả kinh tế. Trong khi đó, vùng đất quê hương địa hình thuận lợi, phù hợp cho việc tích tụ đất đai trong sản xuất dưa trong nhà màng, nhà lưới, anh quyết định hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp trên mảnh đất quê mình.
Những quả dưa to đẹp, mọng nước trong vườn Dưa kim Hoàng Hậu của anh Trần Văn Quý (Tổ hợp tác nông nghiệp Thuận Minh), xã Thuận Minh (huyện Thọ Xuân) chuẩn bị cho thu hoạch.
Năm 2016, với ý định chuyển hướng sản xuất dưa trong nhà màng, nhà lưới trên mảnh đất gia đình, anh bị bố mẹ và vợ phản đối quyết liệt. Nhưng, với quyết tâm, tin tưởng vào hiệu quả mô hình NNCNC, anh khăn gói đến các mô hình xin làm thuê để học tập kinh nghiệm.
Triển khai thực hiện năm 2017, anh đầu tư xây dựng trên diện tích 7.000m2, tổng số vốn gần 2,2 tỷ đồng. Chi phí đầu tư ban đầu khá tốn kém, anh phải vay 50% số vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, mua cây giống, phân hữu cơ. Khó khăn chồng chất nhưng để chứng minh con đường mình chọn là đúng đắn, anh Quý không nản chí, quyết tâm theo đuổi ước mơ.
Anh Quý đang đi kiểm tra vườn dưa của gia đình mình.
Ban đầu, để so sánh xem trồng dưa ứng dụng công nghệ trong nhà màng so với ở ngoài trời như nào, anh đầu tư cọc bê tông, dây quấn trồng thử nghiệm dưa ngoài trời với diện tích 500m2. Do thời tiết nắng nóng, sâu bệnh, nấm tấn công, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, diện tích dưa ngoài trời hầu như không được thu hoạch.
Khi có sản phẩm, việc tiêu thụ hết sức khó khăn, vợ chồng anh lặn lội đến các hàng quán trong huyện bán từng ít một, nhiều lần dưa không bán hết phải đem về chia cho anh em họ hàng ăn giúp. Quen dần, chị Lưu Thị Trang (vợ anh Quý) lân la sang các huyện khác, xuống chợ đầu mối của tỉnh bán cho thương lái. Sau một thời gian, thấy được sản phẩm của gia đình anh chị đảm bảo chất lượng, thương lái tự đặt mua tại vườn khi đến vụ.
Hiệu quả kinh tế cao
Trên diện tích 1.000m2 nhà màng, anh Quý trồng 2.800 cây dưa, mỗi cây chỉ giữ một quả, trọng lượng trung bình đạt 1,3-1,6kg/quả; năng suất trung bình 3,5 tấn/1.000m2/vụ. Thời điểm đầu, giá dưa cao, dao động từ 30-35 nghìn đồng/kg, gia đình anh thu lãi khoảng 70 triệu đồng/1.000m2/vụ; một năm thu hoạch 4 vụ. Thấy lợi nhuận đảm bảo, chị Trang cùng bố mẹ mới tin tưởng, ủng hộ. Hơn một năm sau, anh đã thu được vốn đầu tư ban đầu.
Dưa được trồng trong nhà màng, nhà lưới cách ly với những tác hại bên ngoài, sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn cho người sử dụng. Sử dụng hệ thống tưới thông minh tự động nên nước và phân được tưới nhỏ giọt đến từng gốc dưa, giúp cây hấp thụ đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, giảm chi phí sử dụng lao động.
Áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, vườn dưa nhà màng của Tổ hợp tác nông nghiệp Thuận Minh không bị ảnh hưởng của tác động môi trường, mang lại năng suất cao, cho thu nhập quanh năm.
Nhận thấy những quả dưa to đẹp, ruột màu cam, mọng nước, có vị thơm đặc trưng, giòn, độ ngọt cao; UBND tỉnh Thanh Hóa có Chương trình thực hiện Kế hoạch 75/KH-UBND ngày 30/3/2021 về xây dựng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nên anh Quý đã đăng ký và xây dựng thành công sản phẩm OCOP 3 sao cho sản phẩm dưa trong vườn nhà mình. Từ khi sản phẩm đạt OCOP 3 sao, chị Trang rao bán trên các trang mạng xã hội, thương lái từ các tỉnh, thành như: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang đã đặt hàng với số lượng lớn.
Từ mô hình kích cầu của tỉnh, hiệu quả đạt được khá cao, đã thúc đẩy anh mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, anh trồng dưa trong nhà màng, nhà lưới lên đến 45.000m2; giải quyết việc làm cho 10 lao động làm việc thường xuyên và hơn 20 lao động thời vụ với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.
Để có nguồn cung ổn định cung cấp cho thị trường, anh liên kết với các hộ sản xuất NNCNC trong xã thành chuỗi cung ứng Tổ hợp tác Nông nghiệp Thuận Minh. Kể từ đó, các nhà màng được trồng luân phiên, luôn đảm bảo nguồn dưa cung cấp cho thương lái, điều này không chỉ đảm bảo cho cây trồng phát triển quanh năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.
Ông Lê Văn Hợi, Chủ tịch UBND xã Thuận Minh, cho biết: Khi gia đình anh Quý xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện, hỗ trợ hồ sơ pháp lý để giúp gia đình vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế. Đây là mô hình NNCNC đầu tiên của xã, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, tăng thu nhập cho người dân.
Theo ông Hợi, từ mô hình của anh Quý, xã có thêm 3 hộ sản xuất dưa trong nhà màng, đều tham gia Tổ hợp tác nông nghiệp Thuận Minh. Hiện nay, diện tích trồng dưa nhà màng, nhà lưới trên địa bàn xã đạt hơn 50.000m2. Dự kiến, thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức cho bà con đi tập huấn, mở rộng quy mô thêm 3.000m2.
Trao đổi với PV Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thọ Xuân, cho biết: Mô hình sản xuất NNCNC mang lại giá trị kinh tế rất cao. Hộ anh Quý và các mô hình trên toàn huyện đều đạt thu nhập bình quân 2 tỷ đồng/ha/năm, trừ chi phí, thu lãi 700-900 triệu đồng/ha/năm, tùy từng thời điểm. Để thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao phát triển, HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết 110/NQ-HĐND, giai đoạn 2021-2025, hỗ trợ xây dựng mới nhà màng, nhà lưới để sản xuất NNCNC. Theo đó, đối với diện tích từ 1ha đến dưới 2ha, được hỗ trợ 500 triệu đồng; từ 2ha đến dưới 5ha, hỗ trợ 1 tỷ đồng.
Theo ông Vinh, Thọ Xuân được tỉnh Thanh Hóa đánh giá là huyện trọng điểm trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Nghị quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu đạt 67ha NNCCN, tính đến hết năm 2023 đạt 55,1ha.