Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 6 năm 2024 | 11:9

Mô hình chuyển đổi mang lại giá trị cao ở Bát Trang: Trồng thanh long hữu cơ

Sau nhiều năm nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ những thửa ruộng cấy lúa năng suất thấp, giờ đây, nông dân xã Bát Trang (An Lão, TP. Hải Phòng) đã thay thế bằng những vườn thanh long tươi tốt.

Hộ tiên phong sản xuất thanh long hữu cơ

Tìm về  Bát Trang, vùng sản xuất thanh long lớn nhất TP. Hải Phòng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy những vườn thanh long nối tiếp nhau cành lá xanh tươi. Thanh long đang vào vụ ra hoa kết trái, hình ảnh các vườn thanh long rạng ngời khoe sắc trắng tinh khôi, tỏa hương thơm đặc trưng và lan tỏa khắp cánh đồng.

Là hộ đầu tiên đưa cây thanh long về với Bát Trang, ban đầu chỉ là trồng thử nghiệm với vài gốc, đến nay, gia đình chị Phạm Thị Hòa ở thôn Trang đã trồng lên đến 1 mẫu ruộng (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2).

Gia đình chị Phạm Thị Hòa trồng 1 mẫu thanh long, mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 10 tấn quả.

Trò chuyện với PV Kinh tế nông thôn, chị Hòa cho biết: Cách đây 25 năm, bố tôi vào miền Nam tìm mua giống thanh long ruột trắng về trồng. Sau nhiều năm  thử nghiệm, nhận thấy thanh long sinh trưởng tốt, cho trái nhiều, chất lượng không thua kém những nơi khác nên gia đình mạnh dạn nhân rộng, chuyển đổi diện tích đang cấy lúa và trồng vải sang trồng thanh long.

“Thanh long được trồng hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ, đảm bảo đúng quy trình từ khâu đất trồng, nước tưới, phân bón cho đến chăm sóc, tuyệt đối không sử dụng phân bón, thuốc hóa học. Trước đây, tôi thường mua phân hữu cơ bón cho thanh long, nhưng nay  tự ủ phân từ cá và đậu tương. Sau mỗi lần hái quả xong, tôi bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng phân hữu cơ, phân gà, dùng rơm rạ phủ quanh gốc, vừa để cải tạo đất, vừa hạn chế cỏ dại. Sử dụng phân hữu cơ giúp cải thiện độ tơi xốp và màu mỡ của đất, giúp bộ rễ luôn chắc khỏe, tăng sức đề kháng của cây, nhờ đó cây cho quả nhiều, chất lượng ngon, ngọt, vỏ căng, mỏng”, chị Hòa kể.

Vườn thanh long của gia đình chị Phạm Thị Hòa đang vào thời kỳ ra hoa kết trái, màu trắng tinh khôi của hoa thanh long nổi bật khắp các cánh đồng xã Bát Trang.

Ban đầu, gia đình chị Hòa trồng thanh long theo phương pháp truyền thống: cho cây leo lên trụ xi măng. Từ khi được phổ biến kinh nghiệm trồng và chăm sóc thanh long theo phương pháp hữu cơ,  gia đình chị đầu tư 100 triệu đồng làm giàn cho thanh long leo. Nhờ đó, nâng cao năng suất, thanh long ít bị dịch bệnh, nhất là kiểm soát được sâu bệnh.

Trung bình mỗi năm vườn thanh long cho thu hoạch 5 - 6 lần, tổng cộng trên 10 tấn quả,  bán với giá 12.000 - 30.000 đồng/kg, tùy từng thời điểm. Mô hình trồng cây thanh long thương phẩm  mang lại cho gia đình chị Hòa khoảng 150 triệu đồng/năm.

Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng

Là vùng đất đầu nguồn sông Lạch Tray, Đa Độ từng nổi tiếng với đặc sản vải Bát Trang. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, người dân địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng thanh long.

Ông Hoàng Văn Viên, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Trực Trang chia sẻ về lợi ích từ khi trồng thanh long hữu cơ.

Dẫn P.V thăm cánh đồng trồng bạt ngàn thanh long của địa phương, ông Hoàng Văn Viên, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Trực Trang, cho hay: “Trước đây, vùng đất này chủ yếu là cấy lúa  2 vụ/năm. Tuy nhiên, cây lúa bị sâu bệnh, chuột phá hoại khá nhiều, năng suất ngày càng giảm. Vì thế, một số hộ  bỏ ruộng không, để cỏ mọc tự do;  nhiều hộ chuyển đổi sang trồng thanh long. Năm 2015, việc trồng thanh long bắt đầu nhen nhóm tại địa phương. Đến nay, thôn Trực Trang có khoảng 40ha thanh long, trong đó 20 ha trồng theo quy trình VietGAP”.

Theo ông Viên, thanh long là giống cây trồng một lần thu hoạch nhiều năm. Từ lúc cây ra hoa cho đến khi được hái quả kéo dài 55- 60 ngày. Cây cho thu hoạch từ tháng 4 đến hết tháng 11 âm lịch hàng năm. Chủ yếu là thương lái đến tận vườn thu mua, và một phần bán cho chợ đầu mối hoa quả của TP. Hải Phòng. Với 1 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) trồng thanh long, trừ chi phí, người trồng thu lãi 10 triệu đồng, cao gấp 3 - 4 lần cấy lúa. Có thể nói, từ khi cây thanh long được trồng tại địa phương, kinh tế của người dân khấm khá hơn hẳn. Vì vậy, các đợt vận động được bà con đồng tình ủng hộ, đặc biệt là Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, HTX đã vận động nông dân áp dụng phương pháp “chong điện” để kéo dài thời gian thanh long cho quả trái vụ vào dịp cuối năm (thường sử dụng vào những tháng cuối năm giá rét), bán với giá cao hơn, từ đó tăng thu nhập.

Xã Bát Trang được thiên nhiên ưu ái khi có 3 mặt giáp sông, lại là nơi thượng nguồn các sông Lạch Tray, Đa Độ nên nguồn nước dồi dào, đất đai phì nhiêu, màu mỡ, thích hợp để hình thành vùng sản xuất chủ lực về cây ăn quả.  Xã xác định phát triển cây ăn quả là một trong những hướng đi mới góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo  cú hích trong phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn, xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Ông Phan Viết Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Bát Trang, cho biết: “Xã hiện có trên 200ha  cây ăn quả các loại (80ha thanh long, 80 ha vải thiều...). Gần 10 năm trở lại đây, người dân Bát Trang phát triển cây thanh long, doanh thu đạt trên 400 triệu đồng/ha/năm. Cây ăn quả đã giúp người dân nâng cao thu nhập, góp phần cùng địa phương hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới”.

Từ những thửa ruộng kém hiệu quả, có khi bị bỏ hoang, giờ đây dần thay thế bằng những vườn thanh long xanh mướt, trĩu quả. Thanh long đã trở thành niềm tự hào của người dân Bát Trang bởi nó mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn.

 

Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
Top