Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 16 tháng 6 năm 2024 | 9:15

Độc đáo vườn vải thiều trĩu quả, 30 năm không mất mùa

Năm nay, nhiều vườn vải thiều không ra quả thì hộ bà Diệp Thị Sênh, thôn Trại 1, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) vẫn có thu nhập cao. Đặc biệt, những cây vải được gia đình bà trồng từ năm 1992 song chưa bao giờ mất mùa.

Không lo mất mùa quả, chỉ quan tâm giá bán

Đến vườn vải thiều của gia đình bà Sênh, ai cũng thích thú khi thấy những chùm quả đỏ tươi, sai trĩu rất đẹp mắt. Có chùm gồm hàng chục quả lủng lẳng dưới tán cây. Mật độ cây thưa, thông thoáng, vườn sạch sẽ, thuận lợi cho khách tham quan và công đoạn thu hái.

Năm nay, vải thiều của gia đình bà Sênh được thương nhân Trung Quốc mua tại vườn với giá 70 nghìn đồng/kg.

Bà Sênh chia sẻ: “Với vải thiều, tôi không lo mất mùa mà chỉ quan tâm giá bán thế nào thôi. Hơn 30 năm qua, gia đình tôi năm nào cũng được mùa vải”.

Sở dĩ người phụ nữ ngoài 50 tuổi tự tin như vậy là do rất hiểu cây vải mà mình đã gắn bó. Vườn quả được trồng từ năm 1992. Ban đầu là 1 ha vải, sau đó tỉa bỏ một nửa chuyển sang trồng cam ngọt. Đất Lục Ngạn vốn đã nổi tiếng với vải thiều nên dù chuyển đổi sang bất cứ cây nào đi nữa thì bà vẫn giữ lại một phần đất cho vải thiều, hiện còn hơn 100 gốc.

Vườn vải thiều được sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh và chế phẩm sinh học.

Vụ vải này, thời tiết khắc nghiệt khiến việc chăm sóc khó khăn hơn. Mọi năm chỉ một lần khoanh vỏ, cây đã trổ hoa, đậu quả nhưng năm nay bà Sinh phải khoanh hai lần.

"Ở Lục Ngạn, người làm vườn giỏi nhiều lắm còn tôi vẫn tiến hành theo kinh nghiệm tích lũy được từ bao năm qua. Giai đoạn gần ra hoa, tôi thấy cây sức sống tốt, có nhánh đã nhú lộc nên tiếp tục khoanh vỏ lần nữa, không tưới nước để hãm cây không ra lộc, dồn dinh dưỡng hình thành cành hoa. Nhờ vậy mà năm nay nhà tôi vẫn được mùa”, bà Sênh nói.

Cũng theo bà Sênh, việc phổ biến kinh nghiệm rất khó vì có thể áp dụng cho vườn này nhưng vườn khác chưa chắc đã tốt, phải dựa vào đặc điểm từng cây, chất đất mà chăm sóc cho phù hợp. Sau khi tỉa cành, tạo tán chú ý phun thuốc trừ sâu bệnh. Giai đoạn vải ra hoa không bón phân mà phải khi đậu quả non mới bổ sung dinh dưỡng.

Toàn bộ vườn vải được sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh và chế phẩm sinh học. Ngay cả thuốc bảo vệ thực vật cũng có nguồn gốc sinh học, tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ, góp phần bảo vệ sinh vật có lợi cho đất.

Nhờ kinh nghiệm “nhìn cây, chăm sóc”, năm nay gia đình bà Sênh thắng lớn, dự kiến thu khoảng 8 tấn quả. Sản phẩm được thương nhân Trung Quốc bao tiêu với giá 70 nghìn đồng/kg tại vườn, mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.

Nhân rộng cách làm hay

Năm nay, vườn vải sai quả như của hộ bà Sênh là hiếm có trên địa bàn huyện Lục Ngạn. Nhân dịp làm việc tại tỉnh Bắc Giang về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung đã đến “mục sở thị” vườn quả. Qua nắm bắt thực tế, đồng chí Thứ trưởng đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của chủ vườn, nhất là về kỹ thuật chăm sóc, canh tác. Các khâu được thực hiện chuyên nghiệp, khu vườn sạch sẽ, không có vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, minh chứng rõ cho canh tác hữu cơ thành công.

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tỉnh Bắc Giang thăm vườn vải thiều của gia đình bà Sênh.

“Đây là cách làm đúng hướng theo chỉ đạo của Bộ về đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Bằng sự ham học hỏi, sáng tạo trong sản xuất, người dân đã áp dụng biện pháp kỹ thuật phù hợp để được mùa riêng, khác biệt so với tình hình chung của địa phương. Những cách làm này, Bộ sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đánh giá cụ thể để đưa ra quy trình, khuyến cáo, học tập kinh nghiệm từ mô hình của nông dân Lục Ngạn, từ đó phổ biến cho người trồng vải” - Thứ trưởng Hoàng Trung nói.

Áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ góp phần tái tạo dinh dưỡng cho đất. Nông dân sử dụng phân bón thế hệ mới, không để lại dư lượng kim loại nặng trong đất, giúp cây khoẻ mạnh.

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn là định hướng mà Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng như tỉnh Bắc Giang tập trung chỉ đạo. Qua đây cho thấy nông dân Lục Ngạn đang làm rất tốt hướng sản xuất này. Khi trở thành mô hình đại trà sẽ tạo ra sản phẩm hữu cơ với sản lượng lớn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao thị trường trong nước, xuất khẩu.

 

Trường Sơn/Báo Bắc Giang
Ý kiến bạn đọc
Top