Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 24 tháng 6 năm 2024  
Thứ năm, ngày 30 tháng 5 năm 2024 | 11:21

Người trẻ thành công với sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Nhờ ứng dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhiều nông dân trẻ tuổi ở miền Trung đã thành công ở những mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, không những thu về lợi nhuận cao mà còn góp phần cung cấp sản phẩm nông sản sạch cho người tiêu dùng.

Canh tác hữu cơ trên vùng đất khắc nghiệt

Vĩnh Linh của tỉnh Quảng Trị là một vùng đất vô cùng khô cằn, khắc nghiệt, nhưng với chị Trần Thu Trang (39 tuổi, quê xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) lại là một cơ hội để sản xuất nông nghiệp, bằng việc đầu tư để xây dựng mô hình Dfarm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng tại Quảng Trị.

Dfarm của chị Trang được hình thành từ năm 2019, nhận thấy xu hướng làm nông nghiệp công nghệ cao ngày càng phát triển mạnh, chị Thu Trang quyết định lên kế hoạch, tìm hiểu thị trường, chuẩn bị các điều kiện cần thiết về quỹ đất, huy động nguồn vốn, nhân lực để cho ra đời Dfarm Quảng Trị tại thôn Động Sỏi, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh.

Dưa lưới trồng theo hướng hữu cơ tại Dfarm Quảng Trị. Ảnh: TTXVN 

“Sau khi khảo sát kỹ càng chúng tôi thấy đất đỏ bazan ở thôn Động Sỏi, xã Kim Thạch rất phù hợp để sản xuất nông nghiệp. Lúc đó, vùng đất này vốn thuộc quyền sử dụng của nhiều hộ dân và trên đất đang trồng cây cao su. Muốn có mặt bằng lập trang trại, chúng tôi phải thuyết phục từng hộ chuyển giao lại quyền sử dụng đất. Khi có đủ mặt bằng, chúng tôi đã lên phương án cải tạo và chuyển đổi sang đất hữu cơ bằng phương pháp canh tác nhiều loại cây ngắn ngày như rau màu, củ cải đỏ, dâu tây… với thời gian cần thiết giúp đất có thời gian nghỉ đúng quy định về sản xuất hữu cơ”- chị Thu Trang chia sẻ.

Chị Trần Thu Trang giới thiệu: “Mùa Hè trồng các loại dưa lưới, dưa lê, dưa hấu; mùa Đông trồng các loại rau, cà chua, táo phục vụ thị trường Tết, thuận theo thời tiết, cùng với kỹ thuật chăm sóc sẽ cho nông sản chất lượng tốt”. Ở Dfarm Quảng Trị thời điểm cuối tháng 5, dưa lê, dưa hấu đang cho thu hoạch. Các loại rau như bầu, bí cũng đã bắt đầu cho sản phẩm. Táo hữu cơ thì đang vươn cành chuẩn bị ra hoa, đậu quả phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Từ các loại dưa được trồng theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ: TCVN 11041-1:2017 và TCVN 11041-2: 2017, Dfarm Quảng Trị đang thu về 1,6 tỷ đồng mỗi năm, trừ chi phí lãi ròng khoảng 1 tỷ đồng. Và thời gian từ tháng 10 - 12, trang trại này trồng các loại rau, cà chua, táo phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, với doanh thu trên dưới 500 triệu đồng, lãi ròng gần 300 triệu đồng.

Ông Bùi Phước Trang, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho biết: Dfarm Quảng Trị là mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ bằng nhà màn có quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Trị, tất cả các sản phẩm ở nông trại này được chứng nhận theo tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ Việt Nam. Nông trại đã xây dựng được chuỗi liên kết, từ sản xuất đến phân phối sản phẩm ra thị trường, đặc biệt Dfarm Quảng Trị đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm nông sản chất lượng cao nên được thị trường ưa chuộng, đón nhận rất tốt.

Làm nông nghiệp thuận theo hướng tự nhiên

Sau hơn 15 năm nỗ lực nghiên cứu và phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp thuận tự nhiên, chàng kỹ sư công nghệ thông tin Bùi Ngọc Châu đã gây dựng được trang trại Xứ Tiên bốn mùa xanh mát của riêng mình.

Sinh ra và lớn lên tại huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam), từ nhỏ anh Bùi Ngọc Châu đã thấy gia đình mình và các hộ xung quanh sản xuất nông nghiệp theo mô hình vườn - ao - chuồng - ruộng - rừng.

Anh Bùi Ngọc Châu bên vườn rau của gia đình. Ảnh: Xứ Tiên

Năm 2008, anh Châu rời TP HCM về lại Tiên Phước để thực nghiệm ứng dụng nhóm các vi sinh vật bản địa có lợi vào sản xuất nông nghiệp. Vừa làm vừa nghiên cứu và học hỏi thêm trên internet, năm 2012 anh đã tổng hợp được bộ men vi sinh bản địa Tiên Phước. Sau đó, anh tư vấn, cung cấp nguyên liệu cho nhiều vườn, rẫy tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Đến năm 2017, anh Bùi Ngọc Châu mang triết lý nông nghiệp từ Tiên Phước và công nghệ vi sinh áp dụng vào một số trang trại tại Đà Lạt, tiếp tục đưa vào thực hành tại trang trại Xứ Tiên với diện tích hơn 2ha của mình ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng). Tại đây, anh Châu thiết kế và xây dựng theo mô hình: biển - vườn - ao - chuồng - ruộng - rừng (BVACRR).

Ở trang trại Xứ Tiên có đầy đủ vườn rau, ao cá, vườn cà phê, vườn trà, khu trồng cây dược liệu xen nuôi gà đồi và vườn ươm cây giống... Ngoài việc tái sử dụng các phụ phẩm từ vườn ao chuồng tại chỗ, trang trại còn được bổ sung lượng lớn đạm từ biển thông qua việc lên men và tinh chế phụ phẩm như: đầu, ruột, vây cá; phân bón vi sinh được tái chế từ nguồn mùn của thảm thực vật rừng, mùn đáy sông suối.

Vì vậy, dù không trực tiếp có yếu tố rừng và biển trong trang trại của mình, Xứ Tiên Farm vẫn hội đủ vòng tuần hoàn của triết lý BVACRR.

Từ thành quả nghiên cứu này, Bùi Ngọc Châu tổng hợp bộ men vi sinh bản địa, áp dụng công nghệ cơ khí, công nghệ nhiệt để sản xuất các sản phẩm mang tính ứng dụng cao như đất sạch dinh dưỡng, viên nén dinh dưỡng tổng hợp, đạm cá và than hoạt tính... anh Châu đã tư vấn kỹ thuật cho các trang trại trồng cà phê sạch, rau mầm, trà ô long hữu cơ, tiêu hữu cơ, ổi, chanh dây, mãng cầu... ở Đức Trọng, Đà Lạt và các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh. Các trang trại này đều đạt hiệu quả kinh tế, trong đó một số trang trại đạt tiêu chuẩn hữu cơ PSG và USDA.

“Hiện tại, doanh thu từ thương mại hóa phân bón vi sinh đạt khoảng 400-500 triệu đồng/tháng. Còn nhà máy đạm cá khi đi vào hoạt động, ước tính sẽ sản xuất 300 tấn/năm”, anh Châu tiết lộ.

Những mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ này  đang là xu hướng phát triển tất yếu của thị trường và đòi hỏi của người tiêu dùng.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng đi bền vững

Việt Nam đứng thứ bảy trong các nước châu Á về diện tích đất nông nghiệp hữu cơ và thứ ba trong các nước ASEAN. Tuy nhiên, kết quả trên còn rất thấp so với tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam.

Hiện nay các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 10 đến 20% so với sản xuất thông thường, mà còn giúp nông dân nâng cao kiến thức, tay nghề, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tư duy sản xuất từ truyền thống sang an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Điều quan trọng là các sản phẩm này đáp ứng được các tiêu chuẩn để phân phối tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể…

Mô hình trồng thanh long đỏ theo tiêu chuẩn VietGap tại huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: vinhphuc.gov.vn)

Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhiều địa phương đã chú trọng đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trước và tạo được hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của người dân.

Có thể thấy, sự nâng cao chất lượng và mức sống đã khiến cho nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ngày càng nhiều. Ngành sản xuất hữu cơ tại Việt Nam đang được nhiều người quan tâm đón nhận. Xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ được nhà nước đầu tư đẩy mạnh hơn trong những năm gần đây và cả định hướng trong tương lai.

Mặc dù phát triển nông nghiệp hữu cơ cho giá trị kinh tế cao, song diện tích vẫn còn khiêm tốn và chỉ dừng lại ở mô hình. Để mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng hàng hóa, hướng tới nền nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu cần tháo gỡ những "điểm nghẽn".

Theo các chuyên gia nông nghiệp các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra của sản phẩm, tiền vốn, công tác kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm chưa được quan tâm, người tiêu dùng chưa thật sự yên tâm, tin tưởng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Cần có các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ bền vững, tiến tới nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ hơn tại Việt Nam.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top