Với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, thay đổi thói quen sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình, ông Nguyễn Duy Vĩnh - hội viên Hội Cựu chiến binh xã Bãi Trành (Như Xuân, Thanh Hóa) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, xây dựng mô hình trang trại VAC, mang lại thu nhập 1,6 tỷ đồng mỗi năm.
Theo chân các cán bộ xã, chúng tôi đến trang trại VAC của ông Nguyễn Duy Vĩnh (sinh 1959) tại thôn 3, xã Bãi Trành. Trong bộ quân phục bạc màu, ông Vĩnh đón chúng tôi bằng sự cởi mở, nhiệt tình sẵn có, ông chia sẻ: sinh ra và lớn lên ở vùng đất xã Thanh Thủy, huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), nhập ngũ năm 1980 đến tháng 8 năm 1984 phục viên về công tác tại nhà máy chè đen (thuộc xã Bãi Trành, huyện Như Xuân). Cuộc sống vất vả, chỉ trông vào mấy đồng lương khiến ông không khỏi trăn trở và nghĩ hướng thoát nghèo.
Vay lãi cao xây dựng mô hình
Với ý chí thoát khỏi vòng đói nghèo, năm 1995 khi địa phương có chính sách với chương trình trồng rừng 327 (chương trình phủ xanh đất trống đồi chọc) ông Vĩnh đã mạnh dạn nhận 6ha đất rừng. Tuy nhiên, với nền tảng là một gia đình chính sách, việc đầu tư vào 6ha đất ở thời điểm bấy giờ là cả một vấn đề, mà điều quan trọng nhất là vốn.
“Nhận đất về tay nhưng không có nguồn vốn để đầu tư, tôi đã rất trăn trở làm thế nào để có vốn phủ kín 6ha rừng đã nhận. Cuối cùng ý tưởng nhờ bên vợ vay vốn để đầu tư đồi cây ăn quả phát triển kinh tế là khả thi nhất, tôi bàn với vợ rồi vợ chồng khăn gói hành trình vào Đô Lương (quê vợ ông) để đi vay tiền”.
Vườn ổi Hồng Kông của ông Nguyễn Duy Vĩnh, xã Bãi Trành, huyện Như Xuân được trồng thay thế các loại cây kém chất lượng đang vươn mình phát triển.
Thời điểm đó, ở Thanh Hóa còn đang rất khó khăn, chưa có chính sách hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế như bây giờ, nhìn thấy sự quyết tâm của ông, mọi người đã hưởng ứng và hỗ trợ giúp đỡ cầm cố 2 sổ đỏ để vay được 8 triệu đồng (với lãi xuất 2%/năm) - ông Vĩnh chia sẻ thêm.
Dường như, sau gần 30 năm, ký ức về những ngày đầu lập nghiệp gian nan không phai mờ trong người cựu binh già. Theo lời kể chậm rãi của ông chúng tôi biết được, khi cầm được đồng vốn trong tay, ông đã mạnh dạn chuyển đổi 1ha đất rừng sang trồng 100 gốc vải, nhãn, diện tích còn lại ông trồng keo. Năm 2011, ông về hưu tập trung phát triển kinh tế trang trại cùng gia đình. Cùng với sự ủng hộ, đồng hành của vợ và các con, ông vượt qua được những trăn trở của mình, cải thiện cơ bản tình hình kinh tế gia đình.
Tuy nhiên, vào những năm 2014-2015, nhận thấy mô hình trồng cây của ông không còn năng xuất, hiệu quả kinh tế không cao, ông qua kênh Hội Làm vườn của huyện Như Xuân tìm hiểu các mô hình kinh tế mới. Ông đã đi Hưng Yên học mô hình nuôi gà, qua Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả và Cây công nghiệp (TT NC CĂQ và CCN) tỉnh Nghệ An để học hỏi mô hình cây trồng mới.
Vườn ổi của ông Vĩnh đang chuẩn bị cho lứa quả mới.
Qua đó, ông nhận thấy thấy cây ổi Hồng Kông ít sâu bệnh, dễ trồng rất phù hợp với mảnh đất của mình, ông đã bàn với gia đình thay thế toàn bộ gốc vải, nhãn bằng giống cây ổi. Hiện nay với 320 gốc ổi cho thu nhập bình quân 200-250 triệu/năm, trừ chi phí lợi nhuận thu về 100-120 triệu/năm. Năm 2019, ổi của gia đình ông được lựa chọn là sản phẩm OCOP 3 sao của địa phương Bãi Trành.
Để phát huy hiệu quả các mô hình học tập từ các tỉnh, đầu năm 2016, ông vay ngân hàng thêm 300 triệu đồng để đầu tư hạ tầng và con giống, mở rộng quy mô chăn nuôi. Cụ thể, ông đã đầu tư 10 con lợn rừng nái, 5 con bò sinh sản, xây hồ nuôi cá...
Ông Vĩnh tính, trung bình mỗi năm đàn lợn sinh sản ra 100 con, số lượng ấy ông để nuôi thịt bán, thu về lợi nhuận lớn, đối với đàn bò tính trung bình thu nhập hàng năm cho 100 triệu đồng. Sau hơn 1 năm, gia đình ông đã thu hồi được vốn, vừa cải thiện được thu nhập cho gia đình đồng thời cũng tạo thêm được việc làm ổn định cho 2 nhân công giúp việc với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.
Hiệu quả kinh tế xanh từ mô hình
Sau nhiều năm phát triển trồng cây ăn quả như: ổi, bưởi diễn, thanh long ruột đỏ, hồng, chè xanh và chăn nuôi (cá, lợn, gà) theo hướng mô hình trang trại VAC, hiện tại, mức thu nhập của gia đình ông Nguyễn Duy Vĩnh đã lên tới hơn 1,6 tỷ/năm; trừ chi phí mỗi năm thu về được 600 triệu đồng.
Gia đình ông Vĩnh được ghi nhận là 1 hộ phát triển kinh tế giỏi, là mô hình để Hội Làm vườn huyện Như Xuân cũng như Hội Làm vườn tỉnh Thanh Hóa đến tham quan và học tập. Năm 2022, mô hình VAC của ông Vĩnh đạt giải nhì cuộc thi trang trại kiểu mẫu, do Hội Làm vườn huyện Như Xuân tổ chức.
Gia đình ông Vĩnh cũng đã vinh dự được nhận 8 bằng khen, trong đó nhận 1 bằng khen từ hội nông dân Việt Nam (năm 2009), bằng khen gia đình chính sách làm kinh tế giỏi (năm 2017). Hiện nay, ông đã để lại 4 đồi chè xanh xen canh trồng hồng tiến vua, với diện tích 4.000m2 cho cậu con trai với niềm đam mê làm trang trai nối nghiệp cha.
Ông Vĩnh được nhận bằng khen gia đình chính sách làm kinh tế giỏi.
Chia sẻ về công việc làm trang trại của mình, ông Vĩnh Khẳng định: trong quá trình chăn nuôi và trồng cây, đặc biệt, phải chú trọng đến kỹ thuật vào chăm sóc cây, con, thường xuyên rải vôi để xử lý nấm và khử đất. Đồng thời, việc tận dụng tốt chu trình khép kín, khắc phục bất hợp lý trong quản lý chất thải chăn nuôi, ủ và xử lý thải bón cây trả lại độ phì nhiêu cho đất, mang lại hiệu năng suất cao cho cây trồng và tiết kiệm được nhiều chi phí. Bên cạnh việc xử lý an toàn chất thải, tạo năng lượng tái sinh cho ra nguồn chất đốt, phục vụ sinh hoạt, chống ô nhiễm môi trường. Cũng nhờ cách làm này mà mô hình trang trại của gia đình ông luôn phát triển thuận lợi, ít xảy ra dịch bệnh.
“Từng là chủ tịch Hội Làm vườn nên đã giúp tôi tiếp cận lớp tập huấn, các mô hình làm giàu ở trong và ngoài tỉnh, đó là một động lực thôi thúc phát triển mô hình mẫu này để cho các hội viên trong xã học tập”, ông Vĩnh cho biết thêm.
Nói về mô hình của cựu chiến binh Vĩnh, ông Dương Quốc Phòng - Chủ tịch Hội Làm vườn xã Bãi Trành chia sẻ: Mô hình VAC của hộ ông Vĩnh là mô hình mẫu của xã, đồng thời cũng là mô hình điển của huyện Như Xuân. Hàng năm, trang trại đã tạo điều kiện trao đổi kiến thức, khoa học kỹ thuật cho 35-45 hội viên của huyện. Đặc biệt, tạo điều kiên cung cấp cây, con, giống cho 35 hội viên trong xã và các vùng lân cận.
Trao đổi với chúng tôi về các mô hình kinh tế tại địa phương, ông Nguyễn Minh Hải - Phó chủ tịch UBND xã Bãi Trành cho biết, trong xã hiện nay có 7 mô hình trang trại, nhưng trang trại của hộ ông Vĩnh là một mô hình VAC đầu tiên và nổi bật của xã. Đây là mô hình được bà con nhân dân trong xã và huyện đến tham quan, tìm hiểu và học tập học tập mô hình này. Thời điểm gia đình ông Vĩnh làm mô hình VAC, địa phương đã hỗ trợ tập huấn, tạo điều kiện hồ sơ pháp lý để giúp vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế.
“Tuy nhiên, Bãi Trành đất đai rất manh mún, những chỗ diện tích thuận lợi thì nguyên hộ, không nhỏ lẻ để tích tụ được. Xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con tích tụ được 8ha từ lâm nghiệp chuyển đổi sang đất trồng mía, nhưng lại quanh quanh bờ rừng, bờ rú nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng không thuận lợi” - ông Hải chia sẻ thêm.
Trong thời gian tới, vận dụng và phát huy những thành quả mà gia đình ông Nguyễn Duy Vĩnh đã đạt được, địa phương sẽ tiếp tục khuyến khích, động viên, tạo điều kiện để người dân mạnh dạn đầu tư, nhằm nhân rộng mô hình kinh tế trang trại, cải thiện kinh tế hộ gia đình trên địa bàn xã.