Dịch tả lợn châu Phi bùng phát đã “quét sạch” trang trại lợn, gia đình anh Nguyễn Sỹ Điều chuyển hướng đưa giống chim bồ câu Pháp vào chăn nuôi.
Sau 4 năm, trang trại nuôi chim bồ câu Pháp của anh cung cấp ra thị trường 240.000 con chim/năm, tạo việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định.
Chuyển hướng chăn nuôi
Năm 2014, anh Nguyễn Sỹ Điều (SN 1985, xã Minh Tân, huyện Kiến Thuỵ, TP. Hải Phòng) đầu tư trang trại chăn nuôi lợn quy mô 7.000m2. Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi bùng phát, đã “quét sạch” trang trại lợn, gia đình phải tự tay tiêu huỷ 46 tấn lợn thịt đang đến độ xuất chuồng.
Anh Nguyễn Sỹ Điều tỉ mỉ kiểm tra sức khoẻ cho chim bồ câu Pháp, đây là yếu tố quyết định đến tỉ lệ thành công của trang trại.
Giá cả bấp bênh, dịch bệnh bùng phát, chăn nuôi thua lỗ, kinh tế cạn kiệt… đó là những gì anh Điều nhận lại sau khi tiêu huỷ đàn lợn. Không nản chí, anh loay hoay tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình. Anh chuyển qua nuôi 4.000 con vịt Super, tuy nhiên, đến độ xuất chuồng, giá bán khá thấp (29.000 đồng/kg), một lần nữa anh thua lỗ.
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội I (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), anh Điều làm việc tại một công ty chăn nuôi, được đi rong ruổi ở nhiều tỉnh, thành. Nhận thấy chăn nuôi chim bồ câu Pháp thương phẩm đang có thị trường rộng mở, anh bắt tay vào tìm hiểu kỹ thuật nuôi chim bồ câu qua các trang trại chăn nuôi. Ban đầu, khi chưa có nhiều kinh nghiệm, anh đưa 2.000 cặp chim bồ câu Pháp (bố - mẹ) vào nuôi. Đồng thời, khi dịch tả lợn châu Phi tạm thời lắng xuống, anh lại tái đàn lợn để đánh giá hiệu quả kinh tế giữa nuôi lợn và chim bồ câu Pháp.
Anh Điều đưa chim non vào lồng để mỗi cặp chim bố mẹ nuôi từ 3 đến 4 con chim non.
Chia sẻ với P.V Kinh tế nông thôn về kỹ thuật chăn nuôi chim bồ câu Pháp, anh Điều cho hay: “Để nuôi thành công giống chim bồ câu Pháp, quan trọng nhất phải nắm được kỹ thuật nuôi, sau là lựa chọn con giống và đảm bảo môi trường chăn nuôi. Tôi lựa chọn con giống rất kỹ trước khi nhân đàn. Chim giống phải chọn con khỏe mạnh, không có dị tật. Ngoài ra, chuồng trại phải được đầu tư kiên cố, ngăn thành từng dãy lồng, mỗi dãy lồng lại được chia thành từng ngăn để nuôi từng loại chim bố mẹ; có hệ thống cấp nước uống tự động cho chim; có quạt thông gió bảo đảm chuồng trại luôn thoáng mát”.
Chim bồ câu Pháp từ lúc nở đến lúc sinh sản khoảng 5 - 6 tháng. Mỗi năm chim đẻ từ 9 đến 11 lần, mỗi lần 2 trứng. Anh Điều thực hiện ấp trứng bằng máy (thay vì ấp thủ công), từ đó chủ động được nguồn chim giống. Để thuận lợi giữa việc cho chim mẹ ấp và ấp trứng trong lò, anh Điều tuân thủ quy trình ấp “trứng giả” chặt chẽ, đem “trứng giả” cho chim mẹ ấp, khéo léo lấy trứng thật ra ấp tại lò công nghiệp. Sau 17 - 18 ngày trứng nở, sẽ mang về lồng ghép với chim bố mẹ.
Mỗi lồng 1 cặp (trống - mái) có thể nuôi ghép 3 - 4 chim con. Sau 13 ngày nuôi con, chim mẹ tiếp tục đẻ lứa trứng tiếp theo. Một cặp chim bố mẹ sẽ cho 18 - 22 chim con/năm. Thời gian khai thác sinh sản 5 - 7 năm/cặp.
“Thức ăn cho chim bồ câu Pháp dễ kiếm, chủ yếu là ngô và hạt mạch. Hàng ngày, cho ăn 2 lần; phòng bệnh định kỳ hàng tháng, giống chim Pháp khá khỏe, dễ thích nghi và khả năng chống chọi dịch bệnh tốt. Hiện nay, tôi không còn chăn nuôi lợn, chỉ tập trung nuôi chim bồ câu”, anh Điều cho biết thêm.
Nhân rộng mô hình sản xuất
Theo anh Điều, thịt chim bồ câu rất được ưa chuộng, do đây là nguồn thực phẩm bổ dưỡng, được chế biến thành nhiều món ăn. Chính vì vậy, số lượng chim bồ câu nuôi tại trang trại của gia đình anh chưa đủ để cung cấp ra thị trường Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Hưng Yên… Để đảm bảo liên kết các mối hàng, anh Điều còn nhận tiêu thụ cho một số trang trại nuôi chim lân cận.
Gia đình anh Điều hiện nuôi 7.000 cặp chim bồ câu Pháp.
Chỉ từ 2.000 cặp chim bồ câu Pháp, sau 4 năm, trang trại của gia đình anh Điều hiện có 7.000 cặp. Chim con được phân loại thành chim giống và chim thịt trước khi bán. Ở thời điểm hiện tại, chim giống được bán với giá 250.000 - 350.000 đồng/đôi, chim thịt 150.000 đồng/đôi. Mỗi năm, trang trại của anh cung cấp ra thị trường 240.000 con chim.
Theo anh Điều, từ khi anh chuyển hướng tập trung phát triển nuôi chim bồ câu, anh nhận được sự quan tâm, hướng dẫn của các cấp, ngành từ thành phố đến địa phương. Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng triển khai xây dựng “Mô hình nuôi giống gia cầm mới (chim bồ câu Pháp) an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại gia đình. Qua 6 tháng triển khai mô hình với 4.800 đôi chim bồ câu, tỷ lệ sống đạt 95%, hiệu quả kinh tế tăng 20%.
Đồng thời, địa phương cũng hỗ trợ anh vốn vay lãi suất ưu đãi; định hướng cho chủ mô mình sản xuất theo chuỗi, tham gia vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), sản xuất theo hướng thân thiện môi trường, bền vững, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn.
“Qua quá trình nuôi chim bồ câu Pháp, tôi nhận thấy, lợi nhuận cao hơn chăn nuôi lợn, hạn chế được dịch bệnh, ít rủi ro. Thời gian tới, tôi sẽ sửa lại chuồng trại nuôi lợn, đầu tư nuôi thêm 5.000 cặp chim bồ câu. Tiếp tục phát triển theo mô hình liên kết chuỗi, cung ứng giống, vật tư, con giống và thu mua sản phẩm cho người dân, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi đến với những người có nhu cầu”, anh Điều cho hay.
Thành công nuôi chim bồ câu Pháp đã khẳng định hướng đi đúng đắn của anh Điều và sự đóng góp tích cực của anh trong phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương.