Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 6 năm 2024 | 10:16

Hiệu quả từ chuyển đổi làm muối sang trồng táo ở Bàng La

Sau bao thế hệ gắn bó, diêm dân phường Bàng La (quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng) hiện không còn mặn mà với nghề làm muối. Những ruộng muối trắng ngần khi xưa, nay dần thay thế bằng những vườn táo xanh mướt, trĩu quả.

Táo cũng trở thành cây trồng chủ lực, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Đìu hiu nghề làm muối

Phường Bàng La (trước là xã Bàng La, huyện Kiến Thụy) từng là địa phương có nghề làm muối nổi tiếng TP. Hải Phòng. Do giá cả bấp bênh, lao động thủ công, sản xuất muối không hiệu quả, nghề làm muối ở Bàng La dần mai một.

Chúng tôi tìm về Bàng La một ngày giữa tháng 5, những cánh đồng muối mênh mông nay trở nên đìu hiu, vắng lặng khi bóng dáng diêm dân chỉ còn thấp thoáng, nhiều diện tích làm muối bị bỏ hoang cỏ mọc um tùm, một phần diện tích được chuyển đổi trồng cây ăn quả.

Gắn bó với nghề làm muối 40 năm nay, dù ngoài 70 tuổi, song bà Nguyễn Thị Uôm (Tổ dân phố Đại Phong) vẫn hàng ngày cần mẫn duy trì sản xuất muối trên diện tích gần 3,5 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2).

Bà Nguyễn Thị Uôm vui vẻ bên giỏ muối được thu hoạch vào cuối ngày.

Chia sẻ với PV Kinh tế nông thôn, bà Uôm cho hay: Trước kia, cánh đồng này cả làng ra làm muối. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, khi nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa phương, thanh niên đi làm công nhân có thu nhập cao hơn, dần họ bỏ nghề không làm nữa. Để làm ra hạt muối, diêm dân phải “một nắng hai sương” nhưng thu nhập lại thấp.

“Những ngày nắng đẹp, tôi có thể thu được 1 tạ muối/ngày, bán với giá 12.000 đồng/kg. Hiện nay, địa phương còn ít người làm muối, nên nhà tôi sản xuất đến đâu được thương lái thu mua  đến đó. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, thời tiết mưa nhiều lại không có nắng nên việc làm muối gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài thời gian làm muối, gia đình còn chăm sóc vườn táo để tăng thu nhập”, bà Uôm cho biết thêm.

Ông Hoàng Gia Cường, Phó Chủ tịch UBND phường Bàng La, cho biết, nghề làm muối ở địa phương có từ lâu, được truyền lại từ thời cha, ông. Trước đây, phường có đến 50-60% dân số làm nghề muối “chạt” truyền thống, nhưng khoảng 20 năm trở lại đây, khi nghề làm muối cực nhọc, giá trị kinh tế mang lại không cao nên người dân địa phương dần chuyển đổi từ sản xuất muối sang nuôi trồng thủy sản và bây giờ là trồng táo. Phường còn khoảng 10 hộ dân, chủ yếu là những lao động lớn tuổi, vừa để mưu sinh, vừa để giữ nghề truyền thống của quê hương.

Hiệu quả từ trồng táo muối Bàng La

Qua năm tháng, những ruộng muối trắng ngần dần thay thế bằng những vườn táo muối xanh mướt mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Bàng La.

Sở dĩ loại táo này được gọi là táo muối bởi cây táo được trồng trên nền đất vốn là những cánh đồng muối, vì vậy, quả có hương vị ngon, giòn, mọng nước, đậm đà khó quên. Táo Bàng La đã trở thành sản phẩm được nhiều người ưa chuộng và trở thành cây trồng chủ lực, là nguồn thu nhập chính của người dân phường Bàng La.

Cây táo phường Bàng La đã trở thành cây trồng chủ lực, tạo thu nhập cho nhân dân địa phương.

Ngoài việc trồng táo theo phương pháp truyền thống, phường Bàng La đang vận động các hộ dân chuyển sang trồng táo theo phương pháp leo giàn. Với cách trồng mới này, cây táo cho thu hoạch 1 năm 2 vụ, có khả năng chống chịu với mưa bão và sâu bệnh tốt hơn so với cách trồng truyền thống.

Đặc biệt, Đồ Sơn là vùng du lịch, việc phát triển trồng táo leo giàn còn hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Hơn nữa, mô hình này cũng rất phù hợp với việc phát triển du lịch sinh thái vườn, tạo thu nhập cho người dân.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân phường Bàng La, cho biết: Bàng La hiện có khoảng 1.000 hộ trồng táo với diện tích 120ha, hộ trồng nhiều nhất là 300 cây. Mùa táo muối Bàng La thường từ tháng 11 đến hết tháng 1 âm lịch năm sau. Sản lượng 2.000 - 3.000 tấn/năm. Giá bán dao động từ 20.000 - 40.000 đồng/kg (tuỳ thuộc vào chất lượng quả), giáp Tết Nguyên đán khoảng 60.000 đồng/kg. Năm 2023, Hội Nông dân Việt Nam có chương trình hỗ trợ cây giống và gần 15 tấn phân bón cho Tổ hợp tác trồng táo Bàng La (15 thành viên), tạo động lực cho các hộ dân gắn bó với nghề làm vườn, phát triển kinh tế gia đình, địa phương.

“Thị trường tiêu thụ táo được mở rộng thông qua các kênh bán hàng: Facebook, Zalo; bán trực tuyến của người con xa quê… nên sản phẩm táo Bàng La đã có mặt ở nhiều địa phương như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, thậm chí cả ở nước ngoài. Sản lượng táo thu hoạch đến đâu được bán hết đến đó. Hội Nông dân phường đang tích cực vận động người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, phát triển mô hình trồng táo leo giàn để phát triển kinh tế hộ gia đình, thu hút du khách, thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn”, ông Hiếu cho biết thêm.

Năm 2015, táo Bàng La được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo vệ nhãn hiệu. Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường cấp bản đăng lý danh mục sản phẩm sử dụng mã vạch.

Nhiều năm nay, táo Bàng La đã trở thành sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, trở thành cây trồng mang lại cuộc sống ấm no cho người dân vùng biển, tạo đà giúp địa phương phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch.

Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
Top