Cứ đến ngày 10/10 âm lịch hàng năm, tại thôn Triều Khúc, xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội) lại diễn ra nghi lễ mang đậm nét đẹp truyền thống văn hóa của người dân địa phương gìn giữ từ nhiều đời nay - “Lễ Trình Trầu”. Nghi lễ là sự đánh dấu mốc, công nhận được “lên Bô” quan trọng của mỗi người dân trong làng, những người từ 49 lên 50 tuổi.
Nghi lễ Trình trầu
Triều Khúc vốn là một trong những làng cổ ven đô của Thủ đô Hà Nội, nằm giữa hai triền sông Tô Lịch và sông Nhuệ - hai con sông huyết mạch, có vị trí quan trọng của thành Thăng Long xưa. Với sự phát triển đời sống đô thị ngày nay, làng Triều Khúc vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống văn hóa rất riêng vốn có của làng quê Việt Nam cho đến bây giờ.
Nghi lễ tấu sớ trong Lễ Trình trầu của các tân Bô tại chùa Triều Khúc (chùa Hương Vân).
Nét đẹp truyền thống văn hóa vật thể quần thể di tích lịch sử đình - đền - chùa Triều Khúc; nơi đây hội tụ, diễn ra các tín ngưỡng, tôn giáo, nghi lễ cổ từ xa xưa đến nay. Ngoài những giá trị văn hóa phi vật thể được nhiều người biết đến như: Lễ rước vua Phùng Hưng (Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng); Điệu múa trống bồng (điệu múa “con đĩ đánh bồng”); Múa rồng, múa sư tử, múa sinh tiền… thì nghi thức “Lễ Trình trầu” cũng là điểm nhấn văn hóa đặc sắc của người Triều Khúc.
Theo các cụ trong làng, Lễ Trình trầu là nghi lễ cổ đã có từ nhiều đời nay, xa xưa các cụ truyền lại cho tới bây giờ mà vẫn còn giữ nguyên được những nét đẹp truyền thống văn hóa lịch sử. Nghi lễ rất quan trọng đối với những người ở trong làng thuộc độ tuổi được công nhận “lên Bô”, từ 49 lên 50 tuổi, “tuổi 50 được bám vạt áo các cụ” – được gia nhập Hội bô lão của cả làng Triều Khúc.
Các cụ và Hội đồng niên xóm Lẻ tuổi Giáp Dần 1974 Lễ Trình trầu 2022.
Lễ Trình trầu được tổ chức hàng năm vào ngày 10/10 âm lịch tại Đại Đình, Đình thờ Sắc và chùa; quần thể đình - đền - chùa Triều Khúc đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử - Nghệ thuật - Kiến trúc cấp quốc gia vào năm 1993. Bên cạnh đó, Lễ Trình trầu cũng thực hiện nhiều nghi lễ đặc sắc ở Lăng Quận Chúa của làng và tri ân các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang xã Tân Triều.
Trong đó, nghi lễ quan trọng nhất tại Đại Đình (hay còn gọi Đình lớn), nơi thờ Đức Thánh thành hoàng làng – Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Ngày 25/11 âm lịch là ngày lễ chính, tất cả các ông Bô mặc áo the, khăn xếp, đi guốc mộc; còn đối với các bà Bô thì mặc áo dài, tất cả chuẩn bị cho từng hoạt động nghi lễ công nhận “lên Bô” của mọi người từ 49 lên 50 tuổi.
Gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống
Ông Nguyễn Huy Hiếu – Tân Bô (tuổi Giáp Dần 1974) ở xóm Lẻ, làng Triều Khúc cho biết, đối với Lễ Trình trầu theo truyền thống xa xưa thì có lễ Tam sinh, gồm có mâm xôi thủ lợn, gà và ngan; ngày nay, kinh tế - xã hội phát triển, đồ lễ của từng xóm có thể là một con lợn quay, gà và ngan, một chum rượu 30 - 50 lít cùng mâm lễ hoa quả, chè thuốc, trầu cau… Ngày 25/11 âm lịch là ngày sinh của Đức Thánh thành hoàng làng nên sẽ diễn ra nghi thức tế lễ, tại đây, các cụ cao tuổi là cụ Cửu, cụ Bát, cụ Thất sẽ đại diện cho những người đi “Lễ Trình trầu” trong làng tế lễ Thánh.
Các cụ cao tuổi dẫn đoàn tân Bô làng Triều Khúc xuống Đại Đình dâng Lễ Trình trầu.
“Hiện nay, làng Triều Khúc có 7 xóm, xóm nào nhiều thì mấy chục ông bà Bô nhưng có xóm cũng chỉ mấy ông bà Bô; mỗi năm, những người được tuổi “bám vạt áo các cụ lên Bô” cả nam và nữ có tới trên dưới 100 ông, bà tham gia Lễ Trình trầu. Nghi lễ là ngày trọng đại của mỗi ông bà Bô, tân Bô, mỗi xóm trong làng Triều Khúc; cả xã có 2 thôn là Yên Xá và Triều Khúc nhưng các nghi thức của Lễ Trình trầu ở thôn Triều Khúc vẫn giữ trọn những giá trị văn hóa truyền thống cách đây vài trăm năm”, ông Hiếu nói.
Theo các cụ truyền lại, Lễ Trình trầu tổ chức 3 tuần tế, những quan viên hành lễ là các bộ phận gươm trường - đội nghi lễ cầm thanh long đao, gươm, giáo, mác… đứng ở bên ngoài sân đình; còn bộ phận bát bửu đứng ở trong cung. Hai đội gươm trường và bát bửu cùng tiến hành các nghi lễ tế Đức Thánh thành hoàng làng Bố Cái Đại Vương.
Những ông, bà tân Bô khi đã hoàn thành xong nghi Lễ Trình trầu, sau ngày 25/11 âm lịch mới chính thức được dân làng công nhận và được tham gia Hội bô lão của làng. Các tân Bô sẽ bắt đầu được tham gia những công việc quan trọng của dân làng cùng các bô lão vào những ngày lễ hội.
Lễ hội truyền thống là một trong những việc quan trọng nhất của dân làng Triều Khúc được diễn ra từ ngày mùng 9 đến ngày 12 tháng Giêng; riêng ngày mùng 8 âm lịch, tất cả cụ Thất, cụ cao tuổi, ông Bô, tân Bô cùng toàn thể dân làng hành hương về Đường Lâm (Sơn Tây) tổ chức lễ hội, nơi sinh ra Đức Thánh Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng.
Đến ngày mùng 9 âm lịch, mọi người về khai hội ở làng Triều Khúc, tất cả các cụ Thất, cụ Bát được lên tuổi thượng thọ làm lễ thượng thọ; ngày mùng 10, cụ Cửu, cụ Bát dâng lễ; ngày 11, cụ Thất dâng lễ, những ông mới lên Bô trước đây một vài năm sẽ xuống đình để bao sái; còn việc trông coi đình là công việc của những ông tân bô các xóm, cứ mỗi xóm trông coi 1 đêm, do các cụ và ban lễ hội phân công.
Tương truyền, vị trí Đại Đình ngày nay là nơi Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng chọn làm đại bản doanh tập trận đánh đuổi quân xâm lược. Đánh thắng giặc, vị anh hùng dân tộc Phùng Hưng lên ngôi Vua, lấy tên hiệu và bố cáo thiên hạ là Bố Cái Đại Vương. Sau khi ông mất, dân làng thôn Triều Khúc đã lập đình thờ và suy tôn ông là Thành hoàng làng; hàng năm, dân làng Triều Khúc đều tổ chức lễ rước để tưởng nhớ công ơn vị anh hùng.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.