Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 9 năm 2023 | 9:22

Mưa lớn gây thiệt hại hơn 1.600ha lúa, hoa màu ở Hòa Bình

Theo báo cáo của tỉnh Hòa Bình, cập nhật đến 15h ngày 28/9, trên địa bàn tỉnh mưa to, có nơi mưa rất to gây sạt lở ảnh hưởng đến 98 nhà dân; 1.652,16ha lúa và hoa màu bị ngập úng và 1 người bị thiệt mạng.

Tính từ ngày 26/9 đến 15h00’ ngày 28/9, lượng mưa lớn nhất tại các địa phương giao động từ 227 mm đến 346 mm, điểm mưa lớn nhất đo được là 346,0 mm (tại trạm đo mưa Thanh Hà, huyện Lạc Thủy). Nước sông Bôi tại trạm Hưng Thi (thời điểm 11h ngày 28/9 mực) là 1.329cm, vượt ngưỡng báo động III là 29cm. Nước sông Bùi tại trạm Lâm Sơn (thời điểm 7h ngày 28/9) là 2.129 cm, dưới cấp báo động I là 21 cm.

Mưa lũ đã khiến 1 người ở xóm Bưng 1, xã Thu Phong, huyện Cao Phong, bị lũ cuốn trôi từ ngày 27/9, đến 15h20’ thì tìm thấy thi thể. Mưa lũ kéo dài gây sạt lở ảnh hưởng đến 98 nhà dân. Tổng diện tích lúa và hoa màu bị ngập úng là 1.652,16ha. Mưa lớn gây thiệt hại 7 con gia súc, 190 con gia cầm.

Tổng diện tích lúa và hoa màu bị ngập úng lên tới 1.652,16ha.

Trên Quốc lộ 6, Quốc lộ 21 và đường tỉnh xảy ra nhiều điểm sạt lở, ngập úng, ùn tắc giao thông. Trong đó, tại Km79+100, thuộc dự án Xử lý nguy cơ mất an toàn giao thông đoạn dốc Cun (Km78+420 ÷ Km85+100) trên Quốc lộ 6, tỉnh Hòa Bình sạt lở khối lượng khoảng 4.000m3, sạt lở 2 lần mỗi lần 2.000 m3 vào 02h00' ngày 28/9 và 06h39' ngày 28/9. Hiện tại đã được thông tuyến.

Tại các điểm ngập sâu, ngầm tràn đã được các địa phương cắm biển cảnh báo không cho người dân đi qua.

Hiện, UBND các huyện và thành đã chủ động chỉ đạo, đôn đốc các xã, thị trấn triển khai các biện pháp ứng phó mưa lớn, thực hiện chăng dây, cắm biển cảnh báo, cử người canh gác, không để người và phương tiện đi qua các khu vực ngầm, tràn kết hợp giao thông khi có mưa lũ lớn xảy ra; tổ chức các biện pháp tiêu thoát úng, đảm bảo giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Ngay khi nhận được cảnh báo lũ sông Bôi tại trạm Hưng Thi lên nhanh đạt 1.329 cm (thời điểm 11h ngày 28/9), vượt mức báo động III là 29 cm, Sở Nông nghiệp và PTNT (cơ quan thường trực về Phòng chống thiên tai) văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đã tổ chức đoàn kiểm tra tình hình mưa lũ tại huyện Lạc Thủy, Kim Bôi để kịp thời chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn. Bên cạnh đó, đã kiểm tra điểm sạt lở tại cầu Đen, phường Đồng Tiến, thành phố Hoà Bình để có phương án khắc phục phù hợp, kịp thời.

Tại dốc Cun (Km78+420 ÷ Km85+100) trên Quốc lộ 6, tỉnh Hòa Bình sạt lở khối lượng khoảng 4.000m3.

Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo các nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ huy động máy móc, thiết bị, nhân lực cắm biển cảnh báo, rào chắn, hót dọn đảm bảo giao thông; tiếp tục cử người trực ban và tổ chức kiểm tra tình hình đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường bộ được giao quản lý để kịp thời đánh giá, chỉ đạo thực hiện cũng như báo cáo tình hình thiệt hại.

Ngày 28/9, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Công điện số 08/CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó mưa lũ trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương chủ động, phối hợp chặt chẽ, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó mưa lũ theo phương châm "bốn tại chỗ"; khắc phục nhanh hậu quả. Trong đó tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của mưa lũ, các bản tin dự báo, cảnh báo các cơ quan chuyên môn, kịp thời hướng dẫn, thông tin đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng, tránh phù hợp. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp chủ động phòng ngừa, hạn chế thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất. Tổ chức rà soát, đánh giá lại các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá, lũ quét để kịp thời di dời người và tài sản đến nơi an toàn.ình hình thiệt hại.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top