Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 2 năm 2023 | 14:59

Những “hạt sạn” trong lễ hội đầu năm

Đi lễ hội đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những “hạt sạn” khi ý thức của một số người tham gia lễ hội còn hạn chế.

Đốt vàng mã - hiện tượng tiêu cực trong tín ngưỡng

Ngay sau Tết Nguyên đán đến hết tháng Ba âm lịch, trên cả nước, nhất là các tỉnh miền Bắc, diễn ra nhiều lễ hội; mỗi lễ hội được tổ chức đều gắn với một nhân vật được coi là linh thiêng, cần được tôn kính, ghi ơn. Đó là các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa có công trong chống ngoại xâm, dựng nước và giữ nước ở từng địa phương cũng như với cả nước.  

Khi tham gia lễ hội, người dân thường dâng lễ cúng Phật, Thánh ngoài hoa quả, bánh trái không thể thiếu những đồ mã. Sau đó,  những người đi lễ mang đồ mã đi đốt, với quan niệm “trần sao âm vậy” và có như vậy mới tỏ rõ được lòng thành của mình đối với Phật, Thánh, mong được ban tài lộc làm ăn cho một năm thông suốt.

Đốt nhiều đồ mã khá phổ biến ở các điểm tâm linh.

Đến các chùa lớn, các đền, phủ như Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh),  Đền ông Hoàng Mười (Nghệ An, Hà Tĩnh), Đền Ông Hoàng Bảy (Yên Bái), Chùa Bái Đính (Ninh Bình), Chùa Hương  (Hà Nội) và nhiều địa danh tâm linh khác nữa, du khách và người đi lễ không khó để bắt gặp cảnh tượng người đi lễ bưng mâm tiền vàng, đồ mã đi đốt sau khi dâng lễ. 

Ước tính, mỗi năm người dân Việt Nam đốt hơn 50.000 tấn vàng mã, tiêu tốn khoảng 5000 tỷ đồng. Một con số khiến bất kỳ ai trong chúng ta khi nghe đến cũng phải giật mình. Có thể thấy, tục đốt vàng mã đã gây ra sự lãng phí tốn kém không hề nhỏ cho xã hội. Không chỉ gây lãng phí tốn kém về tiền bạc, việc đốt vàng mã ồ ạt còn làm ảnh hưởng nặng nề tới môi trường sống xung quanh, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người.

Đại đức Thích Quảng Trí, trụ trì chùa Dinh ở Cao Xá (Tân Yên - Bắc Giang) cho biết, tục đốt vàng mã được bắt nguồn từ phong tục tín ngưỡng dân gian của Trung Quốc. Trải qua ngàn năm nước ta bị đô hộ, đốt mã  dần ảnh hưởng đến tâm lý tín ngưỡng của người Việt Nam.

Theo Đại đức Thích Quảng Trí, trong nghi lễ và gốc rễ văn hóa Phật giáo không có tục đốt vàng mã. Đây là hành động không được khuyến khích trong đạo Phật và là quan niệm sai lầm, gây lãng phí nhiều tiền của và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Trong khi đó, số tiền dùng để mua vàng mã mang đốt có thể dùng vào các hoạt động an sinh xã hội.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ đánh giá: “Hiện nay, người ta đốt vàng mã ở bất cứ ở môi trường nào, đặc biệt như ở chùa chẳng hạn, mặc dù giáo lý nhà chùa không có chuyện đốt vàng mã. Nhưng người ta vẫn đốt và đốt nhiều đến nỗi ảnh hưởng đến đến nhiều thứ xung quanh môi trường sống, đó là sự phát triển tiêu cực”.

Mặc dù đã có những quy định, chỉ đạo từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, song dường như chưa có hiệu quả. Người tham gia vào các lễ hội vẫn đốt vàng mã, thậm chí còn gia tăng trong những năm gần đây.

Để hạn chế tục đốt vàng mã này, theo GS.TS Từ Thị Loan, nguyên quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, tiếp tục sử dụng phương án cho phép người đi lễ được sử dụng vàng mã trong nghi lễ nhưng ban hành quy định, tuyên truyền khuyến khích người đi lễ chỉ đốt một phần lễ tượng trưng, chủ yếu thể hiện sự thành tâm. Ban hành và thực hiện quy định không cho các loại vàng mã kích thước lớn vào trong đền, chùa; không đốt vàng mã tràn lan trong khuôn viên di tích.

Đặt tiền lẻ khi đi lễ chùa, quan niệm sai cần bỏ

Không hiếm khi bắt gặp những cảnh tượng người đi lễ chùa đầu năm hay tham gia vào các lễ hội được tổ chức, đều mang tiền có mệnh giá thấp đặt vào nơi thờ cúng tôn nghiêm, cài vào tay tượng Phật hoặc gài vào kiệu khi đoàn rước kiệu đi qua. Thậm chí nếu du khách tham gia lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), khi đi cáp treo qua Chùa Một mái, sẽ bắt gặp cảnh nhiều tiền lẻ được khách hành hương ngồi trên cáp treo thả xuống ở khu vực này gây nên hình ảnh phản cảm, xấu xí tại nơi tôn nghiêm, trang trọng.

Đặt tiền lẻ ở Đền Và (Sơn Tây - Hà Nội) của những người đi lễ đầu Xuân.

Thói quen đi lễ rải tiền lẻ ở nhiều ban thờ, nhiều chỗ không chỉ hao hụt kinh tế do phí đổi tiền lẻ cao (15-30%, thậm chí lên tới 40%, tùy từng loại tiền), mà còn làm cho đền, chùa, các nơi thờ tự cũng phải... vất vả trong khâu cắt cử người đi thu gom tiền đặt lễ ở các ban thờ rồi bỏ vào hòm công đức.

GS Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam - cho rằng, đồng tiền tượng trưng cho vật chất, chưa kể có nhiều đồng tiền lẻ đã được dùng qua tay bao người, khi đặt tiền, đặc biệt là tiền lẻ lên ban thờ không khác gì mang thứ tầm thường của trần gian dâng lên thần, Phật.

GS Trần Lâm Biền cũng lý giải, suy nghĩ “trần sao âm vậy” là điều dễ nảy sinh trong tâm lý của người đi lễ. Nó xuất phát từ lòng tham, những đố kị trong đời sống, thấy người khác có gì thì mình phải có hơn. Với tâm thế ấy, suy nghĩ ấy khi đi lễ chùa, cùng hành động gài tiền lẻ vào lễ, chẳng khác nào “hối lộ” Thần, Phật. Đó là điều cấm kị. Chưa kể, hành động bon chen, cố gài, nhét tiền vào lễ rất phản cảm, xấu xí, thiếu văn hóa.

“Những nơi như đình, đền, chùa là chốn tâm linh, thanh tịnh - nơi để người dân đến tìm thấy sự thanh thản, an yên chứ không phải nơi xô bồ, đổi chác, xin xỏ vật chất tầm thường. Thế nên, những quan niệm xấu về đặt tiền lẻ đi lễ cần được loại bỏ”, GS Trần Lâm Biền nói.

Nhiều người do ý thức và suy nghĩ từ bao lâu nay cho rằng, khi đã vào những nơi tâm linh, nếu không đặt tiền thì cảm giác không yên tâm. Bởi thế, họ vẫn chưa bỏ được thói quen này dù đã được nhắc nhở. Việc làm thế nào để hạn chế người dân sử dụng tiền lẻ đi lễ, và đặt tiền công đức đúng nơi quy định (đặt vào các hòm công đức), cơ bản phải xuất phát từ ý thức của người dân, thay đổi thói quen của người đi lễ.

Để có thể giảm thiểu các hiện tượng này trong quá trình tham gia các lễ hội đầu năm, đem lại cho các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo được văn minh, lịch sự, thể hiện được sự tôn kính với các bậc tiền nhân đã có công lao trong việc dựng nước và giữ nước, các anh hùng Dân tộc, các nhà văn hóa, các cơ quan quản lý văn hóa của Nhà nước đã tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân khi tham gia lễ hội, đặc biệt là sử dụng tiền có mệnh giá nhỏ để đi lễ. Tuy nhiên,  những hiện tượng xấu vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Do đó, cần phải tuyên truyền để nâng cao nhận thức và tạo cho người đi lễ đầu năm phải có một ý thức không “đốt vàng mã”, không “đặt tiền lẻ” khi đi lễ chùa, vì đó là những hành vi thiếu văn hóa, phản cảm, cần phải  loại bỏ trong tín ngưỡng của người Việt Nam chúng ta. Nếu làm được như vậy, các lễ hội xuân đầu năm sẽ mang một ý nghĩa rất lớn, vừa giáo dục được truyền thống của cha ông, vừa gìn giữ được bản sắc văn hóa của người Việt, đồng thời cũng giữ được sự tôn nghiêm ở những địa danh lịch sử và bảo vệ được môi trường sống cho chúng ta.

Để bảo đảm một mùa lễ hội an toàn, văn minh, các cơ quan quản lý cần xử lý nghiêm những vi phạm. Về lâu dài, việc xây dựng nếp sống văn minh tại các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là hết sức cần thiết. Thí dụ như việc đổi tiền lẻ, rải tiền lẻ, đặt tiền công đức, đốt vàng mã... ở những nơi thờ tự. Đây là vấn đề Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần tập trung nhắc nhở, khuyến cáo trong những văn bản hướng dẫn gửi tới các địa phương để chấn chỉnh sao cho phù hợp thuần phong mỹ tục, tránh những hình ảnh mất mỹ quan tại nơi thờ tự.

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top