Hiện nay, nước ta đã xuất hiện hàng nghìn mô hình chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản theo hướng nông nghiệp tuần hoàn. Tại các mô hình này, quá trình sản xuất theo chu trình khép kín được thiết lập thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý...
Thực tế hiện nay, việc phát triển kinh tế tuần hoàn đang mang lại nhiều giá trị cho sản xuất nông nghiệp.
Những mô hình ấn tượng
Tại tỉnh Ninh Thuận, mô hình sản xuất tại các trang trại của Công ty cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food) đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Trang trại Sun & Wind (Nắng và Gió) thuộc GC Food bắt đầu hoạt động từ năm 2018, với diện tích gần 100 ha, tại thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận.
Các sản phẩm nông nghiệp chính của trang trại Sun & Wind bao gồm: nho, táo, dưa lưới, nha đam, chăn nuôi bò núi, gà núi, cừu... Tất cả vỏ, bẹ nha đam từ nhà máy chế biến nha đam của GC Food được thu gom, ủ men vi sinh, phối trộn cùng phân gia súc để tạo ra phân hữu cơ bón cho vùng nha đam nguyên liệu, vườn nho, vườn táo và cả đồng cỏ để nuôi bò và cừu.
Ông Lê Minh Vương, Phụ trách mảng kinh tế nông nghiệp tuần hoàn tại trang trại Sun & Wind, cho biết mỗi năm trang trại tái sử dụng xử lý trên 1.000 m3 vỏ lá nha đam thải bỏ từ nhà máy, tận dụng nguồn phân bò sẵn có tại trang trại kết hợp vỏ lá nha đam để chế biến sản xuất làm phân bò nha đam ủ hoai cung cấp tuần hoàn ngược trở lại cho các hạng mục trồng trọt.
Công ty T&T 159 tại tỉnh Hòa Bình đã xây dựng mô hình chăn nuôi tuần hoàn, với quy mô 25ha. Trung bình mỗi tháng, trang trại cung cấp cho thị trường khoảng 800 con trâu, bò thương phẩm. Mỗi ngày trang trại sản xuất khoảng 100 tấn phân hữu cơ, giá trị 300 - 500 triệu đồng. Hiện Công ty T&T 159 thực hiện liên kết với gần 6.000 hộ dân trong tỉnh Hòa Bình và các tỉnh lân cận để đảm bảo cung cấp phế phụ phẩm nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò tại nông hộ.
Mô hình nông nghiệp tuần hoàn Nấm - Bò - Vịt - Lúa - Điện trên vùng đất nhiễm phèn ở Hậu Giang của Công ty TNHH MTV HG FARM (HGF) là một ví dụ điển hình trong việc tối ưu hóa các dòng nguyên liệu, mang lại lợi ích về môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và lợi ích về kinh tế. Chuỗi chăn nuôi bò của HG FARM không chỉ tạo ra sản phẩm bò thịt để thương mại, mà còn tạo ra các sản phẩm: phân bò tươi, trùn quế, phân đệm lót. Ở HG Farm, phân bò dùng để nuôi trùn quế và sau đó sử dụng trùn quế để nuôi gia cầm cũng như phân trùn sẽ bón cho cây trồng.
Mô hình lúa-vịt tại đây cũng tối ưu hóa dòng nguyên liệu trong chuỗi nông nghiệp thuận thiên: ruộng lúa được thiên địch là vịt bảo vệ cũng như nguồn nước ngọt là nước mưa được tận dụng tối đa. Vịt được cho ăn thức ăn lên men từ phân bò tươi với giá thành chỉ bằng một phần ba thức ăn công nghiệp và phân vịt cùng giá thể đệm lót sẽ bón cho ruộng lúa thuận thiên. Sau khi thu hoạch lúa thì rơm và cám sẽ quay lại làm thức ăn cho bò sinh sản cũng như làm giá thể nấm bào ngư. Tương tự, bò sẽ tiêu thụ phần sinh khối khi trồng rau-củ-quả nhiệt đới.
Nhà máy xay xát lúa gạo Vĩnh Bình tại tỉnh An giang, công suất 80.000 tấn gạo/năm, tạo ra 16.000 tấn trấu. Hiện nhà máy tái sử dụng 50% lượng trấu vào việc sấy lúa, phần còn lại được sản xuất thành thanh củi trấu bán ra thị trường cho các cơ sở chế biến để đốt lò hơi. Mô hình này đã giúp giảm 30% chi phí năng lượng tại nhà máy sấy và xay xát lúa gạo, đồng thời tăng lợi nhuận 400.000 đồng/tấn gạo từ việc bán củi trấu, tương đương 3,2 tỷ đồng/năm; lượng giảm phát thải khí nhà kính đạt 10,2 tấn CO2-e/ha/năm.
Nhiều dư địa phát triển
Theo thống kê, ngành nông nghiệp có nguồn phế, phụ phẩm vô cùng lớn với khoảng 156,8 triệu tấn tổng sản lượng phụ phẩm; gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ ngành trồng trọt; 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi; 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, riêng đối với ngành hàng lúa gạo, khối lượng phụ phẩm ước tính 47 triệu tấn rơm rạ, 8,6 triệu tấn tro trấu, 5,6 triệu tấn cám. Với trái cây, khối lượng phụ phẩm ước đạt 4,4 triệu tấn. Đối với tôm, khối lượng phụ phẩm ước đạt 315 nghìn tấn…
Thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với công nghệ cao.
Đây là nguồn phế, phụ phẩm rất lớn có thể sản xuất, chế biến ra nhiều sản phẩm có giá trị. Tuy nhiên, việc sử dụng không hợp lý nguồn phụ phẩm này đang gây lãng phí lớn và làm tăng phát thải khí nhà kính, gây ô nhiễm môi trường (đất, không khí và nước). Riêng phụ phẩm trồng trọt, theo tính toán của các chuyên gia nông nghiệp và môi trường, có thể lãng phí tới vài trăm nghìn tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng ban Cơ giới hóa và sau thu hoạch (Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế), cho biết tính trung bình, mỗi năm Việt Nam có khoảng 47 triệu tấn rơm, thì có khoảng 20 triệu tấn bị người dân đốt ngay trên đồng ruộng, gây ra tình trạng mất dinh dưỡng cho đất; tạo ra khí thải và ô nhiễm môi trường...
Trong lĩnh vực thủy sản, gần 1 triệu tấn phụ phẩm cũng chưa được xử lý, chế biến hiệu quả. Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho hay có rất nhiều giải pháp xử lý, chế biến phụ phẩm thủy sản, gồm: tách chiết các hợp chất sinh học cho công nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm như tách chiết chitin, chitosan từ vỏ tôm, collagen và gelatin từ da cá tra; làm thức ăn cho chăn nuôi; làm phân bón hữu cơ... Tuy nhiên hiện nay, ngành chế biến phụ phẩm thủy sản ở nước ta mới đạt khoảng 275 triệu USD vào năm 2020, trong khi đó, nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm bằng công nghệ cao thì có thể thu về 4 tỷ đến 5 tỷ USD.
Phát triển kinh tế xanh, bước đi đột phá
Phát triển kinh tế tuần hoàn hiện nay đang là xu thế chung để phát triển kinh tế xanh và bền vững. Vì vậy, theo TS. Nguyễn Thế Hinh, phụ phẩm trong nông, lâm, thủy sản phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, chứ không phải là chất thải. Đây là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.
Với những giá trị mang lại cho sản xuất nông nghiệp và môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp cần được đẩy mạnh hơn nữa để tiếp tục gia tăng chuỗi giá trị cho ngành nông nghiệp, hướng đến phát triển kinh tế xanh và bền vững. Và xu thế phát triển nông nghiệp xanh theo hướng kinh tế tuần hoàn là hướng mở đưa ngành nông nghiệp Sơn La phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tiến dẫn chúng tôi thăm xưởng chế biến tại bản Sẳng, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La và giới thiệu: Công ty có xưởng chế biến cà phê công suất 15.000 tấn quả cà phê tươi/năm và xưởng chế biến cà phê thóc - cà phê nhân tại tổ 5, phường Quyết Tâm, công suất 20.000 tấn/năm; chế biến sâu khoảng 80-100 tấn/năm, hằng năm, thải ra hàng chục nghìn tấn vỏ cà phê. Giải quyết bài toán này, doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào sản xuất, bảo đảm không có thành phần nào của quả cà phê bị loại bỏ.
Vùng na ứng dụng công nghệ cao xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn.
Mô hình kinh tế tuần hoàn của Minh Tiến Group, là bước đi đột phá để thương hiệu có cơ hội phát triển ở thị trường mở toàn cầu. Minh Tiến Group đã đầu tư công nghệ mô hình kinh tế tuần hoàn, tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường. Cuối năm 2023, Công ty đưa đến tay người tiêu dùng những sản phẩm ấn tượng được làm từ vỏ trấu cà phê, như bao bì sinh học, túi tự hủy, dao, thìa dĩa... góp phần bảo vệ môi trường sống. Bên cạnh đó, tận dụng phụ phẩm trong quá trình chế biến, công ty còn thu gom vỏ cà phê để làm trà Hà Chúc Cascara; tận dụng vỏ trấu và bã cà phê để sản xuất sản phẩm sinh học Namigo. Ngoài ra, điểm nhấn trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn là việc Công ty đã xây dựng xưởng sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại xã Chiềng Xôm, cung cấp cho vùng trồng cà phê Mai Sơn và thành phố Sơn La.
Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La, cho biết: Đón năm mới, tạo động lực cho các doanh nghiệp, HTX sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, ngành Nông nghiệp tập trung chỉ đạo các đơn vị trong ngành giới thiệu, tuyên truyền các mô hình điển hình trong phát triển kinh tế tuần hoàn, nhất là việc sử dụng phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để tái sản xuất. Từ đó, nhân rộng mô hình, tạo phong trào sâu rộng phát triển nông nghiệp xanh trong toàn tỉnh.
Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đã và đang thay đổi phương thức sản xuất, chăn nuôi của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân góp phần xây dựng mô hình khép kín, bảo vệ môi trường, tăng thêm nguồn thu, hình thành tư duy sản xuất mới. Đây là xu thế tất yếu, là mục tiêu đang được ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm, định hướng để phát triển xanh, nhanh và bền vững./.