Nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của người dân; sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số; rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng… Ngày 22/12/2021, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định 3404/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030”.
Nội dung Đề án nhấn mạnh, dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số là các loại hình diễn xướng dân gian được hình thành trong đời sống lao động, tình cảm, tín ngưỡng tôn giáo và các sinh hoạt cộng đồng dân tộc thiểu số. Dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc rất đa dạng, phong phú với nhiều cách phân loại. Mỗi khu vực, vùng, miền có đồng bào dân tộc thiểu số cư trú mang bản sắc văn hóa riêng; mỗi dân tộc (nhóm, ngành dân tộc địa phương) đều có loại hình diễn xướng dân gian đặc trưng riêng. Xét theo không gian, có các hình thức dân ca gắn với không gian sinh hoạt cộng đồng (lễ hội, chợ, không gian lao động sản xuất tập thể, trò chơi dân gian...), không gian biểu diễn lưu động chuyên nghiệp (các gánh hát, phường hát), không gian tín ngưỡng, tôn giáo. Không gian của các hoạt động diễn xướng cũng không đóng khung mà mở rộng theo sự đa dạng của các loại hình diễn xướng.
Đội văn nghệ trường Tiểu học Khuôn Hà, xã Khuôn Hà (Lâm Bình - Tuyên Quang) biểu diễn phục vụ khách du lịch tại homestay.
Theo đó, Đề án hướng tới mục tiêu tổng quát là xác định và quán triệt đầy đủ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong đó có Kết luận số 65-KT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCHTW Đảng Khoá IX về Công tác dân tộc trong tình hình mới. Nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của người dân; sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số, cũng như phải chú trọng phát triển liên vùng, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng. Quan tâm phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, gắn kết du lịch với giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá các dân tộc thiểu số.
Do đó, Việc xây dựng mô hình CLB sẽ gìn giữ, lưu truyền cho các thế hệ mai sau những giá trị độc đáo, mang đậm tính nhân văn, những phong tục, tập quán tốt đẹp về lề lối sinh hoạt văn hóa, âm nhạc dân gian các dân tộc thiểu số và đem lại sự mới mẻ cho hoạt động du lịch đã và đang lan tỏa khắp mọi nơi.
Văn hóa dân gian lan tỏa rộng khắp
Đã thành thông lệ, cứ khi trời chập tối, bà con Tày, Nùng thị trấn Na Sầm, hay xã Hội Hoan, xã Hoàng Việt của huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) lại rộn ràng kéo đến nhà văn hóa thôn để cùng nhau sinh hoạt, tập luyện trong CLB đàn Tính hát Then. Hai năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Văn Lãng đã thành lập được 59 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, nổi bật là các CLB Then - Tính được bà con địa phương ủng hộ, tham gia nhiệt tình.
Việc sinh hoạt, tập luyện hát Then, đánh đàn Tính đã trở thành điều không thể thiếu đối với đồng bào Tày, Nùng và cả một số dân tộc khác tại huyện Văn Lãng. Thành viên trong CLB ngày một tăng lên với đầy đủ mọi lứa tuổi, từ trẻ đến già. Đều đặn hằng ngày, họ đến sinh hoạt tại CLB để học những lời hát mới, những tiếng đàn hay và khi có dịp, những tiết mục hay nhất sẽ được chọn để đi biểu diễn tới đông đảo khán giả trong và ngoài tỉnh tại những dịp lễ, hội.
Việc xây dựng mô hình CLB sẽ gìn giữ, lưu truyền cho các thế hệ mai sau những giá trị độc đáo, mang đậm tính nhân văn.
Bà Trung Thị Hoa, người dân xã Hoàng Việt, năm nay đã 68 tuổi cho biết: “Đầu tiên chúng tôi chỉ là nhóm nhỏ thôi, sau này thành lập CLB, suốt trong quá trình vừa rồi chúng tôi cũng được đi giao lưu nhiều tại Hà Giang, hay các địa phương khác trong cả nước. Người biết dạy cho người chưa biết, người biết nhiều dạy cho người biết ít. Mọi người đều rất nhiệt tình tham gia, khi có bài hát mới chúng tôi cùng nhau luyện tâp, và càng ngày CLB càng ngày càng phát triển. Đứng trên sân khấu chúng tôi thấy rất tự hào vì đã góp phần gìn giữ, phát triển được nét đẹp văn hóa dân tộc”.
Bà Đặng Thị Hiền, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Văn Lãng nhận xét: “Phong trào văn hóa, văn nghệ đã lan tỏa rộng khắp đến tất cả các thôn, bản, khu phố. Vào những buổi tối, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, hàng ngày ngoài lao động sản xuất, bà con đều tập luyện, tham gia các CLB rất tích cực, sôi nổi dù kinh phí hỗ trợ còn nhiều hạn chế. Chúng tôi cũng gắn với việc phát triển du lịch, hiện nay đang hướng tới việc các CLB sẽ tập trung phát triển vào việc tham gia biểu diễn, trình diễn, quảng bá các làn điệu dân ca để phục vụ du khách khi tới tham quan, trải nghiệm tại các điểm du lịch trên địa bàn. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ cố gắng huy động các nguồn lực để hỗ trợ các CLB đầu tư, duy trì và phát triển mạnh mẽ hơn nữa”.
Sức hút từ phong trào văn nghệ quần chúng
Tuyên Quang hiện có 2.528 tổ, đội văn nghệ quần chúng ở thôn, bản, tổ dân phố, cơ quan, trường học. Mỗi tổ, đội có từ 10 đến 40 hạt nhân văn nghệ là các diễn viên không chuyên, cán bộ nghỉ hưu, đoàn viên, thanh niên, người lao động. Các đội hoạt động theo phương thức xã hội hóa, tự đóng góp kinh phí để sinh hoạt, thuê trang phục biểu diễn. Nhiều đội hoạt động tích cực, hiệu quả, phục vụ nhiệm vụ chính trị, văn hóa, du lịch của địa phương.
Sau thời gian bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19, huyện Yên Sơn tập trung đa dạng các hình thức tuyên truyền, chú trọng đến hoạt động văn hóa, văn nghệ cơ sở. Mới đây, Liên hoan ca múa nhạc dân tộc Mông huyện Yên Sơn lần thứ nhất được tổ chức đã để lại ấn tượng với khán giả. Tuy là những tiết mục “cây nhà lá vườn”, nhưng các diễn viên không chuyên đã thể hiện hết mình, mang đến cho người xem nhiều cảm xúc. Đặc biệt, thông qua các tiết mục mang đậm bản sắc dân tộc Mông đã góp phần giáo dục chính trị, tư tưởng, xóa bỏ những quan điểm lạc hậu và hủ tục vốn đã ăn sâu vào lối sống, suy nghĩ từ bao đời nay của người dân.
Chị Đào Thị Dung, thành viên đội văn nghệ thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi bộc bạch, đội văn nghệ của thôn có 10 thành viên đều là những người say mê ca hát, mong muốn giữ gìn và bảo tồn văn hóa của dân tộc mình. Vào những ngày lễ, Tết, mọi người lại gặp gỡ, giao lưu giữa các đội với nhau. Qua đó, góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Mông.
Ông Trần Hải Quang, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Tuyên Quang khẳng định, để nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng, trước hết cần tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với công tác văn hóa, văn nghệ ở mỗi địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và nghiên cứu cơ chế khuyến khích các tổ, đội văn nghệ hoạt động; có cơ chế đối với các nghệ nhân dân gian để họ tham gia truyền dạy và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời cần có định hướng cụ thể, xây dựng được chương trình hoạt động phù hợp với nhu cầu hội viên và đặc thù địa phương. Thời gian tới, Trung tâm đẩy mạnh tổ chức các lớp tập huấn cho các hạt nhân văn nghệ cơ sở; tổ chức liên hoan, hội diễn nhằm tạo sân chơi cho các hạt nhân văn nghệ thể hiện.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.