Thời điểm hiện tại, trước tình hình khó khăn của nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản (BĐS) nói riêng, đòn bẩy tín dụng đối với thị trường BĐS trở nên đặc biệt quan trọng. Việc này giúp đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng của doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà đầu tư...
Tăng “tổng cầu” cho thị trường BĐS
Theo báo cáo của Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) mới đây, vấn đề mấu chốt hiện nay là phải tăng “tổng cầu” cho thị trường BĐS. Tuy nhiên, trong thực tế, thị trường BĐS vẫn còn rất khó khăn do “sức mua” rất yếu, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tiếp tục bị thiếu dòng tiền, bị sụt giảm thanh khoản, thậm chí bị mất thanh khoản lại đang bị tắc các nguồn vốn khác. Cụ thể, tắc nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp hoặc bị tắc nguồn vốn huy động từ khách hàng thì việc được tiếp cận nguồn vốn tín dụng như “phao cứu sinh” đối với doanh nghiệp BĐS.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng tiêu dùng BĐS sụt giảm trong 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước cho thấy người mua nhà và nhà đầu tư BĐS khó tiếp cận tín dụng hoặc giảm nhu cầu tín dụng có liên quan đến tâm lý “giảm niềm tin thị trường”, mà nếu có cơ chế hỗ trợ về tín dụng, sẽ giúp làm tăng “sức mua” và tăng “tổng cầu” cho thị trường BĐS.
Trước khó khăn của nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng, vai trò quan trọng của đòn bẩy tín dụng BĐS rất rõ ràng giúp thị trường phục hồi và phát triển.
Trong tình thế thị trường BĐS vẫn còn rất khó khăn thì giải pháp tín dụng là giải pháp có tính “đột phá” và có tính “lan tỏa” nhanh nhất, rộng khắp nhất, nên đây là quyết sách rất quan trọng của Nghị quyết 97/NQ-CP ngày 08/7/2023 của Chính phủ khi giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả để ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất 1,5 - 2%) nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.
Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn (cả năm khoảng 13 - 15%, trường hợp thuận lợi thì có thể tăng cao hơn), bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn cho người vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân và có các giải pháp hiệu quả đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất và 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.
Cần tháo gỡ vướng mắc pháp lý
Cũng theo HoREA, bên cạnh nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt dư nợ tín dụng trên 12,49 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% và mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022.
Bên cạnh đó, ngày 10/07/2023, Ngân hàng Nhà nước đã giao thêm hạn mức tín dụng cho toàn hệ thống từ mức 11% đã giao từ quý I lên khoảng 14%, mà với 3% hạn mức giao thêm thì các tổ chức tín dụng có thêm khoảng 358.000 tỷ đồng, nâng tổng nguồn cung tín dụng lên đến khoảng 1,1 triệu tỷ đồng để bơm vào nền kinh tế trong các tháng cuối năm và đang nỗ lực triển khai gói tín dụng “ưu đãi” 120.000 tỷ đồng có tác động tích cực đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và người mua nhà tại các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Cùng với đó, việc tăng nguồn cung cho thị trường BĐS cũng đồng thời tháo gỡ khó khăn về những vướng mắc pháp lý để tăng “nguồn cung dự án”, từ đó làm tăng “nguồn cung nhà ở” đi đôi với “điều chỉnh cơ cấu sản phẩm nhà ở” để tăng nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền.
Nỗ lực của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương đã tập trung tháo gỡ “vướng mắc pháp lý” - vướng mắc lớn nhất. Cụ thể, Quốc hội đang tập trung thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, đặc biệt là nỗ lực của Chính phủ thể hiện rất rõ nét qua việc ban hành 44 Nghị định trong 6 tháng đầu năm 2023. Trong đó, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 05/03/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng thi hành một số điều của Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/09/2022 ban hành trước đó 5 tháng.
Bên cạnh đó, các Tổ công tác của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và các địa phương đã nỗ lực tháo gỡ “vướng mắc pháp lý” cho hàng trăm dự án BĐS, nhà ở thương mại, đô thị trong cả nước, sẽ giúp làm tăng nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở trong thời gian tới.
Song song đó, HoREA cũng đang nỗ lực góp ý các dự thảo luật, đặc biệt là các dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) với kỳ vọng các luật sắp được Quốc hội xem xét thông qua sẽ bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, sát với thực tiễn và tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy thị trường BĐS phát triển minh bạch, an toàn, bền vững.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước theo dõi việc triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ và Thông tư số 03/2023/TT-NHNN về mua lại trái phiếu doanh nghiệp, để điều chỉnh kịp thời nếu cần thiết, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 06/2023/TT-NHNN, Thông tư số 03/2023/TT-NHNN và Thông tư số 08/2020/TT-NHNN.
Kiến nghị cho vay theo tiến độ gỡ vướng pháp lý dự án bất động sản Mặc dù Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Thông tư 06/2023/TT-NHNN không siết điều kiện cho vay đối với khách hàng mà đã tháo gỡ rất nhiều nội dung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng, góp phần cung ứng thêm vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế nhưng nhiều quy định lại đang khiến doanh nghiệp BĐS lo lắng. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đưa ra dẫn chứng, tại khoản 9, Điều 8 Thông tư 39/2016/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN), quy định tổ chức tín dụng không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay chưa đồng bộ, thống nhất với Luật Kinh doanh BĐS 2014. Theo quan điểm của ông Lê Hoàng Châu, khái niệm dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh của Thông tư 06 khác với khái niệm điều kiện của BĐS hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh Luật Kinh doanh BĐS. Do vậy, quy định này của Thông tư 06 đã “bít đường” vay tín dụng đối với các dự án BĐS, nhà ở thương mại, khu đô thị ngay tại thời điểm mà chủ đầu tư có nhu cầu bổ sung vốn tín dụng cao nhất để triển khai thực hiện xây dựng các công trình của dự án. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét cho phép tổ chức tín dụng được cho vay “để góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh” và phải có tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về tín dụng. Tuy nhiên, để kiểm soát rủi ro, HoREA đề nghị, Ngân hàng Nhà nước quy định tổ chức tín dụng có trách nhiệm quy định cụ thể việc cho vay theo tình trạng pháp lý của từng dự án. |
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.