Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 24 tháng 1 năm 2024 | 16:9

Xây dựng huyện Cù Lao Dung trở thành nơi đáng sống

Theo quy hoạch vùng huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đến năm 2040, tầm nhìn 2050, huyện Cù Lao Dung trở thành nơi đáng sống, có hình ảnh đặc trưng hấp dẫn du khách và nhà đầu tư gắn với thương hiệu xanh - sinh thái - cảnh quan môi trường, phát huy bản sắc văn hóa, đảm bảo an ninh quốc phòng và thích ứng với biến đổi khí hậu...

Bản đồ định hướng phát triển không gian vùng của huyện Cù Lao Dung.

Theo quyết định của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện Cù Lao Dung, mục tiêu phát triển - xây dựng huyện Cù Lao Dung trở thành nơi đáng sống, có hình ảnh đặc trưng hấp dẫn du khách và nhà đầu tư gắn với thương hiệu xanh - sinh thái - cảnh quan môi trường, phát huy bản sắc văn hóa, đảm bảo an ninh quốc phòng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển vùng huyện theo hướng lấy thị trấn Cù Lao Dung làm đô thị hạt nhân, mở rộng đô thị ra các xã phụ cận, làm nền tảng để đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa, phát triển huyện trở thành thị xã trong tương lai; Xây dựng và phát triển các đô thị, điểm dân cư nông thôn kết hợp cảnh quan sông nước, thân thiện với môi trường thiên nhiên trên toàn vùng huyện; nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư, giữ gìn bản sắc địa phương. 

Về định hướng phát triển không gian vùng,  không gian vùng huyện phát triển theo mô hình cụm - tuyến, hình thành và phát triển các cụm trung tâm đô thị - thương mại dịch vụ - du lịch tại khu vực Quốc lộ 60 điều chỉnh, thị trấn Cù Lao Dung, đô thị mới An Thạnh 3, đô thị mới An Thạnh Nam và kết nối với nhau qua tuyến hành lang giao thông Đường tỉnh 933B.

Toàn huyện được chia thành 3 tiểu vùng. Trong đó, Tiểu vùng 1, Phát triển đô thị - Thương mại dịch vụ gồm thị trấn Cù Lao Dung, xã An Thạnh 1 và xã An Thạnh Tây và một phần xã An Thạnh Đông. Tiểu vùng 2, Phát triển Nông nghiệp kết hợp Du lịch sinh thái miệt vườn gồm xã Đại Ân 1, xã An Thạnh 2 và một phần xã An Thạnh Đông. Tiểu vùng 3, Phát triển Thương mại dịch vụ - Du lịch sinh thái biển gồm hai xã An Thạnh 3 và An Thạnh Nam. 

Về phân bố các không gian phát triển, không gian phát triển nông nghiệp phân bố chủ yếu tại các xã An Thạnh 2, An Thạnh Đông và Đại Ân 1; các địa phương còn lại là không gian nông nghiệp phân bố xen kẽ với các chức năng đô thị, thương mại dịch vụ - du lịch. Quy mô diện tích khoảng 12.000 - 13.000 ha.

Không gian phát triển lâm nghiệp được phân bố ở phía Nam của huyện, thuộc hai xã An Thạnh Nam và An Thạnh 3. Quy mô diện tích khoảng 1.600 - 1.700 ha. 

Không gian phát triển thương mại dịch vụ phân bố theo hình thức “cụm” hoặc “tuyến” gắn với các khu vực phát triển đô thị và du lịch. Quy mô diện tích khoảng 80 - 90 ha.  

Rừng ngập mặn ven biển Cù Lao Dung.

Không gian phát triển du lịch phân bố chủ yếu ở Tiểu vùng 1 và Tiểu vùng 3 (ở Tiểu vùng 2 sẽ phát triển du lịch cộng đồng kết hợp sản xuất nông nghiệp), gồm các khu chức năng: Khu du lịch “Cửa sổ Đồng bằng sông Cửu Long” (Khu du lịch đặc trưng phía Nam hạ lưu sông Mê Kông) có diện tích khoảng 200 - 250ha. Khu du lịch nghỉ dưỡng An Thạnh Tây có diện tích khoảng 300 - 350ha. Khu du lịch sinh thái miệt vườn An Thạnh 1 có diện tích khoảng 50 - 60ha. Khu du lịch làng Long Ẩn có diện tích khoảng 150 - 200 ha. Khu du lịch Ốc đảo Vàm Hồ có diện tích khoảng 250 - 300ha. Khu du lịch sinh thái Đảo Khỉ có diện tích khoảng 19 - 25 ha. Các khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển giáp rừng ngập mặn có diện tích khoảng 1.800 ha. Các khu du lịch sinh thái kết hợp rừng ngập mặn (khoảng 1.700 ha) và các khu du lịch tại khu vực bãi bồi ven biển. 

Định hướng khu vực di tích lịch sử - văn hóa, đối với các di tích trên địa bàn huyện, nâng cấp, mở rộng Đền thờ Bác ở xã An Thạnh Đông, đầu tư thêm một số hạng mục công trình để phục vụ du lịch. Nâng cấp, mở rộng các di tích sử - văn hoá cấp tỉnh như Bia Chiến thắng Rạch Già, Đình Rạch Giồng - Địa điểm thành lập Trường Đảng đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng tại thị trấn Cù Lao Dung và Bia Chiến thắng An Hưng, ở xã An Thạnh 3. 

Đền thờ Bác Hồ ở Cù Lao Dung.

Về tổ chức hệ thống đô thị và nông thôn, định hướng phát triển đô thị Cù Lao Dung trong giai đoạn 2026 - 2030, nâng cấp từ đô thị loại V thành đô thị loại IV; là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, thương mại dịch vụ của huyện. Trong giai đoạn đến năm 2025, nâng cấp xã An Thạnh 3 thành đô thị loại V. Trong giai đoạn 2030 - 2040, nâng cấp xã An Thạnh Nam thành đô thị loại V.  Định hướng phát triển dân cư nông thôn trên cơ sở các đồ án quy hoạch nông thôn các xã đã được phê duyệt; theo hướng tập trung phát triển theo chiều sâu, khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, tiết kiệm và hạn chế sử dụng đất canh tác, cải tạo chỉnh trang kết hợp xây dựng mới, bảo vệ môi trường bền vững.

Đối với các trung tâm xã, mở rộng quy mô các trung tâm xã hiện hữu, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho xã. 

Phát triển các điểm dân cư tập trung trên cơ sở các điểm dân cư hiện hữu, được xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, đảm bảo bán kính phục vụ cho người dân, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới và các nhu cầu phục vụ đời sống, sản xuất trên địa bàn xã. Nâng cấp, cải tạo Trung tâm hành chính cấp huyện và các trung tâm hành chính cấp xã hiện hữu; đầu tư xây dựng trung tâm hành chính của các đô thị mới. 

Theo quy hoạch, Trung tâm thương mại dịch vụ Tổ chức hệ thống thương mại dịch vụ với tổng quy mô diện tích các khu thương mại dịch vụ khoảng 80 - 90 ha, gồm, Khu trung tâm thương mại dịch vụ trong Khu đô thị mới Cù Lao Dung (tại nút giao giữa Quốc lộ 60 điều chỉnh và Đường tỉnh 933B), được tổ chức hỗn hợp các chức năng: trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí - không gian mở, chợ chuyên doanh nông sản, trạm dừng nghỉ và các dịch vụ khác gắn với khu đô thị mới. 

Khu thương mại dịch vụ gắn với bến tàu du lịch và vị trí bố trí cáp treo nối từ Trần Đề qua Cù Lao Dung tại An Thạnh Nam định hướng tổ chức các chức năng: trung tâm thương mại dịch vụ (kết hợp các loại hình giải trí hiện đại), quảng trường, chợ đêm, ... phục vụ du lịch. Khu trung tâm thương mại dịch vụ Bến Bạ kết hợp dân cư thương mại tại xã An Thạnh Đông. Khu thương mại dịch vụ đô thị mới An Thạnh 3. Các điểm thương mại dịch vụ du lịch sinh thái miệt vườn tại phía Bắc xã An Thạnh 1 phục vụ du lịch sinh thái miệt vườn. Các điểm thương mại dịch vụ du lịch sinh thái biển tại khu vực phát triển du lịch sinh thái ven biển và rừng ngập mặn ở xã An Thạnh Nam và An Thạnh 3. 

Cù Lao Dung có nhiều tiềm năng phát triển du lịch.

Đối với các điểm thương mại dịch vụ du lịch dọc theo Quốc lộ 60 hiện hữu, bố trí chợ đêm sau phục vụ du lịch sau khi tuyến Quốc lộ 60 điều chỉnh hình thành, nâng cấp 02 bến phà Đại Ngãi trở thành bến tàu du lịch. Phát triển các chợ dân sinh tại các xã, thị trấn phục vụ nhu cầu Nhân dân.

Bên cạnh các khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn về thương mại, nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, khai thác du lịch, thương mại kết hợp với sản xuất nông nghiệp; địa phương sẽ tổ chức 2 khu vực có chức năng hỗ trợ sản xuất nông nghiệp khác, gồm: Khu vực tại nút giao giữa Quốc lộ 60 điều chỉnh và Đường tỉnh 933B tổ chức các chức năng: Trung tâm triển lãm sản phẩm nông sản; kho lưu trữ, bãi tập kết hàng hóa và dịch vụ tổng hợp khác. 

Khu vực tạo nút giao giữa Đường tỉnh 933B và Đường huyện 14 thuộc đô thị An Thạnh 3 tổ chức các chức năng: Trung tâm Thương mại dịch vụ tổng hợp cung ứng vật tư nông nghiệp; kho lưu trữ, bãi tập kết hàng hóa và dịch vụ tổng hợp khác. 
Đối với các khu vực bảo tồn, khu vực bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, khu vực ưu tiên thực hiện các giải pháp nhằm bảo vệ, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên gồm: Khu vực rừng ngập mặn ven biển Cù Lao Dung tại xã An Thạnh 3 và An Thạnh Nam; Khu vực các di tích trên địa bàn huyện. 

Khai thác phù hợp và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên khu vực ven các tuyến sông rạch chính trên địa bàn gồm: ven sông Hậu, sông Cồn Tròn, sông Bến Bạ, sông Khém Sâu, rạch Long Ẩn, .... 
 

Cao Xuân Lương
Ý kiến bạn đọc
  • Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Là phân khu hưởng trọn lợi thế siêu kết nối của đại đô thị, cùng vị trí đắc địa khi nằm tách biệt với các dự án khác, The Victoria trở thành giao điểm kết nối giữa nhịp sống sôi động và yên bình để trở thành một điểm nhấn khác biệt của Vinhome Smart City.

  • The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5 – Tòa tháp cuối cùng của phân khu The Miami là đáp án hoàn hảo cho bài toán không gian sống mà các gia đình trẻ Hà Nội đang kiếm tìm. Đó là chốn an cư lý tưởng với hệ thống tiện ích hoàn chỉnh và cộng đồng dân cư hiện hữu.

  • Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 22-VT/TU về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025.

Top