Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 3 tháng 12 năm 2024  
Thứ năm, ngày 7 tháng 3 năm 2024 | 10:17

Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp Quỳ Châu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, ngành nghề truyền thống, tạo điều kiện phát triển du lịch trên địa bàn.

“Kích cầu” phát triển du lịch cộng đồng

Bà Lô Thị Nga (58 tuổi) cùng 4 hộ đồng bào khác ở bản Hoa Tiến (xã Châu Tiến) được NHCSXH huyện Quỳ Châu cho vay 370 triệu đồng đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Nhờ đồng vốn ưu đãi, các hộ đã mua sắm cồng chiêng, loa đài, đầu tư phòng nghỉ cùng đồ dùng để nâng cấp nhà sàn thành điểm homestay.

Các homestay gắn với bản sắc dân tộc Thái thân thiện, mến khách, cùng các điểm bán sản phẩm thổ cẩm, sản vật địa phương… đã hút du khách. Hoa Tiến trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch cộng đồng, khi thành lập 3 HTX du lịch cộng đồng và làng nghề dệt thổ cẩm với hàng chục gia đình tham gia. Mỗi năm, bản đón hàng nghìn lượt du khách đến tham quan và trải nghiệm. Kết quả này phản ánh sự đóng góp của NHCSXH huyện trong đồng hành thực hiện nghị quyết phát triển du lịch của địa phương. Bà Nga cho biết: “Nếu không có đồng vốn tín dụng chính sách hỗ trợ “kích cầu” ban đầu thì chúng tôi khó có được cơ ngơi du lịch như hôm nay!”.

Đến hết năm 2023, thông qua 213 Tổ tiết kiệm và vay vốn, NHCSXH huyện Quỳ Châu đã triển khai thực hiện 18 chương trình tín dụng với tổng dư nợ đạt 524,37 tỷ đồng, tăng so đầu năm 79,7 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 17,92% với 8.900 lượt khách hàng còn dư nợ; tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,09% tổng dư nợ.

Nghề dệt thổ cẩm của người dân bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu.

Hiện có 34 hộ ở bản Hoa Tiến vay 1,6 tỷ đồng để phát triển homestay, phát triển nghề dệt thổ cẩm, chăn nuôi, giải quyết việc làm, làm nhà ở, hệ thống nước sạch… phục vụ phát triển du lịch cộng đồng là chủ yếu. Trong năm 2023, đã có 3 hộ thoát nghèo, 1 hộ vươn lên cận nghèo tiếp tục được vay vốn chương trình giải quyết việc làm để phát triển theo hướng bền vững.

Châu Tiến có 80% đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Theo Phó Chủ tịch UBND xã  - Sầm Văn Túc, năm 2023, thông qua các chương trình tín dụng chính sách, toàn xã có hơn 900 lượt hộ vay vốn với dư nợ hơn 34 tỷ đồng để sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gắn với phát triển du lịch và làng nghề dệt thổ cẩm cùng giải quyết việc làm, làm nhà ở, nước sạch… Nhờ đó, đã góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 28 triệu đồng  thì năm 2023 đã đạt 51 triệu đồng, cao hơn bình quân chung của huyện…

Quỳ Châu (Nghệ An) là huyện vùng cao có trên 78% dân số là người DTTS.

Châu Bình là xã lớn của huyện Quỳ Châu, nơi có đông đồng bào các dân tộc sinh sống. Chủ tịch UBND xã - Lô Văn Toan cho biết: Địa phương được NHCSXH huyện cho vay hơn 90 tỷ đồng từ các chương trình tín dụng chính sách để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng và trồng rừng cây gỗ lớn.

Đến nay, Châu Bình đã trồng được 3.800ha rừng cây keo - diện tích trồng rừng lớn nhất huyện, trong đó có 2.200ha đã được cấp chứng chỉ FSC (Chứng chỉ trồng rừng bền vững). Với chu kỳ trồng rừng cây keo gỗ lớn từ 8 - 10 năm, thu nhập gấp 3 - 4 lần so trồng rừng cây chu kỳ 5 năm, nên bà con ở đây đã đầu tư trồng hơn 400ha trên kế hoạch 1.000ha rừng gỗ lớn.

Bước chuyển mạnh mẽ

Thực hiện chủ trương của cấp trên, NHCSXH huyện Quỳ Châu đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Châu ban hành Chỉ thị số 08-CT/HU ngày 04/10/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội thông qua NHCSXH trên địa bàn. Đây được xem là “chìa khóa” giúp cho việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn có bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong thời gian qua.

Cùng với đó, ngân hàng triển khai quyết liệt gắn “5G” về tín dụng cơ sở. Trong đó, gắn với chương trình hành động của cấp ủy và mục tiêu phát triển kinh tế của huyện (tập trung ưu tiên vào 2 đột phá về phát triển du lịch cộng đồng và rừng cây gỗ lớn); gắn với 2 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; gắn với xây dựng các mô hình kinh tế điển hình.

Đồng bào Thái dùng cọn nước để dẫn nước từ suối lên tưới cho cây trồng.

Với phương châm “giao dịch tại xã, phục vụ tại nhà”, đến nay, tỷ lệ giải ngân tại Điểm giao dịch xã đạt 99%, thu nợ đạt 96,6%, thu lãi đạt 98%, thu tiền gửi tiết kiệm đạt 99,8%, tạo thuận lợi cho Nhân dân và khách hàng giảm thời gian giao dịch và chi phí đi lại… Đồng vốn chính sách đã đến với đồng bào nghèo kịp thời và ngày càng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của người dân, doanh số cho vay, tỷ lệ dư nợ năm sau cao hơn năm trước.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu - Lê Hải Lý cho biết: Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp Quỳ Châu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, ngành nghề truyền thống; phát triển du lịch trên địa bàn; mở rộng sản phẩm OCOP; phát triển rừng cây gỗ lớn… Qua đó, nâng cao đời sống của Nhân dân, tăng thu nhập, nhất là đối với người nghèo, các đối tượng chính sách; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo; giúp cho 31 bản, 2 xã về đích nông thôn mới.

Nhật Nam
Ý kiến bạn đọc
Top