Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 7 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 17 tháng 7 năm 2023 | 17:30

Xuất khẩu thủy sản: Mừng, lo tín hiệu thị trường

Dự báo cuối quý III/2023, xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi đây là cơ sở để ngành thủy sản đạt kế hoạch xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2023. Tuy nhiên, để đạt được đích đến này không chỉ cần sự nỗ lực các cộng đồng doanh nghiệp mà cần sự vào cuộc mạnh hơn của các bên.

Chế biến cá ngừ phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Mừng, lo tín hiệu thị trường

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt gần 4,2 tỷ USD, vẫn thấp hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, hai mặt hàng xuất chính là tôm và cá tra đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022. Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá, sản xuất và xuất khẩu của ngành thủy sản đang phải chịu nhiều chi phí đầu vào cao, cùng với việc thắt chặt tín dụng và lãi suất tăng cao khiến cho DN khó khăn về nguồn vốn.

Đề cập về những khó khăn, thách thức hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Thị Thu Sắc cho biết, các DN thủy sản đều xác định đây là khoảng thời gian xem xét, rà soát lại chi phí sản xuất, giữ ổn định số lượng lao động và thu nhập cho người lao động, không mở rộng đầu tư.

Đây cũng là giai đoạn DN giành thời gian nghiên cứu các sản phẩm mới cho phù hợp với bối cảnh thị trường hậu Covid-19 và lạm phát cao.

Theo phản ánh của nhiều DN thủy sản, nỗi lo lớn nhất của họ hiện nay là chi phí đầu vào cao, giá bán thấp, nông dân và DN nuôi bỏ ao. Như vậy, dẫn đến hệ lụy là khi thị trường hồi phục thì không còn nguyên liệu để chế biến nhập khẩu và một lần nữa thủy sản Việt lại mất vị thế trước các nước khác.

Vì vậy, hơn bao giờ hết, ngành thủy sản cần các cấp, ngành, các thành phần trong chuỗi cung ứng cùng chung tay thực hiện giải pháp để vượt qua giai đoạn khó khăn của năm 2023 - 2024 này.

Chia sẻ về tín hiệu khả quan đối với mặt hàng tôm, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Minh Phú Lê Văn Quang cho hay: thị trường xuất khẩu thủy sản tháng 8/2023 trở đi sẽ tốt lên khi nguồn cung tôm nguyên liệu tại các nước xuất khẩu lớn là Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam đều giảm mạnh, trong khi đó, nhu cầu trên thế giới dần phục hồi. Như vậy, tình hình tôm nguyên liệu cuối năm sẽ thiếu.

Do đó, các đơn vị sẽ có cơ hội bán và giảm hàng tồn kho khi nhu cầu tiêu thụ vào mùa lễ hội cao điểm cuối năm tăng cao.

Tuy nhiên, điều đáng nói là, so sánh mức giá thành sản xuất tôm giữa 3 đối thủ cạnh tranh là Việt Nam, Ecuador, Ấn Độ cho thấy, giá thành tôm nuôi của Việt Nam (4,8 - 5 USD/kg) cao gấp đôi so với Ecuador (2,3 - 2,4 USD/kg) và hơn 30% so với tôm Ấn Độ (3,4 - 3,8 USD/kg). Điều này khiến việc tìm kiếm đơn hàng của các DN xuất khẩu tôm gặp khó khăn.

Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu trong nước giảm liên tục trong các tháng vừa qua, gây ra nhiều hệ lụy cho toàn ngành tôm.

“Trong hoàn cảnh xuất khẩu suy giảm, nông dân “treo” ao khiến nguồn cung nguyên liệu thủy sản cuối năm thiếu hụt, các DN thủy sản đang mong ngóng được tiếp cận được nguồn tín dụng để mua dự trữ nguyên liệu từ nay để xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm 2023 và quý I năm 2024” - ông Lê Văn Quang đề xuất.

Nhìn nhận về thị trường Trung Quốc, đối tác nhập khẩu cá tra lớn của Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Cửu Long An Giang Trần Thị Vân Loan chia sẻ: Trung Quốc rất khó tính, họ yêu cầu sản phẩm cá tra phải đạt chất lượng rất cao và ổn định.

Do đó, đối với Trung Quốc, việc xây dựng chiến lược riêng cho xuất khẩu cá tra là cần thiết, đặc biệt là phải kiểm soát chất lượng xuất khẩu đồng nhất và luôn giữ hình ảnh con cá tra Việt Nam.

Thị trường 1,4 tỷ dân này vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển và nhiều cơ hội để các DN có thể mở rộng thị trường, tăng kim ngạch cũng như giá trị xuất khẩu cá tra.

Sớm phục hồi với nhiều điểm sáng

Để thúc đẩy lượng tiêu thụ tại các thị trường quốc tế, nhiều DN đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, tập trung chế biến sâu, đầu tư vào chuỗi giá trị để duy trì đơn hàng, trong đó, phát triển các loại mặt hàng thuỷ sản tiện lợi để chế biến sẵn tại nhà; các loại sản phẩm khô, được chế biến sẵn với mức giá rẻ hơn phù hợp với mức thu nhập thấp.

Xuất khẩu thủy sản sang thị trường RCEP đạt hơn 2,1 tỷ USD sau 6 tháng.

Theo Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Mỹ được dự đoán sẽ phục hồi từ nửa cuối năm do lạm phát hạ nhiệt, mức tồn kho giảm, nhu cầu phục vụ dịp lễ cuối năm tăng.

Điều này giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang nước này kỳ vọng sẽ tăng 40 - 50% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tại thị trường EU, tiêu thụ cá tra tiếp tục cải thiện và ổn định. Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, dự báo nhu cầu tăng nhẹ từ cuối quý III/2023.

“Các DN cần chủ động cân đối nguồn nguyên liệu và tài chính để giữ khách hàng truyền thống và sẵn sàng nguồn cung khi thị trường hồi phục; điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu và cơ cấu sản phẩm. Cùng với đó, tận dụng hơn nữa ưu đãi thuế quan của các hiệp định thương mại tự do để giữ được vị thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. Mặt khác, tích cực tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế, tham gia các chương trình giao thương B2B tìm kiếm đối tác, tăng đơn hàng”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho hay.

Chủ tịch VASEP Nguyễn Thị Thu Sắc cho hay: có thể kỳ vọng vào những mặt hàng có lợi thế của Việt Nam như các mặt hàng giá trị gia tăng vẫn có được vị trí tốt tại thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia là các thị trường ưa chuộng các mặt hàng chế biến sâu của Việt Nam và không bị áp lực cạnh tranh với các nước khác như Ấn Độ, Equador.

Dù các nước Đông Nam Á là các thị trường nhỏ nhưng ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát so với các thị trường lớn thì cũng là các điểm sáng cho các DN có thể kỳ vọng trong thời gian tới.

Ngoài ra, giá cước vận tải đường thủy vẫn đang duy trì ở vùng thấp so với đợt cao điểm mùa dịch Covid-19, và với nguồn cung dồi dào tàu và container trong thời điểm hiện tại cũng giúp việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang các thị trường nước ngoài gặp nhiều thuận lợi hơn trong nửa cuối năm.

Theo Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI), mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các công ty kinh doanh xuất khẩu thủy sản sẽ bắt đầu ghi nhận mức lợi nhuận cải thiện trong nửa cuối năm 2023, nhờ chi phí giảm bao gồm giá đầu vào như tôm, cá nguyên liệu và thức ăn thủy sản giảm; chi phí vận chuyển giảm.

SSI kỳ vọng các DN xuất khẩu hàng đầu vào thị trường Mỹ sẽ ghi nhận mức lợi nhuận giảm nhẹ hoặc đi ngang so với cùng kỳ trong quý III/2023 (do giá bán trung bình đạt đỉnh trong quý III/2022) và tăng trưởng lợi nhuận dương từ quý IV/2023. Tại một số DN, đơn đặt hàng trong quý III/2023 đang dần cải thiện so với quý II/2023 xét về sản lượng tiêu thụ.

SSI ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của nhiều DN sẽ tăng mạnh trở lại vào năm 2024, do xuất khẩu sẽ bắt đầu phục hồi vào cuối quý IV/2023 hoặc đầu năm 2024.

Nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị, các cơ quan chức năng cần tập trung tháo gỡ, xử lý các vướng mắc liên quan thị trường Trung Quốc, Mỹ; đồng thời triển khai các giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho ngành thủy sản Việt Nam.

Cùng với việc thông tin thị trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT và các địa phương cần đôn đốc, hướng dẫn ngư dân gấp rút thực hiện giải pháp khắc phục thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC); tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) để bảo đảm nguồn cung phục vụ cho xuất khẩu và đưa ngành thủy sản phát triển theo hướng bền vững.

Khơi thông dòng vốn 

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp thuỷ sản, họ cần vốn để duy trì sản xuất, vốn để thu mua nguyên liệu, vốn để phát triển thị trường, tìm kiếm đơn hàng 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên việc tiếp cận nguồn vốn vẫn rất khó khăn.

Cuối tháng 5 vừa qua, Ngân hàng nhà nước đã tổ chức buổi làm việc về tín dụng cho lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với sự tham gia của các ngân hàng thương mại, và trong đó có sự góp mặt của Hiệp hội VASEP.

Ngay trong buổi họp đó, đại diện Agribank cho biết đến đầu tháng 5, dư nợ lĩnh vực thuỷ sản của họ là 59.000 tỷ đồng, chiếm 5% tổng dư nợ nền kinh tế; Đại diện BIDV dư nợ cho vay lâm sản và thuỷ sản của họ đạt 88.000 tỷ đồng, còn Vietcombank là 155.000 tỷ đồng.

Điểm nghẽn dòng vốn nếu được khơi thông giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh với các nước trong khu vực. (Trong ảnh: Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL).

Doanh nghiệp sụt giảm đơn hàng xuất khẩu cũng đã ảnh hưởng đến giá thu mua các loại thuỷ sản từ hộ nuôi trồng. Ví dụ hiện giá tôm thu mua đã sụt giảm, như ở Cà Mau giá tôm thẻ chân trắng quý 2 giảm từ 18 – 49 nghìn đồng/kg so với đầu năm, hay ở Tiền Giang giá bình quân tôm thẻ chân trắng cũng đang giảm từ 30 nghìn – 60 nghìn/kg so với tháng trước. Giá bán giảm, trong khi chi phí đầu vào tăng cao, nhiều hộ chăn nuôi chỉ biết trông chờ vào nguồn vốn từ ngân hàng để duy trì sản xuất.

Cách đây không lâu, chính VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ dần hồi phục trong những tháng cuối năm 2023 nhờ những tín hiệu khả quan hơn ở các thị trường tiêu thụ khi lượng tồn kho giảm và bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm và các dịp lễ hội lớn.

Một trong những nguyên nhân mà nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận dòng vốn ngân hàng là lãi suất vẫn cao. Và gần đây cũng chính VASEP kiến nghị, cần giãn nợ từ 3-5 tháng đối với khoản vay đến hạn phải trả ngay trong quý II và tiếp tục được vay cấp mới theo hạn mức, đồng thời, giảm lãi suất cho vay USD xuống dưới 4% để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Theo các doanh nghiệp, điểm nghẽn dòng vốn nếu được khơi thông giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Ngoài vốn, theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, từ nay đến cuối năm, họ đang phải đối mặt với 2 vấn đề lớn: nguy cơ thiếu nguyên liệu tôm - cá trầm trọng vào đầu năm 2024 khi dự báo thị trường sẽ phục hồi, nhưng người nuôi đã không thể có đủ "sức" để thả nuôi tiếp vào thời điểm hiện nay; không ít các doanh nghiệp sẽ chịu tổn thất, suy thoái nặng nề và thậm chí không thể vượt qua giai đoạn rất khó khăn.

Mục tiêu dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành thuỷ sản năm nay là 10 tỷ USD, nhưng để đạt được con số này, 6 tháng cuối năm không chỉ cần sự nỗ lực các cộng đồng doanh nghiệp mà cần sự vào cuộc mạnh hơn của các cơ quan chức năng, hệ thống ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp về dòng vốn và những chính sách thủ tục hành chính thuận lợi hơn./.

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top