Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 10 tháng 1 năm 2020 | 13:44

Bánh tét hồn quê

“Đói cũng ngày Tết, hết cũng ngày mùa”…, nên mẹ tích cóp để cuối năm nấu nồi bánh tét truyền thống. Trước để thờ cúng tổ tiên, sau để con cháu có bữa cơm sum vầy đầu năm mới.

tr9.JPG
Cậu tôi gói bánh tét ngày xuân.

 

Ngày ấy, miền Trung quê tôi đất đai khô cằn sỏi đá, thiên tai lũ lụt hoành hành khiến mùa màng thất bát, nhà nhà nghèo xác xơ. Dẫu vậy, mẹ tôi nói vẫn thường nói: “Đói cũng ngày Tết, hết cũng ngày mùa”…, nên mẹ tích cóp để cuối năm nấu nồi bánh tét truyền thống. Trước để thờ cúng tổ tiên, sau để con cháu có bữa cơm sum vầy đầu năm mới.

Hàng năm, cứ đến ngày 28 Tết, xóm làng quê tôi náo nhiệt; nhà tôi cũng chuẩn bị gói bánh tét. Trước đó, mẹ đã lựa cắt những tàu lá chuối lành, to bản mang hong nắng xuân cho bớt độ dòn rồi rọc ra từng miếng bề ngang khoảng 40 phân. Từ ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), cha tôi tranh thủ mấy giờ trưa ngồi chẻ lạt (hay còn gọi là cây giang họ nhà tre) để gói bánh. Cha tôi phân công mỗi người mỗi việc, mẹ tôi đảm trách khâu rọc lá, lau lá; chị tôi lo phần đãi vỏ đậu xanh trộn thêm muối bột và tiêu để làm nhân bánh. Công việc khó nhất là gói bánh thường được cậu Sáu tôi, người có “bàn tay vàng” gói bánh, nhận gói.

 

tr9a.JPG
Gói bánh tét tại nhà.

 

Đầu tiên, cậu Sáu tôi kiểm tra lá, lạt, nếp, đậu. Khi thấy đầy đủ, đầu tiên cậu đặt sợi lạt giang xuống nia, lấy hai miếng lá chuối đặt trên sợi lạt, hai đầu ngọn lá quay vào trong, đặt so le tiếp 2 miếng lá nữa chồng lên trên. Lấy chén (miền Bắc gọi là bát ăn cơm) xúc 2 chén nếp, đổ theo chiều dọc của các tấm lá đã trải, cậu lấy ngón tay trỏ xẻ một đường vừa phải giữa hàng để đặt nhân đậu xanh vào giữa rãnh. Cậu múc tiếp một chén nếp chế trên lớp nhân. Vừa gói bánh, cậu Sáu vừa bày cho chúng tôi ghi nhớ phải “chế” nếp sao cho đều, tránh khi luộc chín, bánh bị đầu to, đầu nhỏ. Đòn bánh tét đẹp phải có hai đầu bằng nhau và cùng kích cỡ, khoảng cách giữa các sợi lạt đều nhau, thân đòn bánh tròn, không méo…

Gói bánh xong, mẹ tôi cho vào thùng nhôm gò bằng ống “trái sáng” đã có nước đang sôi. Mỗi khi nước cạn xuống dưới mức bánh, mẹ lại chế thêm nước để bánh có màu xanh lục trông đẹp mắt. Mẹ nấu liên tục từ trưa đến tối thì bánh chín, vớt ra nhúng vào nước lạnh rồi lăn qua lăn lại nhiều lần, lấy các ngón tay vỗ hai đầu bánh để cho nước thoát ra ngoài và đòn bánh được tròn đều. Mỗi năm, nhà tôi gói hơn hai mươi đòn bánh tét, vừa biếu bà con, họ hàng và để cúng ông bà tổ tiên.

 

tr9b.JPG
Thi gói bánh tét tại Lễ hội Đình làng Túy Loan.

 

Ở quê, không phải ai cũng gói được bánh tét, mỗi xóm có vài người gói đẹp, vì thế, cứ đến ngày giáp Tết, cậu Sáu tôi được xóm giềng mời đi gói bánh, gia chủ tiếp đón niềm nở, nhưng cậu tôi chỉ giúp chứ không lấy tiền công. Người dân trong làng còn quan niệm: “Năm nào, khi cúng xong, bánh tét có màu trắng, mịn và sáng, thì năm đó làm ăn được; còn ngược lại, làm ăn không ra chi. Cho nên, những “nghệ nhân” gói bánh tét ở quê tôi được trọng vọng, quý mến”.

Trong ba ngày Tết, bên cạnh những đòn bánh được chưng trên bàn thờ, người miền Trung còn cắt bánh để cúng rước ông bà, cúng giao thừa (hành khiển). Họ sắp 3 lát bánh vào đĩa thành ba hình tròn, rồi đặt lên trên ba lát bánh đó một lát thứ 4 nữa, trông giống như một bông hoa rất đẹp mắt. Lát bánh tét, có da bánh màu xanh cốm, mặt bánh nhuyễn màu trắng, nhân đậu xanh nằm ở giữa lát có màu vàng. Bánh cúng xong dọn xuống ăn kèm với củ kiệu muối và thịt lợn. Cái dẻo thơm của nếp, đậu, mùi thơm dân dã của lá chuối hòa quyện với dưa củ kiệu tạo nên một trong những hương vị Tết đặc trưng của quê nhà.

 

tr9c.JPG
Gian hàng ẩm thực tại Lễ hội Đình làng Túy Loan.

 

Ở quê tôi, cứ đến mùng 9-10 Tết cổ truyền, lễ hội đình làng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) được tổ chức long trọng, nhiều người dân và du khách tham gia với các lễ tế đình, rước sắc phong, tổ chức các trò chơi dân gian như hát Bài chòi, hát Bội, thi đua ghe, thi trâu cày, thi chế biến các món ăn truyền thống quê hương, bắt lươn, trèo chuối… Trong đó, năm nào cũng có thi gói bánh tét. Cho nên nói bánh tét là tượng trưng cho “hồn quê” của quê tôi quả là không sai.

 

tr9d.JPG
Các bậc cao niên dâng bánh tét cúng tổ tiên đầu năm tại Lễ hội Đình làng Túy Loan.

 

Bao năm xa quê, mỗi khi Tết đến Xuân về, lòng tôi lại bâng khuâng rạo rực, ngóng trông về những mùa Xuân đầm ấm, sum họp dưới mái tranh nghèo. Nhớ hương vị bánh tét quê hương, nhớ hơi ấm của ngọn lửa nồi bánh tét năm nào. Đó là hương vị không bao giờ quên.

 

 

Tiên Sa
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top