Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 4 năm 2020 | 16:29

Bảo đảm nguồn thực phẩm trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, ngành Nông nghiệp các tỉnh gấp rút triển khai kế hoạch “nhiệm vụ kép”, vừa phòng chống dịch, vừa duy trì ổn định sản xuất, bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu.

 

rau_xanh-09_39_39_575.jpg
Sản xuất rau xanh tại HTX rau an toàn Liên Hiệp (xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng).

 

Hà Nam: Bảo đảm cung cấp rau xanh trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19

Vụ xuân năm nay, các địa phương trong tỉnh gieo trồng hơn 1.000ha rau xanh các loại cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng nội địa và một phần bán ra ngoài tỉnh. Dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp đang tác động rất lớn đến sinh hoạt và đời sống, tuy nhiên nông dân trong tỉnh vẫn bảo đảm kế hoạch sản xuất.

Theo bà Trần Thị Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt  - Bảo vệ thực vật (Sở NN & PTNT), rau xanh là nguồn nông sản thực phẩm thiết yếu phục vụ cuộc sống hằng ngày của người dân, ngành nông nghiệp đã tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh sản xuất. Do chủ yếu là sản xuất nông hộ nên qua kiểm tra về cơ bản người dân vẫn bảo đảm được việc cách ly phòng chống dịch bệnh.

Tìm hiểu ở vùng trồng rau xanh khu vực bối Lại Xá (thuộc Tổ dân phố số 2, phường Thanh Tuyền, thành phố Phủ Lý), các hộ nông dân ở đây vẫn đang duy trì sản xuất.  Chị Nguyễn Thị Năm, người dân địa phương đang sản xuất rau trên diện tích đất hơn 5 sào của gia đình. Hằng ngày, chị Năm vẫn ra đồng chăm sóc và thu hoạch những luống rau đến lứa bán.

Tại HTX rau an toàn Liên Hiệp, xã Thi Sơn (Kim Bảng) hiện đang duy trì sản xuất 1,5 ha rau xanh. Trong đó, chủ lực là rau bắp cải chiếm gần 50% diện tích, còn lại là các loại khác, như: rau ngót, mùng tơi, cà chua…

Để bảo đảm duy trì sản xuất trong điều kiện giãn cách xã hội, HTX trang bị cho người lao động đầy đủ trang thiết bị bảo hộ, nhất là khẩu trang được yêu cầu đeo thường xuyên. Trước và sau các buổi làm đều diệt khuẩn bằng biện pháp rửa tay xà phòng. Đặc biệt, HTX phân khu cho từng lao động đảm nhiệm không làm cùng tại một điểm như trước đây. Việc cung cấp rau xanh cho khách hàng cũng có người đảm nhiệm riêng. Hiện, HTX rau an toàn Liên Hiệp mỗi ngày bình quân cung cấp ra thị trường gần 100 kg rau xanh các loại, chủ yếu cho một số cửa hàng bán nông sản an toàn trên địa bàn thành phố Phủ Lý.

Anh Phạm Hoàng Hiệp, Giám đốc HTX rau an toàn Liên Hiệp cho biết: Hiện mới là thời điểm cần bảo đảm nhu cầu thực phẩm, rau xanh cho người tiêu dùng. Vì thế, HTX nắm bắt cơ hội để duy trì sản xuất, nhất là cung cấp hàng ổn định cho các cửa hàng nông sản an toàn. Thực tế, việc sản xuất của HTX cũng gặp khó khăn do có đến 50% người lao động nghỉ làm. Hiện HTX chỉ còn duy trì 5 lao động thường xuyên, nhưng vẫn phải bảo đảm khối lượng công việc như trước đây.

Với các vùng rau tại những địa phương khác trong tỉnh như Hưng Công (Bình Lục), Trác Văn (Duy Tiên), Nhân Chính, Nhân Nghĩa (Lý Nhân)… việc sản xuất rau xanh trên đồng ruộng được người dân duy trì, qua đó, lượng rau xanh cung cấp  ra thị trường vẫn được đáp ứng khá đầy đủ…. Nhờ vậy, các cửa hàng bán nông sản an toàn tại thành phố Phủ Lý vẫn đủ lượng rau xanh cung cấp cho người tiêu dùng trong mùa dịch.

Việc người dân các địa phương bảo đảm sản xuất và cung cấp nguồn rau xanh đầy đủ ra thị trường góp phần ổn định sinh hoạt và đời sống của người dân.  Đồng thời, giúp sản xuất nông nghiệp hạn chế đáng kể tác động từ dịch Covid – 19, nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

 Bắc Ninh: Ứng dụng công nghệ cao tăng giá trị nông sản

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, ngành Nông nghiệp tỉnh gấp rút triển khai kế hoạch thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng chống dịch, vừa duy trì ổn định sản xuất, bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu về nông sản cho nhân dân.

 

san-xuat.jpg
Sản xuất dưa bao tử tại Thuận Thành.

 Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là cơ hội để gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, giảm sức lao động của con người, bảo đảm giãn cách xã hội trong thời gian này.

Hiện toàn tỉnh có hơn 40 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, tổng diện tích gần 200 ha, tập trung vào các loại cây trồng chính như: lúa, rau an toàn, hoa, cây cảnh. 50 trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn và nước uống tự động. 11 cơ sở nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGap, trong đó các mô hình nuôi cá sông trong ao, cá lồng trên sông, công nghệ sinh học Biofloc (cân bằng Nitơ, cacbon) nuôi thương phẩm cá rô phi siêu thâm canh trong ao đất lót bạt… hứa hẹn mang lại sự đột phá trong sản xuất thuỷ sản.

Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học và công nghệ thông tin vào sản xuất và quản lý nhà nước. Ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở các địa phương có điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nhất là các mô hình xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ, nhằm ổn định sản xuất nông sản trong mùa dịch và tiến tới nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại.

Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ rau trước ngày 1-4 có biến động tăng nhẹ bởi tâm lý tích trữ, một số cơ sở có hợp đồng tiêu thụ với bếp ăn tập thể của các trường học nghỉ dịch nên cũng bị ảnh hưởng, một số diện tích rau đến lứa không thu hoạch kịp, gặp mưa bị thối hỏng. Nhưng đến thời điểm hiện tại, lượng rau đã phong phú, giá bán ổn định, đáp ứng tối ưu nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Về nguồn thực phẩm thịt, cá dồi dào. Hiện tổng đàn trâu, bò, gia cầm, thủy sản không có biến động lớn, đàn trâu, bò đạt 30.153 con, đàn gia cầm đạt 5,7 triệu con. Ngành Nông nghiệp cũng đang tích cực phối hợp với các địa phương rà soát, tổng hợp và khuyến khích tái đàn trở lại đối với lợn, tổng đàn lợn ước đạt 272.400 con; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng dự kiến đạt khoảng 7.200 tấn; trứng gia cầm 21 triệu quả; sữa bò tươi 132 tấn ở thời điểm hiện tại, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất chế biến (nhu cầu tiêu dùng dự báo: 2.015 tấn thịt lợn, 1.040 tấn thịt gia cầm, 13.000 trứng/tháng). Giá lợn hơi xuất chuồng trên địa bàn tỉnh duy trì ở mức giá bình quân 70.000-75.000 đồng/kg, không có sự tăng đột biến.

Tình hình sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản, giá nông sản trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ và chế biến.

Hà Nội: chuẩn bị tổ chức kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 84, ngày 22-4-2020 về tổ chức hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung-cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong năm 2020.

 

unnamed.jpg
Người tiêu dùng mua rau xanh tại siêu thị Co.op mart Hà Đông.

 

Căn cứ diễn biến dịch Covid-19, trong điều kiện bảo đảm tuyệt đối an toàn, trong quý III và quý IV-2020, Hà Nội sẽ tổ chức từ 5 đến 8 đoàn cán bộ, doanh nghiệp liên kết, giao thương tại các tỉnh: Bắc Giang, Hưng Yên, Lào Cai, Quảng Ninh, Sơn La, Hòa Bình, Nam Định, Bắc Kạn, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn, Long An, Bến Tre, Cần Thơ, An Giang…

Tại Hà Nội, thành phố sẽ tổ chức khoảng 5 hội nghị, hoạt động giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh: Sơn La, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định... để phục vụ công tác khai thác, dự trữ hàng hóa phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ các tỉnh, thành phố tiêu thụ sản phẩm theo mùa vụ.

Cũng trên địa bàn thành phố, sẽ tổ chức từ 3 đến 5 tuần hàng trái cây, nông sản của các tỉnh, thành phố nhằm hỗ trợ các địa phương có khó khăn trong việc tiêu thụ, xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ quảng bá, giới thiệu đến đông đảo người tiêu dùng.

Ngoài ra, Hà Nội sẽ hỗ trợ các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức từ 15 đến 20 tuần lễ trái cây, hàng nông sản tại Hà Nội do các địa phương chủ trì thực hiện; thông tin, mời các tỉnh, thành phố tham gia gian hàng của địa phương tại các hội chợ, triển lãm do thành phố Hà Nội tổ chức như tuần hàng Việt, hội chợ Tết, hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ, hội chợ đặc sản vùng miền… và các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm khác.

Bên cạnh đó, Hà Nội và các tỉnh, thành phố sẽ tổ chức hội nghị, hoạt động giao thương, trưng bày sản phẩm; hỗ trợ đơn vị khảo sát địa điểm, ký kết hợp đồng, thỏa thuận ghi nhớ… nhằm kết nối, khai thác, tiêu thụ nông sản thực phẩm, hàng hóa lợi thế của các tỉnh, thành phố đưa về thị trường Hà Nội, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô.

Đồng thời, sẽ tổ chức hai đoàn cán bộ và doanh nghiệp của thành phố triển khai Chương trình hợp tác, hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, hàng hóa tại các vùng kinh tế, dự kiến sẽ triển khai với tỉnh Ninh Thuận hoặc Lâm Đồng ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên và tỉnh Trà Vinh ở khu vực Nam Bộ...

Thanh Tâm (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top