Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 5 tháng 10 năm 2021 | 12:47

Cảnh báo ngộ độc quả dại đối với trẻ em

Thói quen của trẻ em, nhất là trẻ em ở những vùng miền núi, nông thôn thường hay ăn những quả dại mọc ven đường, bởi chúng có những mùi, vị ngon ngọt, hấp dẫn. Nhưng các em lại không hề biết những nguy cơ tiềm ẩn về những loại quả dại này có thể tử vong.

Do đó, rất cần có sự cảnh báo về những quả dại có nguy cơ chết người này từ phía chính quyền, nhà trường và gia đình, để các em biết và tránh xa các loại quả dại.
 
Ăn quả hồng châu 1 trẻ em đã tử vong
 
Mới đây nhất, vào lúc 4h sáng ngày 4/10 tại khoa Cấp cứu Chống độc – Bệnh viện Nhi TW đã tiếp nhận 8 trẻ em (có độ tuổi từ 9-13) ở huyện Văn Bàn (Lào Cai) nhập viện bị ngộ độc do ăn quả hồng châu.
 
Theo lời kể của các gia đình nạn nhân, trước đó vào trưa ngày 2/10 có 16 em học sinh đi học từ trường về nhà, khi đi qua một quả đồi thấy quả hồng châu chín đỏ, nên đã hái để ăn.
 
dieu_tri_cho_tre.jpg
Trẻ đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

 

Sau khoảng 3h đồng hồ trẻ xuất hiện tình trạng nôn, lơ mơ, mệt mỏi, choáng váng kèm theo hiện tượng đau bùng rất dữ dội. Thấy tình trạng của các cháu không hề thuyên giảm và có dấu hiệu năng thêm, 9 gia đình đã đưa con em mình đến Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn để cấp cứu. Tại đây các bác sỹ đã chuẩn đoán trẻ bị ngộ độc do quả hồng châu gây ra.
 
Tại Bệnh viện các cháu đã được bác sỹ nhanh chóng xử lý ngộ độc bằng biện pháp gây nôn, truyền dịch, lợi tiểu, nhuận tràng cho 9 trẻ em. Tuy nhiên, do có 1 cháu diễn biến nặng nên đã tử vong tại bệnh viện ngày 3-10. Còn 8 em đã được chuyển về Bệnh viện Nhi trung ương và được hội chẩn với chẩn đoán: suy gan cấp và rối loạn điện giải do ngộ độc quả hồng châu.
 
Ông Phí Công Hoan, Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn cho biết, tổng cộng có 17 học sinh phải nhập viện (7 học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiềng Ken, 9 học sinh Trường tiểu học số 1 Chiềng Ken, 1 trẻ Trường mầm non Chiềng Ken). Hiện, có 8 em đã được chuyển về Bệnh viện Nhi trung ương, 8 em còn lại điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn.
 
Tối 4/10, ông Phí Công Hoan, Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn cho biết, các học sinh điều trị ở cả 2 bệnh viện đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi sức khỏe.
 
Đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc do trẻ em ăn quả dại
 
Trước đó, vào khoảng 15 giờ ngày 6/8, cháu Hầu Mí Sình (11 tuổi) và Hầu Mí Đình (9 tuổi) ở thôn Lù Cao Ván, xã Sủng Cháng, huyện Yên Minh đi rừng lấy củi cách nhà khoảng 100 mét và tự hái quả ở trong rừng ăn. Theo lời hai cháu kể lại, cháu Sình ăn 4 quả, còn cháu Đình thì không nhớ đã ăn bao nhiêu quả.
 
Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, cháu Hầu Mí Sình về đến nhà báo cho gia đình biết là đã hái quả rừng ăn và thấy khó chịu, cháu Hầu Mí Đình không tự về nhà được mà gia đình phải vào rừng đón về. Đến tối, cả 2 cháu đều có các triệu chứng đau đầu, hoa mắt, đau bụng đi ngoài, nôn. Gia đình hai cháu đã đưa các cháu đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực Yên Minh khám và điều trị hồi 22 giờ 32 phút, trong tình trạng ly bì, mệt mỏi, nôn nhiều, đau đầu, chóng mặt...
 
Sáng 7/8, cháu Hầu Mí Đình đã tử vong. Cháu Hầu Mí Sình được Bệnh viện Đa khoa Khu vực Yên Minh chuyển lên tuyến trên là về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang điều trị tích cực nhưng đến tối cùng ngày cũng đã tử vong.
 
Ngay sau khi nhận được thông tin, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang đã thành lập đoàn điều tra xác minh nguyên nhân ngộ độc thực phẩm là do hai cháu ăn quả hồng châu. Đồng thời, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang cũng đã đến thăm hỏi và động viên gia đình 2 cháu tử vong.
 
f4ad615d-5db4-4711-a879-2e10b401bd48.jpg
Quả cây ngô đồng cũng gây nguy hiểm cho học sinh nếu ăn vào.
 
Năm 2017, có 12 học sinh lớp 2, Trường tiểu học Tân Giang, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh ăn quả ngô đồng nhặt trong sân trường phải nhập viện. Các em này  đã khỏe lại sau một ngày nằm viện...
 
Theo lãnh đạo trường Tiểu học Nghi Hòa (TX Cửa Lò) trong giờ ra chơi, nhiều học sinh lớp 2 và lớp 3 đã rủ nhau đi ăn quả ngô đồng. Hơn 10 phút sau, một số em đau bụng, nôn mửa. Nhà trường gọi xe cấp cứu đưa số học sinh trên đến Trung tâm y tế thị xã Cửa Lò.
 
Tại Trường phổ thông dân tộc nội trú - THCS Quỳ Châu, Nghệ An, nhiều em học sinh lớp 6, 7 thấy quả ngô đồng rơi ở sân trường nên cùng nhau ăn... Hơn 20 giờ, thầy Phạm Mạnh Hùng, hiệu trưởng nhà trường nhận được tin báo điện thoại của giáo viên trực giáo vụ là sau giờ ăn tối một số học sinh nội trú đến xin thuốc uống, các em có triệu chứng buồn nôn, đau bụng, đi ngoài... chưa rõ lý do.
 
Do đa số học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở nội trú tại trường nên dễ tìm hiểu, biết các em cùng ăn hạt quả cây ngô đồng vào buổi chiều tan học... Ngay lập tức nhà trường đưa các em đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Quỳ Châu. 37 em sau đó đã được xuất viện với tinh thần ổn định, sau khi được truyền dịch và các bác sĩ trấn an tâm lý.
 
Nhà trường cần có biện pháp cảnh báo cho các em học sinh
 
Theo Tiến sỹ Lê Ngọc Duy, việc phát hiện sớm và xử trí kịp thời là giải pháp quan trọng cứu sống bệnh nhân khi ăn quả hồng châu. Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho các trường hợp bị ngộ độc hồng châu mà chủ yếu là điều trị căn nguyên và điều trị triệu chứng.
 
qua_hong_chau.jpg
Quả hồng châu

 

Khi phát hiện trẻ có biểu hiện ngộ độc do ăn quả hồng châu cần gây nôn, rửa dạ dày càng sớm càng tốt, cho trẻ uống than hoạt với liều 1-2g/kg cân nặng, dùng 4-6 gói sorbitol (nếu không có thể cho uống lòng trắng trứng), tăng cường thải độc tố, duy trì chức năng sống (trợ tim-mạch, trợ hô hấp, suy gan chống co giật, chống phù phổi cấp…), xét nghiệm, theo dõi và điều chỉnh chất điện giải trong máu cho trẻ.
 
Với gia đình, phụ huynh cần cho con uống nhiều nước và gây nôn, sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất bằng xe cơ giới (tuyệt đối không để trẻ đi bộ).
 
Theo thông tin từ Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Hà Giang, cây hồng châu có tên khoa học (Capparis versicolor Griff), họ Màn màn (Capparaceae). Tên gọi theo địa phương khác là: cây Rom, cây Mề gà, cây Khua mật, cây Móc quạ (Thái Nguyên), chi pản sloa (Cao Bằng)... Cây hồng châu thường mọc ở khu vực núi đá, thuộc dạng cây dây leo, vỏ thân cây màu xanh nhạt, có gai nhọn, cứng. Lá cây to gần bằng 2 ngón tay người lớn, dài từ khoảng 11-12 cm, màu của lá xanh đậm. Quả tròn to gần bằng quả trứng gà, vỏ nhẵn mượt không có lông, quả non vỏ màu xanh nhạt, khi quả chín vỏ có màu tím và hơi mềm, bên trong có lớp vỏ mầu hồng, mỗi quả có từ 4 - 6 hạt, các hạt có một lớp cùi màu trắng đục, nhiều nước và mềm bao bọc, bên trong cùi có một hạt to bằng hạt ngô có màu tím và hơi dẹt. Quả hồng châu chín vào thời gian tháng 6, 7, 8 hằng năm.
 
Độc tố của quả hồng châu là alcaloid, chứa chính trong nhân hạt (chưa thấy trong cùi) của quả. Độc tính của chúng tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp. Thử nghiệm trên động vật cho thấy liều tối thiểu gây chết qua đường tiêu hóa của hạt có cả cùi đối với thỏ là 18g/kg thể trọng, đối với chuột cống trắng là 72g/kg thể trọng (động vật chết do suy hô hấp và trụy tim mạch).
 
Để chủ động phòng chống ngộ độc quả rừng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang khuyến cáo bà con các dân tộc thiểu số, học sinh tuyệt đối không ăn quả hồng châu và cũng như các loài quả dại khác kể cả chỉ ăn thử một lần, để phòng ngừa ngộ độc dẫn đến tử vong đáng tiếc xảy ra. Trường hợp phát hiện người bệnh, cần đưa ngay đến trạm y tế xã hoặc bệnh viện gần nhất.
 
Tuy nhiên, việc các cơ quan chức năng khuyến cáo đến gia đình có con em đang độ tuổi học sinh, cần phải kiểm tra, kiểm soát và ngăn ngừa các em không nên ăn bất cứ loại hoa, quả dại nào để tránh bị ngộ độc, chỉ là một biện pháp. Biện pháp có tính lâu dài và triệt để phải do Bộ GD&ĐT, theo đó những loài hoa, quả độc mọc hoang ngoài thiên nhiên cần phải đưa vào sách giáo khoa để dạy và hướng dẫn cho các em nhận biết được những loài hoa, quả dại có độc đó, không được ăn hay ngửi… để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
 
Nếu cần thiết các nhà trường ở khu vực miền núi phải trồng để giảng dạy học, nghiên cứu phải có biển báo và các biện pháp kiểm soát an toàn, đồng thời, nhà trường tuyên truyền tới giáo viên, học sinh và phụ huynh tuyệt đối không ăn các loại hoa, quả có độc hoặc nghi ngờ có độc... Có như vậy sẽ hạn chế được những vụ việc đáng tiếc liên quan đến ngộ độc hoa, quả dại vừa xảy ra.
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top