Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm A/H7N9 ngay sát biên giới Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, để phòng chống hiệu quả, ngoài việc tăng cường giám sát, quản lý gia cầm nhập lậu, cần đẩy mạnh các mô hình chăn nuôi an toàn, bền vững với phương châm “phòng bệnh là chính”.
Trang trại gà của bà Trần Thị Tỵ ở Quảng Vinh (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế)
Tăng cường giám sát và chăn nuôi an toàn
Theo ông Hoàng Thanh Vân , Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), năm 2016, ngành chăn nuôi gia cầm có sự phát triển khá, sản lượng thịt gia cầm sản xuất đạt khoảng 1,7-1,8 triệu tấn, doanh thu từ gia cầm đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngành chăn nuôi, mang lại lợi nhuận lớn cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện nay giá sản phẩm gia cầm còn thấp, đàn vật nuôi có nguy cơ mắc bệnh cao khi thời tiết chuyển mùa. Dịch cúm H7N9 xảy ra tại Trung Quốc diễn biến phức tạp, dễ xâm nhập vào nước ta nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ từ cửa khẩu.
Để giúp nông dân chăn nuôi gia cầm bền vững, cần phải tăng cường kiểm soát thịt nhập khẩu từ các nước, nhất là chất lượng thịt gia cầm. Đặc biệt, phải chặn đứng được việc nhập lậu sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc qua biên giới. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng các sản phẩm có chất lượng.
Ông Dương Thanh Tùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, cho biết, năm 2016, đàn gia cầm của tỉnh đạt 17,017 triệu con, trong đó đàn gà là 14,986 triệu con, thủy cầm 2,031 triệu con. Chăn nuôi trang trại phát triển nhanh, toàn tỉnh có 270 trang trại chăn nuôi gia cầm; chăn nuôi trang trại, gia trại an toàn sinh học chiếm 30% tổng đàn. Nhờ tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại cơ sở; thực hiện có hiệu quả công tác tiêm phòng vắc-xin, tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi; công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú ý, quản lý vật nuôi vận chuyển ra, vào tỉnh, tập trung kiểm soát, hạn chế gia cầm nhập lậu nên trong nhiều năm qua, dịch cúm gia cầm không xảy ra trên địa bàn, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi, góp phần tích cực bảo vệ sức khỏe con người.
Ông Ken Inui, chuyên gia quốc tế Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp quốc (FAO) cho rằng, từ đầu năm đến nay, cúm A/H7N9 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, chuyển sang độc lực cao, có mức phát tán cao gấp 100 lần so với độc lực thấp. Việt Nam là quốc gia có nguy cơ cao bị vi - rút này xâm nhập bởi một số tỉnh ở Trung Quốc tiếp giáp với biên giới Việt Nam đã có nhiều trường hợp mắc dịch cúm A/H7N9. Nguy hiểm hơn là, cúm A/H7N9 không có biểu hiện triệu chứng trên gia cầm mà chỉ gây hại khi xâm nhập vào cơ thể người. Trong khi đó, FAO vẫn chưa tìm ra vắc - xin hiệu quả để ứng phó với vi - rút này. Vì vậy, ông Inui nhấn mạnh, để chủ động phòng ngừa, người dân cần áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn, sử dụng bảo hộ lao động khi chăm sóc vật nuôi, rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm, sản phẩm gia cầm. Chính quyền cơ sở, cơ quan thú y cần tăng cường công tác giám sát dịch bệnh để khống chế, khoanh vùng, không để lây lan trên diện rộng.
Vai trò của khuyến nông trong phòng chống dịch
TS. Nguyễn Thị Hải, Trưởng phòng Khuyến nông Chăn nuôi - Thú y (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia), chia sẻ, công tác khuyến nông đã góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ. Những năm qua, lực lượng khuyến nông đã tích cực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi gia cầm vào sản xuất thông qua các chương trình, dự án, đào tạo tập huấn và thông tin tuyên truyền. Đưa nhanh những tiến bộ kỹ thuật được công nhận ở lĩnh vực giống, thức ăn chăn nuôi, chuồng trại, xử lý môi trường chăn nuôi, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, VietGAHP, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Trong 5 năm (từ năm 2011 - 2016), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai và quản lý 6 dự án khuyến nông trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm với quy mô 1.036.230 con, 9.739 hộ tham gia. Các dự án đã triển khai tập huấn kỹ thuật cho 8.148 lượt người trong và ngoài mô hình; tổ chức cho 6.470 người tham quan nhân rộng mô hình.
Bên cạnh đó, thông qua các chương trình “Tư vấn Khuyến nông” trên Kênh truyền hình Nông nghiệp nông thôn VTC16; chương trình tọa đàm “Giải pháp chủ động phòng chống dịch cúm A/H7N9” do kênh VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tư vấn, chia sẻ, hướng dẫn và giải đáp các câu hỏi, băn khoăn của nông dân về các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, dịch cúm A/H7N9, giúp bà con có giải pháp cấp bách và lâu dài chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm, và dịch cúm A/H7N9 trong nông hộ.
Đặc biệt, trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống gia cầm cho các tỉnh biên giới phía Bắc” tại 7 tỉnh biên giới gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu và Quảng Ninh. Trong 3 năm, từ 2014 đến 2016, dự án đã xây dựng và hỗ trợ 15 máy ấp nở, cung cấp 28.000 con gia cầm bố mẹ và tạo ra hơn 1,4 triệu con gia cầm thương phẩm, giúp giảm nguy cơ nhập lậu, góp phần phòng chống dịch bệnh, nâng cao năng lực sản xuất giống gia cầm tại chỗ cho cán bộ khuyến nông và nông dân chủ chốt cũng như tạo thói quen mua giống từ cơ sở ấp trứng, mua gia cầm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được tiêm phòng vắc - xin đầy đủ trước khi xuất bán cho người dân.
Các hoạt động thông tin tuyên tuyền của dự án cũng đóng góp vào việc nâng cao ý thức của người dân trong chăn nuôi. Dự án đã in gần 3.000 tờ gấp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học; đã có gần 100 bài viết truyền thông rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng Trung ương như VTV2, VTC16, Đài Tiếng nói Việt nam, các báo Kinh tế nông thôn, Nông nghiệp Việt Nam, Nông thôn ngày nay, Nhân dân, tạp chí Hội Chăn nuôi, đến bản tin, đài truyền thanh xã, đài phát thanh huyện và tỉnh.
Hoạt động đào tạo tập huấn trong và ngoài mô hình cho 1.000 lượt người chăn nuôi cũng góp phần nâng cao trình độ của người dân về chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học; nhiều hộ qua tập huấn đã mở rộng quy mô chăn nuôi và tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa tại địa phương.
Theo TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, với tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm hiện nay, để đảm bảo cho chăn nuôi gia cầm an toàn và bền vững, đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ và có sự tham gia quyết liệt của chính quyền và nhân dân địa phương. Khuyến khích các tỉnh duy trì tốt hoạt động các máy ấp, máy nở tại các huyện sát biên và phát triển đàn gia cầm bố mẹ để đảm bảo cung cấp gia cầm thương phẩm chất lượng cho nông dân vùng biên giới phía Bắc; thực hiện Công điện của Bộ Nông nghiệp và PTNT nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán giết mổ, tiêu thụ sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới; Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để người chăn nuôi từng bước chuyển dần từ chăn nuôi phân tán nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung. Hướng dẫn người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và theo hướng VietGAP. Các địa phương cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào dây chuyền giết mổ, chế biến và bao tiêu sản phẩm gia cầm, giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để ứng phó với dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp, đẩy mạnh chăn nuôi bền vững, ngành chức năng, các địa phương cần quy hoạch, rà soát lại quy hoạch các vùng chăn nuôi gia cầm gắn với an toàn dịch bệnh, kiểm soát môi trường. Các địa phương có giống gia cầm bản địa chất lượng cao, đặc sản (gà Tiên Yên, gà Đông Tảo, gà Hồ…), cần xem xét quy hoạch vùng giống nhân dân để quản lý chất lượng con giống, sản xuất với số lượng lớn cung cấp cho người chăn nuôi.
Về kỹ thuật, tổ chức lại hệ thống chọn lọc, nhân giống và cung ứng giống cho sản xuất. Chọn tạo các giống gà thả vườn có năng suất, chất lượng phù hợp với từng địa phương. Tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ. Khuyến khích sử dụng thức ăn công nghiệp tại các trang trại lớn, khuyến cáo và hướng dẫn nông dân sử dụng các nguyên liệu có sẵn (thóc, ngô,…). Giám sát chặt chẽ cúm gia cầm, chủ động tiêm phòng đầy đủ vắc - xin các bệnh dịch nguy hiểm theo quy định; thiết lập và chứng nhận các vùng an toàn dịch bệnh, cơ sở an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học.
Về tổ chức sản xuất, hướng dẫn người chăn nuôi phát triển sản xuất thành các gia trại, trang trại, liên kết trực tiếp với các doanh nghiệp hoặc thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã. Phổ biến các bài học kinh nghiệm về tổ chức lại liên kết giữa các khâu trong sản xuất chăn nuôi, tiến tới sản xuất theo chuỗi giá trị, hiệu quả kinh tế cao.
Trong 5 năm (từ năm 2011 - 2016), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai và quản lý 6 dự án khuyến nông trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm với quy mô 1.036.230 con, 9.739 hộ tham gia. Các dự án đã triển khai tập huấn kỹ thuật cho 8.148 lượt người trong và ngoài mô hình; tổ chức cho 6.470 người tham quan nhân rộng mô hình. |
Hải Đường
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.