Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 28 tháng 1 năm 2016 | 2:21

Chiều cuối năm giữa rừng Kon Chư Răng

Giữa rì rầm thác đổ, giữa vi vu gió đại ngàn, giữa bản hòa tấu của các loài chim, loài thú, ngồi nhâm nhi ly trà, nghe anh Trịnh Viết Ty, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và các anh em kiểm lâm kể về rừng, về những thuận lợi và khó khăn của người gác rừng, chúng tôi càng cảm nhận rõ niềm đam mê rừng của các anh. Vậy là một cuộc trải nghiệm, khám phá rừng trong những ngày giáp Tết bắt đầu.

Tuần tra giữ rừng của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.

Rừng Kon Chư Răng có tổng diện tích  15.446ha và là khu bảo tồn có độ che phủ cao nhất so với các khu rừng đặc dụng trên toàn quốc (99,6%). Tọa lạc trên một cao nguyên rộng lớn với đỉnh Kon Chư Răng cao 1.452m so với mặt nước biển, rừng nơi đây là dạng rừng thường xanh lá rộng hỗn giao với một số loại cây lá kim. Rừng Kon Chư Răng có 546 loại thực vật có mạch thuộc 376 chi, 122 họ, có 201 loài cây gỗ, 121 loài dược liệu, 48 loại cây cảnh. Về động vật có 62 loài thú, 169 loài chim, 161 loài bướm. Nơi đây cũng sở hữu nhiều thắng cảnh đẹp mê hồn mà điểm nhấn tuyệt vời nhất là thác 50 Kon Chư Răng với chiều cao 54m, cách Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen 80km, rất thích hợp cho các tour du lịch khám phá và nghỉ dưỡng giữa hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

Mang trong mình nhiều vốn quý như vậy nhưng công tác bảo vệ rừng ở đây còn gặp nhiều khó khăn, giữa mênh mông là rừng, cuộc sống nơi đây thiếu thốn đủ thứ. Có lần chị Chu Thị Phiến, Trưởng ban quản lý rừng Thạch Nham hỏi chúng tôi: “Nếu cho các anh ở đây một thời gian, các anh có dám ở không?”. Câu hỏi làm chúng tôi phải suy nghĩ bởi đường đến nơi đây còn hiểm trở, thức ăn chính vẫn là mì tôm và rau rừng; ở trạm còn tạm bợ và khó khăn hơn. Vậy mà những người giữ rừng nơi đây vẫn phải vượt qua giữa mưa rừng, rét buốt, muỗi vắt thường xuyên và thêm bệnh sốt rét rừng. Thật là cảm phục ! Phải có tình yêu rừng thật mãnh liệt mới trụ lại nơi đây dài lâu được. Như anh Ty, bỏ lại vợ con ở Hà Nội vào đây công tác từ năm 2004. Mỗi năm về phép vài lần, còn lại thường xuyên đón giao thừa giữa rừng sâu.

Thác 50 Kon Chư Răng giữa muôn sắc cầu vồng.

Trong điều kiện khó khăn như vậy nhưng so với khi bàn giao thì độ che phủ tăng thêm 1,4%, rừng giàu tăng 3 lần, rừng nghèo, rừng non giảm 29 lần, đất trống đồi núi trọc giảm 3 lần. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực vượt bậc của ban lãnh đạo và cán bộ công nhân viên Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, sự đồng lòng của cộng đồng, sự quan tâm của các cấp quản lý. Tuy nhiên công tác đầu tư vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ và chưa tương xứng với giá trị mà rừng Kon Chư Răng xứng đáng được đầu tư, vì vậy trong thời gian tới tỉnh Gia Lai cần quan tâm hơn trong công tác đầu tư theo Quyết định 128A/QĐ - UB của UBND tỉnh Gia Lai ký ngày 12/10/2011 đầu tư giai đoạn II ( 2011 - 2020 ) là 49,855 tỷ đồng.

Rời rừng Kon Chư Răng trong chiều vàng nhung nhớ, hy vọng nơi đây sẽ là vốn quý được bảo vệ nghiêm ngặt và đầu tư đúng tầm. Cảm ơn các cán bộ trong Ban quản lý Khu bảo tồn đã cho chúng tôi một khám phá thú vị về rừng Kon Chư Răng, chúc các anh một mùa xuân ấm áp, tươi vui giữa núi rừng vang tiếng nhạc xuân.

Huỳnh Ngọc

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top