Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 14 tháng 12 năm 2018 | 13:59

Chuyện “giữ chân” bác sĩ ở rẻo cao Bắc Hà

Trước thông tin một số bác sĩ, nhất là bác sĩ có chuyên môn “chắc”, ở một số bệnh viện vùng cao xin nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau, chúng tôi đến thăm Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà (Lào Cai) để tìm hiểu chuyện “giữ chân” bác sĩ ở lại gắn bó với địa phương.

tr8.JPG
Công tác chăm sóc trẻ sinh non, thiếu tháng tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà có nhiều chuyển biến.

 

Chuyện về bác sĩ Cu Seo Xay

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Cu Seo Xay, Phó trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà), cho biết: Từ đầu năm 2017 đến nay, bệnh viện đã cứu sống thành công 5 trường hợp sinh non, thiếu tháng, thậm chí có trường hợp sinh rất non. Với bé gái 27 tuần, nặng 900g là trường hợp “đặc biệt”, bé là con một sản phụ song thai ở xã Nậm Đét. Đến nay, sau quá trình điều trị tích cực trong lồng ấp, các chỉ số sống đã ở ngưỡng an toàn, cháu bé có thể tự bú mẹ. Các bác sĩ rất phấn khởi.

Với các huyện vùng cao, khó khăn trong tỉnh Lào Cai, việc cứu sống thành công các trường hợp sinh non, thiếu tháng được xem là “kì tích”, bởi đòi hỏi trình độ chuyên môn, tay nghề cao của bác sĩ. Ở Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà, kết quả đó bắt nguồn từ sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ nhưng quan trọng nhất là bác sĩ người Mông Cu Seo Xay.

Xay sinh năm 1984, có thâm niên hơn 8 năm gắn bó với bệnh viện. Chị là kết quả từ đề án “Đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao” mà Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà đang nỗ lực thực hiện nhiều năm nay. Là người dân tộc thiểu số (DTTS) địa phương, sinh ra và lớn lên tại xã nghèo Thải Giàng Phố, tuổi thơ của Xay gặp nhiều vất vả, thiệt thòi, tưởng chừng không thể được đi học. Nhưng nhờ được nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho theo học bán trú, từ đó chị mới có thể “hiện thực hóa” ước mơ trở thành bác sĩ.

Sau khi học xong trình độ bác sĩ chuyên khoa I, về địa phương công tác, chị Xay được đề bạt, bổ nhiệm làm Phó trưởng khoa Nhi từ cuối tháng 9/2018. Kết quả này từ sự cố gắng phấn đấu của bản thân nhưng hơn hết nhờ sự quan tâm, tin tưởng, tạo điều kiện của ngành cử đi học “chuyên môn sâu”. Chị bày tỏ: “Khi đã học xong sau đại học, tôi được nhiều bệnh viện tư nhân dưới xuôi có lời mời khá “hấp dẫn”. Họ hứa hẹn, thuyết phục bằng viễn cảnh thay đổi mức sống với mức lương cao… khiến tôi không ít lần “trăn trở”, suy nghĩ, đấu tranh tư tưởng”.

Nhưng rồi, Xay đã chọn “ở lại”, chị bảo: Vẫn biết nếu chuyển công tác, thu nhập sẽ cao hơn, có thể cải thiện cuộc sống gia đình, nhưng nếu tôi đi, bệnh viện sẽ rất khó tìm được bác sĩ giỏi chuyên môn về nhi. Nếu không vì tình cảm với quê hương, với bệnh viện, đặc biệt với trẻ em DTTS  vùng cao, chắc tôi đã có quyết định khác. Tôi mong Nhà nước có thêm chính sách hỗ trợ, ưu tiên để bác sĩ DTTS yên tâm công tác, gắn bó với quê hương mình.

“Em nợ ân tình với mảnh đất rẻo cao này! Chính quê hương đã tạo điều kiện cho em được ăn học, trưởng thành, giờ đây mới có thể trở thành bác sĩ. Là người con đồng bào, em “thấm thía” nỗi cực nhọc, khó khăn của người dân quê mình nên không nỡ rời xa…”, Xay tâm sự.

Vòng xoáy thương mại hóa

Vùng cao Bắc Hà có đông đồng bào DTTS sinh sống. Tại nhiều xã vùng đồng bào DTTS, người dân đã “quen” khi nói tiếng địa phương, rất ngại giao tiếp, rụt rè, biết rất ít tiếng phổ thông. Để giao tiếp với bệnh nhân, bác sĩ người DTTS có nhiều lợi thế, bởi họ là con em đồng bào, am hiểu cuộc sống, phong tục tập quán địa phương và có thể trò chuyện bằng tiếng dân tộc. Chính những yếu tố này đã tạo nên sự tin tưởng, yên tâm điều trị của bệnh nhân người DTTS.

Anh Trương Hùng Thanh, cán bộ y tế người Tày, có thâm niên hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp y tế địa phương, hiện đang đảm nhiệm Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà,  cho hay: “Vì lo lắng chuyện mất bác sĩ nên bệnh viện đang xây dựng đề án để “giữ chân”. Tuy nhiên, đây thực sự là bài toán nan giải, rất khó thực hiện. Khi đơn vị đang nỗ lực phấn đấu để sớm đạt các tiêu chí của bệnh viện hạng II, cần ưu tiên cho công tác phát triển nguồn nhân lực y tế có chất lượng, cử bác sĩ đi học “chuyên môn sâu”, để họ vững chuyên môn, tay nghề, thì lại phải lo: Liệu có thể “giữ chân” bác sĩ ở lại hay không?”.

Theo bác sĩ Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà, trước vòng xoáy thương mại hóa và lời mời “hấp dẫn” của bệnh viện tư, một số bác sĩ có tư tưởng “dao động”, đặt ra cho bệnh viện nhiệm vụ cấp thiết: Làm thế nào để “giữ chân” bác sĩ giỏi, đặc biệt với bác sĩ người DTTS địa phương?

Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà đã thực hiện cơ chế tự chủ, cũng có nhiều vấn đề tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám - chữa bệnh. Do vậy, muốn đảm bảo chăm lo đời sống cán bộ, y - bác sĩ, cần tăng thu, giảm chi và thực hành tiết kiệm. Thế nhưng, ngặt nỗi địa phương còn khá nhiều khó khăn. 

Do đó, bệnh viện sẽ nỗ lực khắc phục khó khăn, chung sức thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chuyên môn. Mong mỏi lớn nhất hiện nay là mỗi cán bộ, y - bác sĩ cần vững niềm tin, để có thể gắn bó, cống hiến, ở lại với đồng bào… 

Nhiều bác sĩ đứng giữa “ngã 3 đường”, phải cân nhắc, lựa chọn giữa tình cảm quê hương, tình thương gia đình và việc đầu quân cho các bệnh viện tư để có cơ hội cải thiện mức sống. Dù vậy, vẫn có nhiều bác sĩ DTTS đã chọn “ở lại” với quê hương.

Chia tay chúng tôi, bác sĩ Phương hẹn ngày gặp lại, chị nhờ tư vấn để thành lập website riêng cho bệnh viện. “Bệnh viện đã thực hiện được nhiều phần việc, từ việc cứu sống nhiều trường hợp sinh non tháng đến các ca suy thận, chạy thận; mổ thành công trường hợp u xơ tử cung buồng trứng xoắn, kích thước lớn bảo toàn tính mạng thai nhi... Người địa phương dân trí chưa cao, cần tuyên truyền, vận động, thuyết phục qua những việc thực, người thực để nhân dân thấy được những tiến triển của bệnh viện, tin tưởng vào bác sĩ và ngành y tế địa phương”, bác sĩ Phương tâm sự.

 

 

Khuất Linh
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top