Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 25 tháng 5 năm 2021 | 15:8

Cơ hội tiêu thụ nông sản trong thách thức của đại dịch Covid-19

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu nông sản thực phẩm trên thị trường giảm, nhiều mặt hàng tiêu thụ khó khăn. Nhiều địa phương đã tạo nhiều cơ hội để tiêu thụ nông sản thuận lợi, hạn chế rủi ro.

untitled-1-copy.jpg
 Đóng gói rau sạch tại Hợp tác xã Rau sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Việt Cường

 
Hà Nội: Đa dạng hóa kênh tiêu thụ nông sản

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho biết, từ đầu tháng 5-2021 đến nay, việc tiêu thụ rau an toàn giảm cả về số lượng và giá cả. Hiện tại, mỗi ngày hợp tác xã chỉ bán được 1-2 tấn rau cho các siêu thị, giảm 30% so với tháng 4-2021 và lượng tiêu thụ tại các chợ đầu mối, bếp ăn tập thể mỗi ngày vào khoảng 20-25 tấn, giảm 50% so với tháng 4-2021.

Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Hòa Phú (huyện Quốc Oai) Lê Đình Bình, gia cầm lại đối mặt với việc giá giảm mạnh, hiện gà ta thả vườn dao động trong khoảng 60.000-80.000 đồng/kg, trứng gà 900-1.200 đồng/quả, giảm 20-30% về giá so với tháng 4-2021 và lượng tiêu thụ cũng giảm. Nếu tình hình này kéo dài, người chăn nuôi gia cầm tiếp tục đối mặt với nguy cơ thua lỗ.

Khó khăn chưa dừng lại ở đó, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản thông tin, sắp tới việc tiêu thụ quả vải và một số loại trái cây vụ hè khác như dưa hấu, xoài, thanh long, chôm chôm, nhãn... cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Ước tính niên vụ 2021, sản lượng vải của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên đạt 250.000 tấn; trong đó tiêu thụ quả tươi xuất khẩu chiếm 50% và tập trung chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp sẽ tạo áp lực lớn cho xuất khẩu.

Về những khó khăn trong tiêu thụ nông sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, thời điểm hiện tại dịch Covid-19 đã lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố, cản trở việc lưu thông hàng hóa. Thời gian tới, nhiều sản phẩm nông nghiệp, nhất là trái cây sẽ vào vụ thu hoạch và Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính nên sẽ tạo áp lực lớn về tiêu thụ cho người nông dân và doanh nghiệp. Mặt khác, những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đã, đang khiến chi phí sản xuất, lưu kho, bảo quản nông sản tăng cao; cùng với đó là hoạt động kinh doanh bị đứt đoạn, giao thương hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới bị chậm...

Hóa giải một phần khó khăn này, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong (huyện Mê Linh) Nguyễn Thế Lâm tính toán, cùng với việc tiêu thụ cây ăn quả tại các kênh thương mại truyền thống, hợp tác xã sẽ đẩy mạnh bán hàng trực tuyến (online); trên mạng xã hội như Facebook, Zalo... Tuy nhiên, về lâu dài các ngành chức năng cần hỗ trợ hợp tác xã trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp, đưa nông sản lên “Chợ thương mại điện tử” của thành phố; đồng thời triển khai các gói tín dụng đặc thù đối phó với dịch Covid-19, trong đó có việc khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới với lãi suất ưu đãi để nông dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Ở góc độ doanh nghiệp tiêu thụ nông sản cho nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce Nguyễn Thị Phương cho biết, Vincommerce gồm 122 siêu thị, đại siêu thị và 2.300 cửa hàng tiện ích Vinmart+ tại 58 tỉnh, thành phố trên cả nước. Vincommerce sẽ tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản ở các tỉnh, thành phố, đặc biệt đối với các loại trái cây như vải, nhãn... và các loại rau đến kỳ thu hoạch, nhằm chia sẻ khó khăn với nông dân, hợp tác xã.

Còn Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, ngành Nông nghiệp thành phố Hà Nội đã và đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường liên kết chuỗi để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ các mặt hàng nông sản đến kỳ thu hoạch; đồng thời, thúc đẩy tiêu thụ qua hệ thống “Chợ thương mại điện tử”, trên các kênh phân phối hiện đại.

Để giảm áp lực tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, cùng với việc phát triển nhiều loại hình bán lẻ online, các nhà máy chế biến nông sản cần tăng công suất, tập trung vào phân khúc hàng khô, sơ chế, sản phẩm cấp đông, thủy sản đồ hộp, gia cầm chế biến, nước quả cô đặc, trái cây ép đóng lon… Mặt khác, các tỉnh, thành phố cần thông tin kịp thời về tình hình sản xuất, lưu thông nông sản tại địa phương để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường; đồng thời thành lập các trung tâm thu mua nông sản cơ động tại các tỉnh, kiểm soát thu mua từ hợp tác xã để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Cùng với đó là nhân rộng các hình thức liên kết sản xuất tiêu thụ và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản bên cạnh thị trường truyền thống.

Vĩnh Phúc: Tiêu thụ nông sản bằng hình thức trực tuyến

Hiện nay, nhiều đơn vị sản xuất, cung ứng nông sản trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động bán hàng trực tuyến nhằm nhằm tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid -19, đồng thời tạo thêm kênh mua sắm an toàn cho người tiêu dùng.

Là một trong những HTX sản xuất rau an toàn có tiếng của tỉnh, những tháng cao điểm, HTX rau an toàn Vĩnh Phúc, xã Kim Long(Tam Dương) cung ứng ra thị trường khoảng 10 tấn rau/tuần, với kênh tiêu thụ chủ yếu là bếp ăn tập thể trong các trường học.

Nhờ việc kết nối được với các trường học trong tiêu thụ sản phẩm, HTX hoàn toàn chủ động được kế hoạch sản xuất.

 

1_2.jpg
HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh (Tam Dương) cung ứng nông sản cho siêu thị Co.opmart Vĩnh Phúc qua đơn đặt hàng online. Ảnh: Thế Hùng

 
Đây được xem là một lợi thế lớn của HTX. Thế nhưng, khi dịch Covid 19 bùng phát, lợi thế này không được phát huy, bởi các trường học tạm thời đóng cửa, rau đến vụ thu hoạch không có chỗ tiêu thụ.

Chị Kiều Thị Huệ, Giám đốc HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc cho biết: "Khi dịch bệnh bùng phát, các trường học tạm đóng cửa cho học sinh nghỉ học, nên việc chuyển đổi qua kênh khác gặp nhiều khó khăn.

Đợt dịch hồi cận Tết Nguyên đán vừa qua và đợt dịch trong tháng 5 này, nhiều diện tích đến vụ thu hoạch phải hủy bỏ vì không có người mua. Đi bán lẻ tại các chợ cũng chả đáng bao nhiêu”.

Khắc phục việc phụ thuộc vào một kênh tiêu thụ, từ cuối năm 2020 vừa qua, HTX bắt đầu triển khai hình thức kinh doanh qua mạng thông qua fanpage của HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song đến nay, HTX đã dần tìm ra hướng đi phù hợp. Để thúc đẩy kênh bán hàng trực tuyến, bên cạnh việc xây dựng mạng lưới cộng tác viên, từ đầu năm 2021, HTX đã lên kế hoạch sản xuất các mặt hàng mang tính cao cấp và ít phổ biến hơn như: Bí ngô non, bí đao chanh, đậu đỗ... để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.

HTX đang chuẩn bị để tạo lập website riêng, vừa để quảng bá sản phẩm, vừa phát triển kênh bán hàng trực tuyến. Từ đó mở rộng thị trường, gia tăng cơ hội phát triển.

Khác với HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc, hoạt động bán hàng trực tuyến của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Taca (TacaFarm), xã Hồng Phương (Yên Lạc) đã được xây dựng và phát triển ngay từ khi HTX đi vào hoạt động với fanpage chuyên giới thiệu sản phẩm và bán hàng là Taca Mart.

Chia sẻ về hiệu quả của kênh bán hàng này, anh Nguyễn Văn Cường, Giám đốc TacaFarm cho biết: Trước đây, online không phải là kênh đem lại lợi nhuận chính cho HTX. Nguồn thu chính của HTX vẫn là qua kênh trường học và qua các cửa hàng thực phẩm sạch.

Tuy nhiên, khi dịch Covid -19 bùng phát, các trường học đóng cửa, thì đây lại là kênh đem lại hiệu quả nhất, chiếm 50% doanh thu của HTX.

Do đó, để thúc đẩy kênh này phát triển hơn nữa, trong thời gian tới, HTX sẽ mở một cửa hàng đồng thời là điểm trung chuyển tại Hà Nội để thuận tiện cho việc vận chuyển, giao hàng.

Không riêng gì các đơn vị sản xuất, cung ứng nông sản có danh tiếng, uy tín, nhiều cá nhân, nông hộ cũng chủ động đăng tải các bài viết bán hàng online trên các nền tảng trực tuyến như facebook, zalo để tìm kiếm khách hàng cũng như tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản hiện nay.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cùng với việc thực hiện giãn cách xã hội khiến cho xu hướng tiêu dùng dần thay đổi từ mua sắm truyền thống sang mua sắm online.

Đây được xem là cơ hội để các đơn vị kiện toàn hệ thống bán hàng, thúc đẩy việc bán nông sản trực tuyến và giao hàng tận nơi phát triển.

Tuy vậy, việc phát triển kênh bán hàng trực tuyến không phải là dễ dàng mà do các mặt hàng nông sản thường có thời gian sử dụng ngắn, dễ bị hư hỏng gây khó khăn trong công tác vận chuyển, giao hàng.

Với kinh nghiệm gần 5 năm trong tiêu thụ nông sản online, Anh Nguyễn Văn Cường, Giám đốc HTX và Dịch vụ Taca cho biết thêm: "Khác với các mặt hàng khác, rau củ quả giao đến người tiêu dùng phải được thực hiện trong thời gian sớm nhất để đảm bảo độ tươi ngon.

Nếu như chậm trễ, nhất là trong điều kiện nắng nóng như hiện nay, rau củ quả dễ bị hư hỏng, không đảm bảo chất lượng.

Do vậy, HTX luôn chủ động, thu hoạch và giao hàng cho khách trước 7h sáng, vừa đảm bảo sản phẩm được tươi ngon, vừa kịp thời gian trước khi đi làm của khách hàng".

Để tận dụng thời cơ, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trực tuyến, bên cạnh việc nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, thì các đơn vị sản xuất và cung ứng nông sản cũng cần quan tâm giải quyết các vấn đề liên quan tới công tác vận chuyển, bảo quản và thời gian sử dụng. Có như vậy, việc tiêu thụ nông sản online mới được phổ biến.

Hải Dương: Vải Thanh Hà "đắt khách" trên chợ thương mại điện tử

Ngày 24/5, vải Thanh Hà chính thức lên sàn thương mại điện tử Sendo.

Sau 4 giờ lên sàn, nhiều khách hàng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã đặt mua với tổng khối lượng 3 tấn. Nhà cung cấp và Sendo đang triển khai chính sách kinh doanh không lợi nhuận, hỗ trợ giá để người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm đúng nguồn gốc. Hiện giá mua tại vườn của vải đưa lên sàn là 25.000 đồng/kg, song giá niêm yết tại sàn chỉ từ 18.000 đồng/kg.

 

vaithanhhatrensansendo.jpg
Vải Thanh Hà chính thức lên sàn Sendo.

 

Ngoài ra, khi đặt mua vải Thanh Hà trên sàn Sendo, khách hàng còn được ưu đãi 1.000 mã miễn phí vận chuyển, tối đa 30.000 đồng/mã áp dụng cho mọi hình thức thanh toán. Nếu thanh toán qua ứng dựng ZaloPay sẽ có thêm 1.500 mã vận chuyển, tối đa 35.000 đồng/mã. Chương trình áp dụng từ ngày 24-27.5.

Ngoài sàn Sendo, vải Thanh Hà đang được bán trên 2 sàn thương mại điện tử khác là Voso và Lazada./.



Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top